Facebook là một nơi thích để chúng ta thỏa thích với những quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Ai cũng nhận ra được điều đó mà đôi khi bỏ qua một điều, nó cũng là một “cái bẫy ngọt ngào” để chúng ta rơi vào. Theo một nghiên cứu của trường đại học Copenhagen, Đan Mạch, những người sử dụng Facebook thường xuyên không cảm thấy hạnh phúc, bực tức. Đây không phải một vấn đề quá mới và các chuyên gia tâm lý trên khắp hành tinh đều có chung quan điểm về vấn đề này.
Lang thang trên Facebook và nhiều các trang mạng xã hội, chúng ta bắt gặp hàng ngàn vấn đề mỗi ngày. Chúng ta dần để cảm xúc của những người không quen, cộng đồng xa lạ trở thành cảm xúc của mình và bực tức vì những điều không đâu.
Bày tỏ quan điểm như sợ “mất phần”
Nếu muốn biết mức độ ảnh hưởng của các vấn đề xã hội trong thời buổi Facebook đã phổ biến như thế nào, hãy thử tìm kiếm bất cứ sự kiện gì đang gây bão gần đây, bạn sẽ thấy bất ngờ vì số lượng quan điểm nhiều vô cùng. Người ta bày tỏ quan điểm về mọi thứ, từ những vấn đề vĩ mô tới những chuyện cỏn con trong nước. Bày tỏ quan điểm như trở thành một “trào lưu” mà nếu bạn không nói ra, người ta nghĩ bạn là kẻ mù thông tin.
Tuy nhiên, không ít người chuyên “lo việc của người khác” đã trở thành chủ đề để cư dân mạng cười cợt trên mạng xã hội. Có những người dư nước mắt, hôm nay khóc cho một tòa nhà đổ, mai lại lên tiếng dữ dội ủng hộ một nhóm ăn thịt chó, rồi kể cả tin tức một chú mèo qua đời cũng khiến họ biên một status dài lê thê. Đồng cảm, lên tiếng với nỗi đau trong xã hội là tốt nhưng không phải chuyện nào cũng vơ vào mình. Chúng ta chỉ có thể tỉnh táo, hiểu biết một số vấn đề nhất định, điều gì cũng muốn lên tiếng thì có ngày “vạ miệng” sẽ chỉ thêm bực tức vào mình.
Tôi tự hỏi sao người ta muốn “giải quyết” chuyện của người khác đến vậy?
Khi không có sức mạnh hay quyền lực gì bên ngoài, chúng ta sẽ viện tới những thứ “tưởng chừng như quyền lực”: Tự do ngôn luận trên Facebook. Chúng ta “đam mê” công lý nhưng cần một nơi an toàn để lên tiếng; ai cũng muốn cho mọi người biết mình quan tâm đến cộng đồng, hiểu biết cuộc sống xung quanh; lên tiếng cho người khác là một lần để khẳng định bản thân. Thừa hiểu rằng nếu bạn hay tôi bức xúc, vấn đề đó cũng không giải quyết được gì thêm nhưng cứ vơ vào người để thu hút một lượng người theo dõi: Facebook như một “chiến trường” tranh luận, ai có những tiếng nói xuất sắc, hợp lòng người sẽ làm chủ chiến trường ấy. Vấn đề của người khác càng quan trọng thì người ta càng muốn vơ nó vào mình. Thứ ảo vọng như vậy đã khiến người ta cứ phải bày tỏ đủ mọi loại quan điểm, như sợ “mất phần” vậy.
Tôi nhớ một lần từng “dại dột” lên tiếng vì vấn đề của một người bạn xa lạ trên mạng, cũng đầy tâm huyết và khúc triết. Đáng tiếc, cậu bạn đó đang bị vùi dập và những gì tôi nói chỉ khiến người ta thêm bực mình lây. Hôm đó, tôi cũng trăn trở cả ngày khi phải nhọc nhằn trả lời bình luận của rất nhiều bạn bè – vấn đề của người khác mà tôi coi là của mình, thành ra không thể nào hiểu được tường tận, nhất là ở một lĩnh vực mình không có kinh nghiệm.
Đó có thể là lần cuối cùng, tôi vơ vấn đề của người khác làm mình thêm bực bội.
Những hội “chửi thuê” trên Facebook
Những người ở trên đôi khi lên tiếng vì một câu chuyện xa lạ, còn cộng đồng “lên tiếng bảo vệ lẽ phải” dưới đây, họ lên tiếng vì bạn bè, người thân, đôi khi vì đồng cảm và đôi khi chỉ vì đam mê.
Nửa đêm hay là thời điểm online của các bạn trẻ và cũng là lúc Facebook như một “bữa tiệc” với các vụ bóc phốt, đánh ghen hội đồng… Bạn có thể thấy người ta chia sẻ đầy những câu chuyện trong xã hội và ở dưới bình luận là vô số những tiếng nói đồng cảm. Đặc biệt trong những câu chuyện như “chồng em đi ngoại tình, em buồn khổ quá” có rất đông người tình nguyện vào “đi đánh ghen hộ”! Họ không chỉ đùa mà đã có những câu chuyện thành thật, có vô số câu chuyện các cư dân mạng “yêng hùng” đi giải quyết vấn đề chẳng liên quan trên mạng.
Thay vì đi ngủ, họ lao vào một cuộc tranh luận có khi diễn ra cả đêm. Từ một vấn đề không phải của mình nhưng ai cũng nhiệt tình bình luận, đấu đá, bình luận dài đến cả vài chục lần “xem thêm” chưa hết.
Khoảng thời gian ấy, nếu không vơ lấy vấn đề của người khác và dùng để nghỉ ngơi, đi ngủ, có phải cuộc sống sẽ đỡ mệt mỏi hơn không?
Những cư dân mạng kiểu vậy, họ biết cách “hô biến” vấn đề của người khác thành vấn đề của mình dễ dàng để rồi lại ôm lấy cảm giác khó chịu, mệt mỏi theo mình – đáng nhẽ ra không đáng có. Tác giả của những cuốn sách như “quẳng gánh lo đi và vui sống” chắc không ngờ rằng thế kỷ 21 có sự tồn tại của Facebook, Twitter, nơi người ta chẳng thể quẳng gánh lo đi mà còn mua dây buộc mình.
Điều quan trọng không phải việc bạn sẽ bực bội vì rắc rối của người khác, bạn còn tự cảm thấy bực bội chính mình khi không hiểu tại sao lại lao vào những điều chẳng ra đâu vào đâu. Đó là vấn đề do chính mình lựa chọn chứ chẳng ai ép uổng phải làm.
Đi lo vấn đề của người khác, ai lo vấn đề cho mình?
Chủ nghĩa tối giản không chỉ diễn ra với thế giới vật chất. Người trẻ cũng chủ trương tìm đến sự tối giản trong cuộc sống tinh thần, tập trung vào những điều ý nghĩa thực sự trong cuộc sống. Nhưng không phải tất cả đều như vậy, có những người vẫn chọn cho mình cuộc sống ôm nỗi lo của người khác thành nỗi lo của mình.
Điều đáng buồn nhất không nằm ở sự ôm đồm, bao đồng của một cộng đồng người trẻ – đó là một thế hệ vừa buồn phiền vì những vấn đề của người khác, vừa chìm đắm trong khó khăn của bản thân không thoát ra được.
Chúng ta luôn muốn dứt ra khỏi muộn phiền của cuộc sống, tìm thấy sự bình yên nhưng lại bỏ rơi bản thân mình, ngó lơ những cảm xúc, vấn đề tồn tại trong chính mình. Tôi vẫn luôn than thở rằng mình hay thiếu ngủ nhưng chỉ một cô bạn “gọi hội” là có thể thức cả đêm để tranh luận, thời gian nghỉ ngơi mỗi buổi trưa cũng không nhiều nhưng sẵn sàng ngồi trăn trở về những vấn đề xa tít tắp không liên quan tới mình. Tự dối lòng rằng đó là sự quan tâm, “một hành động nhỏ có thể mang lại ý nghĩa lớn” – kỳ thực đó chỉ là việc lên tiếng để có được chú ý. Ai cũng sợ bị “bỏ rơi” trên mạng xã hội và cả ngoài đời thật.
Vốn dĩ cuộc đời mỗi người đã là một bản nhạc đầy phức tạp, sao không để nó êm đềm trong những nốt trầm mà còn thêm vào những cao trào?