Tỷ giá hối đoái (Exchange rate)
Định nghĩa
Tỷ giá hối đoái trong tiếng Anh là Exchange rate. Tỷ giá hối đoái được hiểu là giá cả của một đồng tiền được biểu hiện thông qua một đồng tiền khác.
Phân loại
* Theo cách xác định tỷ giá
– Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: là tỷ giá hối đoái được xác định không xét đến tương quan lạm phát giữa hai nước.
– Tỷ giá hối đoái thực là tỷ giá hối đoái được xác định có tính đến tương quan lạm phát giữa hai nước.
* Dựa vào hình thức ngoại tệ mua bán
– Tỷ giá tiền mặt là tỷ giá dùng để tiến hành giao dịch mua bán ngoại tệ tiền mặt.
– Tỷ giá chuyển khoản là tỷ giá áp dụng trong các giao dịch mua bán ngoại tệ chuyển khoản.
* Dựa vào thời điểm mua bán ngoại tệ
– Tỷ giá mở cửa là tỷ giá áp dụng khi thực hiện mua, bán món ngoại tệ đầu tiên vào giờ đầu giao dịch trong ngày trên các thị trường hối đoái.
– Tỷ giá đóng cửa là tỷ giá áp dụng khi mua, bán món ngoại tệ cuối cùng trong ngày giao dịch trên các thị trường hối đoái.
* Dựa vào phương thức mua bán, giao nhận ngoại tệ
– Tỷ giá giao ngay (Spot exchange rate) là tỷ giá mua bán ngoại tệ mà việc giao nhận ngoại tệ được thực hiện sau hai ngày làm việc tính từ thời điểm giao dịch.
– Tỷ giá kì hạn (Forward exchange rate) là tỷ giá mua bán ngoại tệ mà việc giao nhận ngoại tệ được thực hiện sau một khoảng thời gian nhất định tính từ thời điểm giao dịch.
* Dựa vào nghiệp vụ mua bán ngoại tệ của ngân hàng
– Tỷ giá mua (Buying rate): là tỷ giá ngân hàng dùng để mua ngoại tệ của khách hàng hay tỷ giá khách hàng bán ngoại tệ cho ngân hàng.
– Tỷ giá bán (Selling rate): là tỷ giá ngân hàng dùng để bán ngoại tệ cho khách hàng hay là tỷ giá khách hàng mua ngoại tệ của ngân hàng.
* Dựa vào chế độ quản lí ngoại hối
– Tỷ giá chính thức: là tỷ giá do Nhà nước công bố.
– Tỷ giá kinh doanh: là tỷ giá dùng để mua bán ngoại tệ.
– Tỷ giá chợ đen: tỷ giá này hình thành từ các hoạt động mua bán ngoại tệ, ngoại hối lén lút để tránh sự kiểm soát của Nhà nước.
Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái
– Là một phạm trù kinh tế phức tạp và nhạy cảm, tỷ giá hối đoái thường xuyên biến động. Sự biến động đó do tác động của những nhân tố sau đây:
+ Sự tăng trường hay suy thoái của nền kinh tế
+ Tỉ lệ lạm phát của nền kinh tế
+ Hiện trạng cán cân thanh toán quốc tế
+ Mức chênh lệch lãi suất
+ Các nhân tố khác
Vai trò của tỷ giá hối đoái
– Đối với quan hệ thương mại và tài chính quốc tế:
Tỷ giá hối đoái là cơ sở để lượng hóa giá trị xuất nhập khẩu của hàng hóa.
– Đối với các cơ quan quản lí vĩ mô:
Tỷ giá hối đoái là cơ sở để thực hiện chính sách tỷ giá và chính sách thương mại quốc tế.
– Đối với các cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế:
Tỷ giá hối đoái là cơ sở để xác định hoạt động kinh doanh lãi hay lỗ và để dự báo dự trữ ngoại hối cho hoạt động xuất nhập khẩu.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính tiền tệ, NXB Tài chính)