Việc phân biệt đâu là hoạt động bán buôn (wholesale) và đâu là hoạt động bán lẻ (retail) là vấn đề pháp lý tương đối quan trọng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể hơn, nếu hoạt động của FDI được xác định là bán buôn, FDI đó sẽ không cần phải xin Giấy phép kinh doanh (trừ việc bán buôn 1 số mặt hàng nhất định)[1]. Mặt khác, nếu được xác định là hoạt động bán lẻ, FDI sẽ phải tiến hành xin Giấy phép kinh doanh tại Sở Công thương của tỉnh, thành phố liên quan.
Xem bài viết tiếng Anh tại ĐÂY.
Điều 3.6 và 3.7 của Nghị định 09/2018 (“Nghị định 09”) quy định như sau:
“6. Bán buôn là hoạt động bán hàng hoá cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.7. Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.
Điều 3.1 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định như sau:
“Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.”
Trên cơ sở các quy định trên, có thể hiểu đối tượng khách hàng của hoạt động bán buôn có thể cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động bán lẻ. Ví dụ: doanh nghiệp A nhập khẩu thức ăn đóng hộp và sau đó bán lại cho doanh nghiệp B đang sở hữu các chuỗi siêu thị để B bán lại cho người tiêu dùng thông qua các chuỗi siêu thị đó. Hoạt động của doanh nghiệp A sẽ được xem là hoạt động bán buôn. Trong khi đó, đối tượng khách hàng của hoạt động bán lẻ cũng bao gồm cả tổ chức và cá nhân (nhưng trên thực tế chủ yếu là cá nhân) và khi đối tượng khách hàng này mua hàng hoá thì họ sẽ không thực hiện việc bán lại cho tổ chức, cá nhân khác trên cơ sở thường xuyên để thu lợi nhuận, mà họ sẽ sử dụng hàng hoá được mua cho nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của chính họ.
Thoạt đầu, định nghĩa và cách hiểu “hoạt động bán buôn” và “hoạt động bán lẻ” là tương đối đơn giản. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có 1 số trường hợp mà FDI gặp phải sự lúng túng trong việc xác định hoạt động của chính mình, để từ đó cân nhắc việc mình có thể trường hợp phải xin Giấy phép kinh doanh theo Nghị định 09 hay không. Cụ thể 2 trường hợp như sau:
(1) Doanh nghiệp A nhập khẩu bột mì từ nước ngoài và bán lại cho doanh nghiệp B (công ty sản xuất bánh mì) để doanh nghiệp B sử dụng làm nguyên liệu chế biến bánh mì và bán bánh mì cho người tiêu dùng. Vậy hoạt động của doanh nghiệp A được xem là hoạt động bán buôn hay bán lẻ? (2) Doanh nghiệp A thu mua đồ dùng văn phòng phẩm và bán lại cho các doanh nghiệp khác để phục vụ cho việc sử dụng của nhân viên trong quá trình làm việc. Vậy hoạt động của doanh nghiệp A được xem là hoạt động bán buôn hay bán lẻ?
Để trả lời cho những thắc mắc này, Bộ Công thương đã phản hồi bằng công văn số 6219/BCT-KH về việc hướng dẫn thực hiện theo quy định của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 7/8/2018 (“Công văn 6219”), theo đó:
(1) Việc một doanh nghiệp bán hàng cho cá nhân, tổ chức khác không sử dụng hàng hoá vào mục đích bán buôn, bán lẻ hay tiêu dùng (ví dụ doanh nghiệp mua trực tiếp hàng hoá để phục vụ cho hoạt động sản xuất – trường hợp (1) nêu trên) thì hoạt động của doanh nghiệp đó sẽ được xem là hoạt động bán buôn.(2) Việc một doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp khác để sử dụng vào mục đích sinh hoạt của doanh nghiệp đó (ví dụ tại trường hợp (2) nêu trên) thì hoạt động của doanh nghiệp bán hàng sẽ được xem là hoạt động bán lẻ.
Tải về Công văn 6219 tại ĐÂY.
Như vậy, với hướng dẫn trên của Bộ Công thương, việc xác định trường hợp nào là hoạt động bán buôn và trường hợp nào là bán lẻ đã được mô tả tương đối chi tiết và cụ thể. Việc cấp giấy phép kinh doanh của Sở Công thương các tỉnh, thành phố cho FDI cũng sẽ căn cứ trên tinh thần được nêu tại Nghị định 09 và cả Công văn 6219 này.
[1] Nghị định 09, Điều 9.4(b).