ADAS là gì?
ADAS là viết tắt của Advanced Driver Assistance Systems, có nghĩa là hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao. Đây là một hệ thống điện tử hỗ trợ người điều khiển phương tiện lái xe an toàn và thuận tiện hơn.
Hệ thống hỗ trợ lái nâng cao ADAS đã được chứng minh có thể làm giảm tỷ lệ tai nạn khi tham gia giao thông bằng cách giảm khả năng mắc lỗi của người điều khiển phương tiện thông qua các chức năng cảnh báo thông minh như: Cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo lệch làn đường, phát hiện điểm mù, phát hiện tài xế buồn ngủ, kiểm soát đổ đèo, hệ thống nhìn ban đêm, hệ thống hỗ trợ đỗ xe… Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bảo hiểm An toàn Đường bộ Hoa Kỳ, hệ thống tránh va chạm có thể giảm 27% tai nạn ô tô từ phía sau; hệ thống cảnh báo lệch làn đường có thể giảm 21% số vụ tai nạn thương vong; hệ thống phát hiện điểm mù có thể giảm 14% tai nạn va chạm trong làn đường.
Lịch sử phát triển của ADAS
Cuối năm 1970, nhiều công nghệ hỗ trợ an toàn đã xuất hiện trên các loại xe ô tô của Mỹ, điển hình như hệ thống chống bó cứng phanh điện tử (ABS). Đây được xem là một trong những tính năng an toàn nổi bật của ADAS.
Đến đầu những năm 2000, hệ thống ADAS bắt đầu phổ biến ở Hoa Kỳ với một số tính năng cảnh báo an toàn như: Kiểm soát tầm nhìn ban đêm, điều khiển hành trình bằng laser động, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường…
Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ đã thông báo tất cả các phương tiện mới dưới 10.000 pound (4.500 kg) bắt buộc phải có camera giám sát phía sau. Ngoài camera này, các nhà sản xuất xe đã phát triển một số công nghệ khác để tăng cường độ an toàn. Từ đó thiết bị hỗ trợ lái xe an toàn ADAS được sử dụng rộng rãi trên thế giới và nhận được hưởng ứng tích cực từ người sử dụng.
Nguyên lý hoạt động của ADAS
Thiết bị hỗ trợ lái xe ADAS hoạt động dựa trên các thông tin có được từ camera đa tính năng kết hợp với các cảm biến. Chúng được lắp đặt bên ngoài xe, chủ yếu ở phía trên, phía trước, phía sau và hai bên thân xe để ghi lại hình ảnh của nhiều đối tượng và ngôn ngữ ký hiệu giao thông như đường phố, phương tiện, biển báo đường bộ, người đi bộ và các đối tượng khác. Nhờ những thông tin được cung cấp, ADAS có khả năng phát hiện các nguy hiểm tiềm ẩn, từ đó đưa ra cảnh báo cũng như chủ động can thiệp trong những trường hợp người lái bị mất tập trung.
Phân loại các tính năng hỗ trợ lái xe an toàn
Có thể phân hệ thống hỗ trợ lái nâng cao ADAS thành bốn loại khác nhau: thích ứng, tự động, giám sát và cảnh báo.
Thích ứng
Hệ thống hỗ trợ lái thích ứng giúp xe thực hiện những điều chỉnh nhỏ để lái xe an toàn hơn dựa trên dữ liệu từ môi trường xung quanh. Điển hình như hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC – Adaptive Cruise Control) sử dụng cảm biến radar hoặc laser để phát hiện khoảng cách giữa các xe và tự động điều chỉnh tốc độ để duy trì khoảng cách tối ưu, đảm bảo an toàn.
Tự động
Hệ thống hỗ trợ an toàn tự động có thể tự kiểm soát chiếc xe trong trường hợp sắp xảy ra va chạm. Một trong những tính năng an toàn tuyệt vời phải kể đến của loại ADAS này là hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB). AEB giúp cảnh báo người lái xe khi tai nạn sắp xảy ra và tự động áp dụng phanh gấp để tránh va chạm.