Xin thưa, chổi đót là loại chổi làm từ bông cây đót, phổ biến ở miền Trung và Bắc, ở miền Nam người ta gọi là chổi bông cỏ. Đót là từ “thuần Việt”, được ghi nhận bằng 2 chữ Nôm là 𣔻 và 葖, dùng trong chổi đót. Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) của Huình-Tịnh Paulus đã từng ghi nhận từ chổi đót: “Thứ chổi bó bằng bông cây đót” (tr.325).
Ngoài ra, trong tiếng Việt, còn có những chữ đót mang nghĩa khác:
– Đót là vật dụng giống cái que mũi nhọn dùng để thúc và điều khiển trâu bò (bằng cách ấn vào mông). Cái đót bò (Petit dictionnaire français-annamite của P.J.B. Trương Vĩnh Ký, Tân Định – 1885).
– Đâm đót là thúc giục, xúi (stimuler, exciter – Dictionnaire annamite-français của Jean Bonet, 1899).
– Đắng đót là có vị khó chịu như vị của mật động vật, của quả bồ hòn (Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải của Nguyễn Quang Hồng). Ví dụ: Rau không đắng đót là rau mát. Cá có tanh tao ấy cá bùi (Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập).
Ngoài ra, đót còn có nghĩa là nói xấu người này với người kia, vừa nịnh người này vừa muốn hại người kia. Ví dụ: Cậu ấy đã bị hắn đót với ông chủ.
Cây đót dùng làm chổi còn được gọi là cây chít, tên khoa học hiện nay là Thysanolaena latifolia, còn tên cũ là Thysanolaena maxima. Đây là loài cây phân bố nhiều nơi ở châu Á và một số nơi khác trên thế giới, có nhiều tên tiếng Anh thông dụng như broom grass, broom stick, Nepalese broom grass và tiger grass. Ở Nepal người ta gọi cây đót là amliso (अम्लिसो), còn bông dùng làm chổi thì được gọi là kuchcho (कुच्चो), trong tiếng Hindi là jhadu/phool jhadu (झाड़ू).
Do người miền Nam gọi cây đót là cây bông cỏ nên cần phân biệt với loài cây bông cỏ khác có tên khoa học là Chrysopogon aciculatus, một loài còn được gọi là cây cỏ may, châm thảo, thảo tử hoa, thúy hồ điệp, thúy nga mi, đát trúc hoa…, thường được dùng làm dược liệu trị bệnh.
Một số sách cho biết tên gọi của cây đót (cây chít) trong ngôn ngữ của các dân tộc ít người ở nước ta như sau: lý chẹ (dân tộc La Hủ), luồng khem (Xinh mun), ana xít (Êđê), jong (Triêng), grăng (Giarai)…
Ở phương Tây, chổi được làm bằng những vật liệu khác, ban đầu là từ tua của cây lúa miến và cây bắp (ngô). Không chỉ có công dụng quét nhà, cây chổi có liên quan với nhiều nền văn hóa. Người Métis ở Canada có truyền thống múa chổi (broom dancing), còn đám cưới truyền thống của người Mỹ gốc Phi thì có tục nhảy chổi (jumping the broom). Cây chổi còn là biểu tượng gắn liền với các phép thuật phù thủy và lễ nghi. Những phù thủy bay trên cán chổi bắt nguồn từ quyển sách al-Mughnī (Người thuyết phục) của Ibn Qudamah – một nhà thần học truyền thống Hồi giáo thế kỷ 11. Ở châu Âu việc phù thủy bay trên cán chổi có từ năm 1453, khởi thủy là từ nam phù thủy Guillaume Edelin.
Ở Việt Nam, việc “buôn chổi đót xây biệt phủ” khó mà thực hiện được, khó tin hơn cả việc phù thủy bay trên cán chổi. Việc biện luận rằng nhờ buôn chổi đót mà làm giàu xem ra là “giả dối”, “chuyện khôi hài”… như báo chí đã viết. Liệu câu “buôn chổi đót xây biệt phủ” có thể tồn tại theo thời gian để trở thành tục ngữ hiện đại?