Vị trí địa lý, diện tích dân số:
Huyện Bù Gia Mập gần như bao quanh Thị xã Phước Long, các tuyến đường ĐT chạy qua, cách thị xã Đồng Xoài 65 km, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện khá hoàn chỉnh nối liền từ trung tâm huyện đến các xã đều được trải nhựa và nối liền với các huyện trong tỉnh. Trong đó có một số trục giao thông quan trọng là tỉnh lộ ĐT741 nối liền với trung tâm tỉnh lỵ
Ranh giới của huyện như sau:
– Phía Đông giáp huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông và huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước;
– Phía Tây giáp huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh và huyện Bù Đốp;
– Phía Nam giáp huyện Phú Riềng và Thị xã Phước Long;
– Phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài hơn 60km
– Huyện có 106.428,15 ha diện tích tự nhiên và dân số trung bình (năm 2015) là 75.208 người (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 27.122 người) và có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Bình Thắng, Đức Hạnh, Phú Văn, Phú Nghĩa, Đa Kia và Phước Minh.
Huyện Bù Gia Mập nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi cao nguyên và vùng đồng bằng, có vị trí chiếm lược vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng.
Đặc điểm điều kiện tự nhiên
Tỉnh Bình Phước nói chung và huyện Bù Gia Mập nói riêng nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
Nhiệt độ không khí
Nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định từ 25,8 – 26,20C. Nhìn chung sự thay đổi nhiệt độ qua các tháng không lớn, song chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thì khá lớn, khoảng 7 – 90C nhất là vào các tháng mùa khô.
– Nhiệt độ trung bình: 26,10C/năm
– Nhiệt độ tháng cao nhất: 27,40C (tháng 5)
– Nhiệt độ tháng thấp nhất: 24,70C (tháng 11)
– Nhiệt độ cao tuyệt đối: 35,20C
– Nhiệt độ thấp tuyệt đối: 17,90C.
Đất ở huyện Bù Gia Mập chủ yếu là đất đỏ Bazan rất màu mỡ, có khả năng thích nghi đối với nhiều loại cây trồng đặc biệt là các loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê, điều và tiêu là vựa cao su, cây điều lớn nhất của tỉnh Bình Phước.
Huyện Bù Gia Mập có vườn Quốc gia Bù Gia Mập với diện tích rừng và đất rừng khá lớn, khoảng 26.032 ha(trong đó rừng tự nhiên là 21.376 ha) nên hệ động, thực vật rừng rất đa dạng phong phú, là nơi bảo tồn hệ động, thực vật hoang dã, nguồn dược liệu quý hiếm(724 loài thực vật, 278 giống cây dược liệu, 437 loài động vật hoang dã), các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật, các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín rụng lá hơi ẩm nhiệt đới – thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, núi thấp có độ cao dưới 1.000m đặc trưng cho sự chuyển tiếp từ vùng Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ. Bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thuỷ điện như Thác Mơ, Cần Đơn..Ngoài ra còn phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.
Trên địa bàn huyện có Sông Bé chảy qua theo hướng Bắc Nam, lưu vực rộng khoảng 4.000 km2 Với 3 chi lưu chính: Suối Đăk Huýt dài 80 km, Suối Đắk Lung dài 50 km, suối Đắk Lap dài 9 km lưu lượng dòng chảy trung bình đạt khoảng 100m3/s. Trên Sông Bé quy hoạch 4 công trình thủy lợi, thủy điện lớn theo 4 bậc thang : Thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sóc Phú Miêng, và Phú Hòa.
Dân tộc, tôn giáo:
Bù Gia Mập có nhiều thành phần dân tộc khác nhau sinh sống với 23 dân tộc anh em. Đồng bào dân tộc ít người chiếm khoảng 36%, đa số là người S’tiêng, một số ít người Hoa, Khmer, Nùng, Tày,…vì thế Bù Gia Mập có nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Xtiêng.
Riêng đối với đồng bào dân tộc S’tiêng là dân tộc bản địa trên địa bàn huyện có nét văn hóa riêng và còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống.
Trong nội bộ cộng đồng người S’tiêng thường phân biệt nhau theo nhóm dân cư địa phương, trước đây được chia thành 4 nhóm chính: Bulơ, Budek, Bulap và Bu biet, sau này họ chỉ phân thành 2 nhóm: Bulơ và Budek. Nơi cư trú chủ yếu của bà con người S’tiêng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập là các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Phú Nghĩa, Phước Minh, Đa Kia…Trước đây, đa số đồng bào S’tiêng ở Bù Gia Mập nói chung đều có cuộc sống khó khăn, lương thực cũng chỉ đủ dùng trong 6 đến 8 tháng, thực phẩm thì lại rất thiếu, bữa ăn trong gia đình rất sơ sài, có khi cũng chỉ có mỗi một món canh mướp rừng. Nguyên nhân của sự thiếu đói lương thực là do cây trồng ít được chăm sóc một cách kỹ lưỡng bằng phân bón cũng như các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, việc tuỳ ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập quán sinh hoạt, sản xuất, trình độ dân trí thấp… Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thông qua các chính sách hỗ trợ, các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, các nguyên nhân trên đang từng bước được khắc phục. Hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình ổn định có của ăn, của để, xây nhà, mua sắm xe ô tô, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và sinh hoạt gia đình, đầu tư cho con cái học tập, tích lũy tài sản…Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ rất nghèo(hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 1.398 hộ, chiếm 38,2% tổng số hộ nghèo toàn huyện, chiếm 52% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số của toàn huyện), vẫn còn tình trạng đói giáp hạt vào tháng 9 đến tháng 12. Do đó, để giải quyết bài toán thoát nghèo cũng vẫn là vấn đề nan giải, lâu dài, cần sự chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện nhà.
Trên địa bàn huyện có khoảng 30 cơ sở tôn giáo, có ba tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành. Ngoài ra còn một số ít người theo các tôn giáo khác như Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Hồi …