Ngoài vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi thì tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng của địa phương là mục đích chính trong chuyến đi của nhiều người. Cụ thể điểm du lịch là gì? Đặc điểm điểm du lịch ra sao? Phân loại điểm du lịch thế nào? Điểm du lịch khác gì với các nơi tham quan, trải nghiệm khác?… Nếu chưa có nhiều thông tin, cùng Hoteljob.vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!
Nhiều du khách hay sales tour search tìm các điểm du lịch hấp dẫn để thiết kế tour du lịch hoặc cân nhắc book phòng hay dịch vụ liên quan khác. Hiểu chính xác điểm du lịch là gì và phân loại, phân biệt nó ra sao giúp khâu lên ý tưởng chất lượng và phù hợp hơn.
Điểm du lịch là gì?
Điểm du lịch (Tourist destination hay Tourist attraction) được hiểu là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch, có thể có hoặc không cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nhưng ở quy mô nhỏ.
Điểm du lịch được xác định là yếu tố cung du lịch, thuộc phân cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị phân vùng du lịch, có không gian riêng biệt. Tùy vào sự đa dạng tài nguyên của một vùng, địa phương, khu vực, quốc gia sẽ có đa dạng các điểm du lịch hấp dẫn, là một trong những “sản phẩm” thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan.
Phân loại điểm du lịch ra sao?
Như đã trình bày ở mục “Điểm du lịch là gì?”, dựa vào tài nguyên du lịch hay cơ sở dịch vụ tại nơi đó, cả mục đích chuyến đi của du khách để phân loại điểm du lịch thành 2, đó là: điểm tài nguyên và điểm chức năng. Cụ thể:
+ Điểm tài nguyên
Là một điểm du lịch có tài nguyên tự nhiên hoặc nhân tạo để du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu. Có thể là: cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên đặc biệt, di tích lịch sử – văn hóa, công trình sáng tạo, các giá trị nhân văn khác…
Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên hay động Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình… là những tuyệt tác của tự nhiên thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến tham quan.
+ Điểm chức năng
Là một điểm du lịch có dạng địa hình đặc biệt hay các công trình tôn giáo, câu lạc bộ văn hóa – tín ngưỡng hoặc vườn quốc gia, khu nghỉ dưỡng… thu hút khách du lịch đến để nghiên cứu, vui chơi, thể thao, mạo hiểm, chữa bệnh…
Trekking Tà Năng – Phan Dũng (Tây Ninh) hay tắm bùn khoáng tại Tháp Bà Ponagar (Nha Trang, Khánh Hòa)… là những hoạt động được du khách thích thú khi trải nghiệm.
>>>Ngoài ra, khi xem xét vị trí của điểm đến đó trong chuyến đi của du khách, điểm du lịch cũng có thể chia thành 2 loại nữa, là:
+ Điểm đến cuối cùng (Final destination)
+ Điểm đến trung gian (Intermediate destination) hoặc điểm ghé thăm (Enroute)
Yếu tố cấu thành nên điểm du lịch là gì?
Nhằm đáp ứng và phục vụ tốt nhất nhu cầu đa dạng – ngày càng cao của du khách, mỗi điểm đến du lịch cần tập trung thỏa mãn 5 yếu tố cấu thành cơ bản, gọi là quy tắc 5A như sau:
+ Attractions – điểm đến hấp dẫn
Là bất kể những gì có giá trị thu hút du khách, ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến cho chuyến đi của họ.
+ Access – giao thông thuận tiện
Những điểm du lịch có hệ thống giao thông thuận tiện như đa dạng các phương tiện đến, di chuyển trong khu vực dễ dàng, an toàn và nhanh chóng… thường sẽ thu hút được nhiều du khách đến hơn.
+ Accommodation – nơi ăn uống nghỉ ngơi tiện nghi
Bao gồm dịch vụ lưu trú và (hoặc) ăn uống tại điểm đến, cung cấp đa dạng và gần như toàn diện nhu cầu cho một chuyến đi cơ bản.
+ Amenities – các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ cá nhân
Không ít du khách ngại mang vác cồng kềnh nên có nhu cầu tìm mua các tiện nghi hay dịch vụ hỗ trợ cá nhân tại điểm đến để thuận tiện. Đáp ứng điều này không chỉ ghi điểm với khách du lịch mà còn tăng thêm doanh thu cho cơ sở.
+ Activities – các hoạt động bổ sung khác
Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hay hoạt động ngoại khóa, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng hay công trình trung tâm thương mại, khu mua sắm, sân golf, bưu điện, ngân hàng, bệnh viện… cũng là những yếu tố cấu thành nên điểm du lịch, thể hiện tính đa dạng và bổ sung của sản phẩm, dịch vụ.
Việc xây dựng, duy trì và phát triển các điểm du lịch cần thỏa mãn 4 yếu tố chính yếu, là:
– Có khả năng đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội tại địa phương
– Bảo đảm giữ gìn được những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán tốt đẹp đang tồn tại tại địa phương
– Bảo vệ được môi trường sinh thái
– Đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững
Phân biệt điểm du lịch với khu du lịch thế nào?
+) Giống nhau:
– Đều là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch
– Đều có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch bổ sung khác đáp ứng nhu cầu của du khách
– Đều góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất đồng thời góp phần gìn giữ giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương.
+) Khác nhau:
Có thể hiểu, điểm du lịch là cơ sở để hình thành nên khu du lịch. Do đó, xét về quy mô thì dĩ nhiên điểm du lịch có diện tích nhỏ hơn khu du lịch. Ngoài ra, một khu du lịch có thể có nhiều điểm du lịch để đa dạng nhu cầu và sự trải nghiệm cho du khách.
Như vậy, có thể thấy, điểm du lịch tuy là phân cấp thấp nhất trong hệ thống phân vùng lãnh thổ nhưng vẫn góp phần tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm; từ đó phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao giá trị văn hóa, tín ngưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến phát triển du lịch bền vững… Hiểu đúng và đủ điểm du lịch là gì giúp nhân sự nghề xây dựng kế hoạch để khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả.
(Theo Tri thức cộng đồng)