Thực chất khởi thủy căn nguyên của hệ thống chùa là thờ thần linh nông nghiệp sau đó phát triển thành một sản phẩm của sự giao thoa văn hóa nhiều chiều trong lịch sử. Các vị thần thuộc hệ thống Tứ Pháp (như Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện) làm ra các phép như mây, mưa, sấm, chớp phục vụ mùa màng nông nghiệp lúa nước của nhân dân, điều đó vốn có sẵn trong tâm thức người dân bản địa. Do ảnh hưởng của Phật giáo mà các vị thần này đã được hóa Phật và tôn thờ. Tất cả các tượng chính (mỗi chùa 1 tượng) đều có màu mận sẫm, đó là màu gắn với nguồn nước, ảnh hưởng và liên quan tới màu của thần Siva thuộc đạo Bà La Môn – đạo thờ Tứ pháp nguyên thủy, trong đó có chùa Đậu.
Ngôi chùa được xây dựng với một quy mô tổng thể rất lớn, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Nghĩa là trong khuôn viên chùa, các công trình kiến trúc thờ tiền Phật, hậu thánh, được bố cục giống như hình chữ công, xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ “国” (quốc)theo mẫu chữ hán. Tổng thể khuôn viên chùa Đậu bao gồm: Tam quan, nhà tả vu – hữu vu, tiền đường, tam bảo, nhà tổ…
Nổi bật đứng sừng sững nguy nga trước cửa chùa là một Tam quan kiêm Gác chuông hai tầng tám mái, mà chúng ta vẫn hình dung như thấy ở đó là sự kết hợp âm thanh của Phật học và yếu tố Dịch học của Nho giáo. Mỗi sớm chiều tiếng chuông cảnh tỉnh vang vọng vẫn như gọi tâm ai đó hướng về cửa Phật. Cũng có những suy luận cho rằng Tam quan tượng trưng cho “Thái cực”, mái trên nhẹ là dương tượng trưng cho trời (quẻ Càn), mái dưới nặng là âm tượng trưng cho đất (quẻ Khôn); 4 phía mái là tứ tượng, 8 mái là bát quái…(đây chính là quy luật của âm dương sinh tứ tượng – tứ tượng sinh bát quái thể hiện rõ trong Kinh Dịch). Ở các ô hộc của gác chuông được nguời xưa chạm khắc các chữ hán như (vinh, hoa, phú, quý….) đây chính là những ước mơ mong muốn của người xưa muốn gửi gắm vào đó. Tầng hai Tam quan được treo một quả chuông lớn, chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời Tây Sơn. Tất cả hội lại tạo nên 1 sức mạnh viên mãn đem tới sự bình yên – an lạc cho con người. Đặc biệt, ngay bậc lên Tam quan là là đôi chồn đá nhỏ,1 bóng dáng của nghệ thuật thời Trần thế kỷ VIII-XIV khá đẹp (nhưng do chiến tranh, thời gian phong hóa của thời tiết đã bị mẻ mất phần đầu và bị chôn vùi một nửa). Tiếp đó là các mảng chạm bên trong và ngoài Tam quan với rồng chầu mặt nguyệt, phượng, lân, ngựa và hoa cỏ kết hợp với chữ hán trong từng ô hộc gửi gắm những hy vọng may mắn thành công trong cuộc sống… đây được coi là những chuẩn mực của nghệ thuật thuộc thế kỷ XVII.
Tam Quan (hay còn gọi gác chuông) chùa Đậu (Ảnh: nguồn Internet )
Sau Tam quan là 1 sân rộng, 2 bên sân dựng nhà (tả vu, hữu vu). Chính giữa sân là một đường lát, nó khác biệt với hai bên tạo nên một đường dũng đạo dẫn từ Tam quan vào đến Tiền đường. Lối chính giữa được bó bằng đôi rồng đá khoảng 500 năm tuổi, những nét chạm khắc tinh tế điêu luyện như được nghệ nhân xưa như thổi hồn vào đó tạo ra sự thần thái hiền hòa mà vẫn toát lên vẻ uy nghiêm trước tòa Tiền đường. Thành bậc ở hai lối lên bên cạnh là rồng hóa mây cũng được điêu khắc bằng đá (theo dân gian thường gọi là Tản vân hóa long đây là một cách điêu khắc nghệ thuật trừu tượng mang tính sáng tạo và biến hóa của dân gian).
Tiền đường (Ảnh: nguồn Internet )
Đôi rồng đá ở thềm bậc Tiền Đường(Ảnh: nguồn Internet )
Chi tiết đầu rồng đá(Ảnh: nguồn Internet)
Tiền đường là một tòa nhà mang kiến trúc nghệ thuật của giữa thế kỷ XVII (thời Lê). Kết cấu vì nóc và cốn đều theo kiểu chồng rường, trên bốn hàng chân là các đề tài được chạm trổ rất tinh tế tỉ mỉ, nét chạm điêu luyện dứt khoát. Đó là những con rồng với nhiều kiểu dáng thể hiện khác nhau, rồi phượng vũ, lân và những vân soắn cùng đao mác dữ tợn. Các mảng phù điêu được chạm khắc hình tiên nữ đầu người, mình chim, những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ…Có lẽ đây được coi là nét nghệ thuật độc đáo tiêu biểu của thời Lê (thế kỷ 16 -17).
Các mảng chạm khắc toàn Tiền đường (Ảnh: nguồn Internet)
Bên cạnh đó là hai pho tượng khá to Ông Thiện – Ông Ác (mang ý nghĩa sâu xa về việckhuyến khích làm việc thiện và trừng trị cái ác – đó chính là giáo lý của Đức Phập muốn khuyên bảo răn dạy chúng sinh ở cõi phàm trần) hai pho tượng tạo nên một cảm giác oai nghiêm dữ tợn sừng sững ở chốn linh thiêng. Một điều đặc biệt là tại tòa Tiền đường có một khánh gỗ lớn, đồng thời cũng là tấm bảng văn ghi niên đại Chính Hòa thời nhà Lê (cuối thế kỷ XVII). Hiện vật này được coi là rất hiếm trong di sản văn hóa ở nước ta. Bên cạnh đó là hệ thống tượng pháp và hoành phi câu đối, đồ thờ tự…Phía trên là bức hoành phi đề 3 chữ “Thành Đạo tự” (đây chính là tấm biển đề tên của ngôi chùa này) bên cạnh là các họa tiết hoa sen được chạm khắc tỉ mỉ tinh tế phối kết hợp với sơn son thếp vàng càng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm thanh tịnh chốn thiền môn. Hai bên nhà tiền đường là hai dãy hành lang song song đặt thờ các vị La Hán và năm tấm bia đá.
Tượng La Hán chùa Đậu ((Ảnh: nguồn Internet)
Tòa Tam bảo của chùa đã bị phá trong thời kỳ Pháp thuộc, chỉ còn lại một phần tàn tích của Thượng điện, trong đó còn một bệ đá có nhiều nét chạm mang phong cách thế kỷ XVI, bên trên đặt một tòa cửu long và tượng Phật Thích Ca bằng đồng đứng trên tòa sen. Phía sau là một điện nhỏ thờ tượng thần Pháp Vũ màu xám xẫm. Tượng này mới được phục chế lại vào giữa thế kỷ XX, nên rất mới và đẹp. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật quý, đó là những viên gạch rồng của thời Mạc thế kỷ XVI (đánh dấu sự trùng tu trong thời kỳ này), những viên gạch hòm sớ lớn hơn mà trên mặt từng viên có hình rồng, hổ hoặc voi, ngựa, chim, thú… đầy chất ngộ nghĩnh nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố dân gian của thế kỷ XVII. Tiếp đó là những tấm bia khá điển hình của thế kỷ XVI, XVII mang đầy ý nghĩa triết học (bằng nét chạm khắc tinh tế, nội dung sâu sắc). Năm 2010 tòa Tam bảo của chùa được phục chế một cách công phu, chạm khắc tỉ mỉ, mái ngói được lợp bằng ngói ri truyền thống, xung quanh Tam bảo được xây bằng gạch hình rồng, nền được lát bằng gạch bát, hệ thống tượng pháp hoành phi câu đối đồ thờ nguy nga tráng lệ, tòa Tam bảo được ví như một bông hoa sen tỏa ngát hương thơm toát lên sự uy nghi linh thiêng chốn thiên môn.
Tại tòa nhà hậu phía sau hiện có nhiều tượng Hậu thần rất đẹp, đặc biệt và nổi bật trong đó là hai pho tượng đã được sơn vào thân xác thực của 2 Thiền sư: Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tồn tại từ thế kỷ XVII cho đến nay. Về câu chuyện của dân gian gắn với hai Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, Thiền sư Vũ Khắc Minh còn có tên khác là “Sư rau” (bởi lẽ thường ngày chỉ ăn rau để tu luyện) hoặc còn gọi là “Sư thiêu” (vì nhà sư đã chất lửa xung quanh mình trước khi tịch để niệm Phật) Thiền sư đã dặn lại các đệ tử rằng: ta vào am tu luyện, sau 3 tháng 10 ngày các con mở cửa am ra, nếu thấy mùi thơm thì bả sơn vào xác, còn nếu thấy mùi hôi thì đem đi chôn, đúng như lời thầy dặn 100 ngày sau các đệ tử mở cửa ra thì thấy thân xác ngài vẫn tỏa ra mùi thơm, nghe lời thầy dặn các đệ tử liền bả sơn vào thân xác ngài dựng am thờ phụng. Hiện 2 pho tượng này khá độc đáo, phần nào làm chúng ta như thoáng nhớ tới lối ướp xác của các vị Đạt Ma-Tây Tạng hay xác ướp Ai Cập rất hiếm gặp ở Việt Nam. Kiểm tra X-quang cho biết, toàn thân hai vị thiền sư không có vết đục đẽo, không có hiện tượng rút bỏ nội tạng….Thi hài để nguyên khi ướp, thế nhưng trải qua gần 400 năm tồn tại thân thể của hai ngài vẫn không hề bị hủy hoại. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 57cm, nặng 7,5 kg, thiền sư Vũ Khắc Trường cao 75cm, nặng 31 kg.
Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh (trái) và thiền sư Vũ Khắc Trường (phải)
(Ảnh/photo: PGS.TS. Nguyễn Lân Cường)
Ngoài chùa Đậu, cho đến nay ở Việt Nam còn tồn tại hai tượng nhục thân khác ở chùa Tiêu Sơn và Phật Tích (Bắc Ninh). Đó là hai vị thiền sư Như Trí và Chuyết Chuyết. Thế nhưng cả hai pho tượng này gần như bị hủy hoại hoàn toàn. Vì vậy hai pho tượng thiền sư ở chùa Đậu được coi là duy nhất, còn tương đối nguyên vẹn ở Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho đây là hiện tượng Thiền táng (táng theo tư thế ngồi thiền), thực chất là hiện tượng hóa thân thành Phật. Ngước nhìn lên phía trên chúng ta có thể thấy bức hoành đề bốn chữ “色生門山”(Sắc Sinh Môn Sơn, tạm dịch: Hình sắc được sinh ra chốn thiền môn) hoành có từ niên đại thời Nguyễn, chùa còn lưu giữ cuốn sách đồng khắc chữ hán ghi trọn vẹn sự tích Man Nương và thần Pháp Vũ…bên cạnh đó hệ thống hoành phi câu đối và đồ thờ tự của các gian thờ còn rất nhiều…Theo Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ-Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhận định: “Di hài nhục thân của các Thiền sư là một dạng Xá lợi (hay Xá lị), là kết quả của quá trình dùng năng lượng đạt đến đỉnh cao của thiền định mà có được sau khi đã tự thiêu đốt đi tất cả. Là kết quả của một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập, loại bỏ tất cả những tạp niệm của Tâm và đạt đến sự giác gộ viên mãn. Với di sản quý giá, nhục thân của các Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu (Hà Nội)…đã thể hiến sự đắc đạo trong tu chứng của các vị Thiền sư Phật giáo Việt Nam. Đó cũng chính là dấu ấn tâm linh và di sản văn hóa đặc biệt để lại trong lòng văn hóa dân tộc…”
Chùa Đậu, là một quần thể kiến trúcđặc biệt ngôi chùa mang nhiều những nét nghệ thuật của các vương triều theo dòng thời gian của lịch sử dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng văn hóa dân gian, đồng thời đây được coi là 1 kiến trúc lớn còn giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử (Lý – Trần – Lê – Nguyễn). Chùa xứng đáng là một điểm sáng trong hệ thống di tích của huyện Thường Tín nói riêng và của cả nước nói chung, cũng là chốn linh thiêng được người dân nhiều nơi về lễ cầu đảo.
Tác giả – Ngô Quynh
Tài liệu tham khảo
- 1. Đặng Văn Tu, GS Trần Quốc Vượng, GS Trần Lâm Biền, GS Chu Quang Trứ (1999), Di tích Hà Tây, Nxb Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây.
- 2. Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín (2004), Thường Tín đất danh hương, Nxb Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây.
- 3. Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 (2017), Tập bài giảng lịch sử huyện Thường Tín, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- 4. Nguyễn Đức Nùng (1978), Mỹ thuật thời Lê sơ, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
- 5. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (2017), Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội.
Admin Thường Tín