Di chúc là gì? Điều kiện có hiệu lực của di chúc là gì?

Di chúc là gì

Quan niệm dân gian thường khái quát cuộc đời con người phải trải qua giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử”. Con người cho dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, giàu sang hay nghèo đói, đến cuối cùng cũng không tránh khỏi cái chết, trong khi tài sản của họ vẫn để lại cho người còn sống. Chính bởi vậy, để chuẩn bị trước cho cái chết của mình, cũng là để thực hiện các quyền đối với tài sản của mình trước khi chết và tránh được việc tranh chấp về tài sản giữa những người thân của mình, nên nhiều người thực hiện việc lập di chúc như một biện pháp hữu hiệu.

Hiện nay, khái niệm di chúc và quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

1. Di chúc là gì?

Di chúc, căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, được hiểu là văn bản hoặc lời nói thể hiện ý chí, nguyện vọng của một người trong việc định đoạt tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người khác sau khi chết.

Trong đó, người có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản mình, theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định là người đã thành niên, có tài sản để lại, minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự nguyện khi lập di chúc. Còn người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì vẫn được quyền lập di chúc như người đã thành niên nhưng phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Quy định về độ tuổi lập di chúc (từ đủ 15 tuổi trở lên) nhằm mục đích đảm bảo việc thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản – khi họ có đủ khả năng và điều kiện để tạo lập nên tài sản của chính mình.

Khi một người lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì di chúc chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế tức là thời điểm người có tài sản chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết theo quy định. Đồng thời, theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc được được đưa ra làm căn cứ phân chia tài sản sau khi một người chết đi được xác định là di chúc hợp pháp và là di chúc cuối cùng mà họ lập ra trước khi chết.

Xem thêm: Mẫu di chúc thừa kế viết tay và đánh máy file Word 2023

2. Di chúc hợp pháp là gì?

Di chúc hợp pháp là di chúc không trái với các quy định của pháp luật về thừa kế.

Điều kiện có hiệu lực của di chúc

Như đã phân tích, di chúc hợp pháp là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trong việc ý nguyện của chủ sở hữu tài sản được thể hiện trong nội dung di chúc đã được lập có hiệu lực và được thực hiện trên thực tế hay không. Do vậy, điều kiện có hiệu lực của di chúc được xác định là các điều kiện để một di chúc hợp pháp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay, một di chúc được xác định là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể gồm các điều kiện sau:

Điều kiện 1: Về người lập di chúc:

Có thể thấy, như đã phân tích ở trên, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lập di chúc phải là người từ đủ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, dù là người đã thành niên hay là người chưa thành niên (từ đủ 15 tuổi trở lên) thì khi lập di chúc, họ đều phải đáp ứng điều kiện minh mẫn, sáng suốt và không bị lừa dối, hay cưỡng ép, đe dọa khi lập di chúc.

Quy định về điều kiện này nhằm đảm bảo di chúc đã được lập có thể phản ánh chân thực nhất nguyện vọng của người chủ sở hữu tài sản trong việc định đoạt tài sản trước khi chết. Nếu di chúc được lập khi người lập di chúc không được minh mẫn, sáng suốt, tức là không đầy đủ năng lực hành vi để thực hiện việc lập di chúc hay bị người khác ép buộc, gây ảnh hưởng thì nội dung di chúc đó sẽ không thể hiện được nguyện vọng, mong muốn thực sự của người lập di chúc trong việc định đoạt tài sản của chính họ trước khi chết.

Ví dụ, ông A là chủ sở hữu của căn biệt thự sông Xanh. Vào những năm tháng cuối đời, do tình hình sức khỏe yếu nên ông A muốn lập di chúc để định đoạt tài sản này cho những người con của mình. Nhận rõ tình trạng sức khỏe của ông A, với tham vọng chiếm đoạt tất cả tài sản của ông A, anh B – một trong những người con của ông A lợi dụng tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu của ông A đã dùng các thủ đoạn khác nhau như bỏ đói, ép buộc ông A phải ký vào di chúc để lại toàn bộ tài sản cho mình, mà không cho những người con khác của ông A. Có thể thấy, trường hợp này, mặc dù di chúc của ông A được lập, nhưng do bị anh B – con của ông A ép ký vào di chúc, nên di chúc này không thể hiện đúng nguyện vọng của ông A. Di chúc này được xác định là không hợp pháp khi không đáp ứng điều kiện về chủ thể lập di chúc.

Điều kiện 2: Về nội dung di chúc:

Về nội dung di chúc, theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, một di chúc sẽ bao gồm những nội dung cơ bản như: ngày, tháng năm lập di chúc; thông tin người lập di chúc; thông tin cá nhân, cơ quan được hưởng di sản; thông tin về di sản và điều kiện hưởng di sản (nếu có) và các nội dung khác.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 630, 631 Bộ luật dân sự năm 2015, một di chúc được xác định là hợp pháp khi nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Trong đó:

Điều cấm của luật, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xác định là những quy định của pháp luật quy định về những hành vi mà chủ thể không phép làm/thực hiện. Còn đạo đức xã hội, là những chuẩn mực, những quy định, những nội dung là chuẩn mực quy tắc ứng xử chung trong đời sống, được tất cả mọi người trong xã hội, được cộng đồng mặc nhiên thừa nhận và tôn trọng.

Một di chúc có nội dung vi phạm điều cấm của luật, tức là vi phạm pháp luật thì sẽ không hợp pháp, không có hiệu lực trên thực tế. Còn một di chúc vi phạm đạo đức xã hội được xác định là di chúc có nội dung đi ngược lại giá trị đạo đức của cả cộng đồng, xã hội, sẽ bị bài trừ và không có hiệu lực trên thực tế.

Ví dụ, ông A có một mảnh đất, và trước khi chết, mặc dù không có con nhưng ông A vẫn lập di chúc để lại tài sản cho anh B. Tuy nhiên, trong nội dung di chúc đưa ra điều kiện, anh B sẽ được hưởng toàn bộ tài sản này nếu như anh B giúp ông A giết chết ông N – người mà ông A có thù oán, mâu thuẫn lâu nay. Có thể thấy, nội dung bản di chúc của ông A không chỉ vi phạm điều cấm của luật, ở đây là xâm phạm đến tính mạng của người khác, mà còn đi ngược lại tinh thần chính nghĩa của đạo đức xã hội. Di chúc này được xác định là đương nhiên vô hiệu.

Điều kiện 3: Về hình thức của di chúc:

Về hình thức của di chúc, theo quy định tại Điều 627, 628 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc có thể lập thành văn bản hoặc di chúc miệng. Trong đó, di chúc bằng văn bản gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng hoặc di chúc bằng văn bản có công chức hoặc chứng thực.

Với mỗi hình thức lập di chúc thì để một di chúc được xác định là hợp pháp, có hiệu lực trên thực tế, pháp luật đều yêu cầu di chúc đã lập phải đáp ứng các điều kiện nhất định về mặt hình thức, cụ thể:

  • Di chúc miệng:

Căn cứ theo quy định tại Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc miệng chỉ được thừa nhận là hợp pháp khi nó được lập trong trường hợp một người đang bị cái chết đe dọa về tính mạng, không có đủ thời gian cũng như điều kiện để lập di chúc bằng văn bản. Ví dụ, lập di chúc miệng khi một người bị bệnh ung thư đang hấp hối, và không đủ điều kiện sức khỏe, thời gian để viết di chúc bằng văn bản.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, một di chúc miệng được xác định là hợp pháp, ngoài việc đáp ứng về thời điểm, hoàn cảnh lập di chúc nêu trên thì người lập di chúc phải thể hiện ý chí cuối cùng đối với việc định đoạt tài sản của mình trước ít nhất là hai người làm chứng. Trong đó, người làm chứng cho việc lập di chúc, theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015, phải là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, và không thuộc trường hợp có quyền, hay nghĩa vụ liên quan đến nội dung di chúc, và không phải là người được thừa kế tài sản mà người lập di chúc để lại theo nội dung di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp này, sau khi lắng nghe ý chí cuối cùng, lời trăn trối của người lập di chúc miệng thì hai người làm chứng này phải ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Văn bản ghi lại nội dung di chúc miệng của người lập di chúc thì phải được công chứng, hoặc chứng thực hợp pháp trong thời gian 05 ngày kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng để nhằm mục đích xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong nội dung di chúc.

Tuy nhiên, khác với việc lập di chúc bằng văn bản, di chúc miệng không có hiệu lực ngay mà theo quy định, nếu một người vẫn còn sống, minh mẫn và sáng suốt sau 03 tháng kể từ thời điểm người này lập di chúc miệng thì nội dung di chúc miệng đã được lập sẽ bị hủy bỏ, đương nhiên hết hiệu lực.

  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:

Khi một người quyết định lập di chúc bằng văn bản và không có người làm chứng thì di chúc này phải có đầy đủ nội dung của một di chúc thông thường theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015 được trích dẫn ở trên. Di chúc này, theo quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2015, phải do người lập di chúc tự viết và tự ký chữ ký của mình vào nội dung di chúc. Trường hợp di chúc có nhiều trang, nhiều tờ thì người lập di chúc phải ghi đầy đủ số thứ tự và đồng thời ký vào từng trang của di chúc.

Đồng thời và di chúc không được viết tắt, cũng không được viết hay chú thích bằng ký hiệu. Người lập di chúc, nếu có sửa chữa, tẩy xóa một nội dung nào của di chúc thì phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó để xác minh việc họ tự sửa chữa, tẩy xóa chứ không phải do người khác thực hiện, đảm bảo tính hợp pháp của di chúc.

  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:

Việc lựa chọn lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng, theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015, được áp dụng trong trường hợp người lập di chúc tự mình viết di chúc và có yêu cầu người làm chứng hoặc thuộc trường hợp người lập di chúc không tự mình viết di chúc, nhưng tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc.

Đối với di chúc được lập trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì di chúc phải có ít nhất hai người làm chứng. Trong đó, người làm chứng cũng phải đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 giống như người làm chứng trong trường hợp lập di chúc miệng.

Đối với việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì để di chúc này là hợp pháp, ngoài việc ghi rõ đầy đủ nội dung chủ yếu của một di chúc thông thường theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015 trong di chúc, người lập di chúc còn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào nội dung di chúc trước sự chứng kiến của những người làm chứng. Những người làm chứng sau khi đã chứng kiến về việc ký tên hay điểm chỉ của người lập di chúc thì phải xác nhận về chữ ký, hay điểm chỉ của người lập chúc vào nội dung di chúc. Đồng thời, người làm chứng cũng phải ký tên dưới nội dung xác nhận về chữ ký, điểm chỉ nêu trên để đảm bảo tính chất pháp lý.

  • Di chúc bằng văn bản được công chứng:

Ngoài việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, bằng văn bản có người làm chứng hay di chúc miệng thì người lập di chúc vẫn có quyền lập di chúc và yêu cầu công chứng di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản được công chứng có thể thực hiện qua việc người lập di chúc đến Văn phòng công chứng, hoặc Tổ chức hành nghề công chứng để lập hoặc yêu cầu công chứng viên đến tận chỗ ở của mình để lập di chúc.

Việc lập di chúc có công chức được thực hiện theo đúng thủ tục như sau:

Người lập di chúc sẽ phải tuyên bố nội dung, nguyện vọng của mình về việc định đoạt tài sản, cũng như các nội dung khác của di chúc định lập trước mặt của công chứng viên. Công chứng viên sẽ phải lắng nghe, ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc, chủ sở hữu tài sản đã đọc, tuyên bố. Sau khi đọc, kiểm tra nội dung bản di chúc được công chứng viên ghi chép lại xem đã chính xác, đúng với nguyện vọng, ý chí, mong muốn của mình hay chưa thì người lập di chúc sẽ phải trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc này. Sau đó, công chứng viên sẽ trực tiếp ký vào bản di chúc và thực hiện việc công chứng di chúc.

Trong trường hợp đặc biệt, khi người lập di chúc có khuyết tật, khiếm khuyết một số chức năng nhất định như không đọc được, hoặc không nghe được bản di chúc; hoặc không ký hay điểm chỉ được vào nội dung di chúc thì để đảm bảo tính khách quan, đảm bảo quyền lợi của người lập di chúc, pháp luật yêu cầu việc lập di chúc sẽ phải có sự tham gia của người làm chứng. Người làm chứng này sẽ phải xác nhận về nội dung di chúc, chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc, và ký xác nhận trước mặt công chứng viên. Sau đó, công chứng viên sẽ sẽ công chứng di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng này.

  • Di chúc bằng văn bản được chứng thực:

Đối với việc lập di chúc bằng văn bản được chứng thực thì người lập di chúc sẽ trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình cư trú để thực hiện việc lập di chúc. Về trình tự, thủ tục lập di chúc có chứng thực sẽ được thực hiện tương tự như trường hợp lập di chúc ở Văn phòng công chứng, tổ chức hành nghề công chứng đã phân tích ở trên.

Lưu ý:Ngoài việc đáp ứng các điều kiện về chủ thể lập di chúc (người lập di chúc), về nội dung và hình thức di chúc thì để một di chúc hợp pháp, người lập di chúc cũng cần phải lưu ý một số trường hợp đặc biệt sau:

– Trường hợp người lập di chúc là người chưa thành niên (từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) thì họ chỉ có thể lập di chúc bằng văn bản và phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ về việc lập di chúc. Họ không được lập di chúc miệng.

– Trường hợp người lập di chúc không biết chữ, hoặc bị hạn chế về thể chất như bị khiếm thính, khiếm thị, cụt tay… thì di chúc thể hiện ý chí của họ sẽ do người làm chứng lập thành bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực hợp lệ.

– Một số trường hợp đặc biệt di chúc được lập, mặc dù không được công chứng, chứng thực nhưng sẽ có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực, cụ thể:

+ Quân nhân tại ngũ lập di chúc nhưng không có đủ điều kiện để yêu cầu công chứng, chứng thực mà có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên.

+ Người đang đi trên tàu biển, máy bay lập di chúc có xác nhận của người chỉ huy tàu biển, máy bay để hợp pháp hóa thủ tục.

+ Công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài lập di chúc có chứng nhận của cơ quan lãnh sự quán, đại sứ quán hoặc cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

+ Người bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục (trại giáo dưỡng, trung tâm hòa nhập cộng đồng), cơ sở chữa bệnh (như trung tâm cai nghiện…) lập di chúc có xác nhận của người phụ trách cơ sở này.

+ Người làm công tác, thăm dò, nghiên cứ tại vùng núi, hải đảo lập di chúc có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

Như vậy, qua phân tích nêu trên, có thể thấy, một di chúc chỉ có hiệu lực khi nó là một di chúc hợp pháp, đáp ứng các điều kiện để một di chúc hợp pháp. Với mỗi hình thức lập di chúc, dù là di chúc miệng, hay di chúc bằng văn bản, việc lập di chúc đều có những yêu cầu nhất định về nội dung, về chủ thể lập di chúc, về hình thức của di chúc. Tuy nhiên, dù lập di chúc theo hình thức nào, thì di chúc chỉ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế -thời điểm người lập di chúc chết và nó là di chúc hợp pháp và là di chúc cuối cùng mà người lập di chúc để lại trước khi chết.

Xem thêm: Một số bất cập trong các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc

3. Có được lập di chúc khi không còn minh mẫn:

Tóm tắt câu hỏi:

Mẹ tôi năm nay 90 tuổi, không còn minh mẫn, sáng suốt như bình thường, mẹ muốn làm di chúc thì có được hay không? Những ai có thể là người làm chứng?

Luật sư tư vấn:

Ðiều 652 Bộ luật Dân sự quy định:

Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

– Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Vì mẹ bạn không còn minh mẫn nên di chúc do mẹ lập không hợp pháp. Theo điểm b khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự thì di sản do mẹ bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Về người làm chứng cho việc lập di chúc: Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc (Ðiều 656 Bộ luật Dân sự).

Ðiều 654 Bộ luật Dân sự quy định:

“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

– Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.”

Xem thêm: Di chúc hợp pháp không cần công chứng, chứng thực

4. Lập di chúc cần những thủ tục gì?

Tóm tắt câu hỏi:

Thưa luật sư mẹ chồng em muốn lập di chúc cần những thủ tục gì ?va nếu thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có lập được di chúc không ạ?rất mong luật sư tư vấn giúp em?

Luật sư tư vấn:

Trong trường hợp này, mẹ chồng bạn muốn lập di chúc thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc lập di chúc. Mẹ chồng của bạn có thể đến Ủy ban nhân dân xã hay phòng công chứng để chứng thực hoặc công chứng di chúc của mình. Để di chúc được coi là hợp pháp thì người lập di chúc phải có quyền về tài sản và khi lập di chúc phải còn mình mẫn, không bị lừa dối, đe dọa và nội dung của di chúc không được trái với pháp luật, đạo đức xã hội. Theo đó, mẹ chồng của bạn phải có giấy tờ chứng minh quyền tài sản của mình (như giấy hồng, sổ đỏ..), giấy khám sức khỏe đủ điều kiện lập di chúc, chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu.

Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng“. Theo Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc bằng văn bản gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có công chứng;

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

1. Về quy trình, thủ tục lập di chúc bằng văn bản có công chứng.

Thứ nhất, mẹ chồng bạn phải lập dự thảo di chúc bao gồm các nội dung như sau:

Di chúc phải ghi rõ:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc.

+ Họ, tên và nơi cứ trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên, người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản

+ Di sản để lại và nơi có di sản

+ Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc chỉ điểm của người lập di chúc.

Thứ hai, mẹ chồng bạn nộp hồ sơ yêu cầu công chứng di chúc đến văn phòng công chứng. Hồ sơ yêu cầu gồm:

+ Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng; danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ,

+ Dự thảo di chúc;

+ Bản sao giấy tờ tùy thân của mẹ chồng bạn;

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng. giao dịch liên quan đến tài sản đó;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến di chúc;

Văn phòng công chứng sẽ căn cứ vào hồ sơ yêu cầu công chứng di chúc này để công chứng cho di chúc của mẹ chồng bạn.

2. Trường hợp thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được lập di chúc không?

Căn cứ Điều 631 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế của cá nhân như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Theo quy định tại Điều 168 Luật Đất đai 2013 thì trong trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

Như vậy, theo quy định này, mẹ chồng bạn chỉ có thể lập di chúc để định đoạt quyền sử dụng đất đối với thửa đất này khi và chỉ khi mẹ chồng bạn có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Xem thêm: Quy định về di chúc bằng văn bản có người làm chứng

5. Xác định di chúc có giá trị pháp lý không?

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào Luật sư ! Xin phép cho tôi được nhờ Luật sư tư vấn về vấn đề di chúc – thừa kế giúp với ạ. Ông bà nội tôi có tài sản chung là ngôi nhà 180m2 tại TP Tam Kỳ. Ông mất vào năm 1986, không để lại di chúc. Ông Bà có 05 người con, 04 người đều ở xa, Ba tôi ở với Ông Bà. Năm 1994, Bà tôi có viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của Bà và phần tài sản Bà thừa kế của Ông, cho Ba Tôi ( di chúc có công chứng). 03 người con ở xa đều viết giấy thỏa thuận trao phần tài sản được hưởng thừa kế cho Ba tôi ( giấy tờ có công chứng), riêng có 01 người không đồng ý. Năm 2002, Bà tôi quyết định chia cho 02 người con 90 m2 đất ( chú tôi và ba tôi mỗi người 45m2). Khi đó, 03 người con ở xa cùng viết giấy thỏa thuận trao phần tài sản được thừa kế cho Bà tôi để Bà tự quyết định phân chia. Sau khi tách sổ cho 02 người con, phần tài sản ngôi nhà của Ông Bà còn 90 m2.( GCN QSDĐ vẫn đứng tên Ông ( đã mất) và Bà). Hiện nay, Bà tôi đã 93 tuổi và không còn minh mẫn nữa. Vậy, xin cho tôi hỏi : Di chúc mà Bà tôi lập năm 1994 cho Ba tôi còn có hiệu lực hay không? Sau này, Ba tôi có thể làm thủ tục nhận thừa kế theo di chúc được không ạ? Xin cám ơn Luật sư!

Luật sư tư vấn:

Trong trường hợp của bạn, ông bà nội bạn có tài sản chung là căn nhà 180m2. Ông bạn mất năm 1986 không để lại di chúc. Ông bà có 5 người con. Do đó, khi ông bạn mất không để lại di chúc thì phần di sản của ông bạn được chia thành 6 phần bằng nhau cho bà nội bạn và 5 người con.

Năm 1994, bà bạn có viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của bà và phần tài sản bà thừa kế của ông cho ba bạn (di chúc có công chứng). 03 người con ở xa đều viết giấy thỏa thuận trao phần tài sản được hưởng thừa kế cho ba bạn (giấy tờ có công chứng), riêng có 01 người không đồng ý.

Năm 2002, bà bạn quyết định chia cho 02 người con 90 m2 đất (chú bạn và ba bạn mỗi người 45m2). Khi đó, 03 người con ở xa cùng viết giấy thỏa thuận trao phần tài sản được thừa kế cho bà bạn để bà tự quyết định phân chia. Tức là di chúc được lập năm 1994 không còn hiệu lực và đã bị thay thế bởi hợp đồng tặng cho tài sản năm 2002, và ba bạn cũng hoàn toàn đồng ý với quyết định này của bà bạn bằng việc tách sổ đỏ. Hiện nay, phần tài sản là ngôi nhà 90m2 thuộc quyền sở hữu của ông bà (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên ông đã mất và bà). Do di chúc mà bà bạn lập năm 1994 cho ba bạn không còn hiệu lực nên ba bạn không thể làm thủ tục nhận thừa kế theo di chúc được.

Xem thêm: Điều kiện để di chúc viết tay có hiệu lực

6. Di chúc bằng việc ghi âm có giá trị pháp lý không?

Tóm tắt câu hỏi:

Kính gửi luật sư. Xin vui lòng tư vấn giúp cho trường hợp sau: Năm 2018, ông bà nội tôi có làm hợp đồng tặng cho cha tôi một miếng đất (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) ở Tây Ninh, hợp đồng tặng cho có công chứng và cha tôi đã làm xong thủ tục đăng ký sang tên. Đến cuối năm 2019 thì bà nội mất và năm 2020 thì ông nội mất. Nay một người chú (em ruột của cha tôi) ở nước ngoài về nộp đơn kiện đòi chia thừa kế mảnh đất trên với lý do đất của cha mẹ để lại thì các anh em phải có phần và chú tôi nói có băng ghi âm lời nói của ông bà lúc còn sống có nội dung là yêu cầu cha tôi phải chia phần cho các anh em. Xin hỏi, chú tôi có quyền khởi kiện đòi chia thừa kế trong trường hợp này không và tòa án có quyền xử chia thừa kế cho chú tôi hay không? Do ông bà nội tôi có 8 người con, hiện mỗi người sống một nơi, có 2 người ở nước ngoài. Vậy nếu tòa án xét xử thì có bắt buộc tất cả các người con của ông bà nội tôi tham gia hay không? Nếu chỉ có mình chú tôi kiện đòi chia, còn những người khác không tham gia thì liệu bản án của tòa án có áp dụng chung cho tất cả các người con hay sau đó những người này đều có quyền khởi kiện đòi cha tôi chia thừa kế miếng đất trên. Rất mong luật sư sớm trả lời cho chúng tôi rõ. Xin cám ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

Di chúc có thể được lập bằng văn bản, nếu không lập được di chúc văn bản thì có thể di chúc miệng. Tuy nhiên di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định.

Di chúc miệng hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện:

– Di chúc miệng phải có ít nhất hai người làm chứng

– Những người làm chứng ngay sau đó phải ghi chép, cùng kí tên hoặc điểm chỉ vào văn bản đó.

– Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng phải đi công chứng, chứng thực di chúc đó.

Như bạn trình bày cuối năm 2019 thì bà nội mất và năm 2020 thì ông nội mất. Một người chú (em ruột của cha bạn) ở nước ngoài về nộp đơn kiện đòi chia thừa kế mảnh đất trên với lý do đất của cha mẹ để lại thì các anh em phải có phần và chú bạn nói có băng ghi âm lời nói của ông bà lúc còn sống có nội dung là yêu cầu cha tôi phải chia phần cho các anh em, bản ghi âm đó được coi là di chúc mà không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng nêu trên thì không được coi là di chúc có giá trị về pháp luật.

Nếu bản ghi âm đó được xác định là việc tặng cho tài sản:

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai. Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc có chứng thực theo quy định.

Như vậy, trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất phải được thực hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký quyền sở hữu. Trường hợp đã tặng cho hoàn tất, giao dịch tặng cho đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và việc chuyển quyền sở hữu đã xong thì tài sản đã thuộc về người được tặng cho.

Như vậy, đối chiếu theo các quy định trên vào trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp, năm 2018, ông bà nội có làm hợp đồng tặng cho cho cha bạn một miếng đất, đã hoàn tất thủ tục công chứng và đăng ký sang tên. Đến năm 2019, bà nội bạn mất và năm 2020, ông nội bạn mất, người chú ở nước ngoài nói có bằng ghi âm nói rằng lúc còn sống phải chia phần cho các anh em, nếu như thuộc trong các trường hợp nêu trên thì bản ghi âm đó không có giá trị đối với trường hợp là di chúc hay tặng cho, trong trường hợp này, cha của bạn không có trách nhiệm về việc phải chia phần đất đã được tặng cho bằng hợp đồng có công chứng.

Về việc khi ra tòa xét xử, các người con của ông bà nội bạn có phải tham gia hay không?

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp này, việc giải quyết vụ án dân sự mà có liên quan đến những người con của ông bà bạn thì được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, và theo quy định, họ sẽ tham gia vào tố tụng dân sự.

Nếu những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu vắng mặt mà không có người đại diện tham gia thì tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt; nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.