1. Khái niệm và vai trò, chức năng của công an:
– Công an nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là lực lượng Cảnh sát của Việt Nam, làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
– Chức năng của Công an nhân dân:
+ Tham mưu cho Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước về bảo vệ an ninh Quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;
+ Công an nhân dân thực hiện thống nhất quản lý về bảo vệ an ninh Quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;
+ Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, tham gia đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
– Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Đây là lực lượng vũ trang trọng yếu, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch Nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Chức năng và nhiệm vụ chính của công an là duy trì hòa bình, bảo vệ trật tự an ninh, nền hòa bình cho tổ quốc Việt Nam.
– Trong thời chiến hay thời bình, lực lượng công an luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thời chiến, lực lượng công an tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thời bình, công an trực tiếp tham gia vào hoạt động duy trì trật tự công cộng, bảo vệ nền hòa bình, cuộc sống bình yên cho người dân.
2. Thế nào là đi nghĩa vụ công an?
Nghĩa vụ công an được hiểu là việc công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Tham gia thực hiện nghĩa vụ công an là công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong hàng ngũ lực lượng vũ trang nhân dân; nhiệm vụ của công dân khi thực hiện nghĩa vụ công an vô cùng quan trọng, cao quý.
Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ hòa bình đất nước, bảo vệ cuộc sống của người dân. Đây là ngành nghề cao quý, là niềm tự hào của các cá nhân được đứng trong hàng ngũ công an nhân dân. Chính vì vai trò đặc biệt quan trọng, nên để được tham gia nghĩa vụ công an, các cá nhân phải đảm bảo được những yêu cầu, điều kiện nhất định theo Nghị định 70/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 70/2019/NĐ-CP đối tượng tuyển chọn và thời gian phục vụ là những cá nhân có đủ điều kiện sau:
+ Là công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.
+ Có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
+ Độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị sử dụng và quy định ngành nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ.
+ Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng; thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018.
– Điều 5, Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn công an, theo đó công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi có đủ các tiêu chuẩn như sau:
+ Có lý lịch rõ ràng.
+ Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
+ Không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
+ Có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
+ Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.
+ Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
+ Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Như vậy, không phải ai cũng có thể tham gia nghĩa vụ công an. Chỉ khi đảm bảo được những yêu cầu nhất định như phân tích ở trên, công dân mới có thể thực hiện nghĩa vụ công an. Các điều kiện mà Nhà nước đưa ra nhằm chọn lọc ra những cá nhân “chất lượng”, đảm bảo thực hiện hoạt động công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Đi nghĩa vụ công an ra làm gì? Có được làm công an không?
– Điều 9, Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
+ Hạ sĩ quan; chiến sĩ nghĩa vụ có thời gian phục vụ tại ngũ từ 15 tháng đến dưới 24 tháng (tính đến thời điểm dự thi); kết quả phân loại hằng năm đạt hoàn thành nhiệm vụ trở lên; bảo đảm các tiêu chuẩn; điều kiện phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp trong Công an nhân dân thì được xét; dự tuyển vào các học viện; trường Công an nhân dân theo quy định về tuyển sinh Công an nhân dân; tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan; hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
+ Hạ sĩ quan; chiến sĩ nghĩa vụ không thuộc trường hợp quy định tại trường hợp trên; hết thời hạn phục vụ tại ngũ có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu sử dụng của Công an nhân dân; nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp. Tiêu chuẩn và tỷ lệ chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết hạn phục vụ tại ngũ thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Như vậy, nếu đảm bảo một trong hai điều kiện nêu trên, công dân tham gia nghĩa vụ công an sẽ được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp. Vậy nên, để trả lời cho câu hỏi, đi nghĩa vụ có làm được công an không, thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, để trở thành một chiến sỹ công an nhân dân, công dân có nguyện vọng phải trải qua một quá trình rèn luyện, học tập khắt khe. Tức chỉ khi đảm bảo được những điều kiện nhất định về học vấn, trình độ rèn luyện, công dân mới có thể chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, trở thành công an nhân dân. Thực tế, khi hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ xuất ngũ về địa phương, nếu công dân có đủ tiêu chuẩn; đáp ứng yêu cầu sử dụng của Công an nhân dân, Công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.
Quy định về việc công dân tham gia nghĩa vụ quân sự được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, trở thành công an nhân dân phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Điều này đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình xét tuyển công an nhân dân. Bởi như đã phân tích, công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ cuộc sống cho người dân. Chỉ khi tuân thủ đầy đủ những điều kiện, quy định khắt khe mà Đảng và Nhà nước đề ra, công dân mới có thể đứng trong hàng ngũ lực lượng công an nhân dân quang vinh, phục vụ đất nước, phục vụ người dân. Không chỉ vậy, việc chọn lựa khắt khe bằng những quy định kỹ càng, giúp Đảng và Nhà nước lựa chọn được những cá nhân ưu tú nhất, đủ bản lĩnh và tài năng để hoạt động trong lực lượng vũ trang nhân dân. Điều này góp phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh, sẵn sàng phục vụ đất nước, phục vụ người dân.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân