Ai Cập Ở Đâu? Thuộc Châu Lục nào? Tổng quan về Ai Cập – Toidi.net

Ai cập ở đâu

Ai Cập ở đâu? Tổng quan về Ai Cập. Chuẩn bị kiến thức cơ bản về điểm đến luôn là việc cần thiết trước mỗi chuyến đi, giúp bạn cảm nhận những điều thú vị về nơi mình sắp đến cũng như tránh được những cú sốc văn hóa. Điều này đặc biệt đúng với Ai Cập, một đất nước quyến rũ nhưng vẫn còn lạ lẫm với du khách Việt Nam. Hãy cùng toidi.net tìm hiểu kỹ hơn về “xứ sở của các pharaoh” nhé.

Ai Cập ở đâu? Giới thiệu tổng quan về Ai Cập

  1. Tên nước: Cộng hòa Ả rập Ai Cập (Arab Republic of Egypt)
  2. Ngày quốc khánh: 28/02/1922
  3. Thủ đô: Cairo
  4. Dân số: 101.060.000 người (điều tra dân số năm 2020)
  5. Dân tộc: Ai Cập (đa số), Bedouin, Siwis, Nubian
  6. Hành chính: Ai Cập được chia thành 26 tỉnh và thành phố Luxor trực thuộc trung ương. Tỉnh là cấp hành chính địa phương cao nhất, dưới tỉnh theo thứ tự nhỏ dần lần lượt là khu – thành phố; tổng – quận; xã.
  7. Tiền tệ: Đồng bảng Ai Cập (Egyptian Pound – EGP, ký hiệu là LE)
  8. Tôn giáo: Hồi giáo
  9. Ngôn ngữ: Ả rập Ai Cập

Lịch Sử Ai Cập

Từ năm 4500 trước Công nguyên, người Ai Cập bắt đầu làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và đã biết dùng dương lịch có 365 ngày/năm. Khoảng năm 4000 trước Công nguyên, người Ai Cập cổ bắt đầu sử dụng chữ tượng hình.

  • Thời kỳ Sơ triều đại (năm 3100 – 2686 trước Công nguyên)

Khoảng năm 3150 trước Công nguyên, Menes chinh phục Thượng và Hạ Ai Cập, thành lập vương quốc thống nhất, khởi đầu cho một loạt triều đại cai trị Ai Cập trong ba thiên niên kỷ sau đó.

  • Thời kỳ Cổ vương quốc (năm 2686 – 2181 trước Công nguyên)

Đây là giai đoạn đầu tiên Ai Cap đạt đến đỉnh cao của nền văn minh, trong đó có sự kiện xây dựng kim tự tháp. Vào năm 2200 trước Công nguyên, cuối thời kỳ trị vì của Pharaoh Pepi II, chế độ hoàng quyền bắt đầu suy yếu. Thêm vào đó, nạn hạn hán nghiêm trọng từ giữa năm 2200 đến 2150 trước Công nguyên được cho là nguyên nhân khiến Egypt trải qua 140 năm của nạn đói và xung đột, được gọi là thời kỳ Chuyển tiếp lần thứ nhất.

  • Thời kỳ Chuyển tiếp lần thứ nhất (năm 2181 – 2055 trước Công nguyên)

Với nhiều biến động chính trị, đây thường được mô tả như thời kỳ đen tối của Ai Cập cổ đại. Năm 2055 trước Công nguyên, Mentuhotep II thuộc gia tộc Intef đã đánh bại các vị vua Heracleopolis, thống nhất Ai Cập dưới một thời kỳ cai trị quân chủ mới.

  • Thời kỳ Trung vương quốc (năm 2055 – 1795 trước Công nguyên)

Các Pharaoh thời Trung vương quốc đã chấn hưng đất nước, củng cố bộ máy chính quyền, phát triển quân sự, nông nghiệp, nghệ thuật và tôn giáo. Tuy nhiên, các hoạt động đầy tham vọng của Amenemhat III, vị Pharaoh vĩ đại cuối cùng của thời kỳ, cùng với lũ lụt sông Nile nghiêm trọng đã gây nên căng thẳng kinh tế và dẫn đến sự suy yếu trong thời kỳ Chuyển tiếp lần thứ hai.

  • Thời kỳ Chuyển tiếp lần thứ hai (năm 1795 – 1550 trước Công nguyên)

Năm 1650 trước Công nguyên, người Hyksos thành lập vương triều gốc ngoại quốc đầu tiên ở Egypt , định đô tại Avaris. Sau đó, một đội quân Thượng Ai Cập dưới sự chỉ huy của Ahmose I đã đẩy lui người Hyksos, mở ra thời kỳ Tân vương quốc.

  • Thời kỳ Tân vương quốc (năm 1550 – 1069 trước Công nguyên)

Giai đoạn này đánh dấu việc Ai Cập vươn lên thành một cường quốc quốc tế, bành trướng với quy mô chưa từng thấy. Một số vị Pharaoh nổi tiếng là Hatshepsut (nữ Pharaoh đầu tiên), Thutmose III, Akhenaten cùng vợ là Nefertiti, Tutankhamun và Ramesses II. Năm 1130 trước Công nguyên, tình hình chính trị rối ren, tham nhũng hoành hành, xã hội bất ổn. Các đại tư tế Amun ở Thebes thâu tóm những vùng đất rộng lớn giàu có, và mở rộng quyền lực của họ ra khắp đất nước trong thời kỳ Chuyển tiếp lần thứ ba.

  • Thời kỳ Chuyển tiếp lần thứ ba (năm 1069 – 653 trước Công nguyên)

Năm 1078 trước Công nguyên, Smendes trở thành Pharaoh cai trị phần phía bắc của Egypt trong khi miền nam nằm dưới sự kiểm soát của các đại tư tế Amun ở Thebes. Năm 727 trước Công nguyên, vua Piye của người Kush ở Nubia chiếm được Thebes, thống nhất hai miền nam bắc, và thiết lập vương triều thứ 25. Triều đại này đã mở ra thời kỳ phục hưng cho Ai Cập cổ đại.

  • Thời kỳ Hậu nguyên (năm 652 – 332 trước Công nguyên)

Năm 525 trước Công nguyên, dưới sự chỉ huy của Quốc vương Cambyses II, quân Achaemenes Ba Tư đã đánh bại quân Egypt trong trận Pelusium và bắt sống Pharaoh Psamtik III. Giai đoạn người Ba Tư thống trị Egypt , còn được biết đến như vương triều thứ 27, kết thúc vào năm 402 trước Công nguyên.

Vương triều thứ 30 từ năm 380 đến 343 trước Công nguyên là triều đại bản địa cuối cùng, kết thúc với sự trị vì của Nectanebo II. Vương triều thứ 31 của người Ba Tư cũng không kéo dài lâu khi năm 332 trước Công nguyên, phó vương Ba Tư Mazaces đầu hàng và đem dâng Egypt cho vua Alexander Đại đế của Macedonia.

Xem thêm thông tin về nước Ai Cập trên wikipedia

Thời kỳ thuộc Hy Lạp – Vương triều Ptolemaeus (năm 332 – 30 trước Công nguyên)

Năm 305 trước Công nguyên, sau khi Alexander Đại đế băng hà, Ptolemy I lên nắm quyền, thiết lập vương triều Ptolemaeus và mở ra một triều đại cai trị nói tiếng Hy Lạp tồn tại gần ba thế kỷ. Alexandria trở thành thủ đô và trung tâm văn hóa học thuật. Vị quân chủ cuối cùng của dòng Ptolemaeus là Cleopatra VII. Năm 30 trước Công nguyên, bà tự sát cùng tình nhân Mark Anthony sau thất bại trước Octavian (Hoàng đế Augustus sau này) trong trận Actium.

  • Thời kỳ thuộc La Mã (năm 30 trước Công nguyên – 642)

Đây là thời kỳ mà văn hóa tôn giáo Ai Cập cổ thoái lui và biến mất. Giữa thế kỷ I, Cơ Đốc giáo du nhập vào Egypt và dần trở thành tôn giáo chính. Khả năng đọc chữ tượng hình dần biến mất, những ngôi đền cổ bị chuyển đổi thành nhà thờ Cơ Đốc giáo hoặc bị bỏ hoang. Đến thế kỷ VII, Hồi giáo được truyền bá vào Ai Cập.

  • Thời kỳ thuộc Ả rập (năm 642 – 1517)

Từ năm 639 đến 642, Ai Cập bị người Ả rập Hồi giáo xâm chiếm và chinh phục. Tiếng Ả rập được sử dụng ngày càng phổ biến và đến năm 706 thì trở thành ngôn ngữ chính thức tại Ai Cập cho tới ngày nay. Từ năm 969 đến 1517, Ai Cập bị cai trị bởi nhà Tulunid, Ikhshidid, Fatima, Ayyub, và Mamluk.

  • Thời kỳ thuộc Ottoman (năm 1517 – 1805)

Người Thổ Ottoman chinh phục Ai Cập vào năm 1517, lãnh thổ này sau đó trở thành một tỉnh của đế quốc Ottoman. Vào cuối giai đoạn này, Ai Cập bị quân Pháp của Napoleon Bonaparte xâm chiếm trong ba năm (1798 – 1801).

  • Thời kỳ thuộc Muhammad Ali (năm 1805 – 1953)

Năm 1805, một chỉ huy quân sự người Albania của quân đội Ottoman là Muhammad Ali đoạt được quyền lực. Ông mang tước hiệu Phó vương Ai Cập, song chỉ lệ thuộc Ottoman trên danh nghĩa. Ai Cập bị Anh chiếm đóng từ năm 1882. Họ chỉ hoàn toàn rút khỏi Ai Cập năm 1956 sau khi nhà Muhammad Ali bị phế truất. Mặc dù không có được trọn vẹn chủ quyền cai trị Ai Cập, nhà Muhammad Ali đã có đóng góp lớn trong việc kiến tạo Ai Cập hiện đại.

  • Thời kỳ Cộng hòa (năm 1953 – nay)

Do ảnh hưởng của phong trào dân chủ từ châu Âu, người Ai Cập lập nên các đảng phái chính trị, dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự năm 1952 và khai sinh nước Cộng hòa Ả rập Ai Cập năm 1953.

Những năm tiếp theo, Ai Cập liên minh mạnh mẽ với Liên Xô. Trong cuộc Chiến tranh sáu ngày năm 1967, Ai Cập mất bán đảo Sinai vào tay Israel. Năm 1970, Tổng thống Anwar Sadat nhậm chức, chuyển Ai Cập từ thân Liên Xô sang thân Mỹ. Năm 1973, Ai Cập và Syria phát động Chiến tranh tháng Mười, bất ngờ tấn công Israel nhằm giành lại bán đảo Sinai nhưng không thành công. Năm 1979, với sự giúp đỡ của Mỹ, Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel để đổi lấy Sinai.

Địa lý và khí hậu

Ai Cập là một quốc gia liên lục địa có phần lớn lãnh thổ nằm tại Bắc Phi cùng với bán đảo Sinai thuộc Tây Á. Ai Cập giáp Địa Trung Hải ở phía Bắc, giáp dải Gaza và Israel về phía Đông Bắc, biển Đỏ về phía Đông, Sudan về phía Nam, và Libya về phía Tây. Diện tích: 1.010.407,87 km2.

Ai Cập mang nền khí hậu Địa Trung Hải, đa số các tháng trong năm đều có khí hậu khô và nắng nóng. Nhiệt độ trong ngày trung bình từ 18 đến 22 độ C. Nhiệt độ nước biển ấm quanh năm, chỉ đôi khi giảm xuống dưới 20 độ C vào mùa đông.

+ Từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau: Các tháng mùa đông, thời tiết không quá nắng nóng nhưng nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm, đôi khi chỉ 8 độ C vào ban đêm. Đây cũng là thời điểm lý tưởng cho chuyến du lịch Ai Cập.

+ Từ tháng 3 đến tháng 5: Không nên đi du lịch vào thời gian này vì có bão cát sa mạc, kéo dài có khi đến cả tháng và rất khó chịu.

+ Từ tháng 6 đến tháng 9: Thời tiết chuyển sang mùa hè, nền nhiệt tăng cao lên 38 đến 40 độ C, thậm chí đạt 50 độ C ở khu vực sa mạc.

Chính trị và ngoại giao

Chính trị Ai Cập

Ai Cập trở thành một nước Cộng hòa từ ngày 18/06/1953, tuy nhiên, chính quyền Egypt bị nhiều nước coi là độc tài quân sự. Dù quyền lực trên danh nghĩa được tổ chức theo hệ thống bán tổng thống đa đảng, theo đó quyền hành pháp trên lý thuyết được phân chia giữa Tổng thống và Thủ tướng, trên thực tế hầu như chỉ một mình Tổng thống được bầu ra trong những cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên trong vòng hơn 50 năm qua.

Quan hệ ngoại giao Ai Cập – Việt Nam

Ai Cập là một trong những nước Ả rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Ngày 01/09/1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Egypt là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 11/2013.

Về trao đổi thương mại, Egypt hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Egypt nhập khẩu từ Việt Nam nhiều sản phẩm như gạo, cá basa, hạt tiêu, cà phê, hàng dệt may, phụ tùng ô tô, vải sợi, hàng tiêu dùng… Kim ngạch thương mại hai chiều bình quân hàng năm đạt 370 triệu USD.

Triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch đang rộng mở khi cả hai nước đều là điểm đến du lịch hấp dẫn, được du khách quốc tế yêu thích. Năm 2006, hai Chính phủ đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch. Hiện nay, số lượng khách du lịch Việt Nam sang Ai Cập tăng lên đều đặn, đạt khoảng 1.500 khách/năm. Phía Ai Cập có khoảng 1.000 khách/năm đến Việt Nam.

Thông tin về Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo (Ai Cập):

Địa chỉ: #8 Madina El Monawara st., Dokki, Cairo. Điện thoại: + 27(0)12 3628119. Fax: (202) 336 8612. Email: vinaemb@intouch.coms

Văn hóa và tôn giáo

Ai Cập là một quốc gia Hồi giáo truyền thống, do đó, bạn nên hạn chế thảo luận về các vấn đề tôn giáo và chính trị khi ở đây. Người Ai Cập rất hiếu khách, bắt tay là cách chào hỏi thông dụng. Phụ nữ Ai Cập thường ăn mặc kín đáo và trùm khăn giống như hầu hết phụ nữ ở các nước theo đạo Hồi. Họ rất e dè và ngại tiếp xúc với người lạ. Do đó, phụ nữ và nam giới thường hạn chế tiếp xúc với nhau và không bao giờ bắt tay nhau.

Một nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Egypt là họ luôn gặp gỡ trực tiếp và đứng đối diện để trò chuyện với nhau. Khi chào hỏi, bạn cần lưu ý đến cách gọi tên của người Egypt do tên của họ được viết bằng tiếng Ả rập, rất khó nhớ, có thể khiến bạn hiểu sai nghĩa.

Người Ai Cập quan niệm tay trái là không sạch sẽ, bạn nên hạn chế sử dụng tay trái trong giao tiếp, nhất là khi ăn. Chỉ ngón tay cái lên trời cũng được xem là cử chỉ xúc phạm người đối diện.

Tránh thể hiện tình cảm nơi công cộng bởi những hành động này không được khuyến khích ở Ai Cập. Các bạn cũng lưu ý ăn mặc kín đáo để thể hiện sự tôn trọng với văn hóa địa phương, đặc biệt khi bước vào các thánh đường Hồi giáo (áo che phủ tay và chân, khăn trùm đầu che kín tóc). Không mặc váy ngắn, quần short, áo hai dây, áo ba lỗ.

Lễ hội ở Ai Cập

Lễ hội sông Nile

Lễ hội bắt nguồn từ một truyền thuyết về nữ thần Aixirong. Khi chồng bà gặp nạn mà chết, nữ thần đã vô cùng đau đớn. Bà khóc than tới độ nước mắt rơi xuống biến thành lũ dâng ngập đôi bờ sông Nile. Người dân đã cùng nhau ca hát để xoa dịu nỗi đau thương của nữ thần. Ngoài ra, cũng nhờ nước sông dâng tràn vun đắp phù sa mà mầm non nở rộ, lương thực tốt tươi. Từ đó, vào tháng Sáu và tháng Tám hàng năm, khi nước sông Nile chuyển màu xanh (dấu hiệu sắp có lũ lụt), người ta lại tổ chức lễ hội để ăn mừng.

  • Lễ hội đèn lồng

Diễn ra trong tháng Ramadan, lễ hội đèn lồng mang màu sắc tôn giáo đặc trưng của Egypt. Phần lễ được tổ chức tôn nghiêm, long trọng trong các thánh đường Hồi giáo. Còn phần hội là cơ hội trình diễn các loại hình văn hóa dân gian, từ ca hát, nhảy múa đến thả đèn trời.

  • Lễ hội Moulid

Lễ hội Moulid được tổ chức ở vùng Tanta thuộc châu thổ sông Nile với mục đích tưởng nhớ Ahmed el Bedawi – vị thánh đạo Sufi của thế kỷ XIII. Mỗi năm có hơn ba triệu người từ khắp nơi đổ về tham dự lễ hội, kể cả những người ở Sudan xa xôi. Lễ hội diễn ra với nhiều loại hình khác nhau: hành hương, vũ hội, và cả nghi thức Hồi giáo. Trong thời gian diễn ra lễ hội, mọi giáo quy khắt khe về phân biệt giới sẽ tạm thời không được áp dụng.

Ẩm thực Ai Cập

Ẩm thực Ai Cập là sự hòa quyện giữa ẩm thực châu Á và châu Phi. Thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày là bánh mỳ và các sản phẩm từ bột mỳ. Đa phần các món ăn đều được làm từ thịt cừu và thịt gà. Theo quan điểm Hồi giáo, người Ai Cập không ăn thịt lợn còn thịt bò phải được giết mổ theo tiêu chuẩn Halal. Rau củ gồm cà chua, dưa chuột, bắp cải, dưa muối, các loại đậu… Hoa quả như lựu, chanh, mía, xoài, chà là… khá rẻ và ngon.

Các món ăn đặc trưng nên nếm thử khi du lịch Egypt :

  1. Ful medames: Ful medames là một trong những món ăn nổi tiếng của Egypt, gồm đậu fava nấu với các loại gia vị và dầu ôliu. Các loại đậu khô thường được hầm qua đêm, dùng chung với trứng và bánh mì pita.
  2. Ta’meya: Ta’meya còn có tên gọi khác là falafel tại các nước Trung Đông. Đây là món ăn chay phổ biến ở Ai Cập với nguyên liệu chính là bột đậu trộn với nhiều loại gia vị, sau đó nặn thành hình giống như những chiếc bánh rán nhỏ và chiên đến khi bánh chín giòn.
  • Mulukhiya: Mulukhiya là món súp với nguyên liệu chính là các loại rau thơm cắt nhỏ, sau đó hầm nhừ cùng tỏi, nước cốt chanh, thịt bò, thịt thỏ hoặc thịt gà trong nhiều giờ, thường được ăn cùng với cơm trắng hoặc bánh mì. Ở một số vùng gần biển, mulukhiya có thành phần chính là cá hoặc tôm.
  • Kushari: Kushari là món ăn nhanh của người dân ở thủ đô Cairo. Món này bao gồm gạo, mì ống, đậu đen nấu cùng nước sốt cà chua, giấm tỏi và ớt. Đây là món ăn tốt cho sức khỏe được đa phần người dân Ai Cập yêu thích.
  • Hamam mahshi: Những chú chim bồ câu sẽ được nhồi bên trong bằng gạo hoặc lúa mì xanh, sau đó đem chiên trong chảo dầu nóng. Bạn không nên bỏ qua món ăn này khi đến Ai Cập. Bạn có thể tìm thấy món này ngay lối vào chợ Khan el Khalili ở Cairo và tại các quán ăn cao cấp.
  • Aish baladi: Aish baladi là bánh mì của Ai Cập, theo tiếng Ả rập có nghĩa là “cuộc sống”. Đây là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Ai Cập.

Du lịch Ai Cập

Cảnh quan du lịch ở Egypt rất đa dạng, từ những thành phố lớn dọc bờ sông Nile đến các ốc đảo nằm trong sa mạc Sahara và những resort tuyệt đẹp bên bờ biển Đỏ. Sau đây là những địa điểm bạn không nên bỏ qua khi du lịch Ai Cập:

  • Kim tự tháp Giza và tượng nhân sư: Không một du khách nào rời khỏi Ai Cập mà lại không ghé thăm Kim tự tháp và tượng nhân sư ở Giza. Đó là những địa điểm duy nhất còn sót lại trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại và có niên đại hơn 4.600 năm tuổi. Cho đến nay kiến trúc và cách xây dựng Kim tự tháp vẫn còn là ẩn số đối với các nhà khoa học.
  • Aswan: Nằm gần biên giới với Sudan, Aswan là thành phố xa nhất của Egypt nếu tính từ Bắc xuống Nam. Nơi đây từng là trung tâm buôn bán phát triển vào thời xa xưa. Bạn đừng bỏ lỡ trải nghiệm thuê một chiếc thuyền felucca, nương theo cơn gió, xuôi theo dòng sông Nile và ngắm nhìn buổi hoàng hôn cổ tích.
  • Luxor: Chỉ có một vài nơi trên thế giới được ưu ái gọi là “bảo tàng ngoài trời” và thành phố Luxor là một trong số đó. Trên thực tế, số lượng các di tích và khu bảo tồn ở Luxor nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Bạn hãy dành ít nhất hai ngày để tham quan Thung lũng các vị vua và hoàng hậu, đền Karnak, đền Luxor…
  • Alexandria: Alexandria là thành phố cảng chiếm tới 80% thị phần xuất nhập khẩu của Egypt, đồng thời là thành phố lớn thứ hai và trung tâm du lịch của đất nước. Bạn có thể ghé thăm cung điện Montazah Palace Gardens, pháo đài Qaitbay, thư viện Alexandria, hay nhâm nhi tách cà phê trên tay trong khi ngắm nhìn biển Địa Trung Hải.
  • Sharm el Sheik: Thành phố Sharm el Sheik là khu nghỉ dưỡng ấn tượng bậc nhất ở Ai Cập, quy tụ nhiều khách sạn, sòng bạc, hộp đêm sang trọng. Tuy nhiên, “kho báu” thực sự ở nơi đây là biển Đỏ, với làn nước trong xanh, bờ cát trắng mịn cùng hệ sinh thái san hô đáng kinh ngạc. Lặn biển khám phá thế giới đại dương đầy màu sắc sẽ khiến bạn không bao giờ phải hối tiếc.
  • Siwa: Ốc đảo nằm trên con đường mòn giữa đồi cát lún Qattara và sa mạc Ai Cập với những suối nước nóng và rừng chà là xanh mát. Siwa có những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt khác với văn hóa Ả rập chính thống. Ngoài ra, Ai Cập còn có các ốc đảo tuyệt đẹp khác như Baharyia, Fayum, Dakhla…

Thể thao ở Ai Cập

Thật ngạc nhiên là những môn thể thao – giải trí của con người ngày nay lại xuất hiện từ trước đó rất lâu, trong cuộc sống thường ngày của người Ai Cập cổ đại. Những hình vẽ trong các lăng mộ cho thấy, họ đã tập luyện đấu vật, cử tạ, nhảy xa, bơi lội, chèo thuyền, bắn tên, câu cá, điền kinh và thậm chí cả bóng đá.

Ngày nay, Ai Cập có một nền thể thao phát triển trong khu vực và tham gia tích cực vào các sự kiện thể thao quốc tế. Ai Cập lần đầu tiên thi đấu ở Thế vận hội Olympic vào năm 1912 và đã gửi vận động viên tham gia hầu hết các kỳ Olympic mùa hè kể từ đó. Lần tham dự duy nhất của nước này tại Thế vận hội mùa đông là vào năm 1984. Các vận động viên Ai Cập đã giành được tổng cộng 38 huy chương, trong đó môn mũi nhọn là cử tạ.

Ai Cập luôn là điểm đến đáng ngưỡng vọng bởi nét bí ẩn trong văn hóa, tôn giáo, ẩm thực, lễ hội… Còn nhiều điều kỳ thú nữa về đất nước này mà trong phạm vi một bài viết chưa thể kể hết. Bạn hãy xách ba lô lên và tự mình khám phá nhé!

Cộng tác viên: Phạm Công Minh

Email: minh.cong.pham.aob@gmail.com

Tổng 28,547 Lượt Xem