Bắc Cực và Nam Cực tuy là hai môi trường tương đồng ở một số mặt, nhưng lại là nơi sinh sống của những sinh vật khác nhau. Cả hai cực đều là nơi sống của nhiều loài hải cẩu và cá voi, nhưng chỉ có Bắc Cực là “ngôi nhà” của loài gấu lớn nhất Trái Đất, gấu Bắc Cực.
Gấu Bắc Cực (tên khoa học: Ursus maritimus) sinh sống xung quanh Vòng Bắc Cực ở Alaska, Canada, Greenland, Na Uy, Nga và đôi khi là Iceland. Bộ lông trắng của gấu Bắc Cực đặc biệt thích hợp với nhiệt độ có thể xuống dưới âm 30 độ C. Phần lớn cuộc đời, chúng sống trên băng, thức ăn ưa thích của gấu Bắc Cực là hải cẩu vì loài động vật này giàu chất béo, giúp chúng nạp năng lượng trong thời gian dài trước khi có thể săn được bữa ăn tiếp theo.
Thức ăn ưa thích của gấu Bắc Cực là hải cẩu
Nam Cực cũng có biển băng, nhiệt độ lạnh và hải cẩu. Vậy tại sao không có bất kỳ loài gấu trắng nào trên lục địa cực nam?
Câu trả lời liên quan đến sự tiến hóa và lịch sử địa chất của Trái Đất.
Đôi khi, sự dịch chuyển của vùng đất tạo nên sự hỗn loạn giữa các loài khác nhau. Sự kiện giao thoa sinh học lớn của Mỹ là một ví dụ nổi bật về điều này. Các mảng kiến tạo đã đẩy Bắc Mỹ và Nam Mỹ lại gần nhau, và các loài từ mỗi lục địa gặp nhau tại Trung Mỹ. Nam Mỹ đã tiếp nhận nhiều loài động vật mới, bao gồm cả những loài săn mồi như gấu và mèo lớn, trong khi Bắc Mỹ tiếp nhận những loài như lười đất và họ hàng cổ đại của armadillo là glyptodont.
Sự kiện giao thoa sinh học lớn của Mỹ
Tuy nhiên, Andrew Derocher, giáo sư sinh học tại Đại học Alberta ở Canada, người đã nghiên cứu về gấu Bắc Cực trong gần 40 năm, cho biết: “Gấu phần lớn là một loài ở Bắc bán cầu. Ngoài gấu mặt ngắn Andean (tên khoa học: Tremarctos ornatus) của Nam Mỹ, gấu chỉ xuất hiện ở Bắc bán cầu. Không có lý do cụ thể cho việc này, chỉ là một số loài tiến hóa ở một số nơi và số khác thì không”. Derocher nói: “Địa lý sinh học đầy những điều kỳ quặc. Có những loài đến được nơi mới, và những loài không thể”.
Đặc biệt, đối với loài gấu Bắc Cực, trong lịch sử tiến hóa của chúng chưa từng có lần nào hai cực Bắc và Nam được nối với nhau bằng băng hoặc đất.
Mọi người thường nói gấu Bắc Cực là “loài ăn thịt trên mặt đất lớn nhất thế giới, nhưng chúng gần như không sống trên đất liền”, Derocher cho biết. Những con gấu này sống trên biển băng gần như cả đời, chỉ thỉnh thoảng lên bờ để sinh sản.
Những con gấu Bắc Cực sống trên biển băng gần như cả đời, chỉ thỉnh thoảng lên bờ để sinh sản.
Về mặt tiến hóa, gấu Bắc cực là một loài tương đối trẻ. Chúng tiến hóa từ tổ tiên chung của loài gấu nâu (Ursus arctos) vào khoảng từ 5 triệu đến 500.000 năm trước, Derocher cho biết. Nhưng thậm chí từ 5 triệu năm trước, các lục địa đã ở vị trí tương tự như ngày nay, vì vậy gấu Bắc Cực không bao giờ có cơ hội đi từ cực này sang cực khác.
Vùng đất gần nhất với Nam Cực là mũi phía nam của Nam Mỹ, bao gồm Chile và Argentina. Để đến Nam Cực, gấu Bắc Cực sẽ phải vượt qua eo biển Drake Passage đầy nguy hiểm. Khu vực này cũng được biết đến với những cơn bão mạnh và biển động vì nước lạnh từ phía nam gặp nước ấm từ phía bắc.
Câu hỏi cuối cùng là nếu bằng cách nào đó, gấu Bắc Cực có cơ hội đến được Nam Cực, liệu chúng có sống sót không?
Theo Derocher, câu trả lời rất đơn giản: “Chúng sẽ sống vui vẻ ở Nam Cực.”
Nam Cực được cho là môi trường sống tuyệt vời đối với gấu Bắc Cực
Ở Bắc Cực, gấu trắng ăn hải cẩu và thỉnh thoảng là chim hoặc trứng. Nam Cực cũng có nhiều loài tương tự, với sáu loài hải cẩu và năm loài chim cánh cụt. Thêm vào đó, không có loài động vật nào ở Nam Cực tiến hóa để cảnh giác với những kẻ săn mồi lớn, linh động trên mặt băng như gấu. Nam Cực có thể trở thành bữa đại tiệc cho loài gấu trắng nếu chúng được đưa đến đây, đó là lý do tại sao không ai có kế hoạch đưa gấu Bắc Cực đến Nam Cực.
Sự háu ăn của chúng, kết hợp với sự thiếu hiểu biết của các loài động vật bản địa đối với những kẻ săn mồi lớn trên cạn, có thể dẫn đến sụp đổ sinh thái. Sau cùng, tốt nhất là loài gấu trắng to lớn này chỉ nên sống tại Bắc Cực, nơi hệ sinh thái động vật đã tiến hóa để thích nghi với sự có mặt của chúng.
Tham khảo: LiveScience
Ryankog