Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hiện nay đều sẽ phải cân bằng mọi lĩnh vực trong đời sống để có thể duy trì sự ổn định và phát triển. Trong đó, một lĩnh vực có vai trò rất quan trọng được Nhà nước quan tâm đó chính là hệ thống chính trị. Để có thể ổn định và phát triển hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương các nhà lãnh đạo đã trải qua bao cuộc cải cách và hoàn thiện hệ thống trên. Vậy, chính trị là gì? Vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị?
1. Chính trị là gì?
Chính trị là toàn bộ hoạt động liên quan đến các mối quan hệ giữa các dân tộc, giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội. Mà vấn đề cốt lõi là giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nội dung, nhiệm vụ hoạt động của Nhà nước; sự tham gia vào công việc của Nhà nước.
Chính trị liên quan đến quyền lợi của nhà nước và giai cấp. Chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng gồm: hệ tư tưởng nhà nước, chính trị, đảng phái chính trị xuất hiện khi xã hội phân chia giai cấp dựa trên cơ sở hạ tầng kinh tế nhất định. Chính trị còn tồn tại khi nào còn nhà nước, còn giai cấp.
Trong điều kiện xây dựng CNXH ở Việt Nam, chính trị trước hết bảo đảm vai trò lãnh đạo của hiệu lực quản lí của Nhà nước, Đảng Cộng sản, quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chính trị trong tiếng Anh là: Politic
Xem thêm: Nhà nước là gì? Vai trò của Nhà nước trong hệ thống chính trị?
2. Một số khái niệm liên quan đến chính trị:
Thứ nhất, hệ thống chính trị
Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị và chính trị – xã hội gồm có Nhà nước, đảng chính trị, những tổ chức chính trị – xã hội hợp pháp được liên kết với nhau. Nhằm mục đích tác động vào quá trình đời sống xã hội để củng cố, duy trì và phát triển chế độ đương thời phù hợp với các lợi ích của chủ thể giai cấp cầm quyền.
Hệ thống chính trị xuất hiện cùng lúc với sự thống trị của nhà nước, giai cấp. Thực hiện đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền. Vì thế hệ thống chính trị mang bản chất của giai cấp cầm quyền. Ở Việt Nam, giai cấp nhân dân lao động và nhân dân chính là chủ thể của quyền lực. Bởi vậy, hệ thống chính trị tại đây sẽ là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, thể chế chính trị
Thể chế chính trị là hệ thống các định chế hợp lại thành một chế độ chính trị. Là hình thức thể hiện các thành phần của hệ thống chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng trong xã hội. Chúng gồm có: mặt trận Tổ quốc, nhà nước; đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội khác. Có vai trò và sự ảnh hưởng lẫn nhau của chúng trong hệ thống chính trị.
Xem thêm: Thể chế chính trị là gì? Các thể chế chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam?
3. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị:
Trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản luôn giữ vai trò lãnh đạo. Với bản chất là đội tiên phong của giai cấp công nhân, các đảng cộng sản luôn trung thành với mục tiêu, lợi ích lâu dài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Mặt khác, các đảng cộng sản có phương pháp luận đúng đắn trong nhận thức và hoạt động của mình là Học thuyết Mác – Lê Nin. Chính những ưu thế này đã quy định vai trò của các Đảng cộng sản trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội
Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị. Quyền lực của nhân dân có được thực hiện hay không là một nội dung cơ bản nói lên vai trò, uy tín và trình độ lãnh đạo của Đảng.
Đảng Cộng Sản Việt Nam được Hiến pháp thừa nhận là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội là vì:
– Vì Đảng mang trong mình bản chất giai cấp công nhân và đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời trước hết với tư cách là lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào yêu nước và phong trào cách mạng. Đây chính là đặc thù riêng biệt của Đảng Cộng Sản Việt Nam bởi không có một Đảng nào trên thế giới ra đời có sự kết hợp của ba yếu tố trên. Nhìn nhận về lịch sử đấu tranh giành độc lập ta thấy muốn giải phóng và xây dựng thành công XHCN, Đảng ta đồng thời phải giải phóng toàn thể nhân dân lao động,…. Lợi ích của mọi tầng lớp cơ bản là thống nhất. Đảng phải đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, không chỉ là trước mắt mà cả về lâu dài. Đó không thể coi là sách lược mà là mục đích và lý tưởng của Đảng. Khi giành được chính quyền lãnh đạo xây dựng CNXH trách nhiệm của Đảng trước giai cấp và dân tộc càng tăng lên gấp bội. Vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng phụ thuộc vào việc thực hiện trách nhiệm nặng nề đó. Ngoài lợi ích đó ra, Đảng không có lợi ích nào khác. Qua đây ta thấy được sự trong sạch của Đảng. Chính vì nói là làm được như vậy nên Đảng được cả dân tộc và xã hội thừa nhận là lực lượng lãnh đạo duy nhất, đảm bảo cho sự phát triển của xã hội.
Thứ hai, Đảng đảm bảo sự ổn định của hệ thống chính trị
Đảng còn có vai trò tiên phong, điều đó được thể hiện ở lý luận tiên phong và hoạt động tiên phong. Nhân dân cần Đảng lãnh đạo với tư cách là lãnh tụ chính trị, là người dẫn đường bởi Đảng được trang bị những lý luận tiên phong. Trong đó, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Lý luận đó trước hết và chủ yếu là đem lại những căn cứ khoa học cho việc đề ra và thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Những bộ phận của Đảng trong hệ thống chính trị luôn làm việc, hoạt động theo đường lối chính sách mà Đảng đề ra. Việc làm này đã tạo nên tính ổn định của hệ thống chính trị nước ta.
Thứ ba, biểu hiện cụ thể vai trò lãnh đạo của Đảng
Trong lĩnh vực giáo dục – một trong những lĩnh vực rất được Đảng quan tâm chú trọng đến, Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng từ 15% đến 18%, số lượng các trường đại học tăng gấp 3,7 lần, số sinh viên tăng gấp 13 lần, số lượng lao động có trình độ đại học ngày càng tăng, tỷ lệ mù chữ ở nước ta đã giảm rõ rệt…. Còn trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta cũng đã thấy những tiến bộ đáng kể: Đảng đã đưa Nhà nước ta thoát khỏi nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế hàng hóa thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp đó là thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm (1990-2000) đạt 7,5%, và gần đây là việc Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO năm 2006, và trong những năm gần đây Việt Nam đang từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trên đấu trường quốc tế. Trong lĩnh vực đối ngoại, nước ta đã thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ và hợp tác với các nước trong khu vực và cả trên thế giới như: Thái Lan, Singapore, Mỹ, Pháp…. Ngoài ra vai trò của Đảng còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác (văn hóa, chính trị…) và trong phương châm hoạt động của các tổ chức.
Xem thêm: Chế độ quân chủ là gì? Chế độ quân chủ lập hiến và quân chủ chuyên chế?
4. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo của mình dưới các hình thức và phương pháp:
– Đảng hoạch địch đường lối, chính sách chủ trương lớn mang tính chiến lược định hướng cho hoạt động của Nhà nước và xã hội trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, Đảng ta đang dành sự quan tâm cho việc xác định các nguyên tắc cơ bản, định ra những phương hướng để lãnh đạo Nhà nước xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt nam xã hội chủ nghĩa.
– Đảng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có phẩm chất, năng lực để giới thiệu vào các vị trí quan trọng của Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội thông qua con đường bầu cử dân chủ. Việc giới thiệu của Đảng không mang tính áp đặt đối với các cơ quan nhà nước.
– Đảng tiến hành kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Đảng kịp thời phát hiện những thiếu sót trong hoạt động quản lý nhà nước, những sai lầm trong đường lối, chủ trương, chính sách của mình, kịp thời đưa ra những biện pháp khắc phục. Công tác kiểm tra của Đảng được thực hiện theo những nguyên tắc của tổ chức Đảng, trên cơ sở chức năng, quyền hạn và tính độc lập của các cơ quan nhà nước.
– Các tổ chức cơ sở đảng, các đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là một trong những biểu hiện quan trọng để lôi cuốn, thu hút nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị bằng những phương pháp nhất định. Khác với phương pháp quản lý nhà nước, phương pháp lãnh đạo của Đảng không sử dụng biện pháp cưỡng chế. Phương pháp lãnh đạo của Đảng dựa trên cơ sở của sự thuyết phục, giáo dục, thông qua các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng tới các tầng lớp nhân dân, từ đó để nhân dân nhận thức đúng đắn đường lối, chính sách, chủ trương của đảng, tự giác thực hiện trên thực tế cuộc sống.