Người xưa có câu “Tông hổng như cổng làng Chèm” để nói về nhược điểm của vị trí địa lý của nơi đây. Làng Chèm nằm đúng vị trí dòng nước sông Hồng xoáy vào nên đất của làng Chèm cứ bị sói mòn dần. Hơn nữa phần đuôi của làng thì bị thu hẹp lại. Về phong thuỷ, nếu đất của một ngôi làng hay môt ngôi nhà nở hậu về sau thì rất phát và có lợi cho người dân sinh sống và lập nghiệp. Không những thế mỗi xóm của các làng xung quanh như làng Vở đều có cổng làng nhưng ở đây ngõ xóm đều thông với nhau.
Đình Chèm cũng là nơi ưa thích của những người yêu di sản, hội hoạ. Ảnh: Hiếu Trần.
Ngoài mang ý nghĩa nói về cấu tạo địa hình ngõ xóm làng Chèm, nó còn mang một ý nghĩa sâu xa nữa nói về người dân nơi đây. Họ chủ yếu làm nghề thủ công để sinh sống chứ không phải nghề nông vì vậy họ có nghiều thời gian rảnh rỗi để ngồi chuyện trò, bàn tán. Có thể cũng vì lẽ đó mà mọi chuyện trong làng trên xóm dưới mọi người đều biết đến. Nhưng đó cũng thực sự là một lợi thế cho khách du lịch khi đến vùng này có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin và hỏi han mọi chuyện trong làng từ những quán nước ven đường hay những người dân quanh đấy.
Ít ai biết làng Chèm từng là địa điểm an toàn cho các chiến sĩ cách mạng trú ngụ trước khi vào nội thành hoạt động. Nếu làng Xù, Gạ cách làng Chèm không xa có cây đa là hộp thư bí mật và có nhà bà Hai Vẽ từng nuôi giấu các vị cán bộ cách mạng Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ thì làng Chèm có bà Tư Hộ đã có công cưu mang ông Hoàng Quốc Việt và có cụ Hai Phê từng nuôi bà Trương Thị Mỹ trong thời hoạt động bí mật.
Nơi đây có đình Chèm và lễ hội đình Chèm là một tổng thể di sản văn hóa quý hiếm, thể hiện niềm tự hào, biểu trưng cho lịch sử văn hóa vùng Chèm, làng Chèm. Mới đây, Đình Chèm đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Đình thờ Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng, tên thật là Lý Thân hay còn được tôn là Đức Thánh Chèm. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền nhị hậu công với đa dạng các hạng mục công trình, tạo nên một quy mô bề thế. Điểm đặc biệt nhất trong kiến trúc đình Chèm là những hoa văn được khắc ngay trên mái kèo chứ không phải ghép như nhiều đình khác. Hai mái kèo ở hai bên mái đình không được khắc đối xứng mà mỗi mái kèo có một hoa văn rất riêng. Trên các bộ vì ngắn, các bức cốn chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá chép hóa rồng, tứ linh với các đường nét chạm mềm mại, trau chuốt. Đặc biệt là bức chạm khắc rồng cuốn nước, phượng ngậm thư có giá trị đặc sắc, quý hiếm.
Vào ngày 14 – 16/5 Âm lịch hàng năm, đình Chèm có lễ hội lớn, với sự tham gia của người dân 03 làng: Làng Chèm – phường Thụy Phương; làng Hoàng Liên, Hoàng Xá – Phường Liên Mạc, đặc biệt nhất là lễ “rước nước”. Có một câu ca dao đã ghi sâu vào tâm trí bao thế hệ những người Hà Nội: “Thứ nhất là hội Cổ Loa, thứ hai hội Gióng, thứ ba hội Chèm”. Lễ hội được tổ chức ngoài phần lễ còn có phần hội, với những hội thi và các trò chơi truyền thống được diễn ra trong cả 3 ngày như: Thi làm chè kho, thi bơi, thi vật, thi bắt vịt nước, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật… Ngoài các chương trình vui chơi còn có giao lưu văn nghệ hát quan họ giữa các làng để lại nhiều ấn tượng với du khách thập phương.