Đại tràng là một bộ phận thuộc hệ tiêu hóa và giữ vai trò nhất định trong cơ thể của con người. Tuy nhiên thì không phải ai cũng hiểu hết được vị trí, chức năng và cấu tạo của bộ phận này. Vì thế, bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp 9 vấn đề thắc mắc phổ biến nhất liên quan đến đại tràng.
Tên gọi khác của đại tràng là gì?
Cơ thể con người có hai loại ruột: ruột non và ruột già. Ruột non được kết nối với dạ dày và xử lý phần giữa của quá trình tiêu hóa. Còn ruột già là một phần của giai đoạn cuối của quá trình tiêu hóa, được xem là một ống lớn giúp hộ tống chất thải ra khỏi cơ thể.
Và không phải ai cũng đều biết ruột già còn có tên gọi khác là đại tràng (intestinum crassum) hay colon, nghĩa là ruột dày, là bộ phận quan trọng của hệ thống tiêu hóa con người.
Sở dĩ hiện nay, việc xuất hiện cách gọi là đại tràng thay thế cho ruột già là để giúp phân biệt với các loại động vật xương sống khác và dễ quy định tên cho các loại bệnh liên quan đến bộ phận này.
Vị trí của đại tràng nằm ở đâu?
Theo trình tự quá trình tiêu hóa của con người sẽ diễn ra từ khi thức ăn được đưa vào miêng, qua thực quản, hành tá tràng, dạ dày, ruột ron, đại tràng và cuối cùng là hậu môn. Vậy nên, đại tràng thuộc một phần ở ống tiêu hóa và nằm ở vị trí gần cuối của hệ thống tiêu hóa, tiếp giáp với chốt cuối cùng của ống tiêu hóa là hậu môn.
Kích thước của đại tràng là bao nhiêu?
Đại tràng rộng hơn nhiều so với ruột non, nhưng cũng ngắn hơn nhiều, ước tính chỉ dài bằng khoảng 1/4 so với ruột non và 1/5 so với ống tiêu hóa. Theo đó chiều dài của ruột non ước tính dài khoảng 22 feet (~6,7 mét), trong khi đó đại tràng chỉ khoảng 4,9 feet (~1,5 m). Tuy nhiên chiều dài của đại tràng còn phụ thuộc vào giới tính cũng như kích thước của mỗi người. Chiều dài đại tràng trung bình của người Việt Nam là 1,48m.
Cấu tạo của đại tràng như thế nào?
Đại tràng có cấu tạo gồm ba phần chính là manh tràng, kết tràng và trực tràng. Ranh giới giữa manh tràng và kết tràng là nơi ruột non thông với ruột già. Còn vị trí nối ruột non và ruột già có van hồi manh tràng với chức năng ngăn không để các chất trong ruột già trào ngược lên ruột non. Theo đó mỗi phần đều có chức năng riêng biệt.
Manh tràng
Manh tràng có hình dạng giống như một cái túi tròn có chiều dài khoảng 6-7cm và đường kính khoảng 7cm. Vị trí của manh tràng nằm ở phía dưới khu vực hồi tràng đổ vào đại tràng. Phần đầu của manh tràng bị bịt kín có một đoạn ngắn hình dạng giống như ngón tay với chiều dài trung bình ở người trưởng thành là 9cm và đường kính là 0,5-1cm được gọi là ruột thừa.
Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi cùng, hẹp và dài vài centimet dính vào manh tràng. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải, nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy ruột thừa đóng vai trò quan trọng trong vấn đề miễn dịch của con người do có chứa rất nhiều mô lympho ở lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc tạo thành một lớp liên tục với các nang lympho (năm giữ vai trò chống lại sự nhiễm trùng), đồng thời lớp niêm mạc lòng ruột thừa chứa màng sinh học bao gồm các vi khuẩn có lợi, có thể tái phục hồi hệ tiêu hóa của con người sau các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột.
Đại tràng
Trong cơ thể, đại tràng nằm uốn lượn thành một hình khung. Trong đó, kết tràng là thành phần chính của đại tràng và được chia thành 4 gồm: kết tràng lên (bên phải), kết tràng ngang, kết tràng xuống (bên trái) và kết tràng sigma. Kết tràng lên hay kết tràng phải bắt đầu từ manh tràng, nơi kết nối với ruột non và ruột thừa đi lên dọc theo bên phải của ổ bụng cho đến gan, chỗ giao nhau đó uốn cong gọi là góc gan bên phải.
Kết tràng ngang là đoạn nối kéo dài đi ngang qua ổ bụng, nối kết tràng phải với kết tràng trái, đoạn uốn cong xuống còn gọi là góc trái hay góc tụy. Và đoạn cuối cùng rất ngắn đi vào khung chậu có hình dạng chữ S là kết tràng Sigma được nối vào trực tràng.
Ruột kết là phần đầu của ruột già, tại đây các chất cặn bã của thức ăn sẽ bị mất nước và cứng lại. Tiếp đó, những chất cặn bã này sẽ di chuyển xuống kết tràng sigma và trực tràng, cuối cùng là thải ra ngoài.
Trực tràng
Nối tiếp với kết tràng sigma chính là trực tràng, có hình dạng là một ống thẳng đứng với chiều dài là 15cm và điểm kết thúc là hậu môn, nơi thải chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Tại trực tràng có hai cơ vòng để kiểm soát hoạt động đóng và mở cửa trực tràng. Ngoài ra, hoạt động đóng mở ở hậu môn trực tràng cũng có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nếu là nam giới thì hoạt động xảy ra sau bàng quang còn nữ giới sau tử cung.
Nếu tính theo thứ tự từ trong ra ngoài thì ruột già hay đại tràng được tạo thành bởi 5 lớp:
- Lớp niêm mạc;
- Lớp dưới niêm mạc;
- Lớp cơ gồm cơ vòng ở trong và cơ dọc ở ngoài;
- Lớp dưới thanh mạc;
- Lớp thanh mạc
Chức năng chính của đại tràng là gì?
Ruột già có 3 chức năng chính: hấp thụ nước và điện giải, sản xuất và hấp thụ vitamin, đồng thời hình thành và đẩy phân về trực tràng để đào thải. Vào thời điểm các chất khó tiêu hóa đã đến đại tràng, hầu hết các chất dinh dưỡng và đến 90% lượng nước đã được hấp thụ bởi ruột non.
Vai trò của đại tràng đi lên là hấp thụ nước còn lại và các chất dinh dưỡng quan trọng khác từ các chất khó tiêu hóa, làm rắn lại để tạo thành phân. Đại tràng đi xuống lưu trữ phân mà cuối cùng sẽ được thải ra trực tràng. Đại tràng xích-ma co bóp làm tăng áp lực bên trong đại tràng khiến phân di chuyển xuống trực tràng. Trực tràng chứa phân đang chờ đào thải ra ngoài bằng cách đại tiện.
Hấp thụ nước và chất điện giải
Sự hấp thụ nước xảy ra bằng cách thẩm thấu. Nước khuếch tán theo một gradient thẩm thấu được thiết lập bởi sự hấp thụ của các chất điện giải. Natri được hấp thu tích cực ở ruột kết bởi các kênh natri. Kali được hấp thu hoặc tiết ra tùy thuộc vào nồng độ trong lòng mạch. Gradient điện hóa được tạo ra bởi sự hấp thụ tích cực của natri cho phép điều này. Các ion clorua được trao đổi cho các ion bicacbonat qua một gradient điện hóa.
Sản xuất/hấp thụ vitamin
Đại tràng cũng có vai trò cung cấp các vitamin cần thiết thông qua môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đại tràng chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn bảo vệ đường ruột và sản xuất vitamin. Các vi khuẩn trong ruột kết tạo ra một lượng đáng kể vitamin bằng cách lên men. Vitamin K và vitamin B, bao gồm biotin, được sản xuất bởi vi khuẩn ruột kết. Các vitamin này sau đó sẽ được hấp thụ vào máu. Khi chế độ ăn uống của một cá nhân thấp, ruột kết đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự chênh lệch vitamin.
Chức năng bài tiết
Bài tiết phân qua động tác đại tiện là một phản xạ không điều kiện gây co bóp cơ trơn trực tràng và mở cơ thắt hậu môn. Theo đó, khi phân đáp ứng đủ các yêu cầu từ độ mềm, lượng cũng như tạo hình thì chúng sẽ được bài tiết ra bên ngoài. Nhưng quá trình bài tiết chưa được thực hiện ngay mà chất thải sẽ còn được hấp thụ dinh dưỡng thêm một lần nữa ở trực tràng.
Cấu tạo của ruột già có một đoạn ruột dài khoảng 20cm giữ vai trò co bóp để đẩy phân ra bên ngoài. Cơ thể con người lúc này sẽ có triệu chứng đau bụng và muốn đi vệ sinh. Chất nhày trong đại tràng ngoài tác dụng là làm mềm, tạo độ dính cho phân mà còn tạo nên lớp bảo vệ niêm mạc, giúp niêm mạc tránh bị tổn thương khi phân đi qua và hạn chế vi khuẩn làm hại đại tràng.
Những bệnh thường gặp ở đại tràng là gì?
Viêm đại tràng truyền nhiễm (Infectious)
Viêm đại tràng truyền nhiễm có thể xảy ra do nhiều loại vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khác nhau. Viêm đại tràng truyền nhiễm thường xảy ra nhất do ăn phải thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm, đưa sinh vật truyền nhiễm vào đại tràng. Các nguyên nhân phổ biến nhất là Escherichia coli, Campylobacter, Shigella và Salmonella.
Các sinh vật truyền nhiễm này xâm nhập vào ruột kết, gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến chức năng bình thường, gây đau bụng và tiêu chảy. Clostridium difficile là một sinh vật khác có thể gây viêm đại tràng liên quan đến việc sử dụng kháng sinh. C. difficile là một phần của hệ thực vật bình thường, khỏe mạnh trong ruột kết nhưng có thể gây ra vấn đề nếu nó phát triển quá mức. Sử dụng kháng sinh có thể phá hủy hệ thực vật bình thường nhạy cảm khác trong ruột kết, cho phép C. difficile phát triển quá mức và xâm nhập.
Bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease)
Bệnh viêm ruột bao gồm bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng. Cả hai đều gây viêm và sẹo trong đường tiêu hóa, phá vỡ chức năng bình thường. Nguyên nhân của bệnh viêm ruột không được biết rõ nhưng có khả năng là do phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch. Viêm loét đại tràng chỉ giới hạn ở ruột già, trong khi bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn.
Polyp đại tràng
Polyp là sự phát triển bất thường của các mô trên lớp lót bên trong của đại tràng hoặc trực tràng với đa số là khối u lành tính. Tuy nhiên, một số ít polyp có thể tiến triển thành ung thư. Có một số loại polyp phổ biến như là polyp tăng sản, polyp viêm, polyp răng cưa,… Đối tượng dễ mắc bệnh thường trên 50 tuổi và có thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc tiền sử gia đình đã có người từng mắc bệnh.
Túi thừa – Viêm túi thừa
Túi thừa là một rối loạn trong đó các túi phát triển trong niêm mạc đại tràng do sự suy yếu của các lớp cơ trong thành đại tràng. Điều này thường xảy ra theo thời gian do quá trình lão hóa mãn tính. Viêm túi thừa có thể phát triển nếu những túi này bị nhiễm trùng hoặc bị viêm, gây đau bụng và thay đổi nhu động ruột. Bệnh túi thừa rất phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Thiếu máu cục bộ (Ischemic)
Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ phổ biến hơn ở người cao tuổi và xảy ra khi lượng máu đến đại tràng giảm. Lưu lượng máu giảm có thể gây viêm hoặc tổn thương đại tràng. Một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ là do xơ vữa động mạch, huyết áp thấp, cục máu đông, tắc ruột.
Loạn sản đại tràng
Loạn sản đại tràng là khi một điểm của các tế bào trên niêm mạc đại tràng trông bất thường dưới kính hiển vi. Những tế bào này không phải là ung thư, nhưng có thể thay đổi thành ung thư theo thời gian. Những người đã mắc các bệnh như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn trong nhiều năm có thể mắc chứng loạn sản đại tràng.
Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là ung thư xảy ra ở đại tràng hoặc ở đại tràng dưới gần trực tràng. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong. Bắt nguồn từ những polyp đại tràng được hình thành ở trong ruột già và trực tràng, qua thời gian chúng tiến triển thành các tế bào ung thư. Vì thế mà việc phát hiện và loại bỏ polyp đại tràng là một trong những cách giúp phòng tránh ung thư.
Có thể kiểm tra đại tràng bằng những hình thức nào?
Có nhiều cách để kiểm tra sức khỏe đại tràng của bạn, nhưng trong đó phổ biến nhất là 2 hình thức nội soi đại tràng và chụp CT.
Nội soi đại tràng
Đây là phương pháp phổ biến nhất khi muốn đánh giá toàn bộ các vấn đề về đại tràng. Theo đó kĩ thuật này sẽ sử dụng ống mềm có gắn camera được đưa từ đường hậu môn để quan sát toàn bộ tình trạng cũng như phát hiện được những dấu hiệu bất thường hay tổn thương bên trong của đại tràng
Chụp CT
Chụp cắt lớp đại tràng hay còn được gọi là nội soi đại tràng ảo. Kỹ thuật sử dụng hệ thống máy CT quét vùng bụng để chẩn đoán bệnh thông qua hình ảnh chi tiết của đại trực tràng (ruột già) mà không cần ống nội soi.
Giống với các kỹ thuật chụp CT khác, chụp cắt lớp đại tràng cũng sử dụng tia X – quang quét qua vùng bụng và tập trung tại đại tràng. Sau đó sẽ thu được hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều, qua đó hình ảnh thể hiện được vị trí, mức độ các tổn thương, các bệnh lý liên quan một cách nhanh chóng và chính xác.
Làm sạch đại tràng bằng cách nào?
Làm sạch đại tràng là công việc cần thiết nhằm giúp bảo vệ đại tràng, tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, giúp quá trình hấp thu diễn ra tốt hơn và cải thiện sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Theo đó, những biện pháp làm sạch đại tràng an toàn gồm:
- Ăn các loại thực phẩm giúp làm sạch đại tràng như súp lơ xanh, nước trái cây, ngũ cốc, chanh, cải bó xôi…;
- Sử dụng dung dịch thụt rửa đại tràng, tuy nhiên bạn nên cố lựa chọn sản phẩm có thành phần tự nhiên và tránh sử dụng các hóa chất mạnh, vì về lâu dài có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe;
- Thực hiện các bài tập vận động đơn giản để cải thiện đường tiêu hóa.
Làm thế nào để bảo vệ tốt cho đại tràng?
Có nhiều cách để cải thiện sức khỏe và bảo vệ tốt cho đại tràng. Trong đó, cách tốt nhất để giúp chức năng đại tràng phát huy hiệu, đó là:
- Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh;
- Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ giàu ngũ cốc, trái cây và rau quả;
- Uống đủ nước hàng ngày;
- Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến có chất bảo quản;
- Tập thể dục hàng ngày;
- Ngừng sử dụng các sản phẩm thuốc lá và hạn chế uống rượu, bia;
- Bổ sung thêm các loại vitamin, khoảng chất cần thiết;
- Tiến hành kiểm tra sàng lọc để theo dõi sức khỏe đại tràng.
Hi vọng bài viết trên đã giúp mọi người có thêm nhiều kiến thức về đại tràng, một trong những bộ phận quan trọng trong hệ thống tiêu hóa của chúng ta. Ngay từ bây giờ, hãy cố gắng xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt thật khoa học để bảo vệ tốt cho đại tràng nói riêng và cơ thể bạn nói chung nhé!
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.