Bệnh Glôcôm còn có tên gọi khác là thiên đầu thống, bệnh này gây ảnh hưởng lớn tới thị lực của người bệnh và nghiêm trọng hơn còn khiến cho người mắc phải nó có nguy cơ bị mù lòa vĩnh viễn. Vậy những dấu hiệu để nhận biết Glôcôm là gì và làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm?
05/11/2021 | Mắt bị mờ đột ngột – tưởng đơn giản nhưng không nên xem nhẹ!01/11/2021 | Mắt đổ ghèn là bệnh gì? Có nguy hiểm không và chữa ra sao?27/10/2021 | Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi, cách phòng tránh thế nào?
1. Từ điển định nghĩa bệnh Glôcôm
Thuật ngữ Glôcôm – thiên đầu thống hay bệnh tăng nhãn áp dùng để chỉ bệnh lý liên quan đến đầu dây thần kinh thị giác, triệu chứng điển hình là lõm teo đĩa thị, tổn hại thị trường và nhãn áp cao.
Tại Việt Nam, Glôcôm được phân thành 2 loại:
-
Glôcôm nguyên phát:
-
Glôcôm góc mở nguyên phát;
-
Glôcôm góc đóng nguyên phát (thường gặp);
-
Glôcôm thứ phát: xảy ra sau những bất thường ở mắt và toàn thân như do viêm màng bồ đào, do chấn thương, bệnh lý thể thủy tinh,…
Glôcôm được coi là một bệnh lý hết sức nguy hiểm vì biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra đó là mù vĩnh viễn. Do đó khi bị bệnh, nhiều người đều có chung nỗi lo lắng làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm? Phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả hiện nay là gì?
2. Một số triệu chứng khi mắc Glôcôm
Tùy vào thể bệnh mắc phải mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:
Đối với Glôcôm góc đóng cơn cấp:
Thường là các triệu chứng xảy ra dữ dội, đột ngột:
-
Nhãn cầu đột nhiên căng cứng như viên bi;
-
Mắt đau đột ngột, có thể lan lên phía đỉnh đầu;
-
Thị lực suy giảm nhanh chóng, nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì. Nếu nhìn vào vật gì phát sáng thì chỉ thấy quầng xanh đỏ;
-
Mi nề, mắt đỏ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt;
-
Triệu chứng toàn thân: buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, đau bụng, tiêu chảy,… Nhiều khi bệnh nhân tưởng đó là biểu hiện của cảm sốt và tự điều trị tại nhà không đi viện. Tới lúc đi khám thì đã bị ảnh hưởng đến thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn.
Glôcôm có thể làm suy giảm thị lực nhanh chóng, nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì
Glôcôm góc đóng bán cấp:
Dấu hiệu gần như tương tự với Glôcôm góc đóng cơn cấp nhưng mức độ đỡ dữ dội hơn, đôi khi thoáng qua cơn nhức mắt, nhức đầu kèm theo chứng nhìn mờ. Khi đã qua cơn, thị lực lại trở về bình thường nhưng mức độ và tần suất tái diễn tăng dần và càng lúc càng bị suy giảm thị lực.
Glôcôm góc đóng mạn tính:
Tình trạng này hiếm khi gặp, ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên phần lớn người bệnh khi thăm khám đã bị giảm thị lực nặng hoặc mù hoàn toàn.
Glôcôm góc mở:
Bệnh tiến triển âm thầm, mạn tính theo từng giai đoạn. Cũng như Glôcôm góc đóng mạn tính, bệnh nhân khó phát hiện ra tình trạng giảm sút thị lực và phải khi đi khám mới biết bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đa phần bệnh nhân không thấy bị nhức đầu hay nhức mắt mà có các dấu hiệu như:
-
Nặng, căng tức vùng mắt nhưng biểu hiện thoáng qua;
-
Nhìn vật phát sáng nhưng chỉ thấy quầng xanh đỏ;
-
Nhìn mờ như thấy màn sương phủ trước mắt;
-
Dấu hiệu bệnh xảy ra trong thời gian ngắn rồi tự biến mất.
3. Làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm gây ra?
Để điều trị đối với những trường hợp bị Glôcôm, bệnh nhân cần được xác định chính xác mình đã bị mắc thể nào để áp dụng phương án xử lý phù hợp.
3.1. Điều trị Glôcôm góc đóng
Đối với các ca bị Glôcôm góc đóng cơn cấp thì cần phải tiến hành điều trị khẩn trương để giảm đau, hạ nhãn áp và giúp bệnh nhân ổn định tinh thần. Có 2 phương án thường được áp dụng trong điều trị Glôcôm góc đóng đó là:
Điều trị nội khoa: dùng thuốc để cấp cứu nhãn cầu theo chỉ định và giám sát chặt chẽ của bác sĩ, mục đích chính là bảo tồn thị lực cho người bệnh:
-
Uống từ 2 – 4 viên Acetazolamid 0,25 g trong 24h;
-
Tại mắt: mỗi giờ 1 lần tiến hành tra pilocarpin 1% – 2%, cho tới khi hạ nhãn áp thì dùng duy trì 3 – 4 lần/ngày;
-
Uống hoặc tiêm tĩnh mạch Diamo x 500 mg x 1 ống (tiêm trong trường hợp bệnh nhân nôn nhiều không uống được).
Glôcôm có thể được điều trị bằng thuốc
Điều trị ngoại khoa: dựa trên mức độ nghiêm trọng và giai đoạn của bệnh sẽ lựa chọn biện pháp phẫu thuật phù hợp:
-
Mổ Glôcôm bằng cách cắt bè củng giác mạc: phương pháp này đã được thực hiện từ rất lâu. Cách tiến hành: bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần mống mắt và bè củng giác mạc để tạo đường thoát cho thủy dịch, giúp mắt ổn định được áp suất;
-
Mổ Glôcôm thông qua cấy ghép ống thoát thủy dịch: một chiếc ống dài khoảng 1,3cm được làm từ silicon sẽ được ghép vào mắt bệnh nhân, có vai trò là ống thoát thủy dịch. Hạn chế của biện pháp này là sẽ phải băng mắt sau khi mổ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, ngoài ra mất tới vài tuần để theo dõi thêm;
-
Mổ Glôcôm bằng laser: không cần tới dao kéo, bác sĩ sẽ chiếu tia laser vào vùng bè củng giác mạc, tạo ra nhiều lỗ nhỏ giúp thủy dịch thoát ra ngoài. Đây là phương pháp tiên tiến, hiện đại được ứng dụng phổ biến vì ưu điểm thực hiện nhanh chóng (15 – 20 phút), để lại ít biến chứng và hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên để phòng ngừa bệnh tái phát thì bệnh nhân vẫn cần phải được theo dõi trong khoảng 2 – 5 năm sau khi mổ.
3.2. Điều trị Glôcôm góc mở
Mục tiêu của điều trị Glôcôm góc mở là hạn chế tối đa mức độ tổn hại của bệnh đối với chức năng thị giác và thần kinh. Do vậy cần phải áp dụng phương án điều trị tối ưu, an toàn và ít ảnh hưởng nhất đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trước tiên người bệnh sẽ được điều trị nội khoa bằng các thuốc như: nhóm cường adrenergic, nhóm prostaglandin, nhóm huỷ beta-adrenergic, nhóm cường cholinergic. Theo đó, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ do bác sĩ đưa ra trong suốt cuộc đời và phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn. Trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, phẫu thuật sẽ là phương pháp thay thế.
Người bệnh cần lưu ý là sau khi phẫu thuật cần phải tái khái kiểm tra mắt 3 tháng/lần trong năm đầu, những năm sau định kỳ 6 – 12 tháng/lần. Có những người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị Glôcôm nhưng không tuân thủ lịch tái khám và theo dõi nên bệnh đã tái phát âm thầm, dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn. Do đó để bảo tồn được hiệu quả sau điều trị và bảo vệ đôi mắt trước căn bệnh Glôcôm, bệnh nhân cần kiểm tra thường xuyên và kiên trì kiểm soát diễn biến của bệnh.
Người bị Glôcôm cần tái khám định kỳ sau điều trị để bảo tồn thị lực
Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây, quý bạn đọc đã có câu trả lời cho thắc mắc làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm. nếu cần được tư vấn thêm, xin vui lòng kết nối với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900565656, tư vấn viên sẽ giải đáp các câu hỏi và đăng ký gói khám phù hợp nhất cho bạn.