ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Chủ nghĩa cơ hội là gì

Chủ nghĩa cơ hội ra đời cùng với quá trình hình thành và phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong thời kỳ 1864 khi quốc tế I được thành lập đến 1914. Chủ nghĩa cơ hội từ một vài xu hướng, bè phái cơ hội như Frudong, Baculin đã phát triển thành một lực lượng chính trị đáng kể trong các Đảng chủ chốt của quốc tế II, dẫn tới sự phân liệt sâu sắc phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cuối cùng dẫn tới sự phá sản của quốc tế II.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế vừa phải tập trung đấu tranh chống lại giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản để thực hiện mục tiêu cuối cùng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vừa phải tiến hành cuộc đấu tranh rất quyết liệt, phức tạp và lâu dài với một loại kẻ thù bên trong giấu mặt, trá hình giả danh chủ nghĩa Mác, chống lại chủ nghĩa Mác, phản bội lại phong trào cách mạng đó là chủ nghĩa cơ hội.

Vậy chủ nghĩa cơ hội là gì? Theo từ điển Bách khoa Việt Nam: Chủ nghĩa cơ hội là hệ thống quan điểm chính trị không theo một định hướng, một đường lối rõ rệt, không có chính kiến hẳn hoi, ngả nghiêng nhằm mưu lợi trước mắt. Trong phong trào cách mạng vô sản, chủ nghĩa cơ hội là chính trị thỏa hiệp, cải lương, hợp tác vô nguyên tắc, trái với lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trên thực tế chủ nghĩa cơ hội có hai khuynh hướng chủ yếu: Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh có tính chất cải lương thiên về thỏa hiệp muốn “cải biến” một cách hòa bình, chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội từ bỏ đấu tranh giành thắng lợi thực sự về tay giai cấp công nhân. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh tiêu biểu là Becstanh và Causky tồn tại trong các Đảng công nhân thời quốc tế II cho đến tận ngày nay. Từ nửa sau thế kỷ XX chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh xuất hiện như một thứ chủ nghĩa xét lại hữu khuynh. Chủ nghĩa cơ hội “tả” khuynh là sự pha trộn giữa cực đoan và phiêu lưu, giáo điều, manh động, chủ quan, sùng bái bạo lực, không đếm xỉa tới tình thế khách quan. Chủ nghĩa cơ hội “hữu” hay “tả” khuynh đều đẩy phong trào công nhân đi đến hy sinh vô ích và thất bại[1].

Bản chất chủ nghĩa cơ hội là trào lưu tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Mác- Lênin, là tàn dư tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Là sự hy sinh lợi ích cơ bản lâu dài của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích trước mắt của một nhóm, một bộ phận, là sự đầu hàng trước những trào lưu tư tưởng tư sản và phản bội lại chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa cơ hội tồn tại dưới nhiều hình thức biểu hiện: Về lý luận đó là sự chiết trung, ngụy biện sẵn sàng thay đổi quan điểm tư tưởng cơ bản để trục lợi, về kinh tế thể hiện tư tưởng thực dụng sẵn sàng đánh đổi cả phong trào vì lợi ích trước mắt của một nhóm người, về hành động là phiêu lưu, lúc tả, lúc hữu, lúc nóng vội, lúc chủ quan sẵn sàng từ bỏ mục tiêu của phong trào sự nghiệp. Về thủ đoạn thì lươn lẹo lắt léo, luồn lách, sẵn sàng thỏa hiệp vô nguyên tắc với mọi trào lưu khi có lợi.

Chủ nghĩa cơ hội là kẻ thù bên trong, tồn tại với rất nhiều đặc điểm và rất nguy hiểm phá hoại Đảng, phá hoại phong trào từ bên trong. Muốn phòng chống chủ nghĩa cơ hội có hiệu quả để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, chúng ta cần nhận rõ nguồn gốc nảy sinh và sự phát triển, nhận diện chủ nghĩa cơ hội hiện nay ở nước ta và tiến hành đồng bộ các giải pháp để đấu tranh phòng chống chủ nghĩa cơ hội trong tình hình hiện nay.

Chủ nghĩa cơ hội là một hiện tượng xã hội lịch sử, nảy sinh trong cuộc đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng tư sản và vô sản, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Cho nên chừng nào còn tồn tại cuộc đấu tranh này thì vẫn còn cơ sở cho chủ nghĩa cơ hội.

Chủ nghĩa cơ hội có nguồn gốc từ mâu thuẫn giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản gắn chặt với các điều kiện khách quan và chủ quan đó là:

*Về các điều kiện khách quan.

– Do sự bổ sung vào lực lượng cách mạng, gia nhập Đảng xuất thân từ những tầng lớp không vô sản, như nông dân, tiểu tư sản, tri thức,… Trong quá trình đấu tranh cách mạng phần lớn những thành phần này giác ngộ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của phong trào cách mạng đã dũng cảm từ bỏ lập trường giai cấp của mình, đứng vững trên lập trường cách mạng của giai cấp công nhân thực hiện mục tiêu lý tưởng cộng sản chủ nghĩa: giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tuy nhiên trong quá trình cách mạng có một số người không vượt qua được tàn dư tư tưởng giai cấp của mình cho nên khi cách mạng phát triển thuận lợi thì những tàn dư tư tưởng đó tạm thời bị đẩy lùi hoặc giấu kín, nhưng khi cách mạng gặp khó khăn thách thức thì những tàn dư tư tưởng này lại trỗi dậy làm nảy sinh khuynh hướng cơ hội, xét lại, cải lương, giáo điều, gây nhiều nguy hại cho Đảng và phong trào cách mạng.

– Trong cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận, các nhà tư tưởng tư sản, tìm mọi cách đưa các loại tư tưởng của họ xâm nhập vào trong Đảng cộng sản và phong trào cách mạng. Từ năm 1950, Mỹ đã hình thành chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm mục tiêu chiến thắng chủ nghĩa xã hội không bằng chiến tranh!

– Các thế lực thù địch thực hiện chính sách hai mặt đối với phong trào cách mạng, một mặt chúng dùng bạo lực đàn áp, trấn áp phong trào làm cho một bộ phận lực lượng cách mạng hoảng sợ, lung lay ý chí, hoài nghi, dao động về con đường mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tư bỏ lập trường cách mạng, thỏa hiệp chạy theo giai cấp tư sản. Mặt khác chúng dùng lợi ích kinh tế để mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo hình thành tầng lớp “công nhân quý tộc”, “công nhân tư sản hóa”, thành những Đảng viên thoái hóa biến chất làm tay sai cho giai cấp tư sản ẩn náu bên trong để chống phá Đảng, chống phá phong trào cách mạng.

* Về các điều kiện chủ quan:

– Trong quá trình lãnh đạo, các Đảng cộng sản và công nhân ở một số nước đã phạm sai lầm về đường lối và phương pháp tiến hành cách mạng, điều rất đáng lưu ý là các sai lầm này không được phát hiện hoặc phát hiện nhưng không được kiên quyết sửa chữa khắc phục dẫn đến tình trạng bất ổn nghiêm trọng, kinh tế trì trệ, khủng hoảng, xã hội rối loạn, nội bộ Đảng mất đoàn kết – Đây là điều kiện là cơ hội cho các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội nổi lên chống phá Đảng, chống phá cách mạng.

– Các Đảng cộng sản, công nhân ở một số nước đã coi nhẹ, buông lỏng công tác xây dựng Đảng, đáng chú ý là một số Đảng cộng sản đã xem nhẹ hoặc từ bỏ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác – Lê nin, coi nhẹ hoặc từ bỏ những nguyên tắc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ của chủ nghĩa Mác – Lênin tạo điều kiện cho các phần từ cơ hội chui sâu, leo cao vào trong hàng ngũ của Đảng phá hoại Đảng từ bên trong. Đây là nguyên nhân vừa sâu xa vừa trực tiếp dẫn tới Đảng cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô, Đông âu sụp đổ.

Nhận rõ bản chất, những biểu hiện chủ yếu, nguồn gốc và nguy cơ của chủ nghĩa cơ hội đối với sự tồn vong của Đảng và sự thành bại của phong trào cách mạng, cho nên đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc “tả” khuynh, hữu khuynh, giáo điều, xét lại không chỉ là yêu cầu tất yếu của phong trào cách mạng mà còn là quy luật, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ và xây dựng Đảng cộng sản trong sạch vững mạnh cả về chính trị tư tưởng và tổ chức.

Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã ghi nhận, chủ nghĩa cơ hội thời nào cũng có, nhưng thường xuất hiện công khai và phát triển vào những thời điểm cách mạng gặp những khó khăn thách thức hoặc các bước ngoặt của cách mạng.

Thời kỳ từ năm 1864 đến 1914, Mác, Ănghen và những người Mácxít chân chính đã phải liên tục đấu tranh với các loại chủ nghĩa cơ hội như Fruđông, Baculin Aizonếc, Látxan, Môs tơ, Bécxtanh, Cauxky. Từ thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ XX, Lênin và những người Bôxêvich Nga đã đấu tranh quyết liệt chống phái “Dân túy” phái “Mác xít hợp pháp” phái “Kinh tế” ở Nga, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của Bécxtranh và Cauxky và đặc biệt đấu tranh chống bệnh “ấu trĩ” tả khuynh chống chủ nghĩa xét lại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ năm 1946 đến 1980, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã đấu tranh quyết liệt với chủ nghĩa cơ hội của Troxky và chủ nghĩa xét lại Khorutxốp, đấu tranh chống bệnh giáo điều, rập khuôn máy móc và tệ sùng bái cá nhân…

Trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam do những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, phong trào cách mạng cũng có một số thời điểm chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuy nhiên chưa có thời kỳ nào xuất hiện chủ nghĩa cơ hội với tư cách một lực lượng, một phong trào có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cách mạng. Nhưng trong những thời điểm cách mạng gặp khó khăn thách thức gay gắt và nhất là trước các bước ngoặt của phong trào cách mạng đã xuất hiện những tư tưởng, những biểu hiện cơ hội dưới hai hình thức tả khuynh, hữu khuynh với mức độ khác nhau. Thời kỳ 1930 – 1940, khi Đảng ta mới ra đời lãnh đạo phong trào cách mạng, tại Đại hội Đảng lần thứ I, (3-1935) đã có một nhận định: “Hiện thời trong Đảng ta còn có những xu hướng đầu cơ (cơ hội) “tả” khuynh và hữu phái cả về lý thuyết và thực hành”[2].

Đáng chú ý là sự xuất hiện quan điểm tư tưởng ấu trĩ “tả” khuynh phê phán một vài luận điểm cuốn sách “Đường cách mệnh”: “Là cuốn sách huấn luyện đầy rẫy những lý thuyết đầu cơ (cơ hội) cải lương, duy tâm, quốc gia chủ nghĩa”[3].

Trong chỉ đạo khẩu hiệu hành động, có Đảng bộ đã đưa ra khẩu hiệu: Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ! và một vài Đảng bộ như Thông cáo cho đồng chí của Trung ương trong quý 3 năm 1930 đã chỉ rõ: “Tuy là mấy xã ấy (mấy xã ở huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Nghệ An) có đủ giác ngộ, đủ hăng hái tranh đấu. Song chưa có dự bị vũ trang. Hiện nay theo hoàn cảnh trong nước. Trình độ dự bị của vô sản và quần chúng lao khổ thành phố, nhà quê trình độ dự bị của Đảng, tình hình của địch thủ, thì thực hành lẻ tẻ bạo động riêng trong một vài địa phương là manh động chủ nghĩa, chứ không phải là chủ trương đúng.[4]

“Đó là điều mà các cấp Đảng bộ phải nhận cho rõ để tránh khỏi cái… manh động”[5]

Thời kỳ từ năm 1954 đến 1975, có một số thời điểm trong thời kỳ này như trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức “Chúng ta đã phạm nhiều sai lầm. Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt. Những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc và điều lệ của một Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin, trái với pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân… gây ra những tổn thất rất lớn”. Những nguyên nhân trực tiếp đã gây ra những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức được nghị quyết, hội nghị trung ương lần thứ 10 mở rộng, khóa II về công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức chỉ rõ: “Trong khi chỉ đạo thực hiện, việc lãnh đạo tư tưởng đã có nhiều lệch lạc lúc đầu phong trào mới thực hiện, phương châm chống hữu, phòng “tả” là đúng. Nhưng về sau trong phong trào đã có những sai lầm “tả” khuynh. Sự chỉ đạo không những đã không phát hiện được những sai lầm, mà lại cứ một chiều nhấn mạnh chống hữu khuynh, gây ra một cao trào chống hữu trong Đảng, không chú ý đến việc phòng “tả” do đó mà những sai lầm “tả” khuynh càng trở nên trầm trọng”[6]

Thời kỳ từ 1976 đến 1986, trong chỉ đạo thực hiện đường lối kinh tế của Đại hội IV và Đại hội V, Báo cáo chính trị từ Đại hội VI, Đảng ta đã chỉ rõ: “Trong 10 năm qua đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định bước đi, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và cơ chế quản lý kinh tế đã lỗi thời” “cho tới nay cơ chế tập trung quan liêu bao cấp về căn bản chưa bị xóa bỏ”. “Công cuộc cải tạo XHCN đã có nhiều biểu hiện nóng vội, muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi XHCN, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh.” “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” “Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan duy ý chí lối suy nghĩ và hành động nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản vừa “tả” khuynh, vừa hữu khuynh”. “Chúng ta vừa chủ quan nóng vội, vừa bảo thủ, trì trệ”[7]

Sau 30 năm đổi mới ngày 30 tháng 10 năm 2016, Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Thực chất là những biểu hiện cụ thể với các mức độ khác nhau của những cán bộ, đảng viên chịu sự tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới sau sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, từ mặt trái của kinh tế thị trường, từ các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, đồng thời cấu kết với các phần từ cơ hội, bất mãn chính trị trong nội bộ hoạt động ráo riết chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Còn Nguyên nhân sâu xa, trực tiếp của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước hết là do bản thân những cán bộ Đảng viên này thiếu tu dưỡng rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm. Số thoái hóa về tư tưởng chính trị. Từng bước chuyển thành các phần tử cơ hội chính trị cùng với những phần tử thoái hóa biến chất về đạo đức lối sống nếu không đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tất yếu sẽ dẫn đến sự tồn vong của Đảng và sự mất còn của chế độ XHCN.

Nhận thức sâu sắc nguyên nhân và nguy cơ của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải thực sự tăng cường có hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Thực chất cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh “sống mái”, lâu dài chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, cải lương, xét lại và chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực, thù địch.

Trong cuộc đấu tranh phòng chống kẻ thù tư tưởng bên trong, chúng ta phải nắm vững bản chất cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện quyết liệt 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết TW4 Khóa XII, cụ thể là 10 nội dung của giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. 6 nội dung của giải pháp về cơ chế chính sách, 8 nội dung về giải pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; 5 nội dung về giải pháp phát huy vai trò của nhân dân và mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội.

Hơn lúc nào hết cần tăng cường và đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống chủ nghĩa cá nhân, phòng chống tư tưởng cơ hội chính trị và các phần tử cơ hội trong nội bộ mà chúng chưa bị vạch mặt, để loại ra khỏi Đảng các phần tử suy thoái biến chất và các phần tử cơ hội “chạy tuổi”, “chạy bằng cấp”, “chạy khen thưởng”, “chạy chức”, “chạy quyền”… Tư duy nhiệm kỳ “lợi ích nhóm” vẫn đang tồn tại trong Đảng ta để Đảng ta chuẩn bị và tiến hành thắng lợi Đại hội XIII: Hình thành được đường lối đúng đắn và Bầu được Ban chấp hành Trung ương tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức và gắn bó với nhân dân, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta tiến lên giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp tiến hành đồng bộ công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế bảo vệ vững chắc tổ quốc./.

PGS.TS Đào Duy Quát Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương