Thoát vị thành bụng là bệnh phổ biến, với tỷ lệ 1,7% ở mọi lứa tuổi và 4% ở những người trên 45 tuổi. Thoát vị bẹn chiếm 75% các trường hợp thoát vị thành bụng, với nguy cơ suốt đời là 27% ở nam và 3% ở nữ. Mặc dù không phổ biến như các bệnh lý khác về tiêu hóa, song thoát vị bẹn lại gây ra nhiều vấn đề phức tạp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân ngại đi khám cho đến khi có biến chứng do bệnh ở vùng nhạy cảm.
Thoát vị bẹn nghẹt không những làm cho phẫu thuật khó khăn hơn, nguy cơ tái phát cao, mà bệnh nhân còn có nguy cơ tử vong do hoại tử tạng, nhiễm trùng nhiễm độc, do đó người dân không nên chủ quan, coi thường, BS.CKII Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật Nội soi, BVĐK Tâm Anh khuyến cáo.
Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong bụng (mạc nối, ruột…) không còn nằm ở vị trí thông thường mà chui ra khỏi một điểm yếu trên thành bụng ở vùng bẹn. Thoát vị bẹn có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng khi có tình trạng “nghẹt”, nghĩa là tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng, gây phù nề dẫn tới thiếu máu nuôi, hoại tử và nhiễm trùng.(1)
Nguyên nhân thoát vị bẹn
Trẻ sơ sinh có thể bị thoát vị bẹn nếu một cấu trúc gọi là ống phúc tinh mạc không đóng lại hoàn toàn, tạo thành một điểm yếu trên thành bụng. Theo y văn, có khoảng 2% – 3% trẻ sơ sinh nam bị thoát vị bẹn trong khi trẻ sơ sinh nữ chỉ chiếm dưới 1%. Người lớn tuổi thường bị thoát vị bẹn trực tiếp vì các cân cơ ở thành bụng yếu đi khi về già.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn như di truyền, giới tính nam, ho hay táo bón mãn tính, hút thuốc lá, phụ nữ có thai, trẻ sinh non, chấn thương vùng bẹn – Bác sĩ Thái cho biết.
Triệu chứng thoát vị bẹn
Người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như xuất hiện các khối phồng vùng bẹn, tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hoặc rặn lúc đi đại tiện và thường mất khi nằm. Cùng với đó, bạn có thể cảm thấy đau tức khi ho, tập thể dục hoặc cúi xuống; cảm giác nóng ran, đau nhói, cảm giác nặng hoặc đầy ở bẹn; sưng bìu ở nam giới…(2)
Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể giống với triệu chứng của một số bệnh thuộc cơ quan sinh dục như xoắn tinh hoàn, tràn dịch tinh mạc… Vì vậy, điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và được chẩn đoán, điều trị chính xác tình trạng gặp phải – Bác sĩ Thái khuyên.
Chẩn đoán thoát vị bẹn thế nào?
Phương pháp chẩn đoán thoát vị bẹn đầu tiên là khám lâm sàng khi người bệnh ở trong tư thế đứng và ho hoặc rặn. Lúc này bác sĩ có thể thấy một khối phồng lên ở vùng bẹn và dùng ngón tay làm các nghiệm pháp để xác định đó là khối thoát vị.
Trường hợp lâm sàng không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định các phương tiện hỗ trợ như siêu âm, CT hay MRI để chẩn đoán. Trong khi thực hiện các biện pháp này bệnh nhân có thể rặn để tình trạng thoát vị biểu hiện rõ ràng hơn.
Các biến chứng của thoát vị bẹn
Trường hợp nhẹ thoát vị bẹn có thể gây đau tức vùng bẹn khi đứng lâu, khi ho, rặn, gắng sức… làm ảnh hưởng sinh hoạt, tâm lý và giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân có thể hạn chế hoạt động thể lực do đau khi gắng sức, làm ảnh hưởng tới sức khỏe chung.
Trường hợp không chữa trị trong thời gian dài, tạng thoát vị thường xuyên trồi ra ngoài và dính vào mô xung quanh, không thể trở lại ổ bụng nữa, gọi là thoát vị kẹt. Lúc này bệnh nhân sẽ khó chịu nhiều hơn và có nguy cơ chấn thương tạng thoát vị.(4)
Một số trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nghẹt, tức là tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng, gây phù nề dẫn tới thiếu máu nuôi, hoại tử và nhiễm trùng. Nếu tạng thoát vị là ruột thì có thể gây tắc ruột, biểu hiện bởi các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, không đánh hơi và đi cầu được. Nếu không mổ kịp thời trong vòng 4-6 tiếng sau khi khởi phát thì ruột có thể hoại tử, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân và khi phẫu thuật điều trị cũng phức tạp hơn, cần cắt bỏ đoạn ruột, và có thể không đặt được lưới để gia cố vùng bẹn, do đó tăng nguy cơ tái phát – Bác sĩ Thái cho biết.
Điều trị thoát vị bẹn
Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính cho bệnh thoát vị bẹn. Đây là một phẫu thuật rất phổ biến và mang lại hiệu quả cao cho người bệnh nếu được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi tùy vào từng tình huống cụ thể.(3)
Mổ mở: Bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật rạch một đường lớn ở vùng bẹn để đưa các cơ quan trở về vị trí trong ổ bụng và gia cố thành bụng vùng bẹn bằng cân cơ hoặc lưới nhân tạo tùy tình huống. Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê.
Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ rạch một số đường nhỏ trên bụng để dùng một ống soi có camera ở đầu và các dụng cụ chuyên dụng để gia cố vùng bẹn. Phương pháp này được đánh giá cao hơn nhờ ưu điểm ít xâm lấn, sẹo nhỏ và mau phục hồi. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi phụ thuộc nhiều vào máy móc và tay nghề phẫu thuật viên, do đó, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện uy tín, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho quá trình phẫu thuật và hồi phục sau mổ.
Phòng ngừa bệnh thoát vị bẹn
Bác sĩ Thái chia sẻ, thoát vị bẹn có yếu tố di truyền, tuổi tác, yếu tố giới tính, mắc một số bệnh nhất định như ho kéo dài, táo bón mãn tính…. Người dân có thể phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh, trái cây, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tránh để táo bón; tránh rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; tránh các hoạt động gây áp lực lớn lên vùng bụng… Ngoài ra, người dân nên đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ và khám chuyên khoa sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ.
Các câu hỏi liên quan đến bệnh thoát vị bẹn
1. Bệnh thoát vị bẹn có nguy hiểm không?
Thoát vị bẹn là bệnh lý lành tính, chỉ gây khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường phát triển theo thời gian và nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng như nghẹt khối thoát vị làm tắc lưu thông máu dẫn đến hoại tử ruột, viêm phúc mạc… Đây là tình trạng khẩn cấp cần phẫu thuật ngay vì có nguy cơ gây tử vong cao.
2. Bệnh thoát vị bẹn nên ăn gì?
Ngoài tránh các đồ ăn thức uống không lành mạnh như rượu bia, chất kích thích, thực phẩm công nghiệp… thì tùy theo nguyên nhân gây bệnh, người bệnh nên tránh ăn/uống các thực phẩm cụ thể. Ví dụ như thoát vị bẹn do táo bón mãn tính thì nên ăn chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn đồ cay, nóng, khó tiêu hóa…
3. Bệnh thoát vị bẹn nên mổ nội soi hay mổ hở?
Tùy vào mức độ, tình trạng bệnh cũng như nguyện vọng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chọn lựa phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn. Đối với các ca bệnh không quá phức tạp thì nên thực hiện phẫu thuật nội soi vì ít xâm lấn, ít đau, thời gian hồi phục nhanh và để lại sẹo nhỏ.
4. Thoát vị bẹn có phải là bệnh bẩm sinh không?
Thoát vị bẹn đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó di truyền (bẩm sinh) là một yếu tố. Nếu trẻ vừa sinh ra đã bị thoát vị bẹn thì được coi là thoát vị bẹn bẩm sinh.
5. Mổ thoát vị bẹn ở bệnh viện nào? Chi phí mổ thoát vị bẹn là bao nhiêu?
Bệnh viện Tâm Anh là đơn vị thăm khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa uy tín, trong đó có thoát vị bẹn. Với đội ngũ chuyên gia và bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm, được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại hàng đầu. Đặc biệt, trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa là nơi đầu tiên ở Đông Nam Á ứng dụng dụng cụ robot cầm tay cơ học kết hợp với hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K ICG Rubina trong phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa đem lại hiệu quả cao và giảm chi phí cho người bệnh.
Thoát vị bẹn dường như không phổ biến trong nhận thức về bệnh tật của đại đa số người dân, vì thế không nhiều người biết rằng, căn bệnh này lại tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng. Không chỉ gây đau tức, ảnh hưởng sinh hoạt và chất lượng sống, thoát vị bẹn còn có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu biến chứng nghẹt khối thoát vị gây hoại tử, nhiễm trùng nhiễm độc. Do đó, người dân nên đến bệnh viện thăm khám, điều trị ngay khi nghi ngờ các dấu hiệu thoát vị bẹn. Nếu có điều kiện, mỗi người nên tạo thói quen đi bệnh viện khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh thoát vị bẹn và các bệnh về tiêu hóa nói chung. – Bác sĩ Thái khuyên.