Từ bao đời nay, chuyện thờ cúng kiêng cữ luôn diễn ra hằng ngày xung quanh chúng ta. Nó đã trở thành một phần đức tin trong lòng của mỗi người như câu thành ngữ “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”.
1. “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” là gì?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu thờ cúng và kiêng cữ là gì? Thờ cúng (thờ phượng) là hành động tôn sùng một vị thần thuộc tôn giáo nào đó. Có thể thờ cúng riêng lẻ, trong một nhóm chính thức hoặc không chính thức. Còn kiêng cữ là tránh không ăn hoặc không làm những việc có hại đến sức khỏe của bản thân, từ bỏ một cái gì đó để hướng đến mục tiêu khác.
“Có thờ có thiêng” chỉ việc thờ cúng thành tâm sẽ linh thiêng, mang đến vận may. “Có kiêng có lành” có nghĩa là chỉ cần chúng ta kiêng cử đàng hoàng ắt sẽ gặp điềm lành. Vậy câu thành ngữ “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” ý chỉ là việc thờ cúng thần linh, kiêng cữ những đại kỵ có thể giúp con người có được một cuộc sống bình an, khỏe mạnh.
“Có thờ có thiêng có kiêng có lành” có thể hiểu nếu nhà ai có cúng bái, thờ cúng sẽ là điều linh thiêng cho những người đã mất như tổ tiên, họ hàng của chúng ta. Hoặc khi kiêng cữ điều không tốt, ắt chúng ta sẽ gặp được may mắn, điềm lành trong cuộc sống.
Nghe có vẻ mang hơi hướng tâm linh nhưng “có thờ, có kiêng” ở đây không phải là mê tín dị đoan. Tục thờ cúng tổ tiên vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa và nay. Tương tự, việc biết kiêng cữ là một điều tốt trong cuộc sống. Cái chúng ta cần nhớ là nên biết chừng mực, không nên tin tưởng quá mức để rồi u mê không lối thoát, dẫn đến bị người khác lừa gạt.
Xem thêm: ‘Giấy rách phải giữ lấy lề’ và điều quan trọng giúp con người vượt qua mọi nghịch cảnh
2. Ý nghĩa của thành ngữ “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”
Mỗi câu thành ngữ là một bài học sâu sắc được đúc kết từ kinh nghiệm sống quý báu của cha ông ta. Chẳng hạn, câu “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” giúp chúng ta nhận ra được rất nhiều điều quý giá trong cuộc sống.
Cúng bái – “có thờ có thiêng” – là sự tập trung suy nghĩ, ý thức của một cá nhân, gia đình, cộng đồng hay dân tộc cho địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo của họ. Theo phong tục và tín ngưỡng của người Việt, việc thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc và có tính giáo dục cao cho các thế hệ sau.
Thờ cúng tổ tiên bao gồm ông bà, cha mẹ, những người có công với đất nước như thành hoàng làng, các vua Hùng,… Một mặt giúp con người hướng về quá khứ, nhớ về cội nguồn. Mặt khác, định hướng cho hiện tại, dạy cho con cháu đạo lý làm người. Đây được xem là tín ngưỡng lâu đời, bày tỏ sự hiếu thảo, lòng biết ơn với những người đã khuất.
Đối với việc kiêng cữ – “có kiêng có lành” – chính là bản thân của mỗi người luôn suy nghĩ và hành động cẩn trọng trước khi làm một việc gì đó. Nó giúp tránh những điều xấu, điềm không may “vận” vào người. Vào những dịp đặc biệt như lễ Tết, người Việt luôn chú ý trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động. Họ sợ chẳng may lỡ miệng hay làm gì không đúng sẽ khiến một năm không tốt lành.
“Có thờ có thiêng có kiêng có lành” là phụ thuộc vào đức tin của mỗi người. Đức tin tốt nhất ở đây chính là trong tâm. Dù bạn không ăn chay nhưng tâm tốt, sống bao dung, độ lượng thì trời xanh ắt tự an bài, bạn sẽ gặp được điềm lành, nhiều may mắn trong cuộc sống.
Xem thêm: Thành ngữ ‘Đứng mũi chịu sào’ và nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa
3. Sự thờ cúng, kiêng cữ thiêng liêng nhất là ở tâm của con người
“Có thờ có thiêng có kiêng có lành” là câu thành ngữ giảng dạy con cháu của người xưa. Không biết trải qua bao lâu, cha ông ta mới rút ra được kinh nghiệm sự “thiêng” và “lành” đó. Tuy nhiên, sự thờ cúng để đạt được cảnh giới “thiêng” và “lành” ở đây không phải ở gốc đa, bình vôi, hòn đá,… mà ở tâm của con người. Tâm là sự tu tâm, hướng thiện của mỗi cá nhân.
Để một cuộc sống luôn “có thiêng, có lành”, chúng ta hãy luôn giữ tâm trong sạch, làm nhiều việc thiện. Nhờ vào những hành động, nghĩa cử mà chúng ta làm trong hiện tại sẽ mang đến nhân quả thiện ác trong tương lai. Do đó, chỉ cần chúng ta sống chân thành, không vụ lợi thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến, tâm ta sẽ an yên.
Chúng ta “có thờ, có kiêng” là cúng bái, kiêng cữ ở một mức độ vừa phải, đúng mực, không cực đoan. Không nên tự tạo ra một thế siêu hình vô nghĩa. Đừng để bản thân bị cuốn vào những trò mê tín dị đoan, tạo tiền đề cho những kẻ xấu lợi dụng vào niềm tin, tín ngưỡng khiến chúng ta tiền mất tật mang.
Lòng tin khiến chúng ta lựa chọn kiêng cữ ngày giờ để không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, chính bản thân chúng ta tự tạo ra sự ràng buộc, phiền phức. Đó là biểu hiện của sự vô minh, thiếu hiểu biết, càng ngày càng đẩy cuộc sống của chính mình vào bế tắc.
Xem thêm: Những bài học quý giá, qua câu thành ngữ ‘Mất bò mới lo làm chuồng’
Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn câu thành ngữ “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Từ đó, chúng ta biết điều chỉnh đức tin, lựa chọn cho mình việc thờ cúng, kiêng cữ đúng chuẩn mực.
Sưu tầm Nguồn ảnh: Internet