Trong lịch sử triết học có rất nhiều quan niệm khác nhau về quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp. Có quan điểm cho rằng đấu tranh giai cấp là mang tính vĩnh cửu và tuyệt đối hoặc phủ nhận quá trình đấu tranh giai cấp trong lịch sử. Vậy Đấu tranh giai cấp là gì? và việc đấu tranh giai cấp có vai trò như thế nào?
Đấu tranh giai cấp là gì?
Đấu tranh giai cấp là sự căng thẳng hoặc đối kháng tồn tại trong xã hội do cạnh tranh về lợi ích kinh tế xã hội và mong muốn giữa người dân của các tầng lớp khác nhau.
Sự xuất hiện giai cấp trong xã hội là tất yếu khách quan do sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn tới chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; trong xã hội có giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến đấu tranh giai cấp; giai cấp vô sản chỉ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi hội tụ đủ điều kiện khách quan và chủ quan cần thiết.
Đấu tranh giai cấp là một quá trình cải biến xã hội chẳng những chỉ giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, mà còn giải quyết mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, cũng như nó còn có tác dụng cải tạo bản thân các giai cấp tiến bộ và cách mạng.
Vai trò của đấu tranh giai cấp
Chúng ta đã tìm hiểu được Đấu tranh giai cấp là gì? qua nội dung đã phân tích ở trên, đấu tranh giai cấp có vai trò như sau:
– Là một trong những động lực phát triển của xã hội có giai cấp
Đấu tranh giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng xã hội để thay thế phương thức sản xuất cũ bằng một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. Phương thức sản xuất mới ra đời mở ra địa bàn mới cho sự phát triển của sản xuất xã hội. Đến lượt mình, sản xuất phát triển sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ đời sống xã hội.
– Đấu tranh giai cấp góp phần xóa bỏ các thế lực phản động, lạc hậu, đồng thời cải tạo cả bản thân giai cấp cách mạng.
Ví dụ như giai cấp tư sản trong thời kỳ cuối của chế độ phong kiến, thời kỳ đầu của chế độ tư bản là giai cấp cách mạng. Giai cấp vô sản khi vừa ra đời, giương cao ngọn cờ chống áp bức, bóc lột là giai cấp cách mạng.
Giai cấp nào đại biểu cho phương thức sản xuất mới, giai cấp đó sẽ lãnh đạo cách mạng. Thành tựu mà loài người đạt được trong tiến trình phát triển của lực lượng sản xuất, cách mạng khoa học và công nghệ, cải cách về dân chủ và tiến bộ xã hội… không tách rời cuộc đấu tranh của các giai cấp tiến bộ chống lại các thế lực thù địch, phản động.
– Đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh sau cùng trong lịch sử xã hội có giai cấp.
Đây là cuộc đấu tranh khác về chất so với các cuộc đấu tranh trước đó trong lịch sử. Bởi vì mục tiêu của nó là thay đổi về căn bản sở hữu tư nhân bằng sở hữu xã hội.
+ Trước khi giành được chính quyền, nội dung của đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chính trị.
+ Sau khi giành được chính quyền (ví dụ như tại Nga sau cách mạng tháng Mười, tại Việt Nam sau cách mạng tháng Tám), thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản, mục tiêu và hình thức đấu tranh giai cấp cũng thay đổi.
Mục tiêu của cuộc đấu tranh sau khi giành chính quyền là giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền của nhân dân; tổ chức quản lý sản xuất, quản lý xã hội, bảo đảm tạo ra một năng suất lao động xã hội cao hơn, trên cơ sở đó thủ tiêu chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội mới, công bằng, dân chủ và văn minh.
Tính tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Ở những nước giai cấp vô sản đã lên nắm chính quyền thì cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp bóc lột vẫn tiếp tục vì những lý do cơ bản sau:
– Sự chống đối của giai cấp bóc lột đã mất chính quyền trở nên đặc biệt gay gắt hòng giành lại chính quyền và những lợi ích, của cải đã mất.
– Trong một thời gian dài sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, những cơ sở vật chất để nảy sinh giai cấp bóc lột và sự phân chia giai cấp vẫn tồn tại.
Do vậy, giai cấp công nhân phải tổ chức xây dựng một hệ thống quan hệ xã hội mới theo yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và định hướng các thành phần kinh tế đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngoài ra, giai cấp vô sản cũng phải từng bước khắc phục những tư tưởng, tâm lý, tập quán văn hóa… còn lạc hậu của xã hội cũ còn in sâu vào đời sống tinh thần của xã hội.
– Bọn đế quốc, các thế lực thù địch, phản động ở bên ngoài luôn câu kết với các lực lượng chống đối ở trong nước hòng âm mưu lật đổ chính quyền của nhân dân, can thiệp phá hoại những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, đấu tranh giai cấp trong giai đoạn quá độ hiện nay cũng là một tất yếu. Do bối cảnh lịch sử của quá trình hình thành giai cấp và điều kiện mới của xu thế quốc tế hóa, cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam có những đặc điểm riêng.