Anonymous đứng đầu tiên trong danh sách những nhóm tin tặc “nổi tiếng” nhất thế giới, thường xuyên lên mặt báo sau các phi vụ tấn công mạng để phản đối tình trạng mà họ cho là “bất công xã hội”.
Sau vài năm khá im ắng, chiếc mặt nạ của Anonymous có vẻ như đã quay trở lại trong bối cảnh nước Mỹ bị giằng xé trong các cuộc biểu tình sau vụ người da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi những phần tử quá khích đụng độ với lực lượng cảnh sát.
Các kênh truyền thông Mỹ cho rằng, Anonymous có vẻ cũng muốn thể hiện sự ủng hộ với những người biểu tình khi thực hiện vụ tấn công mạng nhằm vào sở cảnh sát thành phố Minneapolis, nơi 4 cựu cảnh sát trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của George Floyd từng làm việc.
Đầu tiên, một video được đăng tải trên mạng xã hội Twitter khẳng định rằng nhóm tin tặc Anonymous đã tấn công mạng và lấy cắp được nhiều thông tin quan trọng của lực lượng cảnh sát thành phố Minneapolis, bao gồm cả những bằng chứng về “hành động phạm pháp”, đồng thời đe dọa sẽ công khai những thông tin này lên mạng Internet. Đoạn video đã thu hút hơn 38 triệu lượt xem và tương tác trên Twitter.
Sau video này trên các diễn đàn mạng, nhiều tài khoản bắt đầu lan truyền danh sách khoảng 800 email và mật khẩu được cho là của nhân viên Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis. Đây được coi là bằng chứng cho thấy nhóm tin tặc có thể đã lấy cắp thành công dữ liệu của cảnh sát Minneapolis.
Cùng thời điểm đó, người dùng không thể truy cập được vào trang web của thành phố Minneapolis và trang web của Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis. Tin tặc được cho là đã thực hiện cuộc tấn công từ chối dịch vụ (tấn công DDos) làm quá tải đường truyền, “đánh sập” hai trang web nói trên.
Giới quan sát đang tiếp tục theo dõi xem cụ thể các bằng chứng về “hành động phạm pháp” liên quan đến cảnh sát Minneapolis mà Anonymous đe dọa sẽ tung ra là gì và liệu thông tin này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn tại Mỹ hay không.
Là tất cả và không là ai cả
Anonymous tiếng Anh có nghĩa là “vô danh”. Đúng như tên gọi, Anonymous hoạt động theo mô hình ngang hàng, không có thủ lĩnh thực thụ, không có bộ máy điều hành cụ thể, ai cũng có thể tự xưng mình là thành viên của tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc các thành viên có những ưu tiên khác nhau và cả nhóm không có lịch trình hoạt động rõ ràng.
Hãng truyền thông CNN từng gọi Anonymous là lực lượng bí hiểm nhất trên mạng internet. Biểu tượng của họ là chiếc mặt nạ Guy Fawkes, nổi tiếng sau bộ phim “V for Vendetta” của Hollywood. Trong bộ phim giả tưởng này, hàng nghìn người đeo mặt nạ mang nụ cười bí hiểm, tuần hành và đấu tranh phản đối một chính phủ phát xít.
Nhưng hầu hết các ý kiến đều nhất trí rằng, Anonymous nhắm vào các đối tượng, các tổ chức, các thể chế mà họ cho rằng đã lạm dùng quyền lực. Anonymous hành động bí mật nhưng công khai kết quả, thu hút sự chú ý của truyền thông sau những vụ tấn công mạng của mình. Nhóm hacker Anonymous bị nhiều quốc gia xem là một dạng khủng bố nhưng nhiều người khác coi họ là người hùng.
Tin tặc Anonymous có thực sự nhằm vào cảnh sát Minneapolis?
Anonymous được cho là đã tấn công mạng, khai thác tập tin chứa 800 emails và mật khẩu của sở cảnh sát Minneapolis. Tuy nhiên trang tin của hãng truyền thông BBC trích ý kiến chuyên gia an ninh mạng cho rằng cần có sự cảnh giác, bởi vì không dễ dàng để khẳng định đây là hành động của nhóm hacker khét tiếng.
Ông Troy Hunt, chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng người Australia, cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy cơ sở dữ liệu của cảnh sát Minneapolis đã bị xâm phạm trong những ngày vừa qua. Các email và mật khẩu bị đăng tải lên mạng có thể là những dữ liệu đã bị đánh cắp từ trước đó.
Ông Troy Hunt đã kiểm tra danh sách thông tin đăng nhập email do nhóm hacker đăng tải và phát hiện ra rằng thực chất những email được công bố trong danh sách đều đã từng bị lộ trong một vụ tấn công mạng nhằm vào People Data Labs, công ty thu thập dữ liệu người dùng trực tuyến hợp pháp. Công ty này đã bị tin tặc tấn công và lấy cắp dữ liệu vào năm 2019 khiến hơn 600 triệu email bị lộ.
Bên cạnh đó, việc tin tặc đăng tải thông tin về vụ tấn công thông qua mạng xã hội Facebook và Twitter không liên quan đến Anonymous cũng được xem là bằng chứng cho thấy vụ tấn công không phải do Anonymous thực hiện.
“Đây có thể là một trò lừa bịp. Nhóm hacker Anonymous đã quá nổi tiếng nên bị lôi kéo vào vụ việc này, càng giúp cho vụ việc thu hút được nhiều sự chú ý hơn” – ông Troy Hunt nhận xét.
Nhóm tin tặc “trượng nghĩa”
Anonymous được xem là nhóm hacker nguy hiểm và có quy mô hoạt động lớn nhất thế giới hiện nay. Nhóm hacker này thường kêu gọi cộng đồng hacker trên toàn cầu cùng tham gia thực hiện những chiến dịch tấn công nhằm vào những mục tiêu nhất định mà theo Anonymous là xứng đáng phải chịu sự tấn công. Anonymous là “nỗi khiếp sợ” của các hãng bảo mật lớn. “Nạn nhân” của nhóm hacker này có thể kể đến các cơ quan chính phủ tại Mỹ, Israel, Uganda…. hay các công ty lớn như PayPal, MasterCard, Vista, Sony…
Mặc dù là nhóm tội phạm mạng khét tiếng, tuy nhiên Anonymous vẫn có những hành động được xem là “trượng nghĩa”. Năm ngoái, Anonymous thực hiện vụ tấn công nhằm vào tài khoản Twitter của hội kín Ku Klux Klan (3K), hội kín nổi tiếng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Năm 2015, Anonymous tuyên chiến và tấn công vào tài khoản mạng xã hội của các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để ngăn chặn IS tuyên truyền và lôi kéo các phần tử cực đoan. Anonymous công bố tất cả các tài khoản của IS trên mạng xã hội Twitter.
Bên cạnh đó, Anonymous còn bẻ khóa các trang web liên quan đến mạng lưới khủng bố này, bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm dữ liệu và bổ sung các nhân vật có liên quan. Qua đó, tên thật, vị trí cư trú, hình ảnh, tài khoản Twitter, Facebook và YouTube của các phần từ khủng bố IS đều được công khai. Hàng loạt trang web được IS sử dụng để tuyên truyền và tuyển thành viên trên toàn cầu cũng bị tin tặc đeo mặt nạ đánh sập.
Tin tặc Anonymous cũng thể hiện một thái độ gay gắt phản đối nạn khiêu dâm trẻ em. Năm 2017, tin tặc tự nhận là thành viên của Anonymous tuyên bố thực hiện vụ tấn công làm sập khoảng 10.000 trang “web đen” chia sẻ những nội dung khiêu dâm trẻ em. Trước đó vào năm 2011, nhóm hacker này thực hiện chiến dịch với tên gọi “Operation Dark Net” nhằm vào các trang web có chứa nội dung khiêu dâm trẻ em và đến năm 2014, nhóm hacker thực hiện một chiến dịch tương tự với tên gọi “Operation Death Eaters”. Những chiến tích được xem là rất đáng hoan nghênh của các tin tặc.
Theo VTV.VN