EVFTA là gì?
EVFTA (viết tắt của từ tiếng Anh: European-Vietnam Free Trade Agreement) là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam.
Hiệp định EVFTA là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU.
Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, Hiệp định thương mại tự do (FTA) này có thể thúc đẩy nền kinh tế bùng nổ của Việt Nam lên tới 15% GDP, giúp tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng hơn một phần ba. Đối với EU, thỏa thuận này là bước đệm quan trọng cho một thỏa thuận thương mại lớn hơn với các quốc gia ASEAN.
Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Ngày 26/6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. 8/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.
Hai Hiệp định đã được ký kết vào 30/6/2019. Ngày 21/1/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) thông qua Hiệp định, Nghị viện châu Âu ngày 12/2/2020 chính thức thông qua cả hai hiệp định.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.
Bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của Việt Nam với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới. Đặc biệt, việc Hiệp định được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có vai trò rất lớn của Quốc hội Việt Nam với việc ban hành các văn bản pháp luật cũng như tiến hành các hoạt động ngoại giao cần thiết và kịp thời để xử lý những vấn đề mà EU quan tâm.
Tác động của Hiệp định EVFTA đến kinh tế Việt Nam
Thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn, dài hạn.
Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định EVFTA có tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. Cụ thể:
1. Tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tác động của EVFTA, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước… tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
2. Tác động đến thương mại (xuất nhập khẩu)
Tham gia Hiệp định EVFTA sẽ tác động mạnh đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Châu Âu (EU) tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Xuất khẩu của một số ngành sang thị trường EU được dự báo tăng mạnh như: Nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%); nhóm ngành sản xuất: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%); Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%)… Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường EU cũng tăng mạnh, khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam tăng trung bình 4,36-7,27% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 10,63-15,4% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 16,41-21,66% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%). Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.
3. Tác động đến ngân sách nhà nước (NSNN)
Cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu NSNN, cụ thể: Giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu; Tăng thu NSNN do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Dự kiến, tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định EVFTA là 2.537,3 tỷ đồng.
Mặt khác, thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Số thu sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng. Như vậy, lợi ích của Hiệp định EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.
4. Tác động tới đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi EVFTA thực thi, Việt Nam kỳ vọng có nhiều đổi mới và thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.
Mặt khác, các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Hiệp định EVFTA cũng mở ra kỳ vọng nâng cao chất lượng đầu tư vào Việt Nam từ các đối tác có nguồn gốc là các nước phát triển do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam. Theo đó, cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng. Dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thế mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
5. Tác động thay đổi pháp luật, thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Hiệp định EVFTA là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế-pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các giao dịch xuyên quốc gia, các loại hình dịch vụ cung cấp qua biên giới.
Những điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật để phù hợp với Hiệp định EVFTA trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ cũng sẽ góp phần giúp các DN được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Đây là động lực để các DN tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
Xem thêm bài viết liên quan trên Phaata:
- Những điều cần biết về Hiệp định EVFTA tại Việt Nam
- Hiệp định EVFTA và những dự báo từ thị trường xuất nhập khẩu Châu Âu
- Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng tăng từ ngày 1 tháng 8 khi EVFTA có hiệu lực
- Xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối năm 2020 với nhiều kỳ vọng từ EVFTA
Phaata
Tài liệu tham khảo:
“Việt Nam – EU (EVFTA)”. TT WTO. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2020.
“Ủy ban Thương mại EU thông qua Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam – EVFTA”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2020.
“Những điều cần biết về Hiệp định EVFTA”. Bộ Công Thương. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2020.
“Tác động của Hiệp định EVFTA đến kinh tế Việt Nam và một số giải pháp đề xuất”. Tạp chí tài chính. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2020