Dạy học là gì?, các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng: “Dạy học là toàn bộ các thao tác có mục đích nhằm chuyển các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được hoặc cộng đồng đã đạt được vào bên trong một con người”, một số khác dựa trên quan điểm phát triển, nhất là phát triển về khoa học và công nghệ cho rằng “Dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các bài toán thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học”.
1. Hoạt động dạy học
Dạy học tiếp cận theo quan điểm hoạt động bao gồm hai hoạt động: hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.
Hoạt động dạy: Hoạt động dạy với vai trò chủ đạo của giáo viên là sự tổ chức, điều khiển tối ưu quá trình truyền đạt nội dung hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách khoa học cho học sinh tiếp thu (lĩnh hội). Hoạt động dạy do giáo viên làm chủ thể và tác động vào đối tượng là học sinh và hoạt động nhận thức của học sinh.
Hoạt động học: Hoạt động học với vai trò chủ động của học sinh là sự tự điều khiển tối ưu quá trình tiếp thu (lĩnh hội) một cách tự giác, tích cực, tự lực nội dung hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà giáo viên truyền đạt nhằm phát triển và hình thành nhân cách học sinh. Hoạt động học do học sinh làm chủ thể và tác động vào đối tượng là nội dung kiến thức mới chứa đựng trong tài liệu học tập.
Mối quan hệ giữa hoạt động dạy và hoạt động học trong quá trình dạy học
Qua phân tích quan niệm trên, ta thấy hoạt động dạy do giáo viên làm chủ thể có hai chức năng là truyền đạt thông tin và điều khiển quá trình nhận thức cho học sinh; còn hoạt động học do học sinh làm chủ thể có hai chức năng là lĩnh hội thông tin và tự điều khiển quá trình nhận thức của mình. Sự tương tác của các chức năng này làm cho hoạt động dạy và hoạt động học có mối quan hệ tác động biện chứng trong một hệ toàn vẹn, thống nhất và làm xuất hiện khái niệm dạy học: Dạy học là quá trình cộng tác giữa thầy và trò luôn tác động qua lại, bổ sung cho nhau để truyền đạt – điều khiển và lĩnh hội- tự điều khiển tri thức nhằm tạo cho người học khả năng phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách. Ta có thể sơ đồ hóa về các chức năng của hoạt động dạy và hoạt động học như sau: [2, Tr. 240]
Sơ đồ các chức năng của hoạt động dạy và hoạt động học
Các quan niệm dạy học có sự khác nhau ở chỗ nhấn mạnh hơn yếu tố chức năng nào trong hai chức năng của hoạt động dạy và hoạt động học. Theo quan niệm truyền thống về dạy học, đã nhấn mạnh chức năng truyền đạt của hoạt động dạy và chức năng lĩnh hội của hoạt động học mà chưa chú ý thích đáng chức năng điều khiển và chức năng tự điều khiển. Ngược lại, theo quan niệm mới về dạy học tích cực, người ta rất coi trọng chức năng điều khiển sư phạm của giáo viên, coi trọng môi trường cộng tác giữa việc dạy và việc học, học sinh phải biết tự điều khiển quá trình nhận thức của mình thông qua việc tích cực, chủ động, tự lực chiếm lĩnh nội dung học với sự hỗ trợ của giáo viên.
2. Một số quan niệm về dạy học tích cực
2.1. Quan niệm của Jean Vial về “tam giác dạy học”
Các nhà lý luận phương Tây đã có nhiều tìm tòi nhằm chuyển hóa dạy học mang tính truyền thống sang dạy học tích cực, đại biểu cho quan niệm này là Jean Vial, ông cho rằng quá trình dạy học chủ yếu quyết định bởi 3 yếu tố tạo thành 3 đỉnh của một tam giác, đó là: Nội dung dạy học – khách thể (N), Giáo viên -tác nhân (G), Học sinh- chủ thể (H). Các yếu tố này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Có thể sơ đồ hóa “tam giác dạy học” như sau: [1, Tr.152]
Sơ đồ về quan niệm dạy học theo Jean Vial
Jean Vial so sánh 3 yếu tố này ở các cấp độ khác nhau theo chiều hướng tiến triển tích cực của nó và sự tương tác của chúng ở từng cấp độ sẽ ứng với phương pháp dạy học tương ứng. Điều này thể hiện qua bảng phân loại quan điểm dạy học của ông như sau:
Bảng phân loại quan điểm dạy học của Jean Vial
2.2. Quan niệm của J.M. Denomme & Madeleine Roy về phương pháp sư phạm tương tác
Theo Jean-Marc Denomme & Madeleine Roy (hai nhà sư phạm Canada) quan niệm dạy học tích cực hay không tích cực là do mối quan hệ qua lại, tương tác lẫn nhau giữa 3 tác nhân (theo tiếng Pháp gọi là quan niệm 3E): Người học (Etudiant) – Người dạy (Enseignant) – Môi trường (Environnement) tương ứng với 3 thao tác (3A): Học (Apprendre) – Giúp đỡ (Aider) – Tác động (Agir). Ta có thể sơ đồ hóa quan niệm này như sau: [1, Tr.149]
Sơ đồ về quan niệm dạy học theo phương pháp sư phạm tương tác
Điều lưu ý là các tác giả trên đã quan niệm môi trường trong đó ngoài kiến thức còn có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, quan hệ mang tính xã hội (giữa người học và người dạy, giữa người học và người học), thậm chí cả tâm trạng của người học và người dạy,…
Các tác giả nhấn mạnh: người học là người đi học chứ không phải người được dạy (tính tự nguyện và chủ động), vì vậy trong quá trình tương tác giữa dạy và học thì tác nhân chính ở đây không phải là người dạy mà là người học. Với cách hiểu vai trò vị trí của người học như vậy, nhiệm vụ của người dạy là giúp đỡ người học, phục vụ người học để làm nảy sinh tri thức ở người học; còn môi trường tự nhiên – xã hội xung quanh và bên trong quá trình dạy học cũng như điều kiện phương tiện dạy học là tác nhân khách quan có ảnh hưởng đến việc dạy và học.
3. Cấu trúc quá trình dạy học
Quá trình phát triển các quan niệm dạy học là quá trình nghiên cứu và tìm tòi để xác định các khái niệm dạy và học để từ đó hình thành nên cấu trúc của quá trình dạy học. Các tác giả đã đưa ra nhiều cấu trúc quá trình dạy học khác nhau tùy theo quan điểm tiếp cận khác nhau. Nhìn chung, cấu trúc quá trình dạy học có thể phân thành 2 loại: loại giới thiệu mặt nội dung của dạy học và loại giới thiệu mặt quá trình của dạy học (hay logic của QTDH).
3.1. Cấu trúc mặt nội dung của dạy học
Tiếp cận theo quan điểm hệ thống, quá trình dạy học là một hệ thống (một cấu trúc- một chỉnh thể toàn vẹn) bao gồm các thành tố cơ bản. Cấu trúc mặt nội dung của quá trình dạy học tuy có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng phần lớn đều thống nhất với quan niệm: quan sát bề ngoài một QTDH ta thấy bao gồm 3 yếu tố: nội dung dạy học, hoạt động của người dạy, hoạt động của người học. Không có 3 yếu tố cơ bản này thì QTDH không thể xảy ra.
Hoạt động nào cũng có mục đích, cần sử dụng những phương tiện nhất định và cuối cùng sẽ đạt được những kết quả. Xét về mặt nội dung, một QTDH được tạo thành từ các thành tố [3, Tr.135]: mục đích, nội dung, thầy và hoạt động dạy (phương pháp và hình thức), trò và hoạt động học (phương pháp và hình thức), phương tiện và kết quả. Các thành tố này tồn tại trong mối liên hệ hữu cơ liên kết với nhau rất chặt chẽ và có hệ thống. Ở đâu và bất kỳ lúc nào hễ QTDH diễn ra là cấu trúc này được hình thành. Thầy và trò là những thực thể mang những thành tố này trong đầu. Toàn bộ hệ thống được đặt trong môi trường tự nhiên và xã hội. Có thể sơ đồ hóa cấu trúc QTDH như sau: [4, Tr.20]
Sơ đồ về mối quan hệ giữa các thành tố của cấu trúc QTDH
3.2. Cấu trúc mặt quá trình của dạy học
Xét về mặt quá trình, dạy học là một quá trình diễn biến theo thời gian mô tả các hoạt động dạy và học tương tác với nhau từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc. Cấu trúc của quá trình này thường bao gồm các bước cơ bản sau: [3, tr.136]
Bước khởi động: Kích thích động cơ, thái độ học tập tích cực của học sinh.
Bước thực hiện nội dung: Tổ chức hoạt động điều khiển học sinh để nắm tri thức mới, củng cố tri thức, rèn luyện kỹ năng.
Bước kết thúc: Kiểm tra và đánh giá kết quả nắm tri thức, kỹ năng, thái độ của học sinh.
Các bước của cấu trúc mặt quá trình có mối quan hệ tương tác và tập hợp thành một chỉnh thể hệ thống và làm nên các khâu (logic) của quá trình dạy học. Hệ thống này cũng hướng tới mục đích đặt ra và nằm trong môi trường kinh tế – xã hội.
Trong quá trình dạy học, cấu trúc mặt nội dung và cấu trúc mặt quá trình luôn có mối liên hệ với nhau. Mặt nội dung chỉ tồn tại trong mặt quá trình, hai cấu trúc này có các yếu tố của chúng đan xen nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một sự kết hợp để hình thành một quy trình dạy học.
Quá trình dạy học có thể diễn biến trong một tiết học, một buổi học, một tuần học, một năm học hoặc một cấp học và có thể diễn ra ở những không gian khác nhau như: giờ lên lớp, ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp v.v…
Tham khảo:
- Trần Kiểm (2011), Khoa học tổ chức và tổ chức giáo dục. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Chủ biên) (2003), Giáo dục học đại học, Tài liệu bồi dưỡng dùng cho các lớp Giáo dục học đại học và Nghiệp vụ sư phạm đại học, Hà Nội.
- Thái Duy Tuyên (1998), Những vấn đề cơ bản giáo dục học hiện đại. NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Thái Duy Tuyên (2003), Những vấn đề chung của giáo dục học. NXB Đại học Sư phạm. Hà Nội.