Tìm hiểu về cây đậu tương
Đậu tương là gì?
Hạt đậu tương, hay còn được gọi đậu nành, đỗ tương – là một loại hạt giàu dinh dưỡng đối với sức khỏe con người. Đậu nành có tên khoa học là Glycine soja Siebold et Zucc, Glycine max (L.) Merrill, thuộc giới Plantae, bộ Fabales, họ Fabaceae, chi Glycine và loài G. max.
Cây đậu tương dễ trồng và có hiệu quả kinh tế cao do được sử dụng phổ biến để làm thực phẩm (thức ăn và đồ uống) hàng ngày.
Đặc điểm sinh thái
Đậu tương là cây thân thảo có màu xanh hoặc tím, cao khoảng 50-150cm. Theo từng giai đoạn phát triển, lá cây đậu tương sẽ có sự thay đổi. Bắt đầu từ lá mầm, lá đơn rồi thành lá kéo. Rễ thuộc loại rễ cọc, có các nốt sần chứa chất đạm.
Hoa đậu tương có dạng cánh bướm với hai màu trắng và tím, mọc thành từng chùm khoảng 7-8 bông ở chân cuống lá. Từ những chùm hoa sẽ đậu thành những chùm quả đậu tương chứa từ 2 đến 20 quả. Vỏ ngoài quả đậu tương có khá nhiều màu như màu nâu, đen, xanh hoặc vàng. Bên ngoài quả có lông tơ mỏng. Đậu tương ra hoa vào khoảng tháng 6, 7 và đậu quả vào tháng 7-9.
Trong mỗi quả chính là hạt đậu tương – phần chúng ta dùng để chế biến thức ăn. Mỗi quả sẽ chứa 2-4 hạt. Hạt có thể có hình bầu dục, tròn hay dẹt với màu xanh hoặc vàng.
Cây đậu tương là cây thân leo họ đậu rất dễ trồng, là cây trồng xứ nóng có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó xuất hiện và trở nên phổ biến ở các nước khác như Malaysia, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Ở Việt Nam, đậu tương được trồng chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long như tỉnh An Giang, Đồng Tháp,…. hay các tỉnh miền Bắc như Lạng Sơn, Hà Bắc, Cao Bằng…
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng của cây đậu tương là hạt đã phơi khô ( thường gọi là Đạm đậu xị) hoặc dầu ép từ hạt.
Trái đậu tương sẽ được thu hoạch khi lá của cây khô vàng. Người ta chọn ngày nắng rồi cắt toàn bộ cây về, sau đó phơi khô rồi đập phần trái để lấy hạt. Hạt đậu tương được sàng lại nhiều lần để lấy hết lớp vỏ, lá còn lẫn, rồi đem phơi đến khi khô (độ ẩm hạt dưới 12% là đạt). Hạt đã phơi đạt sẽ để ngui rồi bảo quản trong chum đậy kín, để nơi thoáng mát và khô ráo để sử dụng dần.
Thành phần dinh dưỡng của đậu nành
Trong 100gr hạt đậu tương khô chứa tới 36,49g protein, 19.94g chất béo, 30.16g chất đường bột, 9.3g chất xơ thực phẩm, 277 mg canxi và nhiều vitamin, khoáng chất khác như vitamin K1, Photpho, vitamin B1, Axit phytic, Saponin…
Trong 100g đậu nành có các thành phần dinh dưỡng cơ bản như: Năng lượng 173 Kcal, nước 63%, protein 16.6 g, carbs 9.9g, chất béo 9g và các vitamins, khoáng chất khác. Về cơ bản, đậu nành được xem là một nguồn thực vật chứa protein hàng đầu về số lượng và chất lượng.
Tác dụng của đậu tương
Tăng cường trí nhớ: ăn nhiều đậu tương giúp cải thiện hoạt động của não bộ, và ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Ngoài ra đậu nành còn chứa rất nhiều lecithin giúp tăng cường chức năng và hoạt động của hệ thần kinh.
Trẻ hóa làn da: hạt đậu tương chứa nhiều thành phần tốt cho da như genistein và isoflavone có tác dụng chống lão hóa, làm săn chắc da. Ngoài ra còn có nhiều khoáng chất như axit amin, kẽm, sắt, Vitamin A, B12, E giúp tăng cường độ ẩm và sức sống cho làn da.
Ngăn ngừa loãng xương: đậu tương chứa một lượng lớn canxi giúp xương khớp chắc khỏe hơn, đồng thời có khả năng phòng ngừa một số bệnh lý về xương khớp như loãng xương
Cải thiện các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ: Hàm lượng hoạt chất Isoflarm trong đậu tương giúp bổ sung lượng lớn estrogen – nội tiết tố ảnh hưởng đến các triệu chứng thời kỳ mãn kinh của phụ nữ như suy giảm trí nhớ, hay lo âu, nóng trong người, rụng tóc nhiều…
Ngăn ngừa ung thư vú: Genistein trong đậu nành giúp bảo vệ các tế bào tự nhiên và ức chế các tế bào ung thư vú phát triển. Bên cạnh đó loại đậu này còn chứa Daidzein – thành phần giúp thúc đẩy hệ miễn dịch cơ thể hoạt động tốt hơn, góp phần phá hủy các tác nhân gây ung thư.
Phòng ngừa bệnh tim mạch: đậu tương có thể cung cấp lượng protein cần thiết cho cơ thể mà không tăng lượng cholesterol (nguyên nhân tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch) như việc bổ sung protein từ động vật. Protein trong đậu tương còn giúp giúp cơ thể đào thải lượng lớn mỡ thừa trong máu và giúp những người bị tăng huyết áp giảm huyết áp tâm trương xuống khoảng 3-5 mmHg và huyết áp tâm thu giảm xuống khoảng 4-8 mmHg.
Bổ sung năng lượng: đậu nành chứa nhiều sắt – là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, từ đó hạn chế tình trạng kiệt sức, thiếu máu…
Chống viêm: Choline trong đậu tương có khả năng duy trì cấu trúc của màng tế bào, hỗ trợ hấp thu chất béo, giúp giảm viêm mãn tính.
Lưu ý khi sử dụng đậu tương
- Sữa đậu nành rất dễ bị nhiễm khuẩn và biến chất, vì vậy sau 3-4 giờ sữa đậu nành sẽ không dùng được nữa.
- Không dùng sữa đậu nành chung với trứng gà do albumin trong trứng gà có tính nhờn rất kết hợp với men phân giải protein đậu nành, khiến có thể không hấp thu được các chất dinh dưỡng
- Không nên pha sữa đậu nành với đường đỏ do trong đường đỏ chứa các axit hữu cơ như axit lactic, axit acetic… sẽ kết hợp với các chất protit, canxi gây biến tính làm mất chất dinh dưỡng của sữa và ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa, hấp thụ của cơ thể.
- Nấu chín các thực phẩm từ đậu tương trước khi dùng do trong loại đậu này chứa các chất gây ức chế men trypsin, saponin. Nếu không nấu kỹ trước khi dùng có thể gặp phải các tình trạng như buồn nôn, đi ngoài hoặc ngộ độc.
- Không nên cho sữa đậu nành vào bình giữ nhiệt vì trong nhiệt độ ấm, vi khuẩn trong sữa đậu nành rất dễ phát triển.
Một số câu hỏi thường gặp
Đậu nành và đậu tương có giống nhau không?
Đậu nành thực ra là một tên gọi khác của đậu tương. Vì vậy đậu nành và đậu tương là một loại.
Ăn nhiều đậu tương có hại không?
Đậu tương, hay đậu nành từ lâu đã được biết đến là một loại hạt giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên thực phẩm này cũng có nhiều nguy cơ gây hại cho con người nếu không sử dụng phù hợp. Ngoài các triệu chứng như chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn… việc dùng nhiều đậu tương trong thời gian dài vì có thể gây ra một số vấn đề như:
Ăn quá nhiều đậu nành có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ: do chứa nhiều isoflavones có khả năng gây ức chế tiểu cầu hoặc làm tiểu cầu vón cục, hình thành máu đông gây tắc nghẽn các động mạch vành hay động mạch não, lam tăng nguy cơ đau tim và có thể dẫn tới đột quỵ
Đậu nành gây ra các bệnh về tuyến giáp: hàm lượng isoflavones trong đậu tương có thể làm giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp của cơ thể, lâu ngày có thể gây suy giáp, dẫn đến tăng cân không kiểm soát và tuyến giáp hoạt động kém.
Tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp: đậu tương chứa các axit phytic, khi sử dụng thời gian dài có thể làm giảm khả năng hấp thụ một số chất như sắt, kẽm, đồng gây thiếu hụt các khoáng chất và tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp.
Ăn nhiều đậu phụ làm từ đậu nành có thể làm suy giảm chức năng của thận: do trong đậu phụ chứa nhiều protein, khi ăn nhiều sẽ tăng chất thải nitơ và khiến thận hoạt động nhiều hơn để lọc các chất độc, từ đó gây suy giảm chức năng thận và mắc các bệnh liên quan đến thận.
Ăn hạt đậu nành rang có béo không?
Nhiều người vẫn lo ngại và thắc mắc ăn hạt đậu nành rang có béo không? Câu trả lời là không. Trái lại, hạt đậu tương rang có thể hỗ trợ giảm cân do hàm lượng protein cao, giúp tăng cường trao đổi chất và tăng cảm giác no, do đó sẽ giúp hỗ trợ giảm cân rất tốt.
Không thể phủ nhận những lợi ích của đậu tương đối với sức khỏe con người. Đây còn là thực phẩm dễ trồng, dễ chế biến và dễ ăn, dễ uống. Tuy nhiên dùng nhiều đậu nành có thể gây ra rất nhiều tác hại, chưa kể có rất nhiều người bị dị ứng với loại hạt này. Vì vậy để đảm bảo an toàn, bạn nên dùng thử một lượng ít để xem phản ứng của cơ thể, đồng thời sử dụng đậu nành và các thực phẩm từ đậu nành một cách khoa học.