Giới thiệu đôi nét về Tỉnh An Giang
An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
An Giang là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.Là tỉnh có dân số đông nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh đứng thứ 8 cả nước về dân số. Một phần của An Giang nằm trong tứ giác Long Xuyên.
Tỉnh có phía tây bắc giáp Campuchia (104 km), phía tây nam giáp tỉnh Kiên Giang (69,789 km), phía nam giáp thành phố Cần Thơ (44,734 km), phía đông giáp tỉnh Đồng Tháp (107,628 km), cách Thành phố Hồ Chí Minh 231 km.
Tỉnh An Giang có tổng diện tích tự nhiên 3536,6685 km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 280.658 ha, đất lâm nghiệp 14.724 ha.
Vị trí địa lý
Tỉnh An Giang có diện tích 3.536,7 km², bằng 1,03% diện tích cả nước và đứng thứ 4 so với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp tỉnh Đồng ThápPhía bắc và tây bắc giáp hai tỉnh Kandal và Takéo của Campuchia với đường biên giới dài gần 104 kmPhía tây nam giáp tỉnh Kiên GiangPhía nam giáp thành phố Cần Thơ.An Giang là tỉnh duy nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có địa bàn ở cả hai bờ sông Hậu. Điểm cực Bắc của tỉnh nằm ở vĩ độ 10°57’B (xã Khánh An, huyện An Phú), cực Nam ở vĩ độ 10°12’B (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn), cực Tây ở 104°46’Đ (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn), cực Đông trên kinh độ 105°35’Đ (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới).
Khoảng cách lớn nhất theo hướng bắc – nam là 86 km và đông – tây là 87,2 km.
Dân cư và Tôn giáo
An Giang là tỉnh có dân số đông nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng là tỉnh có dân số đông thứ 8 tại Việt Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng). Một phần diện tích của tỉnh An Giang nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên.
Tính đến ngày 9 tháng 8 năm 2019, dân số toàn tỉnh An Giang là 2.164.200 người[1], mật độ dân số 612 người/km². Đây là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, 31.6% dân số sống ở đô thị và 68.4%[6] dân số sống ở nông thôn. Dân cư phân bố tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, ven sông (dọc theo sông Tiền và sông Hậu)… Huyện Chợ Mới và thành phố Long Xuyên là hai địa phương có dân số đông nhất tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2020 đạt khoảng 30%.
Toàn tỉnh có 24.011 hộ dân tộc thiểu số, với 114.632 người, chiếm 5,17% tổng dân số toàn tỉnh.
Dân tộc Khmer có 18.512 hộ, 86.592 người, chiếm tỷ lệ 75,54% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 3,9% so tổng dân số toàn tỉnh; trong đó có 16.838 hộ với dân số khoảng 80.000 người (chiếm gần 92% tổng số dân tộc Khmer toàn tỉnh) sống tập trung ở 2 huyện miền núi: Tri Tôn và Tịnh Biên, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn. Hầu hết đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông, có mối quan hệ rộng rãi với đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và người Khmer ở Campuchia. Nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào Khmer từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc và làm thuê mướn theo thời vụ.
Dân tộc Chăm có 2.660 hộ, 13.722 người, chiếm tỷ lệ gần 12% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 0,62% so tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú và Châu Thành[9]. Hầu hết đồng bào Chăm theo đạo Hồi, có mối quan hệ với tín đồ Hồi giáo các nước Ả Rập, Malaysia, Indonesia, Campuchia. Nguồn thu nhập chính bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ và dệt thủ công truyền thống.
Dân tộc Hoa có 2.839 hộ, 14.318 người, chiếm tỷ lệ 12,50% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 0,65% tổng dân số toàn tỉnh. Đại bộ phận sống ở thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, có mối quan hệ chặt chẽ với người Hoa trong vùng và nhiều nước trên thế giới. Đồng bào người Hoa phần lớn theo Phật giáo Đại thừa, đạo Khổng và tín ngưỡng dân gian. Một bộ phận lớn kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có cuộc sống ổn định, thu nhập khá hơn so với các dân tộc khác.
Về tôn giáo, An Giang là nơi xuất phát của một số tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo… An Giang hiện có 9 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo, Tin Lành, Tịnh Độ Cư sĩ, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hồi giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, với gần 1,8 triệu tín đồ (chiếm 78% dân số toàn tỉnh), 487 cơ sở thờ tự hợp pháp, 602 chức sắc và trên 3.400 chức việc.
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 13 tôn giáo khác nhau đạt 1.733.332 người, nhiều nhất là Phật giáo Hòa Hảo có 956.720 người, tiếp theo là Phật giáo đạt 569.770 người, đạo Cao Đài có 105.220 người, Công giáo có khoảng 50000 người, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chiếm 34.821 người, Hồi giáo đạt 14.831 người, Bửu Sơn Kỳ Hương đạt 8.253 người, đạo Tin Lành đạt 5.226 người. Còn lại các tôn giáo khác như Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam có 321 người, Bà La Môn có 30 người, Minh Lý Đạo có 26 người, Minh Sư Đạo có 22 người và Baha’i giáo có hai người.
Danh lam thắng cảnh
An Giang là một trong 10 vùng du lịch trọng điểm quốc gia có một số thắng cảnh tiêu biểu như:
- Châu Đốc: nổi tiếng với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (diễn ra hằng năm vào ngày 24, 25 tháng 4 Âm lịch là ngày vía chính) là địa điểm tâm linh thú hút rất đông khách du lịch cả trong và ngoài nước đến đây để hành hương. Năm 2001, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ được Chính phủ công nhận là Lễ hội dân gian cấp Quốc gia. Quần thể di tích dưới chân núi Sam có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo quan trọng như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, Chùa Phước Điền… Ngoài ra còn có các làng Chăm ven sông Hậu, làng bè Châu Đốc…
- Thất Sơn (Bảy Núi): gồm 1 quần thể 37 ngọn núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên & Tri Tôn, nhưng có 7 ngọn tiêu biểu là: Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) – ngọn núi cao nhất tỉnh An Giang cũng như cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cao 716m; Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn); Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn); Núi Dài (Ngọa Long Sơn); Núi Tượng (Liên Hoa Sơn); Núi Két (Anh Vũ Sơn); Núi Nước (Thủy Đài Sơn).
- Phú Tân: tại Chùa An Hòa Tự và Tổ Đình Đức Giáo Chủ(Phật giáo Hòa Hảo) ở thị trấn Phú Mỹ hằng năm đều tổ chức hai đại lễ lớn. Là lễ 18/5 âl ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo và lễ 25/11 âl ngày đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH. Mỗi khi đến ngày lễ thì đồ ăn thức uống hoàn toàn miễn phí và có cả xe hoa diễu hành để kính mừng ngày đại lễ.
- Rừng tràm Trà Sư là điểm du lịch sinh thái rất đa dạng về hệ động thực vật rừng thiên nhiên hoang dã, rộng khoảng 845 ha diện tích vùng lõi và 643 ha diện tích vùng đệm, nằm giữa lòng tứ giác Long Xuyên và khu vực Thất Sơn, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.
- Hồ Thoại Sơn là một trong những hồ đẹp cách thành phố Long Xuyên 29 km theo đường tỉnh lộ 943.
- Búng Bình Thiên (còn gọi là Hồ nước trời) là một hồ nước ngọt đặc biệt tại huyện An Phú, quanh năm xanh và trong dù xung quanh các kênh rạch bị vẩn đục phù sa.
- Cù lao Giêng (Chợ Mới) nằm giữa sông Tiền với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc.
- Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Long Xuyên) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
- Ngoài ra, An Giang còn có một số điểm du lịch về Văn hoá – lịch sử – tâm linh như: Dinh Ông Chưởng (Kiến An, Chợ Mới), Cột dây thép (Long Điền A, Chợ Mới), Trường dòng nhà thờ Cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Chợ Mới), Đồi Tức Dụp (xã An Tức, Tri Tôn), chùa Linh Sơn (Thoại Sơn), chùa Tam Bửu (Tri Tôn), Bửu Hương tự (Châu Phú), chùa Ông Bắc (Long Xuyên), chùa Xà Tón (Tri Tôn), Tây An cổ tự (xã Long Giang, huyện Chợ Mới), Nhà Bưu điện Chợ Mới, Nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn), Lễ hội Đua bò Bảy Núi (Tri Tôn và Tịnh Biên), Khu Di tích văn hoá Óc Eo ở xã Ba Thê (đây là Di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hoá Phù Nam) thuộc huyện Thoại Sơn…
Đặc sản ẩm thực
Đặc sản An Giang rất đa dạng và phong phú, khi đến với An Giang các bạn nên thử qua các món đặc sản sau: Mắm Châu Đốc, tung lò mò của người Chăm, gỏi sầu đâu khô cá lóc, bún cá Châu Đốc, cơm tấm Long Xuyên, gà đốt Ô Thum, các món thức ăn từ cây trái thốt nốt, khô cá lóc, khô cá sặc, khô cá tra phồng, bánh canh Vĩnh Trung, bò 7 món núi Sam, bánh canh tép Núi Sập…
Giao thông
Đường bộ:
An Giang có Quốc lộ 91 (nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ) đi qua là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh với mật độ lưu lượng xe đông cũng như kết nối kinh tế – xã hội với Cần Thơ, các trung tâm kinh tế khác và với Campuchia. Ngoài ra, An Giang có nhiều tuyến đường Tỉnh lộ (942, 944, 946…) kết nối các địa phương trong tỉnh.
Đường thủy (nội địa):
An Giang phát triển khá mạnh về đường thủy vì có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và là tỉnh đầu nguồn của hai con sông Tiền và sông Hậu – đây là tuyến giao thông thủy lớn của tỉnh cũng như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn có các tuyến giao thông thủy khác như sông Vàm Nao (kết nối Chợ Mới – Phú Tân – Châu Phú – tỉnh Đồng Tháp và các địa phương khác theo đường thủy), Kênh Vĩnh Tế (nối Châu Đốc – Hà Tiên), Kênh Tri Tôn, Kênh Thoại Hà (Kênh Rạch Giá, nối Long Xuyên – Rạch Giá), Rạch Ông Chưởng…
Biển số xe cơ giớiBiển kiểm soát xe mô tôBiển số xe của tỉnh An giang là 67 theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014, biển số chi tiết của các huyện, Thị xã, thành phố như sau:
Thành phố Long Xuyên: 67-B1-B2Thành phố Châu Đốc: 67-E1Thị xã Tân Châu: 67-H1Huyện Châu Thành: 67-C1Huyện Châu Phú: 67-D1-D2Huyện Tịnh Biên:67-F1Huyện An Phú: 67-G1Huyện Phú Tân: 67-K1Huyện Chợ Mới: 67-L1- L2Huyện Thoại Sơn: 67-M1Huyện Tri Tôn: 67-N1
(Nguồn: Wikipedia)