Các doanh nghiệp hiện nay đều cần vị trí Business Analyst có chuyên môn kỹ thuật và khả năng xử lý vấn đề nên lĩnh vực này luôn khát nhân lực. Thế nhưng các trường đại học ở Việt Nam hiện chưa có ngành cụ thể nào để đào tạo ra Business Analyst. Vậy thì Business Analyst (BA) là gì, làm việc gì, học gì để ra làm nghề này, nhu cầu xã hội và cơ hội thăng tiến trong nghề BA ra sao,… là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Business Analyst (BA) là gì?
Nếu dịch theo đúng nghĩa đen thì Business Analyst (BA) là “Chuyên viên Phân tích Kinh doanh” nhưng ở Việt Nam mọi người thường dùng cách gọi phổ biến hơn là “Chuyên viên Phân tích Nghiệp vụ”. Đúng như tên gọi, trách nhiệm chính của vị trí BA là phân tích và đánh giá toàn bộ quá trình kinh doanh của công ty để xác định vấn đề cần cải thiện, từ đó đề xuất hướng giải quyết cụ thể. BA có thể làm việc trực tiếp với khách hàng để nhận đóng góp ý kiến, sau đó chuyển thông tin về team nội bộ để xử lý. Ngoài ra BA còn đảm nhận vai trò viết và quản lý tài liệu kỹ thuật.
Ví dụ như một doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong việc phát triển, BA sẽ làm việc với các bên liên quan để đưa ra các giải pháp cụ thể và đáp ứng được các yêu cầu được đề ra. BA có thể linh động trong sử dụng các giải pháp để đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không nhất thiết phải dùng phần mềm. Thay vào đó, BA có thể đề xuất thay đổi chính sách, điều chỉnh quy trình hay đơn thuần là tập huấn lại cho cán bộ công nhân viên của công ty. Sau khi trình bày kế hoạch và được duyệt, BA cùng các đội kỹ thuật/kinh doanh sẽ tiến hành xây dựng và triển khai.
BA không chỉ có riêng trong ngành IT mà vẫn tồn tại ở những ngành nghề và lĩnh vực khác như ngân hàng, logistics,… Có một thuật ngữ mà BA làm việc thường xuyên và cần hiểu rõ là stakeholders (các bên liên quan) bao gồm bất kỳ ai có đóng góp trong dự án như: đội kỹ thuật, kinh doanh dự án, chủ đầu tư, đối tác, khách hàng,…
Định hướng phát triển nghề BA có nhiều hướng đi khác nhau theo từng lĩnh vực và mục tiêu nghề nghiệp, thường có 3 nhóm chính:
-
Vận hành: Tìm hiểu và làm việc sâu về dự án, liên quan đến các nguồn lực như thời gian, con người, chi phí. Các vị trí mà BA có thể lựa chọn để theo đuổi đó là quản lý dự án Project Manager, Product Manager, Program Manager, CIO…
-
Quản lý: BA Team Lead, BA Practice Lead, BA Program Lead và xa hơn là BA Manager, Business relationship Manager.
-
Xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp: Business Architect, Enterprise Architect.
So sánh giữa Business Analyst và Business Intelligence Analyst
Để so sánh được tính chất công việc của 2 vị trí này thì chắc chắn phải nắm rõ định nghĩa Business Intelligence là gì. Business Intelligence, hay còn gọi là Kinh doanh thông minh, là quá trình thu thập, phân tích dữ liệu và cung cấp thông tin để giúp những nhà điều hành cấp cao đưa ra các quyết định sáng suốt phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Mục đích của BI là giúp tổ chức tăng doanh thu, cải thiện hiệu quả hoạt động và đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ kinh doanh.
Thế thì business intelligence analyst là gì? BI analyst còn được biết đến với thuật ngữ tiếng Việt là “Chuyên viên phân tích tình báo kinh doanh” hay “Chuyên viên phân tích kinh doanh thông minh”. Nhiệm vụ của công việc này là phân tích dữ liệu để chuẩn bị các báo cáo tài chính và tình báo thị trường. Các công việc chính của BI analyst bao gồm Thu thập và khai thác dữ liệu; Xây dựng kho dữ liệu; Tiêu hủy các dữ liệu đã lỗi thời; Thực hiện đánh giá dữ liệu và Phân tích cùng các hệ thống ngôn ngữ lập trình. Nhà phân tích kinh doanh thông minh cần thành thạo ngôn ngữ lập trình máy tính, công cụ phần mềm BI, công nghệ và hệ thống.
Vậy, mối liên hệ và sự khác biệt giữa BA và BI nằm ở đâu? Trước hết, cả BI và BA đều giúp doanh nghiệp đưa ra giải pháp hoạt động, nâng cao hiệu quả và phát triển kinh doanh.
Tuy nhiên, 2 lĩnh vực này cũng có sự khác biệt nhất định. Một vài yếu tố chính phân biệt BI và BA:
-
Mục đích: BI sử dụng dữ liệu lịch sử để xác định điều gì đã xảy ra trong một tổ chức, trong khi BA sử dụng dữ liệu này để xác định lý do tại sao những điều đó lại xảy ra nhằm đưa ra dự đoán. Nói cách khác, BI cung cấp phân tích mô tả dữ liệu và BA cung cấp phân tích dự đoán.
-
Cách sử dụng: BI thường được sử dụng để hiểu các hoạt động kinh doanh nhằm xác định các quy trình trong quá khứ ảnh hưởng như thế nào đến các chỉ số hiệu suất chính (KPI). Mặt khác, BA sử dụng dữ liệu để xác định lý do tại sao các quy trình lại ảnh hưởng đến KPI theo cách như vậy và giúp xây dựng các mô hình để dự đoán những thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chúng như thế nào trong tương lai.
-
Công cụ: Công cụ BA thường tiên tiến hơn về mặt toán học so với công cụ BI, vì BA liên quan đến phân tích thống kê và các quy trình phức tạp như machine learning.
Business Analyst (BA) cần học gì?
Với tính chất công việc của một BA, ba nhóm ngành sau đáp ứng được kiến thức nghề cũng như các kỹ năng, hiện đang đào tạo khá rộng rãi trong các ĐH Việt Nam cũng như các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngành hệ thống thông tin quản lý
Sinh viên sẽ được đào tạo 3 nhóm kiến thức chính:
-
Kinh tế
-
Công nghệ thông tin
-
Hệ thống thông tin quản lý cùng các kỹ năng mềm cần thiết
Nhờ vậy, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về thiết kế, phương pháp quản trị, vận hành hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu,… Có thể nói, được đào tạo cả kinh tế và kỹ thuật, các BA có xuất phát điểm từ ngành Hệ thống thông tin quản lý rất thuận lợi.
Ngành Công Nghệ Thông Tin (CNTT)
Ngành CNTT sẽ bao gồm nhiều chuyên ngành như kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật máy tính, an toàn thông tin, truyền thông và mạng máy tính,… Về cơ bản, sinh viên học ngành này sẽ có lợi thế khi làm Business Analyst là hiểu rõ được kiến thức về công nghệ thông tin, cách xây dựng, vận hành, bảo trì, phát triển các hệ thống phần mềm, trực tiếp tham gia xây dựng các phần mềm để giải quyết các bài toán thực tế. Ngoài ra, nếu bạn xuất phát từ ngành CNTT và muốn theo nghề BA thì cần bổ sung các kiến thức về nghiệp vụ kinh doanh cũng như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nhóm ngành kinh tế – quản lý
Ngành kinh tế – quản lý gồm những ngành liên quan tới quản trị, tài chính, kế toán/kiểm toán, ngân hàng. Sinh viên học trong các nhóm ngành này có được kiến thức cơ bản về quản trị, kế toán, tài chính, kiểm toán. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi khi ra làm BA. Tuy nhiên, nhược điểm của nhóm ngành này là các bạn thiếu các kiến thức nền tảng về CNTT nên sẽ khó khăn trong các việc đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật. Trong quá trình làm BA, các bạn có thể tự học bổ sung các kiến thức CNTT.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về các ngành nên học để trở thành một Business Analyst trong tương lai ở các nước tiên tiến trên thế giới, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí.
Những kỹ năng cần có để trở thành một Business Analyst thực thụ
>> Scrum Master: Làm gì, học gì, và cơ hội nghề nghiệp
Giao tiếp và xây dựng mối quan hệ
Hãy cố gắng trau dồi khả năng trình bày và diễn đạt một cách hiệu quả vì BA phải là một người giao tiếp tốt thì mới có thể tổ chức và điều hành thành công buổi họp. Kỹ năng mềm quan trọng nhất của một BA giỏi là khả năng tạo ra các mối quan hệ tốt và thuận lợi giữa các bên liên quan, từ việc giao tiếp, ứng xử và đàm phán.
Nhạy bén trong kinh doanh
Để trở thành một BA giỏi, bạn cần kiến thức kinh doanh và sự hiểu biết chiến thuật của doanh nghiệp để triển khai chiến lược cần thiết. Với sự nhạy bén trong kinh doanh, bạn sẽ dễ dàng nắm được kiến thức về bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào mà mình muốn.
Tư duy phân tích dữ liệu
Một chuyên viên phân tích nghiệp vụ cần có khả năng hiểu dữ liệu, từ đó chắt lọc những thông tin có giá trị cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ thực hiện chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, BA có thể phân tích và xây dựng mô hình dữ liệu để giúp ban quản lý đưa ra quyết định.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trên thực tế, toàn bộ dự án là một giải pháp cho một bài toán với nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhìn một cách tổng quát, BA sẽ là người làm rõ các vấn đề, đề xuất các giải pháp khả thi, xác định phạm vi của dự án và trực tiếp tham gia vào việc giải quyết cùng các bên liên quan.
Tư duy phản biện
Người làm BA có trách nhiệm đánh giá, phân tích và lựa chọn giải pháp trước khi làm việc với các thành viên trong nhóm. Trong quá trình xác định các vấn đề, ngoài việc thu thập yêu cầu của khách thi BA còn phải phân tích những yêu cầu này một cách cẩn thận và chi tiết cho đến khi hiểu rõ mong muốn của khách hàng.
Mức lương của Business Analyst và Business Intelligence Analyst
Theo dữ liệu từ PayScale, mức lương trung bình của BI Analyst rơi vào khoảng 71,860 USD/ năm. Trong khi đó, mức lương cho ngành nghề này ở Việt Nam là 15 triệu/ tháng, được ghi nhận trên trang Glassdoor. Mặc dù con số này không được khả quan như ở thị trường quốc tế nhưng khả năng phát triển của Business Intelligence Analyst vẫn rất rộng mở và mức lương có thể lên đến 45 triệu/ tháng và cao hơn nữa.
Trong khi đó, mức lương quốc tế trung bình của BA thấp hơn một chút so với BI Analyst, khoảng 65,573 USD/ năm. Tại Việt Nam, mức lương của một BA Fresher dao động từ 10 – 15 triệu/ tháng, Junior từ 15 – 20 triệu, Senior từ 20 – 40 triệu và 40 – 60 triệu là mức lương dành cho cấp quản lý.
Bài viết được chỉnh sửa bởi tác giá Hoàng Thanh Phương vào ngày 28/03/2023