Chàm môi là một bệnh lý da liễu vừa gây phiền toái cho người bệnh vừa khiến họ khó chịu, tự ti. Bởi bệnh có thể làm xuất hiện tình trạng đau rát, sưng tấy và các triệu chứng liên quan khác. Tìm hiểu một số thông tin tổng quan nên biết về bệnh lý này trong bài viết sau đây.
10/05/2022 | Chữa chàm da tay bằng cách nào? Phương pháp phòng ngừa ra sao?07/05/2022 | Những nguyên nhân nào gây bệnh chàm da? Phương pháp điều trị bệnh ra sao?11/10/2020 | Viêm da cơ địa – bệnh lý ngoài da bạn không nên coi thường
1. Chàm môi là bệnh gì?
Như đã đề cập, chàm môi là một trong số những căn bệnh da liễu phổ biến có thể gặp phải ở vị trí đôi môi của chúng ta. Tên gọi khác của nó là viêm da môi hay viêm môi có vảy tiết.
Theo đó, đây là một bệnh mạn tính, có các thể chàm môi hay gặp là viêm môi tiếp xúc kích ứng, viêm môi tiếp xúc dị ứng hay viêm môi bong vảy.
Bệnh gây ra hiện tượng ngứa rát, khó chịu. Từ đó, ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và các hoạt động sinh hoạt, ăn uống hay giao tiếp thường ngày của bệnh nhân.
Chàm môi làm người bệnh ngứa rát, khó chịu
2. Chàm môi có nguyên nhân do đâu?
Chàm môi có nguyên nhân do đâu cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác. Song các yếu tố sau đây có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý da liễu này:
2.1. Có sự tiếp xúc với các chất kích ứng
Khi có sự tiếp xúc với các chất kích ứng đến từ kem đánh răng, son môi, son dưỡng môi, thuốc điều trị bệnh, một số loại thực phẩm,… người bệnh có thể đối diện với nguy cơ cao gặp tình trạng bệnh chàm ở môi.
Chất kích ứng từ kem đánh răng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh
2.2. Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền cũng tác động đến khả năng mắc bệnh. Theo đó, tỷ lệ bị bệnh da liễu này sẽ cao hơn đối với những người đã có thành viên trong gia đình bị bệnh hen suyễn, bệnh lý về chàm, viêm da,…
2.3. Nồng độ hormone trong cơ thể bị thay đổi thất thường
Tình trạng rối loạn nồng độ hormone trong cơ thể không phải ngoại lệ khi đây cũng là một yếu tố có thể dẫn đến bệnh.
2.4. Sự thay đổi của thời tiết
Làn da ở môi của chúng ta thường sẽ bị ảnh hưởng và kích thích trước sự thay đổi của thời tiết, nhất là khi sự thay đổi đó diễn ra một cách đột ngột. Đây là điều kiện cho sự sản sinh của kháng nguyên và hình thành bệnh lý về da phổ biến này.
2.5. Tình trạng tâm lý căng thẳng
Không chỉ vậy, bệnh sẽ có khả năng bùng phát một cách nhanh chóng nếu thần kinh của người bệnh bị căng thẳng. Vì thế, yếu tố này gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành, phát triển của nó.
2.6. Một vài yếu tố nguy cơ khác
Ngoài ra, một vài yếu tố nguy cơ khác cũng có thể dẫn đến tình trạng bệnh này. Chẳng hạn như:
-
Thói quen thường xuyên liếm môi.
-
Bệnh viêm da cơ địa hay tiền sử bệnh cơ địa mà người bệnh gặp phải.
-
Bị nhạy cảm với nóng hoặc lạnh, bị cảm lạnh, bị cúm.
-
Có sự tiếp xúc với lông của động vật.
-
Người bị các bệnh như HIV, giang mai, đái tháo đường,…
3. Chàm môi có các triệu chứng nào?
Để nhận biết bệnh có thể dựa vào các triệu chứng sau:
-
Môi bị khô, ửng đỏ.
-
Xuất hiện các vết nứt nẻ ở bờ môi, màu môi chuyển sang màu thâm do suy giảm sắc tố.
-
Có hiện tượng bong da môi.
-
Môi bị viêm, lở loét, mẩn đỏ, sưng và ngứa rát.
Bị khô, ửng đỏ, nứt nẻ môi là một triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng đó có thể xuất hiện ở cả môi trên lẫn môi dưới, hoặc có sự lan rộng ra xung quanh môi cũng như ảnh hưởng đến khu vực da xung quanh miệng. Cùng với đó, sự thay đổi của màu sắc da xung quanh môi cũng thường xảy ra phổ biến.
4. Chàm môi điều trị ra sao?
Thông thường, chàm môi là bệnh lý nhiều lần tái đi tái lại khó điều trị dứt điểm. Mặc dù vậy, có thể cải thiện bệnh nếu sớm phát hiện và điều trị đúng cách.
4.1. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc sau có tác dụng trong việc trị bệnh bao gồm:
-
Kem bôi trị chàm môi Corticoid: giúp chống viêm, giảm cảm giác ngứa, đau rát cũng như tình trạng sưng tấy.
-
Thuốc trị chàm kháng histamin: giúp hạn chế các triệu chứng ngứa, rát của bệnh, nhưng dễ gây trạng thái buồn ngủ hoặc buồn nôn.
-
Thuốc kháng sinh: được chỉ định bởi bác sĩ nếu trường hợp bị nhiễm trùng hay viêm nhiễm nặng.
-
Kem dưỡng ẩm: giúp cung cấp độ ẩm cần thiết cho môi, cải thiện tình trạng khô môi, bong da.
4.2. Hạn chế diễn tiến của bệnh tại nhà
Bên cạnh sử dụng thuốc, việc thực hiện thay đổi các thói quen liên quan có thể giúp chữa trị và hạn chế tiến triển của bệnh chàm môi ngay tại nhà.
– Chế độ ăn uống:
-
Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm có thể gây kích ứng, ví dụ như hải sản, thịt bò, nội tạng động vật, đậu phộng,…
-
Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng.
-
Đừng quên thêm rau xanh, các loại trái cây tươi giúp bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết.
-
“Nói không” với các loại đồ uống có cồn như bia, rượu, hoặc chứa chất kích thích như cà phê,…
-
Uống đủ nước cần thiết cho cơ thể.
Uống đủ nước là một việc cần thiết
– Chế độ chăm sóc:
-
Tránh xa các loại son môi có tỷ lệ chì cao.
-
Sử dụng những nguyên liệu có lợi như nha đam, dầu dừa, mật ong,… để dưỡng môi.
-
Đảm bảo vùng mặt, đặc biệt là đôi môi được vệ sinh thật sạch sẽ.
-
Có thể tham khảo áp dụng các mẹo trị chàm môi, nhưng phải đảm bảo khoa học và độ an toàn.
-
Sau khi ăn xong, cần phải vệ sinh môi và da quanh miệng thật kỹ lưỡng.
-
Không nên liếm môi hoặc bóc lớp vảy trên môi.
– Chế độ sinh hoạt:
-
Cân đối giữa thời gian dành cho công việc, học tập và nghỉ ngơi, thư giãn một cách khoa học.
-
Không nên thức khuya.
-
Luôn duy trì một trạng thái tinh thần thoải mái, không để bị căng thẳng. Tránh bị áp lực trong công việc hay cuộc sống.
-
Duy trì một lối sống tích cực.
Nói tóm lại, chàm môi là một bệnh lý về da có thể gây ra các ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người bệnh. Trường hợp không được điều trị, còn có thể gây tình trạng nhiễm trùng cũng như để lại sẹo.
Vì thế, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bị bệnh, quý khách hãy đến ngay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Với Chuyên khoa Da liễu của bệnh viện, quý khách sẽ được các bác sĩ có chuyên môn cao thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị sao cho hiệu quả nhất.
Mọi câu hỏi cần được giải đáp chi tiết hoặc đặt lịch khám tại MEDLATEC, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài: 1900 56 56 56 để nhận được sự hỗ trợ.