* Trên các phương tiện thông tin, tôi vẫn thường nghe hai từ quân chủng và binh chủng nhưng không làm sao phân biệt được. Bộ binh và lục quân có khác nhau không? Mong quý báo giải thích giùm. (Mai Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng)
– Quân chủng là bộ phận phân loại cơ bản của quân đội, gồm có lục quân, hải quân, không quân; mỗi bộ phận được rèn luyện chiến đấu ở một môi trường địa lý nhất định (trên bộ, trên biển hoặc trên không).
Binh chủng là bộ phận trong quân chủng, được phân loại theo trang bị vũ khí và chức năng tác chiến khác nhau. Ví dụ, trong quân chủng lục quân Việt Nam có các binh chủng bộ binh, pháo binh, đặc công,…
Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện có các quân chủng: Lục quân, Hải quân và Phòng không – Không quân (từ năm 2000, hai quân chủng Phòng không và Không quân được hợp nhất lại thành quân chủng Phòng không – Không quân).
Lục quân là một quân chủng trong quân đội, hoạt động chủ yếu trên mặt đất, thường có số quân đông nhất, có trang bị và phương thức tác chiến đa dạng, phong phú.
Theo Wikipedia, quân chủng Lục quân có các binh chủng trực thuộc như sau:
1- Bộ binh: Binh chủng chủ yếu của lục quân, được trang bị nhẹ để tác chiến trên bộ; đảm nhiệm chức năng chủ yếu là tiêu diệt đối phương, đánh chiếm trận địa của chúng và giữ vững trận địa của mình. Là binh chủng cổ nhất trong lịch sử và thường là binh chủng đầu tiên được xây dựng trong các quân đội. Từ giữa thế kỷ XX, phần lớn các nước công nghiệp có xu hướng phát triển bộ binh thành bộ binh cơ giới.
2- Bộ binh cơ giới: Bộ binh được trang bị xe chiến đấu bọc thép để cơ động và chiến đấu, có thể thực hành chiến đấu ngay trên xe hoặc với đội hình đi bộ. So với bộ binh, bộ binh cơ giới được trang bị hỏa lực mạnh hơn và có sức cơ động cao hơn.
3- Pháo binh: Lực lượng hỏa lực chủ yếu của lục quân, thường được trang bị các loại pháo, tên lửa và súng cối, dùng để sát thương, tiêu diệt các mục tiêu và trực tiếp chi viện hỏa lực cho các lực lượng tác chiến trên mặt đất, mặt nước, có thể chiến đấu hiệp đồng hoặc độc lập.
4- Tăng – thiết giáp: Chịu trách nhiệm tác chiến đột kích trên bộ và đổ bộ (hải quân), được trang bị các loại xe tăng, xe thiết giáp, với hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.
5- Đặc công: Một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.
6- Công binh: Có chuyên môn kỹ thuật với chức năng bảo đảm công binh trong chiến đấu và xây dựng, có thể trực tiếp chiến đấu bằng vũ khí công binh.
7- Thông tin liên lạc: Có chức năng bảo đảm thông tin liên lạc cho hệ thống chỉ huy trong toàn quân.
8- Hóa học: Một binh chủng chuyên môn kỹ thuật, có chức năng bảo đảm hóa học cho tác chiến, làm nòng cốt trong việc phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, ngụy trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng của quân đội, nghi binh đánh lừa địch bằng màn khói. Bộ đội Hóa học còn có thể trực tiếp chiến đấu bằng vũ khí bộ binh và súng phun lửa.
Như thế, lục quân và bộ binh hoàn toàn khác nhau. Lục quân là một quân chủng trong quân đội. Bộ binh là một binh chủng chủ yếu của quân chủng Lục quân, gồm những người lính chiến đấu chủ yếu ở trên bộ, được trang bị các loại vũ khí nhỏ (súng trường, súng lục, lựu đạn…), mặc dù họ có thể được đưa đến chiến trường bằng ngựa, tàu thuyền, ô-tô, máy bay hay các phương tiện khác.
ĐNCT