This post is also available in: English
Dị ứng là những phản ứng đặc dị của cơ thể khi tiếp xúc với những chất thông thường gây kích ứng hệ miễn dịch. Những chất gây dị ứng khác nhau với từng cá nhân và thường có yếu tố di truyền tác động vào. Các nghiên cứu thống kê cho thấy trẻ có bố hoặc mẹ bị dị ứng thường có nguy cơ mắc dị ứng cao hơn những trẻ khác.
Nhiều giả thuyết về nguyên nhân của dị ứng được đưa ra như các yếu tố về nhiễm siêu vi lúc nhỏ, thiếu vitamin D, hệ vi khuẩn thường trú đường ruột,… tuy nhiên các giả thuyết này vẫn chưa được khẳng định mạnh mẽ. Trong khi chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn dị ứng thì các biện pháp phòng tránh tái phát bệnh vẫn là cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe bạn và gia đình.
Dị ứng là gì?
Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch của bạn phản ứng quá mức so với bình thường đối với những chất không gây hại. Các loại bệnh dị ứng thường gặp là:
- Sốc phản vệ: là một phản ứng dị ứng nặng, có thể gây tử vong. Nó gây tổn thương đến nhiều bộ phận của cơ thể và có thể xuất hiện rất nhanh;
- Bệnh hen suyễn: là một bệnh mãn tính làm viêm và hẹp đường dẫn khí của phổi, gây ra tình trạng thở khò khè, khó thở, đau thắt ngực, và ho. Ở những người bị dị ứng hen suyễn, các triệu chứng hen suyễn có thể được kích hoạt khi tiếp xúc với một chất gây ra dị ứng;
- Viêm da dị ứng (chàm): còn được gọi là bệnh chàm, là một tình trạng viêm da không lây nhiễm. Đặc trưng của bệnh là tình trạng khô, ngứa da có thể chảy dịch khi trầy xước;
- Dị ứng do môi trường: xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng bất thường với một chất vô hại như phấn hoa hay lông thú. Triệu chứng có thể là phản ứng dị ứng trong mũi (viêm mũi dị ứng, hoặc sốt cỏ khô) và trong phổi (bệnh suyễn);
- Dị ứng thực phẩm: dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với một thực phẩm vô hại. Các loại thực phẩm thường gây ra phản ứng dị ứng là sữa, trứng, đậu phộng, hạt cây, đậu nành, lúa mì, cá và hải sản.
Tại sao bạn nên quan tâm về bệnh dị ứng?
Hầu hết dị ứng không thể chữa khỏi và bạn phải sống với nó suốt đời. Ngoài ra, các triệu chứng dị ứng khác nhau từ người này sang người khác, có thể là những biểu hiện nhẹ nhưng cũng có thể là sốc phản vệ – một trường hợp cấp cứu có khả năng đe dọa mạng sống. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu và biết rõ về chứng dị ứng của bạn và của người thân.
Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh dị ứng là gì?
Các phần của cơ thể mà tiếp xúc với chất gây dị ứng đều ảnh hưởng đến biểu hiện của những triệu chứng. Ví dụ dấu hiệu dị ứng thường thấy:
- Chất gây dị ứng mà bạn hít vào thường gây nghẹt mũi, ngứa mũi và cổ họng, đờm, ho và thở khò khè;
- Chất gây dị ứng chạm vào mắt có thể gây ngứa, chảy nước mắt, đỏ và sưng mắt;
- Loại thức ăn khiến bạn bị dị ứng có thể gây ra buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, hoặc sốc phản vệ;
- Chất gây dị ứng chạm vào da có thể gây phát ban da, nổi mề đay, ngứa, mụn nước, hoặc lột da;
- Dị ứng thuốc thường liên quan đến toàn bộ cơ thể và có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây ra bệnh dị ứng là gì?
Bệnh dị ứng rất phổ biến. Gen và môi trường đóng vai trò quan trọng. Nếu cả cha và mẹ của bạn bị dị ứng, bạn cũng sẽ dễ có nguy cơ mắc bệnh dị ứng.
Hệ thống miễn dịch thường bảo vệ cơ thể chống lại các chất có hại, chẳng hạn như vi khuẩn và vi-rút. Hệ thống miễn dịch cũng phản ứng với chất bên ngoài được gọi là chất gây dị ứng – thường vô hại và không gây vấn đề ở hầu hết mọi người.
Đối với người bị dị ứng môi trường, các phản ứng miễn dịch sẽ trở nên hoạt động quá mức. Khi nhận ra một chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ khởi động một phản ứng mạnh hơn so với bình thường. Các hóa chất (như histamin) được tạo ra và gây các triệu chứng dị ứng.
Nguyên nhân gây dị ứng thường bao gồm:
- Thuốc;
- Bụi;
- Thực phẩm;
- Nọc độc của côn trùng;
- Nấm mốc;
- Lông của thú cưng và các động vật khác;
- Phấn hoa.
Một số người có phản ứng giống như dị ứng khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh, ánh sáng mặt trời, hoặc các yếu tố môi trường khác. Đôi khi, ma sát (cọ xát hoặc mơn trớn da) sẽ gây ra các triệu chứng dị ứng. Dị ứng có thể gây ra một số rối loạn y khoa, chẳng hạn như bệnh về xoang, chàm và bệnh suyễn, làm các triệu chứng của những bệnh này trở nên tồi tệ hơn
Những ai có nguy cơ mắc bệnh dị ứng?
Có một vài yếu tố nguy cơ gây tăng khả năng mắc bệnh:
- Gia đình có người bị dị ứng hoặc hen suyễn. Nếu gia đình bạn có người bị những tình trạng trên, bạn sẽ có khả năng bị dị ứng.
- Trẻ em. Trẻ em thường dễ bị dị ứng hơn người lớn, càng lớn các triệu chứng có thể giảm dần.
- Đã mắc các bệnh như hen suyễn hoặc dị ứng. Việc đã từng mắc các bệnh này sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh dị ứng cao hơn.
Chẩn đoán và điều trị dị ứng như thế nào?
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh dị ứng?
Xét nghiệm dị ứng có thể cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân của các triệu chứng dị ứng, bao gồm:
- Xét nghiệm da là phương pháp phổ biến nhất của xét nghiệm dị ứng. Có 3 trường hợp xét nghiệm da gồm: xét nghiệm tiêm ngừa, xét nghiệm “lẫy da” và xét nghiệm da.
- Xét nghiệm miễn dịch, tìm kháng nguyên.
- Xét nghiệm máu có thể sẽ được thực hiện bao gồm:
- Immunoglobulin E (IgE), đo nồng độ các chất gây dị ứng có liên quan;
- Đếm tế bào máu toàn phần (CBC), trong đó có đếm các tế bào bạch cầu ái toan.
Các xét nghiệm y tế nào khác có thể giúp chẩn đoán bệnh?
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho bạn tránh các chất nhất định để xem liệu triệu chứng có giảm, hoặc sử dụng các chất bị nghi ngờ để xem liệu bạn có cảm thấy triệu chứng nặng hơn không. Xét nghiệm này thường được sử dụng để kiểm tra các thực phẩm hoặc thuốc dị ứng.
Các bác sĩ cũng có thể kiểm tra phản ứng dị ứng của bạn bằng cách sử dụng nhiệt, lạnh, hoặc kích thích khác đến cơ thể của bạn và xem phản ứng dị ứng có xuất hiện không. Đôi khi, bác sĩ nhỏ chất gây dị ứng vào mi mắt để quan sát. Tuy nhiên, điều này chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh dị ứng?
Cách tốt nhất để giảm các triệu chứng là tránh dùng những gì gây dị ứng cho bạn, nhất là thực phẩm và thuốc.
Thuốc
Có một số loại thuốc để ngăn ngừa và điều trị dị ứng. Bác sĩ khuyến cáo tùy thuộc vào phân loại và mức độ của các triệu chứng, tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn. Thuốc phổ biến có thể được sử dụng để điều trị dị ứng bao gồm:
Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamin có sẵn tại nhà thuốc và được kê theo toa. Chúng có sẵn trong nhiều hình thức, bao gồm:
- Viên nang và thuốc;
- Thuốc nhỏ mắt;
- Tiêm;
- Chất lỏng;
- Bình xịt mũi.
Corticosteroid
Đây là những loại thuốc kháng viêm. Chúng có sẵn dưới nhiều hình thức, bao gồm:
- Các loại kem, thuốc mỡ cho da;
- Thuốc nhỏ mắt;
- Bình xịt mũi;
- Bình xịt vào phổi;
- Người có triệu chứng dị ứng nghiêm trọng sẽ được bác sĩ kê thuốc corticosteroid dạng uống hoặc tiêm trong thời gian ngắn.
Thuốc chống sung huyết
Thuốc chống sung huyết giúp làm giảm nghẹt mũi. Không sử dụng thuốc thông mũi dạng xịt trong nhiều ngày vì chúng có thể gây ra sự phản ứng và làm tắc nghẽn tồi tệ hơn. Thuốc thông mũi ở dạng viên không gây ra vấn đề này. Những người bị huyết áp cao, bệnh tim, hoặc tuyến tiền liệt nặng nên sử dụng thuốc thông mũi cẩn thận. Thuốc ức chế Leukotriene là các loại thuốc ngăn chặn các chất gây dị ứng. Người bị bệnh hen suyễn và dị ứng trong nhà và ngoài trời có thể được kê những loại thuốc này.
Tiêm ngừa dị ứng
Tiêm ngừa chất dị ứng (phương pháp trị liệu miễn dịch) thường được khuyến cáo nếu bạn không thể ngăn được dị ứng và các triệu chứng trở nên khó kiểm soát. Tiêm ngừa chất dị ứng giữ cho cơ thể của bạn không phản ứng thái quá với chất gây dị ứng. Bạn sẽ tiêm ngừa dị ứng thường xuyên. Mỗi liều sẽ nhiều hơn một chút so với liều trước đó cho đến khi liều lớn nhất được thực hiện. Những liều này không hiệu quả với tất cả mọi người và bạn cần đến gặp bác sĩ thường xuyên.
Liệu pháp chữa trị miễn dịch dưới lưỡi (SLIT)
Miễn dịch dưới lưỡi là một cách khác để điều trị dị ứng mà không cần tiêm. Bác sĩ cho bệnh nhân một liều lượng nhỏ chất gây dị ứng ở dưới lưỡi để tăng khả năng chịu đựng các chất và giảm các triệu chứng.
Phản ứng dị ứng nặng (mẫn cảm) cần phải được điều trị bằng một loại thuốc được gọi là epinephrine. Dùng thuốc ngay lập tức có thể cứu sống bệnh nhân. Nếu bạn sử dụng epinephrine, hãy liên hệ Trung tâm cấp cứu 115 và đến bệnh viện.
Những biến chứng có thể xảy ra của bệnh dị ứng là gì?
- Sốc mẫn cảm (đe dọa tính mạng phản ứng dị ứng;
- Các vấn đề về thở và những khó chịu trong quá trình phản ứng dị ứng;
- Buồn ngủ và phản ứng phụ của thuốc.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh dị ứng?
Cho trẻ bú mẹ từ 4 đến 6 tháng đầu tiên có thể hỗ trợ ngăn ngừa và làm giảm dị ứng cho mẹ. Tuy nhiên, thay đổi chế độ ăn uống của người mẹ trong quá trình mang thai hoặc cho con bú dường như không giúp ngăn ngừa dị ứng. Đối với hầu hết trẻ em, thay đổi chế độ ăn uống hoặc sử dụng sữa công thức đặc biệt dường như không ngăn ngừa dị ứng. Nếu cha mẹ, anh em, chị em, hoặc thành viên khác trong gia đình có tiền sử mắc bệnh chàm và dị ứng, hãy báo cho bác sĩ chăm sóc cho con bạn biết.
Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với chất gây dị ứng nhất định (chẳng hạn như bụi và lông mèo) trong những năm đầu đời có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh dị ứng. Phát hiện này đến từ việc quan sát trẻ sơ sinh ở các trang trại có xu hướng bị dị ứng ít hơn so với những người lớn lên trong môi trường vô trùng hơn. Tuy nhiên, tình trạng này không áp dụng với các trẻ lớn.
Khi bệnh dị ứng đã phát triển, việc chú ý điều trị các bệnh dị ứng và cẩn thận tránh bị dị ứng có thể ngăn chặn các phản ứng nguy hiểm trong tương lai.
Dị ứng thường khởi phát từ lúc nhỏ và lặp lại thường xuyên, điều đáng lưu ý là những lần dị ứng sau có thể nặng hơn những lần trước đó. Quan sát để tìm ra các chất dị ứng nguyên là điều quan trọng để tránh bệnh tái phát lần sau. Những triệu chứng dị ứng rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng cá thể. Bệnh có thể nhẹ như nổi mề đay, mẩn ngứa ngoài da đến các biểu hiện nặng hơn như sốc phản vệ.
Tuy triệu chứng bệnh có thể nhẹ và hết nhanh khi dùng thuốc hoặc ngừng tiếp xúc với dị nguyên, nhưng bạn không nên xem nhẹ và phó mặc cho thuốc vì như đã nói ở trên, lần dị ứng sau có thể nặng hơn và gây ra sốc phản vệ. Một khi sốc phản vệ không được cấp cứu kịp sẽ gây tử vong. Hiện nay có nhiều xét nghiệm để tìm ra chất gây dị ứng, tìm hiểu vì sao bị dị ứng, bạn có thể liên hệ với các phòng khám chuyên khoa dị ứng miễn dịch để biết thêm thông tin cụ thể. Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hoặc phương pháp điều trị.
Vấn đề về sức khỏe luôn là nỗi lo hàng đầu của chúng ta. Thấu hiểu được điều đó, Pacific Cross Việt Nam hy vọng được đồng hành để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân thân trên chặng đường phía trước. Chúng tôi cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp cho từng yêu cầu và ngân sách khác nhau của khách hàng. Xem thêm chi tiết về các sản phẩm bảo hiểm tại đây.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Vi trùng trên máy bay: Làm sao để tránh?
- Mẹo giữ sức khỏe cho chuyến bay dài
- Trị viêm da cơ địa an toàn cho trẻ nhỏ
Nguồn tham khảo
U.S. National Library of Medicine. Allergies.
http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000812.htm
Ngày truy cập 15/08/2015
National Institute of Allergy and Infectious Diseases. Types of Allergic Diseases. http://www.niaid.nih.gov/topics/allergicdiseases/Pages/allergic-diseases-types.aspx
Ngày truy cập 15/08/2015
Mayo Clinic. Allergies.
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/allergies/basics/definition/CON-20034030?p=1
Ngày truy cập 15/08/2015
WebMD. Allergies Health Center.
http://www.webmd.com/allergies/guide/allergies-treatment-care
Ngày truy cập 15/08/2015
Ngày đăng: Tháng Chín 16, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Chín 16, 2017