Nếu là một người thường xuyên làm việc với âm thanh, bạn sẽ bắt gặp 2 đơn vị đó là W (Watt) và dB (decibel). W là công suất và dB là cường độ âm thanh. Nhiều người vẫn nhầm lẫn 2 khái niệm này khi chọn mua các thiết bị âm thanh.
Trong suy nghĩ của nhiều người loa có công suất càng lớn (W) thì hát càng to. Tuy nhiên thực tế đơn vị để đo cường độ âm thanh là decibel (dB) mới là nhân tố chính để quyết định xem âm thanh của bạn to được đến mức nào. Watt chỉ là đơn vị để đo công suất tiêu thụ điện. (Loa hát càng lớn, tiêu thụ càng nhiều điện tuy nhiên ngược lại tiêu thụ nhiều điện chưa chắc loa đã hát lớn)
Decibel – dB là gì?
Như bao ngành nghề khác, mỗi ngành nghề đều có những đơn vị đo đặc trưng mà người làm trong ngành phải biết, ví dụ như với thợ may, thợ xây thì bao nhiêu phân, bao nhiêu centimet (cm), hay bao nhiêu mét (m), người đóng gói hàng hóa thì trọng lượng bao nhiêu kg? Anh bơm xăng là bao nhiêu lít? Và với những người làm âm thanh, bên cạnh công suất loa là bao nhiêu Watt thì độ lớn là bao nhiêu decibel là vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên khái niệm decibel này phức tạp hơn một chút so với các đơn vị còn lại kể trên.
Nói phức tạp là bởi vì mức cường độ âm thanh ở các khoảng cách là không giống nhau. Ví dụ như bạn nghe âm thanh phát ra cách loa 1 mét sẽ khác rất nhiều so với nghe âm thanh khi cách loa 10 mét. Và cũng tùy vào tai mỗi người, có người chịu được mức âm thanh lên đến 130-140dB nhưng hầu hết chỉ nghe được âm thanh ở mức 125dB đổ lại.
Như thế cường độ âm thanh đo được của các loại loa cũng sẽ phải phụ thuộc vào khoảng cách từ nguồn phát đến tai người nghe (hay máy đo). Thông thường thông số này của loa quy ước ở khoảng cách 1 mét. Bảng dưới đây thể hiện cường độ âm thanh của một số môi trường trong cuộc sống:
- Tai không nghe thấy gì: 0dB
- Rạp phim cách âm, không có tiếng ồn: ~50dB
- Văn phòng đang làm việc: ~60dB
- Siêu thị: ~70dB
- Hội trường, nhà in, xe chạy ngoài dường: ~80dB
- Nhà máy sản xuất: 90dB
Cách tính toán cường độ âm thanh
Thông thường để tính toán ra mức cường độ âm thanh cần thiết cho một không gian, người ta sẽ ước lượng xem mức độ ồn của không gian đó là bao nhiêu từ đó sẽ cần cường độ âm thanh bao nhiêu để nghe đủ. Để âm thanh nghe rõ ràng thì nguồn phát phải cần có cường độ âm lớn hơn môi trường khoảng 6dB, và nếu muốn nghe rõ, hay hơn thì mức chênh lệch phải từ 10-20dB. Cách tính này cần phải căn cứ vào người ngồi xa loa nhất khoảng cách là bao nhiêu, để có thể trừ ra sự suy hao cường độ do khoảng cách để người ngồi xa nhất đó vẫn có thể nghe được âm thanh.
Dựa trên tính toán và đo đạc thực tế, chúng ta có bảng tham khảo dưới đây về sự suy giảm cường độ âm thanh theo khoảng cách:
Khoảng cách (mét)1248163264Độ suy giảm(dB)0-6-12-18-24-30-36
Như vậy với những không gian có chiều dài quá lớn, bạn cần tính toán, ước lượng để bù đắp độ lớn âm thanh sao cho người ngồi xa vẫn có thể nghe thấy. Hoặc nếu khoảng cách quá xa, một giải pháp khác đó là phải trang bị thêm loa ở phía dưới để tăng cường. Tuy nhiên lúc này bạn sẽ phải tính toán đến việc canh delay (Độ trễ âm thanh) cho hệ thống loa của mình.
Lão Còi – Ohay TV
Tham khảo Minh Thanh Piano