I. NGUỒN GỐC LỊCH SỬ, SỐ LƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN CƯ TRÚ
– Nguồn gốc lịch sử: Dân tộc Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. – Tên gọi khác: Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao – Cư trú: ở Việt Nam dân tộc Tày cư trú tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên… Tại tỉnh Thái Nguyên dân tộc Tày cư trú ở tất cả các huyện, thành, thị. – Số lượng: Ở Thái Nguyên, năm 1999, dân tộc Tày có khoàng 106.238 người, đứng thứ hai trong các dân tộc của tỉnh (chiếm 10,15%) hiện đang có mặt ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung đông nhất ở huyện Định Hoá (41,1%) tiếp đến là huyện Phú Lương (18,6%), Đại Từ (12,7%)… và ít nhất là thị xã Sông Công (0,39%).
Dân tộc Tày tính đến năm 2009 toàn tỉnh có 123.197 người phân bố ở tất cả các huyện, thành, thị xã toàn tỉnh. Tập trung đông nhất ở huyện Định Hoá là 46.004 người, chiếm 37,3% số lượng dân tộc Tày toàn tỉnh; tiếp đến là Phú Lương: 20.863 người, chiếm 16,9%; TP Thái Nguyên: 19.312 người chiếm 15,7%; huyện Đại Từ: 15.654 người chiếm 12,7%; huyện Võ Nhai: 14.583, chiếm 11,8%… ít nhất là thị xã Sông Công: 889 người, chiếm 0,7%.
II. VĂN HOÁ VẬT CHẤT
1. Nhà ở:
a) Cấu trúc của ngôi nhà:
– Nhà sàn: Là loại nhà có từ lâu đời của người Tày. Trước đây, do còn nhiều rừng nên họ chỉ dựng nhà bằng các loại nguyên vật liệu được lấy từ rừng như tre, gỗ, lá cọ… Cách đây vài chục năm loại hình nhà sàn cột chôn là loại hình phổ biến. Chỉ từ sau năm 1960, khi thành lập HTX nông nghiệp, người ta mới có điều kiện làm loại nhà sàn cột kê trên đá tảng. Phần sàn dùng cho người ở, phần gác để sấy khô, cất giữ một số lương thực, thực phẩm và gầm sàn dùng để nhốt gia súc, gia cầm, chất củi, để nông cụ, cối giã và đan lát.
Nhà sàn của người Tày Định Hoá – Thái Nguyên
Người Tày không tính quy mô ngôi nhà bằng số gian mà tính bằng cột chính, chẳng hạn loại nhà 8 cột, 10 cột, 12 cột… Mặt bằng nhà có dạng hình chữ nhật hay dạng gần hình vuông, trong đó dạng gần hình vuông là phổ biến. Ngay cả một số gia đình người Sán Chay, Nùng ở Phú Lương và Định Hoá cũng chịu ảnh hưởng kiểu nhà của người Tày.
Đối với loại nhà sàn có cấu trúc dạng vì kèo ba cột như trước đây thì mỗi vì kèo được bố trí ba cột, hai chiếc xà ngang và một bộ vì kèo. Với loại nhà này xung quanh thường được bưng bằng ván, bằng phên hay liếp tre còn mái lợp bằng lá cọ. Đây là loại nhà cổ nhất nhưng hiện nay không còn thấy phổ biến nữa.
Cầu thang nhà sàn người Tày
Khoảng 20 năm trở lại đây, nhất là sau đổi mới rất nhiều gia đình người Tày ở Thái Nguyên bắt đầu chuyển từ nhà sàn xuống ở nhà nền đất. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay thiếu nguyên liệu gỗ để làm nhà, rừng không còn nhiều để khai thác nữa.
Cấu trúc nhà nền đất của người Tày ở đây có đặc điểm là hầu hết các ngôi nhà đều được xây dựng khá cao.
b) Những tập quán, tín ngưỡng liên quan đến dựng nhà mới.
– Trước hết: phải xem hướng làm nhà. Tránh làm nhà ở cạnh sông vì theo quan niệm của họ nước sông suối động chạm đến tổ tiên, không có tài lộc. Tránh để mặt nhà nhìn thẳng vào tảng đá vì như vậy khó giữ gìn của cải, làm ăn ít gặp may mắn. Kỵ phía trước nhà có ngọn núi nào đó có hướng đâm thẳng vào nhà bởi đó là hướng sát chủ, dễ bị chết oan.
– Kiêng kỵ khi làm nhà: Ngày và tháng khởi công đào đắp nền nhà cũng như việc khởi công lấy nguyên vật liệu, ngày dựng nhà và ngày làm lễ vào nhà mới chọn những ngày không xung khắc với tuổi của chủ nhà. Không chọn ngày khởi công đào đắp nền nhà vào ngày hoả hay ngày có tiếng sấm đầu năm, ngày trùng với ngày chết của cha mẹ bởi vì những ngày đó là ngày xấu không mang lại sự may mắn cho các công việc làm nhà tiếp theo. Trong ngày đầu nhất thiết phải đốn lấy cột nóc. Tuyệt đối không lấy những cây bị gãy ngọn, cây bị sét đánh để làm nhà vì họ cho rằng những cây đó bị thần, ma làm hỏng lấy về làm nhà sẽ bị tai hoạ.
Sau khi nền nhà làm xong để nguyên một thời gian cho đất chặt lại chắc chắn mới tiến hành các công đoạn dựng nhà. Ngày khởi công xây dựng nhà mới gia chủ cũng phải tiến hành làm lễ cúng gia tiên và thổ thần.
– Nghi thức vào nhà mới: Ở đây người Tày làm đơn giản: chọn một nam ở họ nội và một nữ ở họ ngoại. Những người này phải đạt tiêu chuẩn là uy tín, nhà không có tang, gia đình hoà thuận, có cả con trai lẫn con gái, am hiểu phong tục. Trước hết mỗi người cầm một bó đuốc đi vào nhà, nam đi trước nữ đi sau, khi đến bếp họ chụm hai bó đuốc vào nhóm lửa và lên tiếng chúc gia đình may mắn, làm ăn phát đạt, theo sau người nhóm bếp là anh em mang thóc, ống nước, ống mẻ và bình vôi vào nhà mới. Bếp lửa cháy suốt ba ngày ba đêm không tắt.
Những tập quán, tín ngưỡng liên quan đến ăn ở trong ngôi nhà
Một trong những đặc điểm thể hiện rõ nét tập quán sinh hoạt trong nhà ở của ngời Tày là cách bố trí giường ngủ. Nếu trong nhà chỉ có một đôi vợ chồng cùng với các con còn nhỏ thì chỉ đặt một chiếc giường ngủ ở trong buồng cạnh bếp sưởi. Khi các con trai và con gái đến tuổi trưởng thành thì đặt thêm những chiếc giường khác tại những vị trí đã được qui định. Trường hợp trong nhà có con trai lấy vợ thì sẽ làm thêm một buồng ngủ, đối diện với buồng ngủ của con gái. Các con trai đã trưởng thành được bố trí ngủ ở gian giữa hay ở gian bên cạnh nhưng thường là chỗ gần với bàn thờ tổ tiên. Cùng với những qui định về chỗ ngủ, trong nhà còn có những qui định khá nghiêm ngặt. Thường ngày, bố chồng không được đi vào các buồng ngủ của các cô dâu, không đến chỗ ngủ của các cô con gái đã lớn tuổi; cô dâu không được vào buồng ngủ của bố chồng, anh em trai chồng đã có vợ. Bàn thờ gia tiên được coi là chốn linh thiêng, kiêng sản phụ đi qua, không được treo những thứ được gọi là uế tạp như quần áo, đặc biệt là đồ mặc của sản phụ, tã lót của trẻ sơ sinh…
2. Trang phục:
Y phục nữ: Bộ y phục cổ truyền của phụ nữ Tày ở Thái Nguyên gồm khăn, áo, dây lưng và váy.
– Khăn: Thường màu chàm hoặc đen, làm tự loại vải tự dệt hoặc bằng vải láng hoặc nhung đen. Khăn thường có hai loại, một loại đội đầu hình tam giác cân. Loại thứ hai được dùng để vấn tóc, được cắt theo dạng hình chữ nhật có kích cỡ to nhỏ, dài ngắn tuỳ theo bộ tóc của người sử dụng. Loại khăn này thường được làm bằng nhung đen hoặc xanh chàm, không thêu hoa văn trang trí.
Áo cổ truyền thường được may bằng vải nhuộm chàm hoặc từ vải láng, phin đen không trang trí, dài đến tận bắp chân, ống tay hẹp. Cổ áo to nhỏ tuỳ người sử dụng. Khi mặc cài cúc ở bên nách phải. Ngoài chiếc áo dài một số người còn mặc bên trong một chiếc áo ngắn khác với màu áo dài, được may như kiểu áo của người Kinh.
Trang phục nam, nữ người Tày
– Váy và quần: Trước kia các cụ bà Tày mặc váy, nhưng hiện nay hầu hết phụ nữ Tày ở Thái Nguyên đều mặc quần. Những chiếc quần họ mặc thường ngày cũng như mặc trong nghi lễ đều có màu chàm đen. Hiện nay, do người Tày không còn trồng bông dệt vải nữa nên quần mặc hàng ngày của họ chủ yếu được may khâu từ vải chéo đen hoặc hoặc vải lụa hay láng đen. Khi mặc quần và áo được giữ chặt bằng cách buộc dây lưng.
– Thắt lưng cổ truyền của người phụ nữ Tày là một tấm vải màu chàm hoặc màu đen. Khi mặc váy hoặc quần hoặc quần và áo xong thì người ta mới quấn dây thắt lưng nhiều vòng quanh eo sau đó buộc vắt ra phía sau.
– Giày: Thường ngày phụ nữ người Tày ít đi giày, chủ yếu đi dép, thậm chí đi chân đất, mỗi khi lên sàn đều phải rửa chân. Chỉ trong những ngày lễ tết hoặc những ngày trời lạnh họ mới đi giày vải. Ngày nay, trong những ngày lễ hoặc tết phụ nữ thường đi giày nhung đen.
Y phục nam:
Từ lâu người đàn ông Tày ở Thái Nguyên đã mặc bộ y phục giống như người Kinh, đầu cắt tóc ngắn, chân đi giầy hoặc dép, đội mũ nồi hoặc mũ lưỡi chai.
– Đồ trang sức: Không phong phú như những dân tộc khác. Trước đây người Tày thích dùng đồ trang sức bằng bạc như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Nam giới đeo nhẫn bạc, các cụ ông đeo vòng tay bạc, thanh niên có một thời bịt răng vàng.
3. Văn hoá ẩm thực
Nguồn lương thực của người Tày ở Thái Nguyên khá phong phú chủ yếu là từ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Trước đây người Tày ăn xôi nếp là chính, cơm tẻ được ăn ít hơn, khoai, sắn, đậu, bí… thường được dùng để nấu độn với gạo hoặc dùng để chăn nuôi gia súc.
Nguồn thực phẩm: chủ yếu là gà, lợn, vịt, ngan và dê, các loại rau trồng trên nương. Ngoài ra còn săn bắt hái lượm thêm để cải thiện đời sống.
Bánh chưng của người Tày
– Các món ăn
Người Tày biết chế biến khá nhiều món ăn. Có món được kế thừa từ đời ông cha, có món tiếp thu từ việc giao lưu văn hoá với các dân tộc anh em: cơm, xôi nếp, cơm lam, cơm tẻ, các loại cháo, ngô bung… các món giàu chất đạm và béo như xào, rán, canh từ thịt…
Mỗi ngày người Tày ăn hai bữa chính: trưa, tối và hai bữa phụ là sáng và nửa chiều. Tuỳ theo tập quán từng nới mà hai bữa phụ có thể là hai hay một bữa. Trong một gia đình thường người ta ngồi ăn cùng mâm, phần đông là bố chồng và con dâu không ngồi chung mâm. Khi nhà có khách thường chia thành nhiều mâm để ăn uống, tuy nhiên hiện nay trong một nhà cũng đã có hiện tượng chia thành nhiều mâm ăn uống.
– Uống, hút và ăn trầu.
Đồ uống thường chia thành hai loại: đồ uống thông thường: nước lã, nước chè, nước lá và đồ uống có chất kích thích như rượu, nước hoa quả, thuốc nam.
Đàn ông có thói quen hút thuốc lào, thuốc lá tự gieo trồng. Hiện nay người dân ở Võ Nhai vẫn trồng cây thuốc lá nhưng họ không hút thuốc lá tự cuốn mà họ chuyển sang hút thuốc lào hoặc thuốc lá bán bao.
Đến nay một số phụ nữ Tày ở Thái Nguyên vẫn ăn trầu, riêng lớp trẻ đã bỏ tập quán này. Thành phần của trầu gồm trầu không, vôi, thuốc lào và vỏ cây.
– Phương tiện vận chuyển
Phổ biến nhất là gánh, dùng ngựa thồ, trâu bò kéo. Những bản ở ven sông và suối lớn thì dùng bè, mảng. Hiện nay ngoài các phương tiện trên còn có xe đạp, xe máy, công nông.
4. Làng bản
Tổ chức mường của người Tày đã bị giải thể từ lâu, các hình thức tổ chức như châu, tổng, xã được hình thành sớm, nhưng hiện nay đơn vị xã hội cơ sở của người Tày hiện nay vẫn là bản. Người Tày ở Thái Nguyên thường tụ cư giữa vùng giáp ranh giữa rừng và ruộng. Các bản của người Tày thường dựa lưng vào núi, hướng xuống thung lũng. Mỗi bản thường có địa vực cư trú riêng. Quy mô bản của người Tày nhỏ, mỗi bản thường chỉ có khoảng 30 đến trên dưới 60 hộ. Mỗi bản thường có nhiều chòm xóm nhỏ, phân bố tương đối biệt lập, đều hướng ra cánh đồng hoặc con đường cái chạy qua.
Trong mỗi bản có những họ là gốc Tày cổ, có những họ là gốc Kinh bị Tày hóa.
Xưa kia dưới chế độ thực dân nửa phong kiến các bản Tày thường nằm dưới thiết chế quan phương như châu, tổng, xã, bản. Đôi khi những thôn bản lớn cũng được cấu trúc thành một xã trong bộ máy nhà nước với người đứng đầu là lý trưởng. Với những thôn bản nhỏ, chính quyền phong kiến thường ghép những vài thôn bản thành một xã đứng đầu là trưởng bản. Hiện tại mỗi xóm bản đều có một trưởng xóm bản.
5. Tập quán hôn nhân:
Chế độ hôn nhân của người Tày trước đây xây dựng trên chế độ tư hữu về tài sản, mang tính chất mua bán môn đăng hậu đối. Người con trai bỏ tiền mua hiện vật và người con gái về. Nguyên tắc là cùng thờ tổ tiên thì không được lấy nhau nhưng con chị em gái có thể lấy nhau được. Hôn nhân người Tày mang tính phụ quyền cao.
Đám cưới người Tày
Tình yêu nam nữ được thể hiện qua các dịp hội hè hàng năm như Lồng Tồng (lễ xuống đồng), các buổi chợ phiên, những ngày cưới của bạn bè…thể hiện qua những bài hát đối đáp như lượn, phong slư… Trước cách mạng tháng 8 ở Thái Nguyên còn tồn tại tục “trộm vợ” khi bố mẹ khước từ tình yêu của đôi trai gái, hay tục “ngủ chết” phản kháng bố mẹ phản đối tình yêu của con.
Cô dâu chú rể người Tày
Tồn tại chế độ một vợ một chồng từ lâu đời. Hiện tượng ngoại tình, hoang thai, ly dị cũng rất ít xảy ra. Chồng chết, người phụ nữ phải ở lại chăm sóc bố mẹ chồng một thời gian, sau 3 năm có thể đi lấy chồng. Người đàn ông được phép lấy vợ mới sau khi tang vợ được 3 năm.
Nghi lễ cưới hỏi:
Uớm hỏi, lễ nộp đồ thách cưới, lễ báo cưới và lễ cưới chính thức. Đặc biệt trong lễ cưới chính thức, nhà trai nhất thiết phải có lễ vật là một số tấm vải cho mẹ đẻ của vợ để trả công nuôi dưỡng, gọi là “vải ướt khô” khoảng 48 vuông kèm theo môt hoặc hai đồng bạc trắng.
6. Sinh đẻ: Khi người vợ có thai, người chồng kiêng chọc tiết lợn, kiêng đi viếng đám ma. Phụ nữ Tày đẻ ngồi hoặc nằm trong buồng. Khi đứa trẻ ra đời dùng dao cắt rốn, cho nhau đứa trẻ vào ống nứa dấu ở trong rừng không cho người lạ nhìn thấy. Sau khi sinh người mẹ được chăm sóc và kiêng kỵ chu đáo, quá trình ở cữ người phụ nữ chỉ ở trong buồng, kiêng tắm gội, không gần bếp lửa, nơi thờ cúng linh thiêng đặc biệt là bàn thờ tổ tiên. Sản phụ chỉ được ra ngoài khi con so được 3 tháng, con rạ một tháng. Khi đứa trẻ ra đời trước cửa nhà treo một cành lá xanh để báo cho người lạ biết không được vào nhà.
7. Nghi lễ tang ma: Gồm nhiều bước phức tạp Sau khi tắt thở người chết được tắm rửa, mặc quần áo mới, liệm 7 lớp (nam), 9 lớp (nữ). Thi hài được đặt ở gian giữa. Thày tào làm lễ nhập quan, làm lễ cúng dâng đèn cho người chết biết đường đi. Kể từ lễ nhập quan, con cháu phải ăn chay, các chân dường tháo rời khỏi mộng, vợ chồng phải cách ly, con trai không được cắt tóc. Trước mỗi bữa ăn gia đình phải có mâm cơm để ở dưới chân quan tài mời linh hồn người chết về ăn. Thầy tào thực hiện một số nghi lễ cúng phức tạp như: triệu tướng, phá ngục, khai quan, rửa tội, tống phỉ… sau đó đưa người chết ra đồng lên rừng chôn. Sau 3 năm người Tày làm lễ hết tang, linh hồn người chết được nhập vào bàn thờ tổ tiên.
8. Quan niệm, tín ngưỡng:
Người Tày quan niệm vũ trụ có 3 thế giới lớn: Trời, đất và nước. Ở thế giới tầng trời mỗi ngày dài bằng một năm. Theo quan niệm của đồng bào con người ở mặt đất sống gần gũi với con người ở tầng trời hơn là với người ở thế giới nước. Có thể du ngoạn đưa hồn người trần theo chim én lên thăm cảnh tiên.
Từ mặt đất cũng có đường xuống dưới nước, nhưng muốn xuống phải có người ở dưới nước ban phép hoặc mách bảo bí quyết.
Ngoài ra, người Tày còn phân biệt hai thế giới là thế giới thực của con người và thế giới vô hình của thần thánh, ma quỷ hay còn gọi là xứ người, xứ ma. Cõi người có kẻ tốt người xấu và cõi ma cũng vậy. Các ma lành là tổ tiên, thổ công, ma bếp, ma chuồng, thần nông, mẹ hoa. Ma dữ là ma chết bất đắc kỳ tử, ma chết yểu thường gây hoạ. Các ma lành đôi khi cũng gây khó khăn cản trở cho con người nên phải cúng.
Ma thuật: Trước đây trong dân gian người Tày cho rằng co những người nhờ tu luyện hoặc do khả năng đặc biệt nào đó mà có thể điều khiển các loại ma hoặc tự mình có ma lực. Đó là “bùa”, ma thuật. Theo đồng bào muốn yểm bùa được phải học và không phải ai cũng có thể làm được.
Thể xác và linh hồn: Người Tày ở Thái Nguyên cho rằng con người có hai phần là phần xác và phần hồn. Phần xác có hình khối, có thể nhìn thấy bằng các giác quan. Phần hồn là phần vô hình con người không nhìn thấy được. Phần hồn của nam có 7 khoắn (vía theo cách gọi của người Kinh), nữ có 9 khoắn. Các khoẳn thường liền với xác, khi người chết các khoắn lìa hẳn khỏi xác và biến thành phỉ.
– Thờ cúng: Người Tày thờ cúng ma tổ tiên. Ban thờ đặt ở gian giữa, có số bát hương hoặc ống hương tuỳ theo gia cảnh và sự thờ cúng của từng nhà. Mùng một ngày rằm trước đây cũng không được thắp hương hoa quả. Những ngày lễ tết cúng những thức ăn quý hiếm. Người Tày ở Thái Nguyên chỉ đặt lên bàn thờ thịt gà, ngan, ngỗng không đặt thịt trâu, bò, ngựa, chó lên ban thờ. Ngoài thờ tổ tiên còn thờ ma bếp, ma chuồng, ma thương. Mỗi bản đều có miếu thờ thổ công ở đầu dẫn lối vào bản.
Bàn thờ tổ tiên của dân tộc Tày
9. Văn hoá dân gian:
– Trong đời sống người Tày Thái Nguyên loại văn học truyền miệng chiếm vị trí quan trọng nhất. Các thể loại như:thần thoại, cổ tích, truyện cười trong đó yếu tố thần được phản ánh đậm nét qua hình tượng “pụt” (Bụt).- Dân ca Tày bao gồm: lượn, có lượn cọi, lượng Slương, phong slư (thơ), thơ lẩu và hát then.
+ Hát then: Hiện nay, Then là một tài sản tinh thần quan trọng của bộ phận dân cư người Tày Thái Nguyên.
Then là loại hình nghệ thuật tổng hợp có văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật. Then chứa đựng trong bản thân nó nhiều yếu tố của tôn giáo nguyên thủy. Then được chia làm nhiều loại: Then Cầu an, tổ chức vào đầu năm để cầu sự yên bình may mắn cho một năm mới; Then Chữa bệnh, tổ chức khi nhà có người ốm; Then Cầu mùa là một nghi lễ nhằm cầu xin các vị thần thiên nhiên cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, ngoài ra còn Then chúc tụng, Then cấp sắc.
Chuẩn bị cho một đám Then không chỉ công phu về mặt lễ vật mà còn rất kỹ lưỡng về mặt lễ nghi và nghệ thuật. Trong ba ngày ba đêm số lượng những điệu hát, điệu múa phục vụ một đám lẩu then rất lớn. Mỗi đêm hát Then là một hành trình xuất phát từ các cửa Thổ công, Thành hoàng để đến Ngọc hoàng Thượng đế, xuống đến Long cung Thủy phủ để cầu xin những điều tối hệ trọng. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mỗi đám then có một đường then (trình tự then) riêng biệt trong lời then gọi đó là 12 cửa ải, 12 cung. Trình tự tên gọi các cung, các cửa ải có thể khác nhau nhưng có một số cửa đường Then nào cũng có đó là các cửa: Thổ Công, Tổ tiên, Tổ sư, Khảm hải, Dả dỉn, chợ Tam Quang, Cửa hạn, Tam bảo và Ngọc hoàng. Về mặt nội dung, 12 cửa Then là những lớp diễn xướng, thần thoại, truyền thuyết, những lớp truyện kể về phong tục, tập quán, cuộc sống của người Tày. Về mặt nghệ thuật Then hấp dẫn người nghe bằng cách dẫn chuyện khéo léo tả cảnh, tả người sinh động. Về mặt nghệ thuật trình diễn Then hấp dẫn ở nghệ thuật tổng hợp giữa tính thiêng của nghi lễ với lời hát, điệu múa và âm nhạc. Sự huyền bí của nghi lễ sự bay bổng của lời ca, sự náo nhiệt của âm nhạc và vũ điệu, sự giao hòa giữa người diễn và người xem tạo nên sự thăng hoa kỳ lạ cho Then.
Then Tày không chỉ được hát trong các hoạt động nghi lễ với mục đích tín ngưỡng mà còn tồn tại trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Tày với mục đích giải trí. Người hành nghề Then chuyên nghiệp người Tày gọi là Then sluc (nghĩa là then chín) bắt buộc phải thờ Tổ sư Then, phải làm Lễ Cấp sắc, làm Then với mục đích tín ngưỡng theo những đường Then cố định của buổi lễ, trong những khung cảnh nghi lễ. Với những người yêu thích Then người Tày gọi là Then đíp (then sống) họ có thể hát Then bất cứ lúc nào. Người làm Then sống có thể ứng khẩu hoặc mượn làn điệu Then để sáng tác lời mới.
– Nhạc cụ: đàn tính, kèn, sáo, nhị, chũm choẹ, trống, thanh la…
– Lễ Tết:
+ Tết Nguyên đán;
+ Tết Rằm tháng Giêng;
+ Tết 3/3 tảo mộ (mở cửa mồ);
+ Tết mùng 5/5: Cúng tổ tiên bằng xôi ngũ sắc (người Tày Định Hóa): 5 màu của xôi là tượng trưng cho ngũ hành. Màu vàng là màu của Thổ, màu xanh là màu của Mộc, đỏ là màu của Hỏa, trắng là màu của Kim, tím thẫm là màu của Thủy. Để có xôi ngon, thơm dẻo phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Định Hóa, trong, hạt mẩy, tròn một loại nếp thơm ngon. Bốn loại lá rừng dùng để nhuộm các màu xanh – đỏ – tím – vàng được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước. Gạo ráo nước sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống của đồng bào gọi là Mỏ Lửng – Tay Lung. Chõ xôi hình bầu dục bằng thân cây cọ hoặc gỗ thơm được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu trên có nắp đậy, đầu dưới lót bằng phên nứa, mỗi chõ xôi được hơn 1kg gạo.
Xôi ngũ sắc
Quá trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than, xôi chín dẻo, thơm đậm, dù nóng hay nguội nắm chặt tay cũng không dính. Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng. Năm màu được ghép trên một mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thủy chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Tày. Cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng. Cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung.
Bánh trứng kiến của người Tày
+ Tết Rằm tháng 7;
+ Tết 10/10: Tết lúa mới.
Bánh sừng bò (coóc mò)
– Lễ hội:
+ Lễ hội Lồng Tồng:
Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) đă từng là lễ hội lớn nhất của người Tày, người dân tộc thiểu số đông nhất ở tỉnh Thái Nguyên. Ngày tổ chức do từng nơi ấn định cho phù hợp. Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Khách đến quê nhà dù quen dù lạ đều được đồng bào mời về nhà ăn nghỉ qua đêm chờ dự hội.
Nghi lễ trong hội Lồng tồng
Trong ngày diễn ra lễ hội, phần lễ và phần hội đều diễn ra trang trọng, vui tươi. Phần lễ là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Để chuẩn bị lễ ở ngoài đồng, mỗi gia đ́nh chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng, có nhiều nhà làm từ vài chục đến một trăm món. Việc làm cỗ còn mang hàm ý phô bày một cách kín đáo sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng… Có những gia đình dâng mâm cao đến 5 tầng lễ vật, ngoài các loại bánh kẹo còn có các món ăn được chế biến công phu, trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ.
Khi cỗ được bày xong, người đựơc dân làng tín nhiệm tiến cử thực hiện nghi lễ cầu cúng cầu mong đất trời, thần linh phù hộ cho bản làng. Phần cúng lễ cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn dành thời gian cho phần hội.
Làm lễ xuống đồng
Mở đầu là hội tung còn. Để chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn được chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20-30 m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 – 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật – Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khoẻ và sự khéo léo. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hoà. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.
Ngoài ra còn có các hoạt động múa sư tử, múa vơ, kéo co… Đặc biệt, đêm về, nam nữ thanh niên thi hát lượn đối đáp suốt canh dài…
Tư liệu sưu tầm: Dư địa chí Thái Nguyên