Ung thư tuyến giáp là một loại ung thư tuyến nội tiết rất phổ biến hiện nay. Bệnh không có những dấu hiệu rõ ràng, phát triển một cách âm thầm và có thời gian ủ bệnh dài. Vậy ung thư tuyến giáp có đáng sợ không? Hãy tham khảo các thông tin trong bài biết dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh ác tính này!
31/07/2019 | Không cần phẫu thuật, bệnh nhân khỏi hoàn toàn u tuyến giáp trong trong 30 phút25/07/2019 | Tránh xa bệnh lý tuyến giáp, bạn hãy áp dụng ngay những điều “bỏ túi” này27/11/2018 | Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp chỉ từ 1 triệu đồng
1. Ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh ác tính, xảy ra khi những tế bào bình thường bị thay đổi, tạo cơ hội cho các tế bào bất thường phát triển, không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể, khi đạt đến số lượng đủ, chúng sẽ hình thành một khối u, đó là u tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau: thể nhú, thể tủy, thể không biệt hóa.
– Thể nhú: là loại ung thư phổ biến nhất hiện nay, chiếm từ 70-80% trong tổng số các trường hợp. Bệnh bắt đầu hình thành trong các tế bào nang, tiến trình phát triển chậm và thường hay di căn hạch cổ.
-Thể tủy: Đây là dạng ung thư ít gặp hơn, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề nội tiết hoặc yếu tố di truyền. Dạng ung thư này thường được chẩn đoán muộn hơn, khi bệnh đã có thể lan tới hạch bạch huyết ở gan, phổi.
– Thể không biệt hóa: Đây là dạng ung thư tuyến giáp hiếm gặp và mức độ nguy hiểm cao do tốc độ phát triển của bệnh rất nhanh và phức tạp.
Theo tiên lượng, tỷ lệ sống sót trên 5 năm của 3 dạng ung thư trên gần như là 100% nếu được phát hiện và điều trị từ giai đoạn 1-2, nhưng tỷ lệ sống sót trên 5 năm đối với những người mắc bệnh ung thư thể không biệt hóa là 7% vì hầu hết các bệnh nhân đều được phát hiện ở giai đoạn 4.
Hình ảnh minh họa khối u ở tuyến giáp
2. Nguyên nhân ung thư tuyến giáp
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh ung thư tuyến giáp, trong đó phải đề cập đến những nguyên nhân chủ yếu như:
Rối loạn hệ miễn dịch
Theo y khoa, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng sản xuất ra các kháng thể sẽ bị suy giảm, tạo cơ hội cho các loại virus, vi khuẩn có hại tấn công vào cơ thể, trong đó bao gồm cả tuyến giáp.
Nhiễm chất phóng xạ
Ngoài những tác dụng tích cực, tia phóng xạ còn tiềm ẩn nguy cơ có khả năng phá hủy cơ thể theo cấp độ tế bào, gây tác hại lớn đến sức khỏe con người thông qua các con đường như: dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh, nhiễm i-ốt phóng xạ vào bên trong qua đường hô hấp, tiêu hóa.
Yếu tố di truyền
Theo số liệu thống kê của ngành y, có khoảng 70% bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được mẫu gen nào dẫn tới sự di truyền này.
Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone
Cũng theo số liệu thống kê của ngành y, những người mắc phải căn bệnh này thường là những người nằm trong độ tuổi 30-50, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới 2-4 lần do sự thay đổi hóc-môn là yếu tố đặc thù ở phụ nữ sau quá trình mang thai và sinh con. Chính sự thay đổi này sẽ dẫn đến tình trạng hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp.
Mắc bệnh tuyến giáp
Những người đang hoặc đã có tiền sử mắc bệnh basedow, bướu giáp hay hóc-môn tuyến giáp mãn tính, viêm tuyến giáp thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn người bình thường
Ngoài những nguyên nhân kể trên, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu, chỉ ra nhiều nguyên nhân khác như: uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thiếu i-ốt, thừa cân béo phì…
Hình ảnh mô tả tuyến giáp
3. Dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là một bệnh ác tính nhưng rất khó phát hiện ngay từ giai đoạn đầu nếu không kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, khi đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, bệnh sẽ biểu hiện thông qua một số dấu hiệu sau:
-
Xuất hiện khối u ở cổ: chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết khối u lành tính ở tuyến giáp bằng cách nuốt nước bọt.
-
Khàn giọng: Khi bệnh phát triển, các dây thần kinh thanh quản nằm ở phía sau tuyến giáp bị chèn ép nên dẫn đến tình trạng khàn giọng. Khi tình trạng nặng hơn, các khối u tuyến giáp có thể lan rộng và làm tổn thương nặng nề đến hộp âm thanh,
-
Xuất hiện các điểm hạch vùng cổ, hạch nhỏ, mềm, di động, xuất hiện cùng bên với khối u.
-
Da ở vùng cổ bị sậm màu, thậm chí là sùi loét, chảy máu ở giai đoạn muộn.
4. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp bằng cách nào?
Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, bác sĩ chuyên môn cần chỉ định rất nhiều loại xét nghiệm khác nhau như:
-
Siêu âm: Đây là phương pháp dùng sóng âm để tái tạo lại hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tuyến giáp. Thông qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ có thể phát hiện ra các khối u trong tuyến giáp, đánh giá mức độ ác tính của bệnh.
-
Xạ hình: Đây là phương pháp dùng để đánh giá sự hấp thu iod của các hạt giáp. Các hạn chế của phương tiện này là: độc hại phóng xạ, mắc tiền và độ ly giải hình ảnh kém. Ngày nay, xạ hình tuyến giáp hiếm khi cần trong đánh giá thường quy của u tuyến giáp.
-
Chụp cắt lớp điện toán và chụp cộng hưởng từ: Chụp cắt lớp điện toán (thuật ngữ y khoa gọi là “computerized tomography hay CT”) và chụp cộng hưởng từ (thuật ngữ y khoa gọi là “magnetic resonance imaging hay MRI”) là hai phương tiện để bác sĩ đánh giá mức độ lan rộng của ung thư tuyến giáp vào cấu trúc lân cận và di căn hạch. Trong hai phương tiện này, chụp cắt lớp điện toán có chích chất cản quang iod cho thấy hình ảnh chi tiết tuyến giáp và đánh giá di căn hạch tốt so với chụp cộng hưởng từ. Ngoài ra, chụp cắt lớp điện toán cũng ít tốn kém hơn chụp cộng hưởng từ
-
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: Để xác định chính xác nhân giáp này lành tính hay ác tính, bệnh nhân phải trải qua xét nghiệm chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, thường gọi là sinh thiết. (thuật ngữ y khoa là FNA – fine needle aspiration). Với xét nghiệm này, bác sĩ chuyên môn sẽ chọc vào khối u ở tuyến giáp, lấy ra một ít bệnh phẩm, sau đó sẽ đặt chúng dưới kính hiển vi quan sát. Tuy nhiên, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ thường chỉ được chỉ định cho các trường hợp như:
+ Nhân tuyến giáp nổi lên, sờ thấy được qua quá trình thăm khám
+ Nhân tuyến giáp có kích thước lớn, từ 1cm trở lên (thông qua hình ảnh siêu âm)
+ Nhân tuyến giáp dưới 1cm, đi kèm các biểu hiện như echo kém, vôi hóa, dạng đặc, bờ không đều… (thông qua hình ảnh siêu âm).
Cần thực hiện siêu âm tuyến giáp thường xuyên ở những người có nghi ngờ mắc khối u tuyến giáp
5. Điều trị ung thư tuyến giáp như thế nào?
Sau khi có kết quả xét nghiệm, bằng các nghiệp vụ chuyên môn, các bác sĩ sẽ chẩn đoán được tình trạng bệnh và xác định mức độ cũng như giai đoạn phát triển của bệnh (thường có 4 giai đoạn), tùy thuộc vào độ tuổi cũng như loại ung thư tuyến giáp mà người bệnh gặp phải.
Theo đó, việc quyết định lựa chọn phương pháp điều trị cũng phụ thuộc chủ yếu vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe khác của của người bệnh. Thông thường, bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ được điều trị bằng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị như sau:
-
Phẫu thuật, các kỹ thuật bao gồm:
+ Cắt một thùy và eo giáp trạng
+ Cắt toàn bộ tuyến giáp
+ Một số trường hợp đã di căn hạch cổ, người bệnh cần được lấy bỏ toàn bộ tổ chức hạch bạch huyết quanh tuyến giáp.
-
Iod phóng xạ: Bệnh nhân sẽ phải tiếp nhận một lượng nhỏ iod phóng xạ thông qua đường uống. Khi nguồn phóng xạ này này thâm nhập vào cơ thể sẽ có tác dụng tiêu diệt các tế bào tuyến giáp, bao gồm cả tế bào lành tính và ác tính. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đã được cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
-
Điều trị hormon: Sau khi được cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, hoặc sau khi điều trị theo phương pháp iod phóng xạ, bệnh nhân sẽ phải thường xuyên bổ sung thêm lượng hormone thiếu hụt do tuyến giáp tiết ra.
-
Xạ trị từ bên ngoài. Đây là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao. Các tia bức xạ này được đặt ngoài cơ thể, sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp xạ trị từ bên ngoài trong điều trị ung thư tuyến giáp còn hạn chế, chỉ được chỉ định sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.
-
Hóa chất: Đây là phương pháp khá phổ biến hiện nay, dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư nhưng ít có vai trò trong quá trình điều trị.
-
Điều trị đích: Phương pháp này thường chỉ được chỉ định áp dụng khi bệnh đã phát triển ở giai đoạn muộn do điều trị định thường chỉ tác động đến tế bào ung thư, không diệt các tế bào lành.
Ung thư tuyến giáp cần được phát hiện và điều trị sớm
6. Nên làm gì khi kết thúc điều trị ung thư tuyến giáp?
Ung thư tuyến giáp không gây nguy hiểm đến tính mạng và được tiên lượng tốt, cơ hội chữa khỏi lên đến 100% nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Mặc dù vậy, để đảm bảo cho sức khỏe và bệnh không tái phát, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
Khi kết thúc điều trị, người bệnh nên có một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh việc nên đi tầm soát định kỳ đối với mọi người nói chung và những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nói riêng, những bệnh nhân đã kết thúc quá trình điều trị thường được khuyến cáo đi khám đúng hẹn: nên đi thăm khám 3 tháng/ lần ít nhất trong 2 năm đầu, kể từ khi kết thúc điều trị. Trong những năm tiếp theo, nên đi khám 1 năm/lần để đảm bảo và kiểm soát được tình trạng sức khỏe của mình. Các xét nghiệm sẽ được thực hiện trong quá trình kiểm tra định kỳ bao gồm: khám lâm sàng, chụp X-Quang ngực, xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng.
Bệnh viện đa khoa MEDLATEC là địa chỉ uy tín thực hiện đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra ung thư tuyến giáp. Với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng với sự đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, bệnh viện đáp ứng đầy đủ các dịch vụ cần thiết một cách nhanh chóng, tiện ích.