Việc khám phá bản thân sẽ giúp bạn xác định được mình muốn gì và cần gì trong sự nghiệp và cuộc sống. Sử dụng các trắc nghiệm tính cách được khoa học chứng minh là một trong những cách giúp quá trình tự tìm hiểu bản thân bớt mông lung đi rất nhiều. Và Enneagram chính là một trắc nghiệm tính cách bạn nên tìm hiểu.
Cái tên Ennegram có thể không quá phổ biến ở Việt Nam, nhưng hệ thống này đã được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nơi và nhiều lĩnh vực. Vậy Enneagram là gì và bạn là ai trong những nhóm tính cách đó?
Tìm hiểu cùng Glints bạn nhé.
Enneagram là gì?
Enneagram là bộ môn nghiên cứu tính cách con người có nguồn gốc Hy Lạp. “Ennea” nghĩa là số 9 và “gram” là đồ thị. Vậy Enneagram là đại diện cho 9 nhóm tính cách ở con người, mô tả các đặc điểm trí tuệ, xúc cảm, và góc nhìn của từng cá nhân.
Hệ thống Enneagram đã được sử dụng bởi các nhà tâm lý học từ những năm 1970. Trắc nghiệm Enneagram cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, hướng nghiệp cùng Enneagram đã và đang là xu hướng phổ biến.
So với các trắc nghiệm tính cách và nghề nghiệp khác như trắc nghiệm MBTI, trắc nghiệm Holland, DISC, thì Enneagram được công nhận là có sự chính xác và độ tin cậy khá cao.
Dù Enneagram có phương thức hoạt động phức tạp, bài trắc nghiệm lại được thiết kế một cách khá dễ tiếp cận và gần gũi. Vậy Enneagram được chia ra thành những nhóm như thế nào?
9 loại Enneagram type là gì?
Trong 9 nhóm tính cách Enneagram, sẽ có một nhóm tính cách nổi trội hơn và miêu tả bạn chính xác hơn so với các nhóm còn lại. Các đặc điểm tính cách này được hình thành từ nhiều yếu tố như di truyền, môi trường, bản năng, cách phản ứng với thế giới bên ngoài trong giai đoạn đầu đời.
Đến khoảng năm 15 tuổi khi bạn bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành, các nét tính cách này đã trở nên khá bền vững và khó thay đổi.
Type 1: Người cầu toàn (The Perfectionist)
Nhóm tính cách đầu tiên, hay còn gọi là Type 1, là những người sống vì lẽ phải, nguyên tắc và tự chủ. Họ luôn hướng tới phương châm sống liêm chính và theo chủ nghĩa hoàn hảo, tránh gây ra lỗi sai; và ghét bị hiểu nhầm, buộc tội.
Tuy nhiên, đôi lúc họ sống quá hoàn hảo đến mức bị chính cách sống đó “đập lưng ông”. Tính cách chu toàn khiến họ trở nên quá nghiêm khắc với người khác và chính bản thân họ.
- Điểm mạnh: quy củ, đáng tin tưởng, hết mình, luôn muốn giúp đỡ người khác và chính mình trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân
- Điểm yếu: hay phán xét, đôi lúc khá cứng nhắc, khó thoả hiệp
- Mục tiêu lớn nhất: làm một người tốt, trước sau như một
- Nỗi sợ thường gặp: mất đi sự liêm chính, bản chất ngay thẳng của bản thân
Type 2: Người giúp đỡ (The Helper)
Đặc điểm tính cách của Người giúp đỡ trong Enneagram là gì? Đúng như cái tên đã nói lên, những người thuộc Type 2 thích ra tay giúp đỡ người khác. Họ thường là “phao cứu trợ”, là người hỗ trợ tinh thần cho cả gia đình và bạn bè.
Những người giúp đỡ có thể cho đi nhiều đến mức quên mất nhu cầu và bỏ qua các giới hạn của bản thân.
Họ muốn được yêu quý và sợ bị người khác ghét bỏ, nên họ có thể làm bất cứ điều gì để có thể hoà nhập. Đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm bất lợi lớn nhất của nhóm người này.
- Điểm mạnh: biết quan tâm, biết cho đi mà không cần nhận lại, ấm áp, coi trọng các mối quan hệ và hành động giúp đỡ
- Điểm yếu: tập trung quá nhiều vào thứ người khác cần thay vì nhu cầu của bản thân mình
- Mục tiêu lớn nhất: được trân trọng và yêu quý
- Nỗi sợ thường gặp: cảm thấy không xứng đáng được yêu thương, bị ngó lơ
Type 3: Người tham vọng (The Achiever)
Nhóm 3 của Enneagram được gọi là “tham vọng” vì họ có mong muốn được thành công và có thể làm mọi thứ để đạt đến cái ngôi của danh vọng.
Thất bại là thứ họ bài xích bậc nhất. Họ không muốn là một người lạc lối và không có mục tiêu. Sự công nhận từ xã hội chính là động lực để họ đạt được thứ mình muốn.
Type 3 Enneagram có tài ngoại giao xuất sắc và ý thức về hình tượng cá nhân rất rõ ràng. Tuy nhiên, quan tâm quá mức tới ánh nhìn của người khác cũng chính là bất lợi cho họ.
- Điểm mạnh: dễ thích ứng với hoàn cảnh, làm việc gì cũng hiệu quả, biết chăm sóc bản thân
- Điểm yếu: nghĩ rằng giá trị của bản thân nằm ở những gì họ làm được và đạt được, thay vì bản chất con người của họ
- Mục tiêu lớn nhất: trở nên thành công, có giá trị và chỗ đứng nhất định
- Nỗi sợ lớn nhất: làm người khác thất vọng, bị coi là vô dụng và không quan trọng
Type 4: Người theo chủ nghĩa cá nhân (The Individualist)
Những người nhóm 4 còn được gọi với cái tên Người cá tính, bởi họ luôn muốn là một cái tên nổi bật và đặc biệt nhất có thể. Họ có ý thức mạnh mẽ về bản sắc cá nhân.
Với xu hướng muốn trở thành trung tâm, họ có tính cách khá thất thường và thường quan tâm đến cảm xúc của mình một cách thái quá.
- Điểm mạnh: sáng tạo, dễ cảm thông, đặc biệt, tiên phong, biết thể hiện bản thân
- Điểm yếu: cảm xúc thất thường, hay quan trọng hoá vấn đề, mong muốn được nhìn nhận và thấu hiểu quá cao
- Mục tiêu lớn nhất: là người “có một không hai”
- Nỗi sợ thường thấy: không có bản sắc riêng
Type 5: Người lý trí (The Investigator)
Nhóm 5 của trắc nghiệm Enneagram còn được gọi là Người điều tra, Giáo sư hoặc Tiến sĩ, vì họ có đam mê với học hành và tri thức. Họ luôn hướng tới tìm tòi về thế giới muôn màu và nghiên cứu về nhiều nguồn năng lượng bí ẩn.
Một đặc điểm nổi bật khác về tính cách của họ là họ sống khá kín đáo và thường cách ly với xã hội.
- Điểm mạnh: hiểu sâu biết rộng, tò mò, góc nhìn đa chiều, giỏi phân tích, đổi mới
- Điểm yếu: không giỏi thể hiện hay kết nối với cảm xúc, khá cô độc và thường tách biệt với người khác
- Mục tiêu lớn nhất: có trình độ cao, đa tài
- Nỗi sợ thường gặp: là người không có tài
Type 6: Người trung thành (The Loyalist)
Nhóm 6 là một trong các nhóm thường gặp nhất trong danh sách các Enneagram type. Họ trân trọng tình bạn và lòng trung thành, nhưng cũng hay tưởng tượng ra những viễn cảnh xấu nhất trong nhiều hoàn cảnh. Họ có xu hướng chuẩn bị tinh thần cho những việc họ nghĩ có thể xảy ra trong tương lai.
Mặc dù họ rất có trách nhiệm và là những người bạn, người thân cực kỳ trung thành, họ lại đa nghi và hay lo âu.
- Điểm mạnh: trung thành, thực tế, thông minh, lạc quan khi có khủng hoảng, luôn phòng bị trước
- Điểm yếu: hay lo lắng, dễ nghi hoặc bản thân
- Mục tiêu lớn nhất: cảm thấy được an toàn, quan tâm
- Nỗi sợ thường thấy: bị phản bội, không được an toàn
Type 7: Người nhiệt huyết (The Enthusiast)
Đặc điểm của nhóm 7 trong Enneagram là gì? Họ là những cá nhân lạc quan, vui vẻ, và dễ mến.
Nhóm 7 sống cho hiện tại và có thể hơi cảm tính. Họ không muốn bị trói buộc và luôn có nhiều năng lượng. Cũng vì không thích cảm giác bị tổn thương, họ có thể làm mọi thứ để khiến bản thân bận rộn và quên đi nỗi buồn.
- Điểm mạnh: ưa mạo hiểm, thích trải nghiệm, vui vẻ, lạc quan
- Điểm yếu: gặp khó khăn trong việc đặt ra giới hạn, có xu hướng “cố quá” để không trải qua cảm xúc tiêu cực
- Mục tiêu lớn nhất: được hạnh phúc, thoả mãn
- Nỗi sợ thường thấy: bị nuốt chửng bởi nỗi buồn, nỗi đau
Type 8: Người thách thức (The Challenger)
Đặc điểm rõ nhất của những người thuộc nhóm 8 là họ luôn muốn tỏ ra mạnh mẽ. Họ được đánh giá là những nhà lãnh đạo bẩm sinh với thiên hướng muốn chứng minh quyền lực của mình với người khác.
Tự tin, quyết đoán, và thẳng thắn, họ luôn biết mình muốn gì. Tuy nhiên, cũng bởi tính cách thống trị này mà nhiều người nhìn nhận họ là khá độc đoán và thích kiểm soát.
- Điểm mạnh: thẳng thắn, có trách nhiệm, tài lãnh đạo, giỏi bảo vệ người khác
- Điểm yếu: nhu cầu nắm quyền kiểm soát, muốn gì cũng phải có được
- Mục tiêu lớn nhất: làm người đầu tàu, bảo vệ bản thân và những người xung quanh
- Nỗi sợ thường thấy: bị kiểm soát
Type 9: Người ôn hoà (The Peacemaker)
Theo nghiên cứu của Truity và nhiều nguồn tin đáng tin cậy khác, nhóm 9 trong Enneagram có độ phổ biến cao nhất, vượt qua cả nhóm 6. Những người type 9 Enneagram thích sự hoà hợp và hoà bình.
Họ có xu hướng làm người giữ hoà khí và tránh mọi thể loại xung đột. Họ thường chọn cách ứng xử xuôi chèo mát mái và để người khác nắm quyền kiểm soát, miễn là mọi người đều cảm thấy vui vẻ.
- Điểm mạnh: dễ chịu, ôn hoà, dễ thích ứng, thân thiện
- Điểm yếu: dễ thoả hiệp quá mức, có thể bùng nổ nếu nhẫn nhịn quá lâu, bỏ quên nhu cầu bản thân
- Mục tiêu lớn nhất: sống yên bình, có sự cân bằng và ổn định trong cả đời sống tinh thần và ngoài xã hội
- Nỗi sợ thường thấy: gặp mâu thuẫn, bị cắt đứt mối quan hệ với người khác
Wing trong Enneagram
Bên cạnh các nhóm tính cách trên, “wing” là một cách khác giúp phân biệt rõ các nhóm người trong Enneagram hơn. Vai trò của wing trong Enneagram test là gì?
Tính tuyệt đối là điều hiếm gặp, đặc biệt là về mặt tâm lý học. Trong bản đồ sao các cung hoàng đạo, bạn có thể là một Song Ngư nhưng vẫn lai các nét tính cách các cung gần nhất, ví dụ như Bảo Bình hoặc Bạch Dương. Vậy Enneagram cũng tương tự.
Trong hệ thống Enneagram, “Wing” có nghĩa là bạn bị ảnh hưởng bởi một hoặc hai Type liền kề với nhóm tính cách cơ bản của bạn. Wing (Cánh) vừa có thể hỗ trợ vừa có thể mâu thuẫn với nhóm cơ bản bạn sở hữu.
Ví dụ: Nếu tính cách cơ bản của bạn là Loại 4 thì bạn sẽ có Cánh 3 (4w3) hoặc 5 (4w5). Trường hợp này, nhóm 4 bị ảnh hưởng bởi Wing 3 sẽ có xu hướng chú ý tới hình tượng của bản thân hơn, trong khi cuộc sống của 4w5 lại xoay quanh tri thức và các yếu tố học thuật.
Theo chuyên gia Enneagram – Funlola Fagbohun,
“Wing trong Enneagram có ảnh hưởng lớn tới cách tính cách của bạn và có vai trò quan trọng không kém nhóm tính cách cơ bản. Wing mang tới nhiều chiều sâu và bản sắc hơn tới tính cách của bạn, và tuỳ vào từng wing mà mỗi người lại có nét đặc điểm khác nhau.”
Vì vậy, không chỉ tìm ra “nhà chính” của bạn, hãy tìm hiểu cả các wing chính để có thể có cái nhìn sâu hơn về bản thân mình.
Và nếu bạn cảm thấy mình có sự pha trộn từ cả hai cánh, rất có thể bạn đã tìm được sự cân bằng giữa cả mặt tối và sáng mà các wing sở hữu.
Enneagram và MBTI có mối liên hệ mật thiết?
Không ít nghiên cứu đã chỉ ra rằng trắc nghiệm MBTI và Enneagram có mối liên trong việc hình thành tính cách của con người.
Enneagram chỉ ra mục tiêu, đích đến của chúng ta; cũng như động lực, nỗi sợ và tham vọng của mỗi người.
MBTI thì chỉ ra phương tiện, xu hướng hành động của mỗi người để đạt được những mục tiêu nhất định, chẳng hạn như cách ta cố gắng đạt được ước mơ.
Mỗi nhóm MBTI sẽ có mối liên hệ nhất định với một loại Enneagram nào đó. Theo nghiên cứu của Typology Wiki, chúng ta có thể tham khảo các cặp sau:
- Enneagram nhóm 1 – ISTJ
- Enneagram nhóm 2 – ENFJ
- Enneagram nhóm 3 – ESTP
- Enneagram nhóm 4 – INFP
- Enneagram nhóm 5 – INTP
- Enneagram nhóm 6 – ISFJ, ISTJ
- Enneagram nhóm 7 – ENFP, ENTP
- Enneagram nhóm 8 – ENTJ, ESTJ
- Enneagram nhóm 9 – ISFP
Tất nhiên, các số liệu này không phải lúc nào cũng rập khuôn. Việc nhóm MBTI và Enneagram của bạn không tương đồng như những gì các nghiên cứu minh chứng hoàn toàn có thể xảy ra.
Cách xác định Enneagram của bản thân
Cách tốt nhất để biết bạn thuộc về nhóm tính cách nào trong Enneagram là thử nghiệm qua các bài trắc nghiệm. Một số bài Enneagram test phổ biến là Integrative Enneagram Questionnaire (iEQ9), Riso-Hudson Enneagram Type Indicator (RHETI), hoặc Quick Enneagram Sorting Test (QUEST).
Bạn có thể làm trắc nghiệm Enneagram tại đây!
Tạm kết
Hy vọng qua bài viết của Glints, bạn đã có thể hiểu rõ hơn về Enneagram là gì cũng như có thể phần nào hiểu hơn về bản thân. Bạn hoàn toàn có thể hướng nghiệp cùng Enneagram, tương tự như MBTI và các trắc nghiệm khác.
Đừng quên đón đọc các bài viết hữu ích khác của Glints Việt Nam nhé!
Tác Giả