Nghiệp viết với những chuyến đi đã đưa bước chân chúng tôi gắn bó với các nẻo đường, hiểu thêm về những con người, làng quê dọc theo chiều dài quê hương xứ sở. Trở về sau mỗi chuyến đi là niềm vui khi tận mắt chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống của mỗi người dân vùng khó khăn. Gam màu tươi sáng ấy không chỉ được vẽ nên bởi sự quan tâm đầu tư của Nhà nước bằng các chính sách phát triển kinh tế mà còn được điểm tô bởi những cung đường đẹp như dải lụa góp phần rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng miền.
Dọc theo chiều dài 137 km bờ biển từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, Hà Tĩnh có hàng trăm ngôi làng nép mình bên bờ sóng. Cuộc sống dân sinh trên những triền cát trắng tự bao đời đã nhuốm vị mặn mòi của gian khổ, khó khăn. Đó không chỉ là những chuyến ra khơi đầy trắc ẩn, những mùa trông chờ vào lộc biển mà cái khó còn là sự cách trở về giao thông đi lại khiến người dân miền biển dường như biệt lập với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, những năm gần đây, cuộc sống mới đã hiện hữu trên những ngôi làng, trên từng gương mặt rạng rỡ khi tuyến giao thông huyết mạch ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng được xây dựng.
Cầu Cửa Sót – điểm nhấn trên huyết mạch giao thông ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng.
Chuyến thực địa của BQL và điều hành dự án xây dựng giao thông xuất phát lúc bình minh vừa ló rạng với điểm khởi đầu từ km 0+00 tại ngã ba giao nhau giữa QL 1A – mỏ sắt Thạch Khê và tỉnh lộ 3, điểm cuối km 64+990,84 tại ngã 5 giao với đường nối cảng Vũng Áng – biên giới Việt – Lào. Tuyến đường có tổng chiều dài 64,9 km với tổng mức đầu đầu tư gần 1.000 tỷ đồng giai đoạn 1. Nhìn trên bản đồ quy hoạch tổng thể, chặng đường từ cầu Cửa Sót đến ngã tư Thạch Khê, từ Thạch Khê đi Cẩm Nhượng chỉ là một gạch nhỏ trong chiều dài vô tận của mạng lưới giao thông chằng chịt được nối ngang dọc khắp các vùng miền. Thế nhưng, đối với người dân vùng biển, gạch nối đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống dân sinh và nối liền các địa chỉ văn hóa tâm linh, du lịch từ chùa Phổ Độ đến đền Lê Khôi, Miếu Ao, khu du lịch Thiên Cầm…
Trên cung đường còn thơm mùi nhựa mới, cầu Cẩm Nhượng được xem như một điểm nhấn quan trọng không chỉ đối với quần thể du lịch Thiên Cầm mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc – vùng đất một thời biệt lập bởi cách trở đò giang. Với chiều dài 1,369 km, bề rộng 14m và tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, sau hơn 4 năm thi công, công trình đang đi vào giai đoạn hoàn tất những hạng mục cuối cùng. Mặc dù vậy, đối với người dân vùng hưởng lợi, việc giao thương đi lại đã bắt đầu bước sang trang mới.
Ông Lê Văn Phùng (xóm 5, xã Cẩm Lộc) không giấu nổi niềm vui: “Sống ở Cẩm Lộc nhưng cuộc sống gia đình tôi lại phụ thuộc vào vùng biển Cửa Nhượng nhờ những chuyến đánh bắt theo hội, theo phường. Nay nhờ có cây cầu, việc giao thương đi lại của dân vạn chài chúng tôi đã thuận tiện hơn rất nhiều, con cái đi học cũng đỡ vất vả”.
Đứng bên sườn núi Cao Vọng (Cẩm Lĩnh) nhìn sang Cẩm Nhượng, Thiên Cầm là cả một bức tranh sinh động của cuộc sống với những tòa nhà cao tầng của khu đô thị du lịch. Sự bình yên như bức tranh thủy mặc bởi vô số thuyền bè nằm gối đầu nghỉ ngơi trên bến và trên nền nước xanh mênh mông. Cầu Cẩm Nhượng như một nét chấm phá nổi bật nối nhịp những bờ vui, biến ước mơ của bà con vùng biển trở thành hiện thực. Vùng cát trắng bạc màu, hoang hóa xưa kia chỉ có bóng dáng của những cây tràm, phi lao quắt queo vì nắng gió giờ đã khác. Cùng với sự khai sinh của tuyến đường, những nếp nhà, những khu dân cư mới đã được hình thành, quần tụ bên nhau, trải dài, xóa tan cảm giác đìu hiu, cô quạnh của vùng hoang mạc.
Trong sinh sôi của nhịp sống mới, chuyến đi đã cho chúng tôi hiểu thêm về những khó khăn, gian khổ của đội ngũ kỹ sư, công nhân, những người không quản nắng mưa ngày đêm bám trụ công trường để kịp thời thông tuyến. Kỹ sư Lê Việt Hòa – Trưởng phòng Kỹ thuật, BQL và điều hành dự án xây dựng giao thông – Sở GTVT cho biết: “Từ những ngày đầu thực hiện đến lúc hoàn thành, chúng tôi không thể nhớ hết bao nhiêu chuyến đi về để khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ. Còn nhớ, những trưa hè cháy nắng, chúng tôi vẫn gồng mình đẩy xe qua những trảng cát bỏng rát để thực hiện công việc của mình”.
Những tháng cuối năm 2012, 2013, để kịp tiến độ công trình, đồng thời tranh thủ lúc con nước lên, anh em công nhân thường phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Mỗi công trình hoàn thành đều thấm đẫm mồ hôi, công sức… của đội ngũ cán bộ, công nhân. Nhưng với họ, món quà lớn nhất là đã góp phần làm nên những công trình có chất lượng, đem lại niềm vui cho người dân vùng hưởng lợi.
Dự án tuyến đường ven biển có nguồn vốn lớn nên được chia thành nhiều giai đoạn. Theo BQL và điều hành dự án xây dựng giao thông Sở GTVT thì đoạn từ Cẩm Lĩnh đến Kỳ Xuân với tổng chiều dài 11,6 km, dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 8 năm nay; đoạn từ Kỳ Xuân đi Vũng Áng với tổng chiều dài khoảng 29 km (trên tuyến đường đó có cầu Cửa khẩu với chiều dài khoảng 2,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng nối liền khu di tích đền Bà Hải với Nhà máy Nhiệt điện 2); đoạn từ Xuân Hội đi cầu Cửa Sót lập xong dự án đầu tư… Tương lai không xa, huyết mạch giao thông này không chỉ là tuyến đường nối liền các điểm văn hóa du lịch, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển mà còn mang trên mình nhiều trọng trách lớn lao.
Cùng với mục tiêu nâng cao năng lực phát triển kinh tế vùng ven biển và công tác vận tải phục vụ các khu kinh tế, tuyến đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng còn là sợi dây kết nối các vùng văn hóa, địa chỉ tâm linh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Ngọc – Nam – Thiện