BL là gì? Bill of Lading là gì? Vận đơn đường biển là gì?
Một trong những thuật ngữ phổ biến và quan trọng nhất của hoạt động vận tải biển là Vận Đơn, hay còn được viết tắt là BL. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu BL là gì? Và tất cả các vấn đề xung quanh một BL
BL là gì? Khái niệm BL
Nhưng đã nêu trên, BL viết tắt của Bill of Lading – vận đơn đường biển. Đây là một loại chứng từ vận tải hết sức quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất trong hoạt động vận tải hàng hóa quốc tế. Ở bài viết này tôi sẽ cố gắng giải thích dễ hiểu nhất cho các bạn “nhập môn” và hy vọng rằng cũng sẽ bổ sung được thêm một chút kiến thức cho những bạn đã biết về BL. Để thống nhất tên gọi cho vận đơn đường biển hay Bill of Lading, từ giờ chúng ta sẽ gọi tắt là BL.
BL là chứng từ do người vận chuyển cấp cho người giao hàng hoặc người gửi hàng với 3 chức năng chính là chứng từ thể hiệu sở hữu hàng hóa; là biên nhận đã nhận hàng; là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển.
Ví dụ: Bạn muốn gửi 1 món quà cho bạn gái đang đi học xa nhà, bạn ra phố huyện giao đồ cho công ty chuyển phát, họ nhận hàng và đưa lại cho bạn 1 phiếu xác nhận đã nhận hàng. Ở đây người gửi hàng là bạn, hãng vận chuyển là công ty chuyển phát, vận đơn là tờ phiếu họ đưa cho bạn.
Nôm na thì là như vậy, nhưng nếu mở rộng ra hoạt động mua bán lớn, chẳng hạn công ty A ở châu Âu mua lô hàng 100 containers hạt điều của công ty B ở Việt Nam, với thỏa thuận B mang hàng đến tận nơi cho A, lúc này việc phối hợp vận chuyển sẽ phức tạp hơn nhiều và giá trị của BL sẽ được thể hiện rõ ràng. Các bạn cùng theo dõi tiếp để thấy tầm quan trọng của BL nhé.
Chức năng của BL
Dựa theo khái niệm BL, tôi nhóm các chức năng của BL vào 3 chức năng sau:
- Thứ nhất: là biên nhận đã nhận hàng. Trên BL có thông tin của hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng, cảng xếp, cảng dỡ. Nếu không có ghi chú gì trên BL thì những hàng hoá ghi trong đó đương nhiên được thừa nhận là có tình trạng bên ngoài phù hợp. Điều này đồng nghĩa là người chuyên chở nhận hàng hoá như thế nào thì phải giao cho người cầm vận đơn gốc một cách hợp pháp như đã ghi trên vận đơn ở cảng dỡ hàng.
- Thứ hai: BL gốc có chức năng sở hữu hàng hóa. Chức năng này hiểu đơn giản là người có trong tay vận đơn gốc tại cảng đến là người có quyền duy nhất đứng ra nhận hàng.
Ngoài ra, vận đơn cũng có thể mua bán, chuyển nhượng được. Việc mua bán, chuyển nhượng có thể được thực hiện nhiều lần trước khi hàng hoá được giao. Cứ mỗi lần chuyển nhượng như vậy, người cầm vận đơn gốc trong tay là chủ của hàng hoá ghi trong vận đơn, có quyền đòi người chuyên chở giao hàng cho mình theo điều kiện đã quy định trong vận đơn tại cảng đến.
Tôi lại lấy 1 ví dụ vui về chức năng sở hữu này. Khi bạn đến gửi xe tại các cơ quan, xí nghiệp, văn phòng, trường học,… Bạn được nhận vé xe, nhưng ở cổng ra của nhà xe thì cứ người nào xuất trình được vé đó thì đều lấy có thể xe của bạn, trái lại nếu bạn không có vé sẽ không được lấy. Tất nhiên, hoạt động thường ngày này có nhiều cách để xử lý, khi bạn mất vé có thể kiểm tra lại bằng camera an ninh hoặc giấy tờ tùy thân,… Nhưng ở góc độ ngoại thương, với những lô hàng lớn, giá trị cao thì phải có những tập quán quy định rõ ràng, tờ BL gốc có nhiều quyền lực hơn 1 tờ vé gửi xe.
Trong vụ xuất khẩu hạt điều đi châu Âu hồi đầu năm 2022, phía người bán ở Việt Nam đã mất kiểm soát với bộ BL gốc, và nguy cơ mất trắng các container bị mất BL gốc. Phía các đơn vị vận chuyển buộc phải tuân theo tập quán quốc tế và phải giao hàng cho người giữ BL gốc. Rất may các cơ quan ngoại giao và an ninh kinh tế phía Việt Nam kịp thời phối hợp với các nước bạn để “giải cứu” lô hàng có tổng trị giá 20 triệu USD này (chi tiết vụ việc các bạn tìm hiểu thêm trên các trang thông tin truyền thông và báo chí)
- Thứ ba: BL là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển.
Đầu tiên, nếu bạn là chủ hàng, bạn sẽ có 2 phương án để thuê vận tải bằng đường biển tùy theo tính chất của lô hàng đó.
- Tàu chuyến là tàu chuyên chở hàng hóa giữa hai hay nhiều cảng theo yêu cầu của chủ hàng trên cơ sở hợp đồng thuê tàu (nôm na giống xe taxi, xe ôm, điểm xuất phát và điểm đến được thỏa thuận theo yêu cầu của khách hàng tùy vào từng hôm). Loại hình này chủ yếu phục vụ các loại hàng số lượng lớn, như dầu, sắt thép, gỗ, quặng…
- Tàu chợ là tàu chở hàng chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, ghé vào các cảng quy định theo lịch trình định trước (nôm na giống với các tuyến xe bus, xe khách cố định). Loại hình này phù hợp với các hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ, chỉ cần thuê 1 vị trí nhỏ trên tàu nhưng hàng đóng container, hàng máy móc, ô tô, …
Đối với tàu chuyến, người thuê tàu và người cho thuê tàu đã ký kết với nhau một hợp đồng thuê tàu chuyến từ trước khi hàng hóa được xếp lên tàu. Sau khi công tác chất xếp được hoàn thành, người vận chuyển cấp BL cho người thuê vận chuyển. BL khẳng định số lượng hàng hóa thực tế được xếp lên tàu cũng như ngày tàu chạy, càng xếp – cảng dỡ. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, BL sẽ là một phần không tách rời của hợp đồng thuê tàu trước đó.
Đối với tàu chợ, thì không có sự ký kết trước một như thuê tàu chuyến mà chỉ có sự cam kết từ người vận chuyển là sẽ dành chỗ xếp hàng cho người thuê vận chuyển. Sự cam kết này được ghi lại thông quan booking note. Sau khi hàng hóa lên tàu, người thuê vận chuyển sẽ nhận được BL và đây là bằng chứng duy nhất chỉ ra rằng người vận chuyển nhận đủ hàng và có trách nhiệm vận chuyển hàng đến cảng định trước.
Phân loại BL
BL chưa rất nhiều nội dung nên đi cùng với đó là nhiều cách phân loại. Dưới đây tôi sẽ chỉ ra vài cách phân loại phổ biến nhất.
-
Căn cứ vào tính pháp lý của hàng hóa vận chuyển:
Original BL (BL gốc): là vận đơn được có dấu Original và được đóng mộc, ký bằng tay. Bill gốc mang tính chủ sở hữu hàng hoá.
Copy BL (BL bản sao): nội dung vận đơn này giống với vận đơn gốc, không có dấu và không được ký bằng tay, có chữ COPY – NON NEGOTIABLE. Có nghĩa là Bản sao – Không chuyển nhượng được.
- Căn cứ vào chủ thể phát hành
Master BL: Là BL do người sở hữu tàu, thường hiểu là chủ tàu, các hãng tàu phát hành cho người thuê vận chuyển (ở đây có thể là trực tiếp chủ hàng hoặc là người giao nhận Forwarder).
House BL: Là BL do người giao nhận Forwarder phát hành cho người thuê vận chuyển.
Ở đây xin giải thích thêm về Forwarder vì sẽ có nhiều bạn chưa hiểu. Với cả bạn nhập môn sẽ nghĩ rằng việc vận tải đơn thuần là người thuê vận chuyển (chủ hàng) trả tiền cho người vận chuyển (chủ tàu) để dịch chuyển hàng hóa đến địa chỉ yêu cầu.
Nhưng chúng ta biết rằng câu chuyện về vận chuyển hàng hóa đường biển không hề đơn giản như việc hàng ngày chúng ta đi xe bus hay taxi. Lấy ví dụ câu chuyện của các chủ tàu container (tàu chợ), mỗi tàu của họ chưa hàng nghìn TEU (Twenty Equipment Unit = 20ft), họ không thể làm việc trực tiếp với hàng nghìn khách hàng cùng lúc trong khi thời gian ghé các cảng chỉ dao động vài ngày.
Còn các chủ hàng lại rất khó đáp ứng được các yêu cầu của chủ tàu để có thể mang hàng ra cảng, xếp lên tàu trong khoảng thời gian ngắn đó và rất dễ bị nhỡ tàu, mất thời gian chờ chuyến sau và kéo theo rất nhiều chi phí liên quan. Chưa kể các khách hàng có tổng lượng hàng không lớn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc trực tiếp với chủ tàu
Nói đến đây chắc hẳn các bạn đã hình dung được phần nào chức năng của Forwarder rồi đúng không? Đúng vậy, họ là các trung gian đảm nhận công việc “take care” lô hàng, đại diện cho Shipper và Consignee đứng ra giao dịch với chủ tàu ở cảng xếp và cảng dỡ.
>> Phân biệt House B/L và Master B/L
- Căn cứ theo hình thức:
Original BL: Là BL gốc, bản cứng, như tôi đã nói ở trên
Surrendered BL: Là BL điện tử. BL Sur được phát triển để khắc phục những hạn chế của BL bản cứng. Nếu không may làm mất hoặc làm hỏng BL bản cứng, hãng tàu sẽ không có cơ chế nào để giao hàng cho Consignee, trường hợp này chỉ có cách nộp thế chấp nhiều hơn 100% giá trị tiền hàng kèm theo bảo lãnh của Shipper thì mới có thể lấy được hàng.
BL Sur về mặt nội dung gần giống hoàn toàn so với BL gốc, nhưng ở dạng file điện tử mà Shipper có thể dễ dàng gửi cho Consignee qua internet. Khi hàng đến cảng dỡ, Consignee hoàn thành các thủ tục thanh toán cho Shipper, Shipper là đồng thời 2 việc là báo với người vận chuyển là lô hàng này được phép giao cho Consignee, và gửi cho Consignee BL đã được đóng dấu Surrendered.
Như vậy với loại Bill này sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí gửi Bill bản cứng qua lại giữa các nước, đồng cũng không sợ sẽ bị thất lạc nên hiện nay loại Bill này được dùng khá phổ biến. Tất nhiên, sẽ mất một khoản phí cho hãng tàu để họ thực hiện Surrendered cho BL mà khách hàng đang có và phí Surrendered này cao hơn phí phát hành BL gốc.
Nhược điểm của loại BL này là không sử dụng được đối với tất cả các hình thức thanh toán. Điển hình như thanh toán L/C, người mua người bán giao dịch với nhau qua ngân hàng trung gian, và ngân hàng trung gian phải giữ bộ BL gốc trong quá trình thanh toán. Chi tiết về phương thức thanh toán L/C sẽ gửi đến bạn trong bài viết khác.
Seaway Bill (SWB):thực chất là giấy gửi hàng đường biển. Việc một SWB có là một BL hay không thì vẫn chưa được thống nhất, hiện tại có nơi đã chấp nhận còn có nước thì chưa. Vậy nên để tránh thiếu sót, tôi sẽ để cập cả SWB, như là 1 hình thức khác của BL. Tại sao lại như vậy?
Về nội dung, trên SWB đủ như 1 BL gốc hay 1 BL Surrendered. Thế nhưng về chức năng thì SWB lại thiếu 1 chức năng quan trọng nhất đó là chứng từ sở hữu hàng hóa, đồng nghĩa với việc là không được được chuyển nhượng. Trên SWB thường ghi sẵn Consignee chính là người nhập khẩu, Consignee cũng chỉ cần xuất trình đc SWB (dù là bản gốc hay bản chụp) + giấy báo hàng đến là có thể lấy hàng nên vì thế các ngân hàng không chấp nhận thanh toán L/C nếu dùng SWB.
Mối liên hệ giữa 3 loại BL này:
- BL Sur được phát hành trong 2 trường hợp. Hoặc là do BL gốc được phát hành sau đó Shipper xuất trình luôn cho hãng tàu; hoặc là được phát hành ngay từ đầu mà không có BL gốc.
- SWB được phát hành ngay từ đầu khi shipper và consignee thỏa thuận. Do vậy không có trường hợp SWB và BL gốc cùng xuất hiện trên 1 lô hàng
- BL gốc khi phát hành sẽ chỉ được Surrendered, không được phát hành SWB nữa.
Qua đó các bạn nhận thấy rằng cả 3 loại bill này đều có nhược điểm nhất định. Đối với BL gốc là thời gian gửi đi lâu, dễ thất lạc, hoặc bị mất, hoặc bị hỏng; Đối với BL Sur thì chi phí cao, không phù hợp với thanh toán L/C; Đối với Seaway Bill thì độ phổ biến không cao, không linh hoạt, không chuyển nhượng, không thanh toán được L/C.
Kết luận
Ngày nay, hoạt động giao thương hàng hóa phát triển hơn bao giờ hết, đặc biệt là vận tải quốc tế. Chúng ta biết rằng để xây dựng được 1 bộ luật về vận tải mang tính toàn cầu thì rất khó, có thể nói là không khả thi vì sẽ không có luật nào có thể phù hợp và hài hòa được với luật pháp của tất cả các nước cùng lúc. Bởi vậy, tập quán quốc tế là rất quan trọng. BL là một trong số đó.
Vì đây là chứng từ quan trọng nhất của hoạt động vận tải hàng hóa nên những kiến thức về BL sẽ rất nhiều. Nếu có thắc mắc về BL trên lô hàng của bạn, vui lòng liên hệ để được tư vấn.
Trên đây là một số thông tin mà tôi tổng hợp lại cho các bạn chưa rành về BL là gì? có thể hiểu được một cách khái quát.