Huyện Giao Thủy
Giao Thủy là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định, nơi sông Hồng đổ ra biển qua cửa Ba Lạt. Trải qua mấy trăm năm, mảnh đất này đã được hình thành từ phù sa mầu mỡ của sông Hồng và dưới bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của bao thế hệ người dân Giao Thủy cùng với lòng quả cảm, kiên cường trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, quê hương Giao Thủy đã không ngừng đổi thay và phát triển ngày càng rạng rỡ.
Huyện Giao Thủy nằm ở cực Đông của tỉnh Nam Định, phía Đông và Đông Nam giáp với biển Đông Việt Nam, với chiều dài 32km bờ biển. Phía Tây Bắc giáp với huyện Xuân Trường, phía Tây Nam giáp với huyện Hải Hậu, ranh giới giữa hai huyện là con sông Sò phân lưu của sông Hồng với chiều dài 18,7 km. Phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Thái Bình mà ranh giới là sông Hồng chảy qua địa phận huyện Giao Thủy là 11,4km (chính Bắc là huyện Kiến Xương, Đông Bắc là huyện Tiền Hải). Cực Đông là cửa Ba Lạt của sông Hồng, cực Nam là thị trấn Quất Lâm. Diện tích tự nhiên 232,1 km2. Dân số toàn huyện năm 2010 là 189.660 người. Nằm ở phía hạ lưu sông Hồng, hàng năm nhận được một lượng phù sa rất lớn tạo nên những vùng đất bồi mới với hàng ngàn hecta khá bằng phẳng tiến ra biển Đông. Theo dòng thời gian mỗi khi lớp đất bồi nền đã vững chắc, ông cha ta lại quai đê, lấn biển.
Trước thế kỷ XV, mảnh đất Giao Thủy ngày nay còn là vùng sình lầy chưa được khai phá. Theo cuốn “Hòe Nha lục”: năm 1428, sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược, triều đình nhà Lê khuyến khích khai hoang lấn biển. Vào thời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Dinh Niên thứ 3 (1456), có dòng họ Nguyễn từ làng Hòe Nha ở phía Bắc thành phố Nam Định xuống đây khai hoang, lập ấp mới và cũng lấy tên làng cũ là Hòe Nha để đặt cho ấp mới. Về sau các dòng họ Hoàng, Lê, Phạm, Vũ, Từ, Trịnh…tiếp tục xuống khai hoang mở rộng làng ấp và đổi tên làng Hòe Nha thành làng Hoành Nha (xã Giao Tiến ngày nay).
Khi “Ba Lạt chưa phá hội”, sông Hồng Hà chảy qua cửa Hà Lạn ra biển Đông, thì đất Giao Thuỷ còn nằm ở tả ngạn sông Hồng Hà. Qua quá trình biến đổi và vận động của tự nhiên, đến triều Lê năm Bính Ngọ (1787) xảy ra “Ba Lạt phá hội”. Theo phả tộc họ Nguyễn ấp Hoành Nha (Giao Tiến) và di ngôn truyền lại rằng: trước khi “Ba Lạt phá hội”, Ba Lạt chỉ là con lạch nhỏ, người từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ cần qua một chiếc cầu tre buộc bằng ba cái lạt. Khi “Ba Lạt phá hội”, mảnh đất Giao Thuỷ biến đổi từ tả ngạn sang hữu ngạn sông Hồng Hà, cửa Ba Lạt ngày một rộng ra, cửa Hà Lạn ngày một bị thu hẹp lại. Từ khi “Ba Lạt phá hội” (1787), mảnh đất mới đã được hình thành. Dưới triều Hậu Lê, triều đình xuống chiếu cho dân khai khẩn vùng đất này để mở rộng bờ cõi ra phía biển Đông. Những người có thế lực lúc đó chiêu mộ nhân dân các nơi từ Hải Dương, Thanh Hoá, Sơn Tây và nhiều nơi khác nữa lần lượt đến quai đê, lấn biển khai khẩn lập nên các làng xã đầu tiên là: Hoành Nha, Hoành Nhất (sau đổi tên là làng Hoành Đông), Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, tiếp đến là các làng Khắc Nhất, Ngưỡng Nhân, Duyên Thọ, Tiên Chưởng, Sa Châu, Thanh Khiết, Đan Phượng, Văn Trì, Quất Lâm.
Đến triều vua Minh Mạng (1820- 1840), triều đình đặt chức quan Doanh điền sứ và cho khai khẩn vùng đất mới bồi ở Nam Định- Thái Bình mà cụ Nguyễn Công Trứ là người chịu trách nhiệm thực hiện, cụ cho người các nơi đến khai khẩn lập nên các làng xã Du Hiếu, Mộc Đức, Thức Hoá, Bỉnh Ri, Tồn Thành, Địch Giáo, Quân Lợi, Duy Tắc, Thúy Rĩnh, Hiệt Củ, Đắc Sở.
Dưới triều Thiệu Trị (1841-1847), cụ Đặng Xuân Cát Tiên Công cùng 13 cộng sự chiêu mộ dân nghèo các nơi đến khai khẩn lập nên xã Thanh Nhang (để tỏ lòng tri ân nhân dân lập đền thờ các cụ ở xóm Thanh An- Giao Thanh).
Triều Tự Đức năm thứ 7 (1858), một số người làng Hành Thiện kết hợp với một số người gốc Giao Thuỷ nhờ cụ Đặng Kim Toán (người làng Hành Thiện) là tổng đốc tỉnh Nghệ An dâng sớ xin triều đình cho khai khẩn đất mới ở Giao Thuỷ lập thành 8 ấp mới, các ấp đều lấy tên làng xã cũ đặt tên cho ấp mới là Phú Nhai, Phú Ninh, Hoành Đông, Thượng Phúc, Lạc Nghiệp, An Cư, Lục Thuỷ, Hoành Tam. Năm Tự Đức thứ 10 (1860), cụ Nguyễn Như Vực người làng Trừng Uyên- Điền Xá- Nam Trực cùng bè bạn và một số người giầu có xin triều đình cho khai khẩn vùng đất ngoài đê Minh Hương (Giao Thanh) lập nên các làng xã Trừng Uyên, Hành Thiện, Xuân Hy, Thuỷ Nhai, Hoành Lộ, Ấp Lũ (Trà Lũ). Cùng thời, cụ Đinh Khắc Chu quê gốc Kiên Lao (Xuân Trường) chiêu mộ 16 dòng họ xuống khai khẩn 330 mẫu đất lập làng Kiên Hành (Giao Hải).
Năm Thành Thái thứ 2 (1890), cụ Nguyễn Huy Thể người làng Quất Lâm Thượng, cụ Nguyễn Văn Khanh người xã An Trạch- Mỹ Lộc chiêu mộ người các nơi khai khẩn lập nên xã Hà Nam. Năm Thành Thái thứ 6 (1894), cụ Nguyễn Bằng và cụ Trần Thanh xã Lục Thuỷ- Xuân Trường đưa người đến khai khẩn lập nên xã Thiện Giáo. Năm 1903, cụ Trùm Thuỷ cùng 21 cụ từ Thái Bình sang khai khẩn lập nên xã Nam Thành. Cụ cử nhân Trần Công Dương cùng một số cụ người làng Hoành Đông khai khẩn lập nên làng Lạc Nông. Cùng thời, cụ cử nhân Đỗ Dụ Trâm cùng một số cụ ở làng Thanh Khiết, Hoành Lộ chiêu mộ người đến khai khẩn lập làng Nho Lâm (Giao Hải).
Năm 1923, Chính phủ bảo hộ Pháp cho nhân dân đắp đê Bạch Long. Những người có thế lực ở Xuân Trường đứng ra trưng đấu đất trong đê, mộ dân 4 xã Trà Trung, Hành Thiện, Nam Điền, Kiên Lao đến khai khẩn lập làng Trung Long, Long Hành, Nam Long, Kiên Long (xã Giao Long).
Hành chính:
Dưới thời thực dân- phong kiến, Giao Thuỷ gồm 5 tổng với 56 xã.
1. Tổng Hoành Nha được thành lập đời Lê Cảnh Hưng (1750- 1870) gồm các xã: Hoành Đông, Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ, Hoành Nha, Khắc Nhất, Ngưỡng Nhân, Lạc Nông, Duyên Thọ, Tiên Chưởng, Sa Châu, Thanh Khiết, Đan Phượng, Văn Trì, Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ, Diêm Điền, Đông Bình. 2. Tổng Hoành Thu thành lập đời Minh Mạng (1820- 1846) gồm các xã Du Hiếu, Mộc Đức, Thức Hoá, Bỉnh Ri, Tồn Thành, Địch Giáo, Quân Lợi, Duy Tắc, Hiệt Củ, Thuý Rĩnh, Đắc Sở, Tự Lạc. 3. Tổng Quất Lâm thành lập cuối đời Minh Mạng (1846) tổng này tách một số xã của hai tổng Hoành Nha và Hoành Thu lập ra tổng Quất Lâm gồm các xã Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ, Văn Trì, Thanh Khiết, Đan Phượng, Liên Trì, Du Hiếu, Mộc Đức. 4. Tổng Lạc Thiện được thành lập thời Tự Đức (1848- 1883) gồm các xã Đông Thiện, Thiện Nguyên, Chí Thiện, Trừng Uyên, Lạc Thiện, Quân An, Đại Đồng, Trà Hương, Xuân Thiện, Tam Lạc, Kiên Hành, Nho Lâm, Thiện Giáo, Tập Thiện, Nam Thiện. 5. Tổng Hà Cát được thành lập đời vua Thành Thái (1889- 1907) gồm các xã Hà Cát, Định Hải, Giáo Phòng, Thuận Thành, Thanh Nhang, Hà Nam, Nam Thành.
Sau cách mạng Tháng 8/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà quyết định hợp nhất 56 xã cũ thuộc huyện Giao Thuỷ thành 23 xã mới gồm Quất Hải, Hiếu Đức, Tân Dân, Gi Thành, Minh Đức, Hải Yến, Thọ Tiên, Hoành Nha, Liên Hoành, Hoành Sơn, Đông Hoà, Diêm Điền, Quần Long, Kiên Lâm, Cát Hải, Giáo Thành, Nam Thiện, Thức Hoá, Lạc Nhân, Tam Thiện, Xuân Lạc, Thanh Nhang, Thiện An, Thiện Hương.
Năm 1952, thực hiện quyết định của Chính phủ về đổi tên xã, thống nhất lấy chữ “Giao” đầu gắn với một chữ của xã thành địa danh cho xã mới bao gồm các xã: Giao Lâm, Giao Hiếu, Giao Tân, Giao Yến, Giao Châu, Giao Tiến, Giao Hoành, Giao Điền Hoà, Giao Hoan, Giao Hải, Giao Hồng, Giao Nhân, Giao An, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Thuận, Giao Xuân, Giao Hà Thanh.
Đến cải cách ruộng đất (1956), xã Giao Hải chia thành 2 xã Giao Hải và Giao Long; xã Giao Lâm chia thành 2 xã Giao Lâm và Giao Phong; xã Giao Tiến chia thành 3 xã là Giao Tiến, Giao Hùng, Giao Thắng; xã Giao Sơn chia thành 2 xã Giao Sơn và Giao Hà; xã Giao Điền Hoà chia thành 2 xã Giao Hoà và Giao Bình; xã Giao Hà Thanh chia thành 2 xã Giao Thanh và Giao Hương; xã Giao Tân chia làm 2 xã Giao Tân và Giao Minh. Năm 1966, xã kinh tế mới Bạch Long được thành lập. Ngày 22/12/1967, Hội đồng Chính phủ quyết định hợp nhất 2 huyện Giao Thủy- Xuân Trường thành huyện Xuân Thủy.
Đến năm 1973, huyện tiến hành hợp nhất một số xã thành xã mới, cùng với các xã cũ, thời điểm này huyện Giao Thuỷ cũ gồm các xã Giao Lâm, Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Tân, Bạch Long, Giao Yến, Giao Châu, Giao Nhân, Giao Tiến, Hoành Sơn, Giao Hà, Bình Hoà, Hồng Thuận, Giao Long, Giao Hải, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao An, Giao Thiện, Giao Thanh, Giao Hương.
Năm 1986, huyện tiến hành tách khu 4 của xã Bình Hoà và 2 khu của xã Hoành Sơn thành lập Thị trấn Ngô Đồng. Ngày 26/2/1997, Chính phủ ra Nghị định số 19 về việc chia tách huyện Xuân Thủy thành 2 huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Ngày 01/4/1997, huyện Giao Thủy chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Năm 2003, xã Giao Lâm đổi tên thành Thị trấn Quất Lâm. Đến nay, huyện Giao Thuỷ có 20 xã và 2 thị trấn: thị trấn Ngô Đồng là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hoá; thị trấn Quất Lâm là trung tâm kinh tế, văn hoá- du lịch.
Những năm qua, nhờ có sự đổi mới về cơ chế quản lý và chính sách kinh tế của Nhà nước, cùng với sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, kinh tế huyện Giao Thuỷ ngày một phát triển, duy trì nhịp độ tăng trưởng cao.
Trong 5 năm (2006 – 2010) kinh tế phát triển khá, giá trị tổng sản phẩm tăng bình quân 10,71%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng giá trị và thu nhập, giảm tỷ trọng nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp; tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng 14%; dịch vụ chiếm 38%; ngành nông – lâm – ngư nghiệp 48%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 11,2 triệu đồng/người/năm.
+ Sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp: từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Tổng sản lượng lương thực bình quân: 101.166 tấn/năm. Giá trị sản xuất / ha canh tác đạt 66,7 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tăng bình quân 3,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và thuỷ sản, đặc biệt ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng bình quân 15,15%/năm.
+ Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: Sản xuất CN-TTCN có bước tăng trưởng khá, mức tăng trưởng bình quân 18,91%/năm, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp từng bước được mở rộng. Một số sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng trưởng khá như nước mắm bình quân là 934.000 lít, muối Iốt 13.588 tấn, quần áo may sẵn 1.319 nghìn sản phẩm, gạch đất nung 97.812 nghìn viên… Các ngành cơ khí, sửa chữa, đóng tàu, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, đan, thêu, chế biến lương thực, thực phẩm đều có bước tăng trưởng khá góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo tăng thu cho ngân sách địa phương.
+ Sản xuất muối : Năm 2010, tổng diện tích muối đạt 482 ha với trên 9.000 lao động tham gia sản xuất, hàng năm cung cấp cho thị trường 42.000 tấn, giá trị tổng thu nhập trên 65 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đã phát triển 8 cơ sở thu mua muối của diêm dân để sản xuất, chế biến muối sạch, muối iốt tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Lào.
+ Ngành nghề nông thôn : Hiện tại trên địa bàn huyện có 1.325 cơ sở sản xuất và hộ ngành nghề nông thôn, 5 làng nghề, thu hút trên 7.000 lao động tham gia với các cơ sở sản xuất chính là: mây tre giang, móc sợi, thêu ren, sản xuất nấm, chế biến lương thực, thực phẩm, may mặc, nghề mộc, cơ khí, xây dựng… Ngành nghề nông thôn với các cơ sở sản xuất rất đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, phần nhiều là tự phát, bước đầu không có kỹ thuật cơ bản, vừa học, vừa truyền nghề, vừa làm chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm thực tế gắn với nhu cầu thị hiếu hàng hoá thị trường để phát triển sản xuất. Tổng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 117,6 tỷ đồng/năm; tỷ lệ tăng bình quân là 13,5%/năm.
+ Các ngành dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2010 đạt 493,6 tỷ đồng, tăng 152% so với năm 2006. Thị trường hàng hoá phong phú, sôi động đáp ứng đủ các yêu cầu của sản xuất và đời sống. Các ngành dịch vụ vận tải, bưu chính – viễn thông, tài chính – tín dụng, du lịch – thương mại… phát triển mạnh: giá trị sản xuất năm 2010 đạt 414,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,8%/năm. Trong đó dịch vụ du lịch tại khu nghỉ mát Quất Lâm đạt doanh thu bình quân trên 40 tỷ đồng/năm. Hiện tại đã có 42 khách sạn, nhà nghỉ, 111 kiốt phục vụ du lịch, hàng năm đón trung bình 172.000 lượt du khách.
+ Kết cấu hạ tầng: Hoàn thành việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng qua nhiều năm đang phát huy tác dụng: trên địa bàn huyện hiện có 46,4km tỉnh lộ, 19km huyện lộ, 761km đường trục xã, liên xã, đường thôn xóm được nhựa hoá hoặc bê tông hoá. Hiện tại chỉ còn 5% đường thôn xóm chưa được nâng cấp. Bưu chính viễn thông thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ. Mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn huyện với chất lượng sóng tốt, 100% số xã có điểm bưu điện văn hoá xã, đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc của xã hội.
Tình hình phát triển văn hoá – xã hội:
Sự nghiệp giáo dục – đào tạo được quan tâm, giữ vững thành tích đơn vị tiên tiến xuất sắc đứng trong tốp đầu của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh Nam Định.. Phổ cập tiểu học, trung học cơ sở được duy trì và phát triển. Học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT các loại hình đạt trên 70%. Học sinh tốt nghiệp THPT vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt trên 80%. 100% trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức I (trong đó 17,8% đạt chuẩn mức II); 37% trường THCS; 1 trường THPT; 18% trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia; 25% trường tiểu học đạt tiêu chuẩn “xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Kết quả xây dựng trường chuẩn Quốc gia cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh.
Phong trào xây dựng nhà văn hoá xóm, xây dựng cơ quan, gia đình văn hoá phát triển mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực: 160/332 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá; 36% số xóm (tổ dân phố) đạt tiêu chuẩn “Làng văn hoá”; 61 trường học, 28 cơ quan, 20 trạm y tế được công nhận có nếp sống văn hoá; số gia đình văn hoá năm 2010 chiếm 68,2% tổng số hộ gia đình toàn huyện.
Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, y tế được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng: 18/22 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Bệnh viện đa khoa trung tâm huyện được đầu tư nâng cấp với số kinh phí hàng chục tỷ đồng, số giường bệnh năm 2009 đạt 190 giường, tăng 40 giường so với năm 2005. Bình quân có 4,2 bác sỹ/1vạn dân (tăng 2,1 bác sỹ/1vạn dân so với năm 2005). 100% số xóm và tổ dân phố có cán bộ y tế.
Tích cực giải quyết việc làm cho người lao động. Tạo việc làm mới bình quân 4.000 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2009 còn 5,5%.
Đời sống của các tầng lớp nhân dân được tiếp tục cải thiện và nâng cao: đến nay có 84,3% hộ có ti vi màu; 56,4% hộ có xe gắn máy; 32,7% hộ sử dụng điện thoại cố định.
Giao Thuỷ là quê hương giầu truyền thống yêu nước, anh dũng chống gặc ngoại xâm. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, trên 24.000 người con Giao Thuỷ đã tình nguyện lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Toàn huyện có 2.734 liệt sỹ, 2.150 thương binh, 66 bà mẹ Việt Nam anh hùng và trên 11.500 người đang hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Với những đóng góp to lớn của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Giao Thuỷ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, huyện đã được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược; 11 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng lao động.
Trải qua mấy trăm năm lịch sử hình thành và phát triển gắn với quá trình quai đê, lấn biển mở rộng bờ cõi, đấu tranh chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm đã hun đúc lên những truyền thống quý báu của người dân Giao Thuỷ: đoàn kết, thuỷ chung, nhân hậu trong cuộc sống cộng đồng; cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất; kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống cường quyền áp bức và chống giặc ngoại xâm. Truyền thống đó là mạch nguồn nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, là nguồn động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân Giao Thuỷ hôm nay đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn xây dựng quê hương Giao Thuỷ ngày càng giầu đẹp, văn minh.