Ngoại giao (Diplomacy)

Ngoại giao (Diplomacy)

Diplomatic là gì

diplomacy

Tác giả: Hoàng Cẩm Thanh

“Ngoại giao” theo cách hiểu phổ biến nhất là việc thực hiện các mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền thông qua liên lạc, thương lượng, gây ảnh hưởng cũng như điều chỉnh những khác biệt. Hoạt động ngoại giao đã xuất hiện từ lâu đời ở nhiều nền văn minh trên thế giới, tiêu biểu như Trung Quốc và Hy Lạp cổ đại.

Trải qua nhiều thế kỷ, việc tiến hành công tác ngoại giao chính thức thường được thực hiện qua việc cử các phái đoàn ngoại giao đến các quốc gia khác nhau. Điều này tạo nên hệ thống liên lạc rõ ràng tuân thủ theo các nguyên tắc được công nhận giữa các quốc gia hữu quan như: trao đổi đại sứ, duy trì hoạt động các đại sứ quán ở thủ đô và sự tham gia vào các cuộc họp hay đàm phán.

Mặc dù vậy, hiện vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “Ngoại giao”. Theo nhà ngoại giao, nhà báo người Anh Harold Nicolson, “Trong ngôn ngữ nói, từ ngoại giao được sử dụng để ám chỉ nhiều nội dung rất khác nhau. Nó được hiểu là quan hệ đối ngoại, trong các trường hợp khác lại ngụ ý là đàm phán. Từ đó cũng được sử dụng để nói đến cơ quan ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao. Cuối cùng từ đó còn có nghĩa là khả năng đặc biệt khôn khéo trong đàm phán quốc tế và với nghĩa xấu là xảo quyệt trong thương lượng.” Trong khi đó, từ điển của Pháp Le Nouveau Petit Robert định nghĩa ngoại giao là hoạt động chính trị liên quan đến các mối quan hệ giữa các quốc gia như đại diện quyền lợi của một chính phủ ở nước ngoài, quản lý công việc quốc tế, hướng dẫn và tiến hành đàm phán giữa các quốc gia.

Ngoại giao Từ “ngoại giao” trong tiếng Anh là “Diplomacy”. Ban đầu, từ “diplomatics” được dùng để chỉ việc bảo quản và đánh giá các tư liệu và công văn chính thức, chủ yếu là các điều ước quốc tế. Đến thế kỷ 18, các tài liệu ngoại giao ngày càng có nghĩa là những tài liệu liên quan đến quan hệ quốc tế, và từ “diplomatic corps” (ngoại giao đoàn) bắt đầu được sử dụng. Năm 1796, nhà triết học người Anh Edmund Burke dùng cụm từ “double diplomacy” để lên án chính sách ngoại giao nước đôi của Pháp trong chiến tranh Napoleon, và kể từ đó thuật ngữ “diplomacy” đã được sử dụng rộng rãi gắn liền với chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại.

Tại Việt Nam, giáo trình Một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ ngoại giao đưa ra định nghĩa như sau: “Ngoại giao là một khoa học mang tính tổng hợp, một nghệ thuật của những khả năng, là hoạt động của các cơ quan làm công tác đối ngoại và các đại diện có thẩm quyền làm công tác đối ngoại của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi, lợi ích, quyền hạn của quốc gia, dân tộc ở trong nước và trên thế giới, góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế chung, bằng con đường đàm phán vá các hình thức hoà bình khác.” Hay trong Từ điển Ngoại giao của Liên Xô trước đây do A. Gromyk chủ biên thì ngoại giao được hiểu là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia, là tổng thể những biện pháp phi quân sự, những phương pháp, thủ thuật được sử dụng có tính đến điều kiện cụ thể và đặc điểm của yêu cầu nhiệm vụ; hoạt động chính thức của người đứng đầu nhà nước, chính phủ, bộ trưởng, bộ ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, các đoàn đại biểu tại các hội nghị quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chính sách đối ngoại của quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, pháp nhân và công dân mình ở nước ngoài. Đồng thời ngoại giao là nghệ thuật đàm phán nhằm ngăn chặn hoặc dàn xếp những xung đột quốc tế, tìm cách thoả hiệp và đưa ra những giải pháp có thể được các bên chấp nhận cũng như việc mở rộng và củng cố hợp tác quốc tế”.

Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng có thể thấy nhìn chung hoạt động ngoại giao có một số điểm nổi bật như sau. Thứ nhất, ngoại giao hoạt động như một cỗ máy mà thông qua đó một quốc gia có thể tạo nên ảnh hưởng và thể hiện sự quan tâm của họ đối với bên ngoài. Đồng thời, ngoại giao giúp điều hoà các lợi ích quốc gia. Nói cách khác ngoại giao giúp triển khai các mục tiêu cụ thể của quốc gia song song việc đảm bảo trật tự thế giới. Ngoại giao như vậy trở thành công cụ để quốc gia đạt được lợi ích của mình.

Thứ hai, các nhà ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai đường lối ngoại giao và chính sách đối ngoại của một quốc gia. Nhà ngoại giao phải nắm vững chính sách đối ngoại, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiến hành hiệu quả các nghiệp vụ ngoại giao và đạt được các mục tiêu đối ngoại. Với tư cách là đại diện chính thức của một quốc gia ở nước ngoài, các nhà ngoại giao thường được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ. Các quyền này được chính thức pháp điển hóa tại Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao.

Thứ ba, thông thường ngoại giao là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách về quan hệ đối ngoại ở cả trong và ngoài nước. Cơ quan đại điện ngoại giao ở nước ngoài có nhiệm vụ thu thập thông tin tại nước sở tại về tình hình kinh tế, chính trị, về các hoạt động và quan hệ giữa chính quyền nước sở tại với bên ngoài nhằm có những đánh giá, phân tích và dự báo các vấn đề phát sinh. Như vậy có thể so sánh các cơ quan đại diện ngoại giao như “tai và mắt” của chính phủ nước cử đại diện và với khả năng trên họ góp phần vào việc điều chỉnh và phát triển chính sách đối ngoại của quốc gia mình.

Ngày nay, với sự phát triển của các quốc gia, các chủ thể trong quan hệ quốc tế cũng như sự gia tăng các vấn đề toàn cầu, ngoại giao cũng theo đó phát triến với nhiều hình thức khác nhau, thay đổi về nội dung và có những đặc điểm mới: Ngoại giao đa phương trở nên sôi động bên cạnh ngoại giao cấp cao và ngoại giao thượng đỉnh. Ngoại giao trở nên cởi mở hơn, không chỉ bó hẹp trong cộng việc của các nguyên thủ, các viên chức chính phủ, mà đã xuất hiện những cách tiếp cận mới như ngoại giao kênh hai, ngoại giao nhân dân… Bên cạnh đó, các quy định tạo cơ sở pháp lý chung cho công tác ngoại giao quốc tế đã được thể chế hóa thông qua những công ước quốc tế như Công ước về quyền ưu đãi, miễn trừ của Liên Hiệp Quốc (1946), Công ước về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho các tổ chức đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (1947), Công ước Viên về quan hệ ngoại giao (1961) và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự (1963).

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).