Chắc hẳn chúng ta không còn lạ gì với từ “củ chuối” mà giới trẻ vẫn hay dùng để nói về anh chàng/cô nàng có vẻ hơi tào lao, vớ vẩn. Thực tế, củ chuối là tên của một bộ phận của cây chuối, đó là phần thân ngầm của cây chuối, bộ phận tưởng chừng chỉ dành cho nhà nghèo nay hóa đặc sản “hạng sang”.
Sở dĩ gọi là thân ngầm bởi vì bộ phận này mọc trong lòng đất, còn bộ phận thân chuối mà lâu nay chúng ta biết đến phần thân giả.
Thân giả chính là các bẹ lá, được phát triển từ phần trên của thân ngầm. Củ chuối khi còn non có thể dùng để ăn được. Tuy nhiên với vị chát đặc trưng nên người ta chỉ chủ yếu làm thức ăn cho gia súc. Khi nào đói khổ cùng cực như Lão Hạc của Nam Cao người ta mới đào củ chuối để ăn. Dù vậy, hiện nay một số nơi củ chuối vẫn được chế biến thành những món ăn rất ngon và trở thành đặc sản.
Hầu hết các bộ phận của cây chuối như quả chuối, thân chuối hay hoa chuối đều được tận dụng vì cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Còn về phần củ chuối, có khá nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà chưa được biết đến.
1. Củ chuối là gì?
Củ chuối là phần thân ngầm hay còn được biết đến như thân thật của cây, mọc trong lòng đất, có vỏ ngoài sần sùi. Bộ phận này đóng vai trò dự trữ chất dinh dưỡng, từ đây rễ, lá và thân giả mọc ra.
Củ chuối có vị hơi chát, được thu hoạch và sử dụng nhiều khi còn non vì ăn sẽ mềm cũng như ít xơ hơn.
Nhắc đến củ chuối ta sẽ nhớ đến một nguyên liệu dân dã nhưng là “điểm nhấn” góp phần tạo nên hương vị hấp dẫn cho các món ăn.
2. Ăn củ chuối có tác dụng gì?
Củ chuối có hàm lượng dinh dưỡng thấp. Tuy vậy củ chuối cũng có một số tác dụng nhất định đối với sức khỏe, đặc biệt là củ chuối hột có tác dụng tốt hơn cả. Và trong y học cổ truyền thì củ chuối cũng là một thành phần thuốc quý, rất được ưa chuộng sử dụng.
Ổn định đường huyết: Do củ chuối có nhiều chất xơ nên có tác dụng làm giảm quá trình tăng glucose. Điều này rất tốt cho những người bị tiểu đường tuýp 2.
Giảm sốt: Củ chuối giúp điều hòa thân nhiệt, bổ sung nước. Để sử dụng, ta có thể dùng củ chuối thái nhỏ rồi ép lấy nước để uống. Do đó nước lấy từ củ chuối rất tốt cho người bị cảm.
Hỗ trợ kiết lỵ: Trong Đông Y, củ chuối hột là bài thuốc đặc biệt công hiệu. Ta có thể dùng củ chuối kết hợp với các dược liệu như sả, vỏ táo để sắc chung với nhau giúp cho giảm kiết lỵ rất hiệu quả.
Giúp ngủ ngon giấc: Ta có thể hầm củ chuối với tim heo. Đây là món ăn không chỉ bổ dưỡng mà còn giúp cho bạn cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ sâu và ngon hơn. Nếu bạn đang trong tình trạng mất ngủ thì hãy thử món này, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ đó.
3. Chế biến củ chuối thành món ngon đặc sản thế nào?
Lươn om củ chuối
Đây mà một món đặc sản của vùng đồng bằng Bắc bộ, đã đi vào câu ca dao “Cá rô quyện với nồi rang/Còn như củ chuối, lươn vàng quyện nhau” và xuất hiện tại nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng.
Với món ăn này, củ chuối hột (hoặc chuối tiêu) được rửa sạch, gọt vỏ rồi thái thành sợi nhỏ, đem ngâm với nước lã ngâm mẻ cho đỡ chát và đỡ thâm, sau đó trộn cho các gia vị bao gồm mỡ heo chưng, tương bần, nước mắm, bột canh, mì chính rồi để khoảng 20 phút cho gia vị ngấm. Mỡ lợn xào cho đến khi ra phần mỡ và tóp mỡ tách nhau ra thì ta cho tỏi hành vào phi thơm rồi cho những khúc lươn đồng nhỏ khoảng 3-5cm sẽ được xào và nêm gia vị. Tiếp đó, ta xào phần củ chuối đã ướp, cho thêm mẻ trắng rồi bỏ vào 1 chiếc nồi để đun sôi (tốt nhất là bằng nồi đất) liu riu khoảng 45 phút cho đến khi nước sánh. Sau đó cho phần lươn đã xào vào om cùng trong khoảng 5 đến 10 phút để lươn, chuối và các gia vị quyện vào nhau. Ngoài ra, có thể rắc thêm hành, lá lốt, tía tô, rau thơm, ớt thái nhỏ trang trí lên trên. Vậy là ta đã có món lươn om củ chuối hết sức hấp dẫn.
Gỏi củ chuối
Gỏi (nộm) củ chuối là một món ăn khá quen thuộc ở các tỉnh miền trung và đã được du nhập vào miền Nam. Ở địa phương gọi củ chuối là nham. Đây là một món ăn dễ làm, có thể dùng trong bữa ăn hằng ngày cũng như vào dịp lễ tiệc.
Để làm món này, phần non của củ chuối hột sẽ được rửa sạch và thái sợi, thái xong ngâm ngay vào nước lã cho khỏi thâm, sau đó đem luộc chín, xả với nước lạnh rồi vắt khô. Sau đó, trộn phần sợi này với muối, mì chính, đường, mắm tôm, tôm luộc bỏ vỏ, thịt ba rọi luộc xắt mỏng, đậu phộng rang chín, đập dập, giá trần sơ. Cuối cùng rắc lên trên lá chanh thái sợi và hạt đậu tương rang chín, xay nhuyễn.
Dùng với nước mắm pha chua ngọt, gỏi củ chuối có mùi vị thanh, ăn không ngán, không chứa nhiều đường và dầu mỡ. Món ăn này không gây ngán và có tác dụng giải nhiệt.
Củ chuối nấu xương
Ai đã từng đến xứ Đoài vùng ven Hà Nội, dự một mâm cỗ trong dịp lễ lạt hay giỗ hiếu, chắc hẳn sẽ ấn tượng với một món ăn ngỡ dân dã, bình dị mà ấm áp, ngọt bùi. Món củ chuối nấu xương.
Để làm món này, người ta chọn những cây chuối non, thân mới chỉ nhú lên mặt đất được vài chục cm, đào lấy củ mang về sơ chế. Nếu thích củ chuối trắng cho bát canh đẹp mắt thì chọn chuối lá, nhưng nếu là người sành ăn chắc hẳn sẽ chọn chuối tiêu, củ sau khi gọt tuy thâm nhưng lại mềm và ngon hơn. Củ chuối đào lên phải được sơ chế ngay bằng cách gọt bỏ phần vỏ sần sùi, bên ngoài, thái lát mỏng hoặc thái chỉ rồi ngâm vào chậu nước có pha chút mẻ cho chuối trắng và mềm.
Sau khi ngâm chừng 20 phút thì dùng tay bóp nhẹ cho củ ra bớt nhựa, vắt khô rồi ướp với mẻ, mắm tôm cùng chút tương chừng nửa giờ. Xương lợn chặt vừa miếng, luộc qua rồi rửa sạch, cũng ướp chừng ấy gia vị. Khi áng chừng nguyên liệu đã ngấm thì phi hành cho thơm, bỏ xương vào xào trước cùng chút nước. Chừng 10 phút thấy xương đã ngấm kỹ thì cho củ chuối vào tiếp tục xào cùng sao cho xương và củ quện lại, củ chuối mềm, bóng mới đổ nước vào ninh. Tùy việc người ăn thích món canh nhiều hay ít nước mà châm.
Lúc vội vàng hẳn không thể ăn canh củ chuối bởi món này cần ướp gia vị thật lâu, lúc đổ nước vào ninh cũng phải chừng một giờ. Khi củ chuối và xương cùng mềm thì nhắc xuống, nêm chút hành hoa và rau mùi tàu cùng hạt tiêu bắc là có thể dùng ngay được.
Củ chuối nấu ốc bươu
Đây là món ăn không chỉ rất ngon mà còn phù hợp với những người bị bệnh tiểu đường. Ngoài ra tính hàn, không độc của ốc bươu có tác dụng giải rượu, tan sỏi, kết hợp với củ chuối hột giúp giảm cảm giác khát nước của người bị tiểu đường.
Bánh củ chuối
Củ chuối cũng có thể được chế biến làm món ăn vặt như là củ chuối chiên hay là ở Bắc Kạn, người Tày đã làm thành bánh củ chuối. Đây là loại bánh được làm rất kỳ công với vị ngọt nhẹ, thanh mát.
Củ chuối nấu giả cầy
Củ chuối nấu giả cầy là món rất ngon đến từ Bắc Bộ. Đến với món này, bạn sẽ được thưởng thức sự đậm đà của giò heo kết hợp với ngọt bùi của củ chuối trên nền nước sốt quánh đậm. Tất cả sẽ làm bạn yêu thích ngay từ miếng đầu tiên.