Tên tự gọi: Ê Đê
Tên gọi khác: Anăk Ea Ðê, Ra Ðê (hay Rhađê), Ê-đê, Êgar, Ðê.
Nhóm địa phương: Kpă, Adham, Krung, Mđhur, Ktul, Dliê, Hruê, Bih, Blô, Kah, Kdrao, Dong Kay, Dong Mak, Ening, Arul, Hwing, Ktlê.
Số dân: 331.1941 (Tổng cục Thống kê năm 2009)
Ngôn ngữ và chữ viết: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Ðảo). Tiếng Ê Đê còn vay mượn vốn từ vựng có nguồn gốc từ Môn -Khmer và một số từ vựng tiếng Pháp
Thông thường họ dùng từ Dam (nghĩa là Chàng) để đệm cho Nam giới như Dam Sam, Dam Điêt, Dam Yi… và Hơbia (nghĩa là Nàng) để đệm cho Nữ giới như HơBia Blao, HơBia Ju, HơBia Jrah Jan.
Người Ê Đê cũng là tộc người duy nhất ở Việt Nam đặt tên theo cấu trúc Tên trước Họ sau, có thể là kết quả ảnh hưởng của văn hóa Pháp.
Người Ê Đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các trường ca, sử thi (Khan nổi tiếng với Khan Đam San, Khan Đam Kteh M’lan),… Người Ê Đê yêu ca hát, thích tấu nhạc và thường có năng khiếu về lĩnh vực này. Nhạc cụ có cồng chiêng, trống,sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn, Đinh Năm, Đinh Tuốc là các loại nhạc cụ phổ biến của người Êđê và được nhiều người yêu thích
Nguồn gốc lịch sử: Người Ê-đê là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền Trung Tây Nguyên.
Nhà cửa
Người Ê Đê, trong sâu thẳm văn hóa chưa hề phai nhạt những hình ảnh bến nước và con thuyền thể hiện dấu vết hải đảo của nhóm tộc người nói tiếng Mã Lai – Đa Đảo..
Nhà sàn Ê Đê có hình con thuyền dài, cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra phía hông. Bên trong nhà có trần gỗ hình vòm giống hệt mui thuyền. Có nhiều buôn Ê Đê trù phú với hàng trăm ngôi nhà dài trông như một hạm đội thuyền Nam Đảo đang rẽ sóng giữa thế giới biển đảo, đây là nét đặc trưng có hầu hết ở các tộc người nói tiếng Mã Lai.
Nhà sàn của người Ê Đê
Nhà người Ê Đê thuộc loại hình nhà dài sàn thấp, thường dài từ 15 đến hơn 100 m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người. Nhà Ê Đê có những đặc trưng riêng không giống nhà của các cư dân khác ở Tây Nguyên. Là nhà của gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ. Bộ khung kết cấu đơn giản. Cái được coi là đặt trưng của nhà Ê Đê là: hình thức của cầu thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. Đặc biệt là ở hai phần. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài, bếp chủ, ghế khách, ghế chủ, ghế dài (Kpan) (tới 20 m), chiếng ché,… nửa còn lại gọi là Ôk là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc, phần về bên trái được coi là “trên” chia thành nhiều gian nhỏ. Phần về bên phải là hàng lang để đi lại, về phía cuối là nơi đặt bếp. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang.
Hình ảnh Nhà sàn của người dân tộc Ê Đê
Hôn nhân gia đình
Trong gia đình người Ê Đê, chủ nhà là phụ nữ, theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, con trai không được hưởng thừa kế. Đàn ông cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế theo tục nối dây thì người chồng phải về với chị em gái mình. Khi chết, được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ.Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.
Đặc điểm kinh tế
Người Ê Đê làm rẫy là chính, riêng nhóm Bíh làm ruộng nước theo lối cổ sơ, dùng trâu dẫm đất thay việc cày, cuốc đất. Ngoài trồng trọt còn chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải. Trên nương rẫy, ngoài cây chính là lúa còn có ngô, khoai, bầu, thuốc lá, bí, hành, ớt, bông.
Đặc điểm làm rẫy của người Ê Đê là chế độ luân khoảnh, tức là bên cạnh những khu đất đang canh tác còn có những khu đất để hoang để phục hồi sự mầu mỡ. Ngày nay người Êđê gắn mình với sản xuất nông sản cây công nghiệp: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao,…
Nghề trồng trọt ở đây có nuôi trâu, bò, voi. Người dân ở đây còn tự làm ra đựơc đồ đan lát, bát đồng, đồ gỗ, đồ trang sức, đồ gốm
Trang phục
Trang phục nam
Nam để tóc ngắn quấn khăn màu đen nhiều vòng trên đầu. Nam giới cũng mang hoa tai và vòng cổ.
Y phục truyền thống gồm áo và khố (Kpin),.
- Áo có hai loại cơ bản:
- Loại áo dài trùm mông: Đây là loại áo khá tiêu biểu cho người Ê Đê qua trang phục nam, có tay áo dài, thân áo cũng dài trùm mông, có xẻ tả và khoét cổ chui đầu. Trên nền chàm của thân và ống tay áo ở ngực, hai bên bả vai, cửa tay, các đường viền cổ, nơi xẻ tà gấu áo được trang trí và viền vải đỏ, trắng. Đặc biệt là khu giữa ngực áo có mảng sọc ngang trong bố cục hình chữ nhật tạo vẻ đẹp, khỏe.lực lãm
- Loại áo dài quá gối: có khoét cổ, ống tay bình thường không trang trí như loại áo dài trùm mông nói trên,…
Áo thường ngày ít có hoa văn: bên cạnh các loại áo trên còn có loại áo cộc tay đến khửu tay, hoặc không tay. Áo có giá trị nhất là loại áo Ktêh của những người quyền quý có dải hoa văn “đại bàng dang cánh”, ở dọc hai bên nách, gấu áo phía sau lưng có đính hạt cườm.
Khố: Khố có nhiều loại và được phân biệt ở sự ngắn dài có trang trí hoa văn như thế nào. Đẹp nhất là các loại ktêh, drai, đrêch, piêk, còn các loại bong và băl là loại khố thường.
Trang phục nữ
Phụ nữ Ê Đê để tóc dài buộc ra sau gáy. Xưa họ để tóc theo kiểu búi tó và đội nón duôn bai. Họ mang đồ trang sức bằng bạc hoặc đồng. Vòng tay thường đeo thành bộ kép nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau .
- Áo: Áo phụ nữ là loại áo ngắn dài tay, khoét cổ (loại cổ thấp hình thuyền) mặc kiểu chui đầu. Thân áo dài đến mông khi mặc cho ra ngoài váy. Trên nền áo màu chàm thẫm các bộ phận được trang trí là: cổ áo lan sang hai bên bả vai xuống giữa cánh tay, cửa tay áo, gấu áo. Đó là các đường viền kết hợp với các dải hoa văn nhỏ bằng sợi màu đỏ, trắng, vàng. Cái khác của trang phục áo nữ Ê Đê khác Gia rai về phong cách trang trí là không có đường ở giữa thân áo. Đếch là tên gọi mảng hoa văn chính ở gấu áo. Ngoài ra phụ nữ còn có áo lót cộc tay (áo yếm).
- Váy: Váy trong trang phục thường nhật. Đi cùng với áo của phụ nữ Ê đê là chiếc váy mở (tấm vải rộng làm váy) quấn quanh thân. Cũng trên nền chàm, váy được gia công trang trí các sọc nằm ngang ở mép trên, mép dưới và giữa thân bằng chỉ các màu tương tự như áo. Đồ án trang trí tập trung hơn ở mép trên và dưới thân váy. Có thể đây cũng là phong cách hơi khác với váy của dân tộc Gia Rai. Váy có nhiều loại phân biệt ở các dải hoa văn gia công nhiều hay ít. Váy loại tốt là myêng đếch, rồi đến myêng đrai, myêng piêk. Loại bình thường mặc đi làm rẫy là bong. Hiện nay nữ thanh niên thường mặc váy kín.
Trang phục người dân tộc Ê Đê
Tôn giáo
Phần lớn người Ê Đê theo đạo Tin Lành thuộc dòng Tin Lành hệ Báp-tít] được các nhà truyền giáo Na Uy, Phần Lan từ Bắc Âu truyền vào những năm đầu thế kỷ 20. Đắc Lắc nơi tập trung đông người Ê Đê nhất cũng là nơi có tín đồ Tin Lành nhiều nhất Việt Nam, đây được coi một trong những trung tâm đạo Tin Lành lớn nhất khu vực Đông Dương. Họ thường đọc kinh cầu nguyện tại các nhà riêng của mục sư,hiện tại các nhà thờ Tin lành vẫn chưa nhiều
Công giáo Rôma được truyền bá thông qua các nhà truyền giáo Tây Ban Nha, sau này là người Pháp. Những người theo Công giáo Rôma thì thường đến các nhà nhờ tại địa phương vào ngày chủ nhật.
Một số ít theo Phật giáo tại các vùng đô thị chủ yếu là người Ê Đê kết hôn với ngươi Việt, người Hoa.
Số còn lại vẫn theo nét tín ngưỡng cổ truyền, thờ cúng các thần hộ thân cho mình.
Phong tục tập quán
Ăn: Ăn cơm tẻ bằng là chủ yếu. Muối ớt là thức ăn không thể thiếu. Đồng bào thích uống rượu cần, hút thuốc lá cuốn, ăn trầu.
Ở: Nhà sàn dài, kiến trúc mô phỏng hình thuyền là nhà truyền truyền thống. Gia đình được tổ chức theo chế độ mẫu hệ. Các gia đình quần tụ theo đơn vị buôn.
Hôn nhân: Phụ nữ giữ vai trò chủ động. Người Ê-đê có tục ở rể và “nối dòng”
Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là gùi đan hoặc voi và thuyền độc mộc.
Lễ Hội
- Lễ bỏ mả
Người Ê đê không có tục thờ cúng tổ tiên. Trong nhà người Ê đê có người mất thì trong vòng một năm đến ba năm, người thân trong gia đình làm lễ bỏ mả, là một trong những lễ hội lớn mang tính tang lễ mà người sống tổ chức để từ biệt người chết, tiễn người thân về nơi vĩnh viễn. Người Ê đê quan niệm khi con người chưa làm lễ bỏ mả thì linh hồn của người đã mất vẫn quẩn quanh trong làng bản, gia đình. Cho nên, hàng ngày người ta ra mộ, đưa cơm ra bón cho người chết. Mả có một ống tre thông từ quan tài lên phía trên. Người nhà mang cơm bón cho người mất thông qua ống tre đó và nói chuyện với người đó. Người ta quan niệm linh hồn người chết còn quẩn quanh bên cạnh gia đình. Nhưng khi làm lễ bỏ mả thì coi đó là sự chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ giữa người sống và người chết để linh hồn người chết về với tổ tiên.”
- Lễ hội đón năm mới .
- Lễ ăn cơm mới.
- Lễ cúng bến nước, để cầu mong mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, trong lành, mọi người khỏe mạnh, nhà nhà nhiều lúa, bắp, trâu, bò, heo, gà.
Có các lễ khác:
- Lễ hiến sinh (giết trâu) cúng thần linh và người quá cố.
- Lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe cho mọi thành viên trong cộng đồng.
- Lễ cúng hòn đá bếp (vì thần đã giúp gia chủ một năm no đủ),
- Lễ cúng hòn đá cổng buôn làng (vì thần đã gìn giữ buôn làng một năm yên ổn, không có ai đói nghèo, bệnh tật) và cúng sức khỏe cho những con vật nuôi trong gia đình (như voi, trâu, bò, heo, chó, mèo, dê, gà…) vì những con vật này là người bạn của con người, thiếu nó con người sẽ cảm thấy cô đơn, bé nhỏ trước thiên nhiên vũ trụ.
- Lễ cúng cầu mưa, cúng thần gió, cầu một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, nhà nhà no ấm, hạnh phúc.