Cong thong tin dien tu Bo ke hoach va dau tu

Bình phước là ở đâu

1. Vị trí địa lý:

Bình Phước là một tỉnh miền núi ở phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc tỉnh Đắk Lắk và Campuchia.

2. Khí hậu:

Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.

Nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định từ 25,8 – 26,2°C . Nhiệt độ bình quân thấp nhất 21,5 – 22°C. Nhiệt độ bình quân cao nhất từ 31,7 – 32,2°C. Nhìn chung sự thay đổi nhiệt độ qua các tháng không lớn, song chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thì khá lớn, khoảng 7 đến 9° C nhất là vào các tháng mùa khô. Nhiệt độ cao nhất vào các tháng 3,4,5 (từ 37-37,2°C) và thấp nhất vào tháng 12 là 19°C.

Nằm trong vùng dồi dào nắng. Tổng số giờ nắng trong năm từ 2400 – 2500 giờ. Số giờ nắng bình quân trong ngày từ 6,2 – 6,6 giờ. Thời gian nắng nhiều nhất vào tháng 1, 2, 3, 4 và thời gian ít nắng nhất vào tháng 7, 8, 9.

Lượng mưa bình quân hàng năm biến động từ 2.045 – 2.325 mm. Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 – 11, chiếm 85 – 90% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa lớn nhất 376 mm (tháng 7). Mùa khô từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 5 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 10 – 15% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 2, 3.

3. Đặc điểm địa hình:

Địa hình vùng lãnh thổ Bình Phước là cao nguyên ở phía Bắc và Đông Bắc, dạng địa hình đồi núi, thấp dần về phía Tây và Tây Nam.

4. Dân số:

Dân cư toàn tỉnh­ có tổng số là 835,3 nghìn người, trong đó dân số nông thôn chiếm đa số 83,9%, dân số thành thị chỉ chiếm 16,1%, mật độ dân số trung bình: 122 người/km2. Dân cư tập trung cao nhất ở thị xã Đồng Xoài, huyện Bình Long với mật độ lần lượt là 363 người/km2, 185 người/km2, dân cư huyện Bù Đăng thưa thớt nhất 73 người/km2.

Dân tộc Stiêng ở Bình Phước

Bình Phước có 41 dân tộc đang sinh sống, chủ yếu là người Việt, Stiêng, Khmer, Nùng, Tày.

5. Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Tỉnh Bình Phước có tổng diện tích tự nhiên là 6.874,6 km2, có 7 nhóm đất chính với 13 loại đất. Theo phân loại, đất chất lượng cao trở lên có 420.213 ha, chiếm 61,17% tổng diện tích đất tự nhiên, đất có chất lượng trung bình là 252.066 ha, chiếm 36,78% diện tích đất tự nhiên và đất có chất lượng kém, hoặc cần đầu tư chỉ có 7.884 ha, chiếm 1,15% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Là một trong những tỉnh có chất lượng đất khá tốt so với cả nước và là điều kiện hết sức quan trọng trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

b. Tài nguyên rừng

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm 51,32% trong tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó đất có rừng chiếm 48,37% so diện tích đất lâm nghiệp và bằng 24,82% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Vị trí rừng của tỉnh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái tạo điều kiện tốt cho việc thực hiện chiến lược kinh tế xã hội của vùng Đông nam bộ nói chung và các tỉnh lân cận nói riêng. Rừng Bình Phước có tác dụng tham gia điều hoà dòng chảy của các con sông lớn như Sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Giảm lũ lụt đột ngột đối với các tỉnh vùng ven biển và đảm bảo nguồn sinh thuỷ trong mùa khô kiệt.

c. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản được phân bố rải rác chủ yếu vùng phía tây và một ít ở trung tâm. Đã phát hiện được 91 mỏ, điểm quặng, điểm khoáng hoá với 20 loại khoáng sản có tiềm năng triển vọng khác nhau thuộc 4 nhóm: nguyên liệu phân bón, kim loại, phi kim loại, đá quý và bán quý. Trong đó nguyên vật liệu xây dựng (đá, cát, sét, laterit, puzơlan) kaolin, đá vôi…là loại khoáng sản có triển vọng và quan trọng nhất của tỉnh. Cụ thể: Có 4 mỏ quặng Bauxít trên bề mặt diện tích 13.400ha; 6 điểm khoáng hoá; 26 mỏ đá xây dựng; 3 mỏ cát, cuội, sỏi; 11 mỏ sét gạch ngói; 15 điểm mỏ Laterit và vật liệu san lấp; 5 mỏ kaolin; 2 mỏ đá vôi xi măng có quy mô lớn; 2 mỏ sét xi măng và laterit; 6 mỏ puzơlan; 2 mỏ laterit; 2 mỏ đá quý và 4 mỏ bán đá quý. Hiện nay tỉnh mới chỉ khai thác một số mỏ như đá vôi, đá xây dựng, cát sỏi, sét gạch ngói đáp ứng một phần cho sản xuất tiêu dùng, xây dựng trong tỉnh, còn lại các mỏ khác đang tiến hành thăm dò để có cơ sở đầu tư khai thác.

d. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: có hệ thống sông suối tương đối nhiều với mật độ 0,7 – 0,8 km/km2, bao gồm sông Sài Gòn, Sông Bé, sông Đồng Nai, sông Măng và nhiều suối lớn. Ngoài ra còn có một số hồ, đập như hồ Suối Lam, hồ Suối Cam, đập nước thuỷ điện Thác Mơ (dung tích 1,47 tỷ m3), đập thuỷ điện Cần Đơn, đập thuỷ điện Sork phú miêng v.v…

Nguồn nước ngầm: các vùng thấp dọc theo các con sông và suối, nhất là phía Tây Nam tỉnh, nguồn nước khá phong phú có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Tầng chứa nước Bazal (QI-II) phân bố trên quy mô hơn 4000 km2 , lưu lượng nước tương đối khá 0,5 – 16 l/s, tuy nhiên do biến động lớn về tính thấm nên tỷ lệ khoan khai thác thành công không cao. Tầng chứa nước Pleitocen (QI-III), đây là tầng chứa nước có trữ lượng lớn, chất lượng nước tốt, phân bố vùng huyện Bình Long và nam Đồng Phú. Tầng chứa nước Plioxen (N2) lưu lượng 5-15 l/s, chất lượng nước tốt. Ngoài ra còn có tầng chứa nước Mezozol (M2) phân bố ở vùng đồi thấp (từ 100-250m).