Ngô Văn Mẽ
Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật
Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội khoa học, cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản, Đảng của giai cấp công nhân khởi xướng và lãnh đạo. Vì thế, có thể nói dưới chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa toàn bộ các thiết chế chính trị xã hội về tổ chức và hoạt động đều mang tính đảng, tính chính trị tức là mang bản chất giai cấp công nhân sâu sắc.
Ở Việt Nam, giai cấp công nhân ra đời từ những thế kỷ trước (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Tuy lực lượng còn non yếu, nhưng đến năm 1930 đã thành lập được đảng chính trị của mình đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn dân làm cuộc cách mạng tháng 8/1945 thắng lợi, giành được chính quyền về tay giai cấp công nhân. Từ ý nghĩa thực tiễn to lớn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam là một đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Lâu nay vấn đề đặt ra cho Đảng ta phải quan tâm nghiên cứu để xác định rõ bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam. Vấn đề đó càng cần thiết và có ý nghĩa to lớn hơn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Vậy bản chất của giai cấp là gì?. Làm thế nào để thấy rõ được bản chất chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam? Đây là một vấn đề lớn và hết sức phức tạp. Tuy nhiên trên cơ sở Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khoá X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng tôi xin nêu một vài suy nghĩ như sau:
Nghị quyết TU 6 khoá X của Đảng xác định: “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”. (Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá X, Nxb CTQG, H. tr 43).
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam: “là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội quân tiên phong là Đảng cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. (Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá X, Sđd, tr 43).
Từ khái niệm và sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam đã được xác định ở trên, chúng ta có thể nhận thấy những đặc điểm cơ bản thuộc về bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam ngày nay là:
1 – Giai cấp công nhân là lực lượng lao động to lớn (lao động chân tay, lao động trí óc), lao động công nghiệp hiện đại với nền công nghiệp hiện đại đang phát triển, lao động của công nhân có khả năng phát huy sáng tạo, có thể tạo ra nhiều của cải vật chất và giá trị tinh thần cho xã hội.
2 – Giai cấp công nhân Việt Nam đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, nắm và có khả năng vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong lao động sản xuất, có khả năng phát minh khoa học và cải tiến kỹ thuật trở thành lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
3 – Giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, có khả năng vận dụng lý luận đó vào cách mạng xã hội để từng bước làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
4 – Giai cấp công nhân, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tất cả các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác đoàn kết quốc tế với giai cấp công nhân quốc tế vì độc lập dân tộc, hoà bình và tiến bộ xã hội.
Từ những nhận thức trên có thể khái quát bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là: Lao động sáng tạo, khoa học và xã hội chủ nghĩa, đồng thời bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam còn thể hiện rõ nét ở tính nhân dân, tính dân tộc và tính quốc tế sâu sắc.
Thực hiện nghị quyết TƯ 6 khoá X “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, vấn đề đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân là phải nhận thức sâu sắc bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân nước ta, có như vậy mới giữ gìn và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, của nhà nước cũng như của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội, vấn đề có ý nghĩa sống còn của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo./.