Hầu hết mọi gia đình đều sử dụng khí gas. Khí gas cũng được xem là loại nhiên liệu sạch, ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách. Tiếp nối chuỗi bài viết về chất khí là gì, hãy cùng tìm hiểu chi tiết dưới đây về thành phần chính của khí gas, cấu tạo để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình mình nhé!
1. Khí gas là gì?
Khí gas là gì? Khí gas là hỗn hợp chất khí cháy được, bao gồm phần lớn các hydrocacbon (hợp chất hóa học chứa cacbon và hydro). Khí gas thường tìm thấy cùng với các mỏ dầu ở trong vỏ Trái Đất, được khai thác và tinh lọc thành nhiên liệu cung cấp cho khoảng 25% nguồn cung năng lượng thế giới.
Hoặc là kết quả của quá trình chưng cất công phu các loại dầu thô, từ những nhà máy hoạt động sản xuất lọc dầu. Khí gas còn được biết đến với tên chuyên môn là “Khí dầu mỏ hóa lỏng” hay “khí hóa lỏng”. Tên tiếng anh của khí gas là Liquefied Petroleum Gas – LPG.
Khí gas được gọi với cái tên khác là khí dầu mỏ hóa lỏng là do chúng có thể được hóa lỏng ở nhiệt độ bình thường bằng cách gia tăng áp suất vừa phải hoặc ở mức bình thường bằng việc làm lạnh chất khí để làm giảm nhiệt độ.
Khí gas không màu, không mùi và rất độc khi hít phải. Do khí gas không có mùi nên trong quá trình sản xuất, các nhà sản xuất phải thêm mùi vào khí gas để người sử dụng có thể nhận biết và phòng tránh.
Thật chất, khí gas an toàn cho môi trường hơn với than đá và dầu mỏ vì sản sinh ra ít khí nhà kính. Mùi mà nhà sản xuất trộn vào khí gas có mùi nồng, khó chịu để nhận biết rò rỉ khí gas và xử lý kịp thời.
Khí gas là gì?
2. Hiện tượng khí gas hóa lỏng
Khí gas tồn tại ở thể khí. Để thuận tiện trong vận chuyển, khí Gas được nén lại dưới áp suất cao chuyển sang thể lỏng. 1 kg thể lỏng ở trong bình, khi thoát ra ngoài tạo thành 250 lít thể khí.
Khi chuyển hóa từ thể lỏng sang thể khí, Gas sẽ thu nhiệt từ bên trong LPG lỏng và môi trường ngoài. Điều này giải thích tại sao khi sử dụng chai (bình) gas sẽ bị lạnh và nếu sử dụng quá nhiều, trên bề mặt (chai) bình gas có thể bị đọng nước hoặc đóng tuyết, thậm chí đóng băng.
Nhiệt độ ngọn lửa cháy gas là khoảng 1925°c, sinh ra nhiệt lượng lớn, bức xạ nhiệt cao, nhanh chóng nung nóng không khí xung quanh. Dưới tác động nhiệt, áp suất của các thiết bị chứa gas sẽ tăng lên, dễ dẫn đến nổ và bùng phát thành vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.
Vậy thành phần chính của khí gas gồm những gì? Cùng tiếp tục tìm hiểu ở phần tiếp theo bạn nhé!
3. Thành phần cấu tạo của khí gas là gì?
Khí gas là hỗn hợp của các chất Hydrocacbon, trong đó thành phần của khí gas chủ yếu là khí Propane (C3H8), Butane (C4H10) và một số thành phần khác. Khí gas tồn tại trong thiên nhiên ở các giếng dầu hoặc giếng gas và cũng có thể sản xuất ở các nhà máy lọc dầu.
Thành phần khí gas – Propane sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ hoạt động trong những môi trường khắc nghiệt như: nhiệt độ thấp, áp suất cao. Còn Butane làm nhiên liệu đòi hỏi sự bay hơi của bình.
Chính vì vậy mà hỗn hợp Propane và Butane thích hợp cho việc chế biến thành khí đốt dân dụng, phù hợp với các môi trường, các điều kiện sinh hoạt cụ thể.
Tỷ lệ pha trộn của Propan:Butan trong khí ga thông thường là 30:70, 40:60, 50:50.
4. Những đặc tính cơ bản của khí gas?
Khí gas có những đặc tính cơ bản:
- Không màu.
- Không mùi. Trong thực tế khí gas có mùi là do nhà sản xuất pha trộn thêm mùi đặc trưng để dễ phát hiện khi gặp sự cố rò rỉ gas
- Dễ cháy.
- Nặng hơn không khí.
- Màu sắc: dưới dạng lỏng gas không có màu, dưới dạng hơi gas có màu sáng trắng.
- Là loại khí đốt sạch do hàm lượng lưu huỳnh gần như không đáng kể (dưới 0,02%) nên gần như không độc hại. Tuy vậy nếu hít phải một lượng lớn có thể bị ngất. Nguyên nhân do hơi gas nặng hơn không khí chiếm thể tích oxy của không khí khiến hàm lượng oxy nhỏ hơn 9%
- So với xăng, dầu, điện thì gas rẻ hơn, thân thiện với môi trường hơn vì vậy gas được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hiện nay.
- Khí gas nặng hơn không khí nên khi thoát khỏi dụng cụ chứa, gas dễ tích tụ ở những vị trí trũng dễ gây cháy nổ.
5. Những ứng dụng khí gas trong đời sống
- Ứng dụng của khí gas trong việc nấu ăn hàng ngày trong các hộ gia đình.
- Sử dụng gas cho các nhà hàng, quán ăn, khách sạn..như sưởi ấm và cung cấp nhiên liệu đun nước nóng, sưởi ấm hệ thống hồ bơi, vận hành máy phát điện…
- Ứng dụng của khí gas trong công nghiệp: gia công kim loại, nấu và gia công thủy tinh, hàn cắt thép, lò nung sản phẩm silicat, khử trùng đồ hộp, đốt rác, sấy màng sơn,…
- Ứng dụng của khí gas trong nông nghiệp: sản xuất thức ăn gia súc, chế biến, sấy nông sản, thuốc lá, ngũ cốc, đốt cỏ…
- Ứng dụng của khí gas cho nhà máy phát điện, dùng làm năng lượng chạy các tuabin để sản xuất ra điện, phục vụ cho các ngành công nghiệp.
- Gas được sử dụng trong công nghiệp hoá dầu để sản xuất dầu nhờn.
- Trong công nghiệp hóa học, gas được dùng để chế tạo ra polyvinyl clorua, polyethylene…
- Sử dụng gas trong giao thông. Động cơ chạy bằng gas cũng làm giảm đáng kể sự thoát khí ở xe tải, xe du lịch, xe taxi,… Ở một số nước phát triển, người ta đã dùng khí gas hoá lỏng thay xăng để hạn chế tính độc hại và ô nhiễm môi trường
6. Quy trình sản xuất khí gas như nào?
Nguyên liệu ban đầu dùng để sản xuất khí gas là dòng khí thiên nhiên khai thác từ các mỏ dầu hoặc qua quá trình xử lý dầu thô để thu được. Về cơ bản, quy trình sản xuất gồm các bước sau:
Làm sạch khí: loại bỏ các tạp chất bằng phương pháp lắng, lọc… Sau khi loại bỏ các tạp chất, khí nguyên liệu còn lại chủ yếu là các hydrocacbon như etan, propan, butan…
Tách khí: hỗn hợp khí nguyên liệu cần được tách riêng từng khí để sử dụng và pha trộn cho từng mục đích sử dụng khác nhau. Có thể dùng các phương pháp tách khí như phương pháp nén, hấp thụ, làm lạnh từng bậc, làm lạnh bằng giãn nở khí…
Pha trộn: các khí thu được riêng biệt lại được pha trộn theo các tỷ lệ thể tích khác nhau tùy theo yêu cầu. Hiện nay trên thị trường Việt Nam có khá nhiều loại khí gas khác nhau do các hãng cung cấp với các tỷ lệ propan: butan là 30:70, 40:60, 50:50… Đối với khí gas có tỷ lệ 30:70 và 40:60 thường được sử dụng trong sinh hoạt. Còn tỷ lệ pha trộn 50:50 thường được sử dụng làm nguyên liệu trong các ngành công nghiệp.
7. Khí gas có độc không?
Gas là chất khí không mùi, không màu, nhưng chúng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe như:
- Ảnh hưởng trực tiếp đến mắt:
Khi gas tồn tại ở thể chất khí, chúng không gây ảnh hưởng cho mắt. Nhưng khi ở dạng lỏng gas có thể đóng băng khiến mắt bị mù tại chỗ nếu chất lỏng của gas dính ở mắt quá nhiều.
- Ảnh hưởng đến da:
Khi gas ở thể lỏng, chúng có thể làm da bị tình trạng bỏng lạnh. Nếu nhẹ người bị thương chỉ thấy nhói, ngừa và tê cóng tại vùng da bỏng. Nhưng khi nặng, chỗ bị bỏng thường đau rát, phồng rộp, dễ dẫn đến hoại tử.
- Ảnh hưởng đến hô hấp:
Khi chúng tồn tại ở nồng độ là 0,1%, thì khí gas không hề gây ra bất kỳ nguy hiểm nào, bởi chúng không độc hại. Tuy nhiên, khí gas là chất gây ngạt. Nếu nồng độ gas quá cao có thể chiếm chỗ của oxy trong không khí và gây ngạt. Các triệu chứng thiếu khí oxy biểu hiện như sau: thở gấp, cảm giác mệt mỏi bất thường, rối loạn cảm xúc, nôn ói và mất khả năng tự chủ, co giật và suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.
- Tìm năng cháy nổ cực kỳ cao:
Khi khí gas thoát ra ngoài môi trường, chúng rất khó bảo quản do chuyển hóa dạng khí nhanh chóng của gas. Gặp điều kiện môi trường có khả năng bắt lửa cao đã có thể gây ra trận cháy nổ bình thường.
8. Sơ cứu người bị ngộ độc khí gas
Trong trường hợp bị ngộ độc khí gas, phải nhanh chóng thực hiện các bước sau để sơ cứu cấp tốc tránh trường hợp xấu nhất xảy ra:
- Hít một hơi thật sâu, nín thở rồi chạy vào phòng, nhanh chóng đóng van bình gas và mở hết cửa sổ để không khí thoát ra bên ngoài nhằm làm giảm nồng độ gas, làm sạch không khí.
- Nhanh chóng chạy ra ngoài lấy không khí, sau đó tiếp tục vào phòng đưa người trúng độc ra ngoài. Kiểm tra mạch và tình trạng thở của nạn nhân. Nếu nạn nhân hết mạch và ngừng thở, bạn cần khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo để phục hồi tình trạng chức năng của tim và phổi.
- Nếu nạn nhân còn tỉnh, nên cho họ nằm yên tĩnh để nghỉ ngơi, tránh cử động chân tay làm giảm oxy và năng lượng không cần thiết.
- Sau khi sơ cứu nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến trung tâm y tế gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu để được cấp cứu kịp thời.
- Nếu có bình thở oxy thì bạn hãy cho người bị trúng độc thở bằng bình oxy với lưu lượng 10 lít/phút cho tới khi có nhân viên cấp cứu đến.
9. Cách điều trị ngộ độc khí gas
Người phát hiện ra nạn nhân cần khẩn trương làm những việc sau theo trình tự:
- Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt (lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu).
- Nhanh chóng gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115.
- Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở: thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo. Nếu bệnh nhân không tỉnh đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn.
- Sau đó vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Một số phương pháp được sử dụng trong bệnh viện để điều trị ngạt thở khí gas như sau:
- Thở oxy tinh khiết: Liệu pháp này làm tăng lượng oxy hòa tan trong máu và giúp cung cấp oxy đến các cơ quan hoặc mô.
- Liệu pháp buồng oxy cao áp: Liệu pháp này sử dụng một buồng kín hoàn toàn chứa đầy oxy nguyên chất ở áp suất cao hoặc nồng độ cao gấp 2 – 3 lần của bệnh nhân. Liệu pháp oxy cao áp làm tăng lượng oxy trong máu người bệnh, tạm thời khôi phục mức độ bình thường của khí máu và chức năng mô để thúc đẩy quá trình chữa lành cũng như chống nhiễm trùng.
Xem thêm:
- Tính chất của khí Hydro có đặc điểm như thế nào?
- Khí argon là khí gì? Công thức hóa học là gì?
- Tính chất hóa học của benzen mà bạn nên biết.
- Khí CO2 là gì? Tính chất, ứng dụng & vai trò của CO2 trong đời sống và công nghiệp
- Ứng dụng của axetilen vào đời sống hiện nay?
10. Sử dụng gas an toàn khi đun nấu
Chọn mua bếp gas
- Mua và sử dụng bếp gas, bình gas và các phụ kiện bếp gas chính hãng, xuất xứ rõ ràng, có tem niêm phong chính hãng.
Cách lắp bếp ga
- Đặt bình gas thẳng đứng, không dự trữ bình gas trong nhà.
- Bình gas đặt thấp hơn bếp để lưu thông tốt và tránh đọng gas dưới đáy bình khi sử dụng gần hết.
- Bình gas để cách xa bếp hay các nguồn nhiệt, tia lửa điện khoảng 1.5m.
- Không nên đặt bình gas trong tủ kín vì không phát hiện được mùi khí gas bị rò rỉ.
- Trong quá trình nhân viên lắp đặt bình gas cần chú ý giám sát xem họ làm đúng quy trình không, kiểm tra ngọn lửa, tắt bật bếp để xem van có kín không.
Trong quá trình sử dụng
- Bình gas nên đặt thẳng đứng, thoáng khí. Khi thay bình gas cần nhờ nhân viên thay gas kiểm tra van gas, dây… xem khí gas có bị rò rỉ không.
- Khi đun nấu xong phải khóa van gas, khi đun nấu phải trông coi, không để các vật dễ cháy gần bếp gas.
- Nếu phát hiện ra khí gas bị rò rỉ thì phải khóa ngay bình gas, tắt bếp, không bật điện, mở hết cửa cho thoáng và tìm nguyên nhân do đâu mà khí gas bị rò rỉ.
Kiểm tra định kỳ
- Kiểm tra bình gas 6 tháng đến 1 năm một lần. Khoảng 2 – 3 năm nên thay thế dây dẫn gas và 5 năm đối với van điều áp.
- Không nên dùng bếp gas quá cũ, rỉ sét làm tắc nghẽn ống dẫn ga, van ga dẫn đến rò rỉ khí gas gây cháy nổ.
Với nhiều ưu điểm như sạch, an toàn, chi phí phải chăng so với các nhiên liệu truyền thống, gas trở thành khí đốt được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng gas tại mỗi gia đình, mỗi người đều cần được trang bị những kiến thức cần thiết về khí gas. Hy vọng bài viết trên đây là hữu ích với bạn.