Và trong nhiều nỗ lực, viết lách bỗng trở thành một cuộc thử nghiệm khá thành công.
Thế giới sách số này có cuộc trò chuyện cùng Đặng Hoàng Giang nhân tập sách mới của anh ra mắt: Bức xúc không làm ta vô can.
* Đầu tiên, anh có thể giải thích ngắn gọn về nhan đề cuốn sách cho những người chưa đọc anh bao giờ?
– Cuốn sách này là tập hợp các bài bình luận về xã hội và văn hóa, những hiện tượng xã hội đương đại mà tôi đã đăng trên nhiều báo trong vài năm qua.
Khi đặt chúng nằm cạnh nhau thì tôi thấy dường như tên của bài viết “Bức xúc không làm ta vô can” cũng thích hợp để phân tích một tinh thần thời đại: trạng thái bức xúc đang trở nên thời thượng.
Thoạt đầu, nó là một trạng thái tích cực, vì nó dường như ngược lại với sự thờ ơ hay vô cảm mà người ta hay lên án.
Tuy nhiên, khi đã trở nên thời thượng, nó được dùng với các mục đích khác nhau. Khi “bức xúc”, khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn.
Càng bức xúc, chúng ta càng có nhiều cơ hội để tự nhủ là chúng ta không phải “họ”, những kẻ rất tệ và rất không văn minh ngoài kia, chúng ta chỉ không may bị chung sống cùng “họ”, nhưng thực chất chúng ta ưu tú hơn “họ” nhiều.
Hơn nữa, khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu là chúng ta vô can và vô tội. Các chính trị gia đã nhận ra điều đó, gần đây các quan chức cũng bức xúc rất nhiều?
Bức xúc giúp xoa dịu những bứt rứt lương tâm thi thoảng nổi lên, khi chúng ta lờ mờ cảm thấy mình không đủ dũng cảm để phản ứng lại sai trái trong xã hội. Những lúc đó, cách trấn an bản thân hiệu nghiệm là tỏ ra bức xúc một cách gay gắt.
* Anh không cho rằng biết bức xúc vẫn còn hơn là vô cảm và trốn tránh à?
– Bức xúc không đáng quý, không cần được cổ xúy nếu như nó chỉ là một cái mặt nạ bên ngoài, hoặc để ve vuốt cái tôi bên trong. Tiếng Đức có câu “những nhà cách mạng ghế bành”, ám chỉ những người ngồi trong phòng khách nhưng phát ngôn như thay đổi thế giới đến nơi rồi.
Những người bức xúc cũng có nguy cơ công việc chính là lên mạng hằng ngày chửi rủa, “ném đá”, chê bai hết người này tới người kia. Họ đầu độc bầu không khí và không đem lại thay đổi gì cả.
Ngược lại với “bức xúc quá đà” không phải là vô cảm, mà là thấu hiểu, bình tĩnh và hành động, mà mấy cái này đang bị thiếu trong xã hội. Chỉ thấy đi đâu người ta cũng than vãn.
* Chúng ta tạm thống nhất rằng thái độ bức xúc là vô nghĩa. Nhưng đang có rất nhiều người không có lựa chọn về lối suy nghĩ. Sách dạy cách sống thì anh nói rằng “khốn cùng” (bài “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú”), truyền hình thì anh nói rằng “làm đần” công chúng (bài “Quẳng gánh lo đi và xem truyền hình thực tế”). Họ có thể làm gì khác?
– Trước hết, những sách đó không dạy sống mà dạy “làm giàu”, trong ngoặc kép. Và cái tư duy triệu phú hết sức nguy hiểm, nó tạo ra một xã hội miệt thị người nghèo và thờ phụng người giàu.
Truyền hình thực tế thì là một cỗ máy ru ngủ, không chỉ riêng tôi nói như vậy. Những người như anh công nhân khốn khổ không bức xúc, họ còn đang mải kiếm sống, và họ khiêm nhường. Bức xúc, chủ yếu là người thành thị, trung lưu, đòi hỏi, tự cao.
Cái tranh minh họa của họa sĩ Nguyễn Hoàng Giang trong sách đã mô tả ý này rất hay. Một cô văn phòng, tay vung lên smartphone, cưỡi trên lưng công nhân và nông dân, các dấu chấm than đầy xung quanh người cô ta.
Những người hay nói “làm người Việt Nam nhục lắm” là những người có cuộc sống đầy đủ. Không có bà nông dân hay anh xe ôm nào nói như vậy cả.
Ta nên chuyển từ trạng thái bức xúc (“lỗi ở người khác”) sang trạng thái tự vấn (“trách nhiệm cá nhân của mình là ở đâu?”). Các ông bà bộ trưởng nên làm vậy và mỗi chúng ta đều nên làm vậy.
* Vậy hãy cứ giả sử rằng cuốn sách của anh tác động được lên quá trình “tự vấn” ấy. Anh có cho rằng nó sẽ lạc lõng trong “đời sống văn hóa được tái định nghĩa thành một cuộc giải trí vĩnh cửu” này – như anh đã viết trong bài “Quẳng gánh lo đi và xem truyền hình thực tế”? Làm thế nào để cuộc tự vấn trách nhiệm này được mở rộng?
– Những phản hồi tích cực từ bạn đọc khi những bài này được đăng báo (mà tôi khá là bất ngờ) chứng tỏ là nhiều người cũng có suy nghĩ tương tự, và họ cần những người diễn đạt ra. Họ có thể là thiểu số, nhưng không phải là quá ít.
Vấn đề là những giọng nói “bức xúc” kia to tiếng quá, làm chúng ta không nghe thấy những giọng nói khác. Chúng ta nên luyện cách lắng nghe những giọng nói khác, không giật gân, ồn ào. Đây cũng là một nhắn nhủ tới giới báo chí của các anh.
Cuộc tự vấn không bao giờ kết thúc. Bản thân tôi cũng “cãi cọ” với bản thân khá nhiều khi viết về từ thiện chẳng hạn. Nhiều bài gây ra rất nhiều tranh cãi, ví dụ bài về tư duy triệu phú, đó là một điều tốt.
Tôi không muốn người ta coi cuốn sách của tôi như một cẩm nang mới, nuốt từng lời, một loại “self-help”. Tôi muốn giúp họ tự vấn.
Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: K.Chi
Tọa đàm ra mắt sách Bức xúc không làm ta vô can
“Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” – một bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 29-5, sau đó được đăng lại trên Tuổi Trẻ Online đã gây nên “bão mạng” với cả hàng trăm bình luận đồng tình lẫn phản đối.
Và diễn đàn về sách self-help trên Tuổi Trẻ Online xuất phát từ bài viết này tiếp tục thu hút rất đông bạn đọc tham gia.
Bài viết ấy cùng nhiều bài viết khác nữa – như “Vẻ đẹp của người đứng một mình”, “Văn hóa không phải lý do khiến quốc gia thất bại”, “Từ thiện câu like”, “Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn”, “Tôn thờ sách là mê tín dị đoan”… là những góc nhìn sắc sảo – đôi khi đầy bất ngờ – của TS Đặng Hoàng Giang, và cũng là cách riêng của tác giả trong nỗ lực truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận.
Tinh thần phản biện ấy sẽ trở lại một cách mạnh mẽ hơn khi 26 bài viết của Đặng Hoàng Giang (hiện là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng) được tập hợp trong tập sách Bức xúc không làm ta vô can.
Buổi tọa đàm giữa tác giả, biên tập viên Nguyễn Mỹ Linh và tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu cùng bạn đọc sẽ diễn ra vào 9g ngày 31-10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội.
CHI ANH