Kế toán (Accounting)
Kế toán trong tiếng Anh là Accounting.
Kế toán là quá trình phân loại, ghi chép, tổng hợp những hiện tượng kinh tế phát sinh tại một doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp cho các đối tượng sử dụng thông tin.
Nhiệm vụ của kế toán
– Ghi nhận, phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong một tổ chức, một đơn vị kinh tế trên cơ sở các chứng từ kế toán
– Phân loại và tập hợp các nghiệp vụ: Kế toán tập trung các nghiệp vụ cùng loại với nhau để theo dõi và quản lí từng loại nghiệp vụ phát sinh trong doanh nghiệp
– Tổng hợp số liệu: Sau một kì kinh doanh, kế toán sẽ tổng hợp các nghiệp vụ đã được phản ánh và xếp loại trong sổ sách kế toán. Tổng hợp có nghĩa là tính ra tổng số của từng loại nghiệp vụ cần quản lí, sắp xếp và trình bày trên báo tài chính
– Cung cấp số liệu cho nhà quản lí và các đối tượng liên quan: Nhiệm vụ cơ bản của kế toán là cung cấp số liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của một đơn vị kế toán bằng các báo cáo kế toán
Vai trò của kế toán trong một tổ chức
Các thông tin kế toán giúp cho nhà quản lí đánh giá được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ giúp mở rộng thị phần, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Về cơ bản, kế toán là một phương thức đo lường, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu kinh tế của toàn xã hội. Các yêu cầu thông tin ít hay nhiều, thô sơ hay phức tạp đều có chung thuộc tính là biểu hiện bằng tiền về tình hình sử dụng và sự biến động các tài nguyên kinh tế.
Các khái niệm kế toán được thừa nhận
1. Khái niệm cân đối kế toán (Dual aspect concept)
Tài sản = Nguồn vốn
Hay Tổng tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu
2. Khái niệm thước đo tiền tệ (Money measurement concept)
Kế toán phải qui đổi tất cả sự việc thuộc đối tượng của kế toán về một đơn vị đồng nhất là tiền tệ (ở Việt Nam là đồng Việt Nam).
3. Khái niệm tổ chức – đơn vị kế toán (Entity concept)
Về mặt kế toán, mỗi doanh nghiệp được xem là một tổ chức độc lập với chủ sở hữu, độc lập với doanh nghiệp khác.
4. Khái niệm hoạt động liên tục (Going – concern concept)
Kế toán giả thuyết rằng một doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động liên tục không thời hạn trừ khi có sự khẳng định chắc chắn về việc giải thể.
5. Khái niệm giá gốc (Historical Cost concept)
Mọi tài sản của doanh nghiệp mua vào được ghi nhận theo giá gốc, không chịu ảnh hưởng của giá thị trường:
– Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.
– Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.
Nguyên tắc này nhằm ghi nhận đúng thực tế khách quan của giá trị tài sản khi hình thành. Vì vậy, cần phân biệt giữa giá gốc của tài sản và giá trị thực tế của tài sản.
6. Khái niệm thận trọng (Convervatism concept)
Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có các bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh.
7. Khái niệm có thể thực hiện (Realization concept)
Ghi nhận, phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo đúng thực tế. Ví dụ, chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng khi việc giao hàng đã hoàn thành, người mua chấp nhận thanh toán.
8. Khái niệm phù hợp (Matching concept)
Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.
(Nguồn tham khảo: Kế toán Mỹ – Đối chiếu kế toán Việt Nam, TS. Phan Đức Dũng)