Hình 1. Sơ đồ hệ bạch huyết
Nếu bạch huyết không được lưu thông, nó có thể tích tụ và gây ra tình trạng sưng tấy. Mạch bạch huyết thu hồi bạch huyết từ xung quanh các tế bào để vận chuyển về ống ngực rồi đổ vào tĩnh mạch cảnh trong trái và tĩnh mạch dưới đòn trái ở gần tim.
Chức năng của hạch bạch huyết
Mạch bạch huyết dẫn bạch huyết qua các hạch ở khắp cơ thể. Hạch bạch huyết là những cấu trúc nhỏ có vai trò lọc các chất lạ, ví dụ như tế bào ung thư và các tác nhân nhiễm trùng. Hạch bạch huyết có các tế bào miễn dịch giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách tấn công và tiêu diệt mầm bệnh di chuyển trong bạch huyết. Các hạch bạch huyết có ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm cổ, nách, ngực, bụng và bẹn.
Có hàng trăm hạch bạch huyết trên khắp cơ thể. Mỗi hạch bạch huyết lọc dịch và các chất do mạch bạch huyết dẫn tới. Ví dụ, bạch huyết ở ngón tay và cánh tay được dẫn về ngực. Dòng bạch huyết này có thể được lọc tại các hạch bạch huyết ở khuỷu tay hoặc ở nách. Bạch huyết từ đầu, da đầu và mặt được dẫn xuống các hạch bạch huyết ở cổ. Một số hạch bạch huyết có thể nằm sâu trong cơ thể như hạch trung thất, hạch mạc treo ruột để lọc bạch huyết tại những vùng này.
Phì đại hạch bạch huyết
Khi xuất hiện một số tình trạng như nhiễm trùng, chấn thương hoặc ung thư, hạch bạch huyết tại vùng đó có thể sưng to do lọc các tác nhân có hại đối với cơ thể. Tình trạng sưng, còn gọi là phì đại hạch bạch huyết (lymphadenopathy) cho thấy sức khỏe có sự bất thường, tuy nhiên cần dựa vào các triệu chứng khác để chẩn đoán xác định bệnh. Ví dụ, đau tai, sốt và hạch bạch huyết sau tai sưng to là những dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng tai hoặc cảm lạnh.
Một số vị trí thường có hạch bạch huyết sưng to là hạch cổ, hạch bẹn và hạch nách. Trong đa số trường hợp, tại một thời điểm chỉ có một vùng hạch bị phì đại. Tình trạng có nhiều hơn một vùng hạch sưng to được gọi là phì đại hạch bạch huyết lan tỏa. Một số bệnh nhiễm trùng (như viêm họng do liên cầu hoặc thủy đậu), một số loại thuốc, bệnh lý của hệ miễn dịch, các bệnh ung thư như u lympho và bạch cầu cấp có thể gây ra tình trạng phì đại hạch bạch huyết. Bác sĩ sẽ dựa vào nhiều thông tin để tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Phì đại hạch bạch huyết thường do những nguyên nhân không phải ung thư.
Ung thư tại hạch bạch huyết
Ung thư có thể xuất hiện ở hạch bạch huyết bằng 2 con đường: nguyên phát (ung thư khởi phát từ hạch bạch huyết) và thứ phát (ung thư khởi phát từ nơi khác di căn tới hạch bạch huyết).
Ung thư nguyên phát tại hạch bạch huyết được gọi là U lympho. Có nhiều loại U lympho khác nhau nhưng được phân thành 2 nhóm lớn là U lympho Hodgkin và U lympho không Hodgkin.
Ung thư bắt nguồn từ vị trí khác và di căn tới hạch bạch huyết thường gặp hơn. Đây là trọng tâm được đề cập đến trong bài viết này.
Con đường di căn của ung thư tới hạch bạch huyết
Ung thư có thể di căn từ vị trí ban đầu (vị trí khởi phát) tới các vị trí khác trong cơ thể.
Khi tế bào ung thư tách khỏi khối u, chúng có thể di chuyển tới các vị trí khác qua đường máu hoặc đường bạch huyết. Nếu các tế bào ung thư đi vào mạch bạch huyết, chúng có thể lan tới các hạch bạch huyết. Hầu hết các tế bào ung thư này sẽ chết hoặc bị tiêu diệt trước khi chúng bắt đầu phát triển ở vị trí khác. Tuy nhiên, một vài tế bào có thể tồn tại ở một vị trí mới, bắt đầu sinh trưởng và hình thành khối u mới. Sự lan tràn ung thư tới một vị trí mới trong cơ thể được gọi là di căn.
Tế bào ung thư phải trải qua rất nhiều biến đổi trước khi di căn tới những vị trí mới trong cơ thể. Chúng phải giảm khả năng kết dính với khối u nguyên phát và gắn vào lớp ngoài của mạch bạch huyết hoặc mạch máu. Sau đó, chúng phải di chuyển qua thành mạch để trôi trong máu hoặc mạch bạch huyết để tới một cơ quan khác hoặc tới hạch bạch huyết.
Khi tế bào ung thư di căn tới hạch bạch huyết, chúng thường di căn tới các hạch gần khối u nguyên phát. Đây là những hạch có vai trò lọc hoặc tiêu diệt tế bào ung thư.
Làm thế nào để phát hiện ung thư tại hạch bạch huyết?
Bình thường, hạch bạch huyết rất nhỏ và khó sờ thấy. Khi bị nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư, hạch sẽ tăng kích thước. Những hạch nằm nông ở dưới da có thể sờ thấy, thậm chí một số hạch có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, nếu mới chỉ có vài tế bào ung thư di căn tới thì hạch bạch huyết có thể trông rất bình thường. Các hạch bạch huyết nằm sâu trong cơ thể không sờ thấy hoặc nhìn thấy. Vì vậy, bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để phát hiện các hạch to nằm sâu trong cơ thể. Thông thường, các hạch tăng kích thước nằm ở gần tổ chức ung thư sẽ có tế bào ung thư.
Biện pháp duy nhất để phát hiện ung thư ở hạch bạch huyết là sinh thiết hạch. Bác sĩ có thể bóc tách toàn bộ hạch hoặc bấm một vài mảnh mô của hạch bằng kim nhỏ để làm xét nghiệm mô bệnh học. Các mảnh sinh thiết sẽ được bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư. Nếu hạch có tế bào ung thư, kết quả mô bệnh học sẽ mô tả chi tiết về tình trạng và mức độ di căn hạch.
Hình 2. Hình ảnh hạch bạch huyết có ung thư di căn làm mất cấu trúc xoang
Khi phẫu thuật cắt khối ung thư nguyên phát, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành lấy bỏ một hoặc nhiều hạch lân cận. Thủ thuật lấy một hạch bạch huyết được gọi là sinh thiết hạch, còn thủ thuật cắt bỏ nhiều hạch bạch huyết được gọi là phẫu thuật nạo vét hạch. Khi ung thư di căn tới hạch bạch huyết, nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật sẽ cao hơn. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ quyết định liệu có cần điều trị thêm hóa trị, liệu pháp miễn dịch, điều trị đích hoặc xạ trị sau khi phẫu thuật hay không.
Phát hiện ung thư ở hạch bạch huyết có ý nghĩa gì?
Nếu phát hiện ung thư ở một hoặc nhiều hạch bạch huyết, điều này đồng nghĩa với việc cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng di căn của ung thư. Thông tin này được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư và các phương án điều trị phù hợp nhất.
Ảnh hưởng của việc cắt bỏ hạch bạch huyết
Cắt bỏ hạch bạch huyết có thể khiến bạch huyết tại vùng đó không được lưu chuyển. Nhiều mạch bạch huyết sẽ đi vào “ngõ cụt” và bạch huyết có thể quay ngược trở lại vùng hạch bạch huyết đã bị cắt bỏ và dồn ứ tại đó. Tình trạng này được gọi là phù mạch bạch huyết và có thể trở thành vấn đề tồn tại suốt đời.Cắt bỏ càng nhiều hạch bạch huyết thì càng dễ xảy ra tình trạng này.
Cắt bỏ hạch bạch huyết trong phẫu thuật ung thư rất ít khi làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, vì hệ miễn dịch là một hệ thống lớn, phức tạp và tồn tại khắp cơ thể.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ – www.cancer.org
Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/lymph-nodes-and-cancer.html
Biên dịch: BS. Đào Thanh Lan, Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học