Grit là gì?
Trong vài năm trở lại đây, “grit” được nhắc tới rất nhiều lần khi đề cập tới vấn đề nuôi dạy trẻ so cho có thể phát huy hết tiềm năng của trẻ. Theo nhà tâm lý học Đại học Pennsylvania, Angela Duckworth, “grit” được định nghĩa là “sự kiên trì, bền bỉ và đam mê dành cho những mục tiêu dài hạn”, là chỉ dấu báo hiệu khả năng thu nhập và hạnh phúc trong tương lai tốt hơn so với chỉ số IQ hay tài năng.
Cụ thể hơn, “grit” là sự kết hợp rõ ràng, dứt khoát của niềm đam mê, chịu đựng thử thách, khả năng vươn lên sau thất bại, ý chí quyết tâm và sự tập trung, cho phép một người duy trì kỷ luật và tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục tiêu của họ bất chấp mọi sự phản đối, bất tiện, thiếu những tiến bộ có thể nhìn thấy được trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.
TED Talk “Grit: the power of passion and perseverance” của Angela Lee Duckworth
Vì sao sự kiên gan, bền chí lại quan trọng đến vậy?
Ngày nay, càng có thêm nhiều nghiên cứu về sự kiên gan, bền chí và chúng đều cho thấy, khả năng làm việc chăm chỉ, chịu đựng gian khó, thử thách, thất bại và thử lại, nỗ lực hơn nữa có thể là chìa khoá quyết định thành công và hạnh phúc lâu dài của trẻ.
Khi chúng ta theo đuổi một mục tiêu lớn lao, chúng ta không biết khi nào và thậm chí liệu chúng ta có thể thành công hay không. Cho tới khi chúng ta bắt tay vào thực hiện.
Thông qua các nghiên cứu ở phạm vi rộng, với quy mô lớn, Angela Duckworth và nhóm của mình đã chứng minh rằng, điểm chung giữa những trẻ được vào chung kết cuộc thi đánh vần quốc gia, những học viên Học viện Quân sự West Point thành công, những nhân viên kinh doanh và giáo viên giỏi – những người không chỉ gắn bó mà còn làm tốt hơn công việc của mình – chính là sự kiên gan, bền chí.
Với trường hợp Học viện Quân sự West Point, trong 2 năm 2004 và 2006, nhóm nghiên cứu của Duckworth đã kiểm tra sự kiên gan, bền chí và khả năng tự kiểm soát bản thân của hàng ngàn học viên trước mùa hè đầu tiên của họ ở trường. Chương trình mùa hè đó có tên “Beast Barracks” được thiết kế để đẩy các học viên tới giới hạn về tinh thần và cảm xúc của họ, khắc nghiệt tới nỗi cứ 20 học viên, lại có 1 người bị rớt.
(Ảnh: NEA Today)
Sau khi tiến hành kiểm tra, đo lường, tính toán, các nhà nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa tỷ lệ học viện trụ lại được sau khoá thử thách mùa hè, bộ Chỉ số Ứng viên Toàn diện (một con số được Học viện West Point sử dụng, trong đó có điểm SAT, GPA, tiềm năng lãnh đạo), điểm về sự kiên gan, bền chí và điểm về tinh thần kỷ luật, tự giác. Kết quả, chính là điểm về sự kiên gan, bền chí giúp dự đoán khả năng học viên đó vượt qua khoá học mùa hè thành công tốt hơn so với các chỉ số khác. Những học viên đạt ít nhất 1 biểu hiện tiêu chuẩn, trên mức thông thường, trong thang đo sự kiên gan, bền chí, có nhiều hơn 60% khả năng được West Point giữ lại sau mùa hè đầu tiên so với những người có điểm kiên gan, bền chí thấp hơn.
Và theo những nghiên cứu sau đó, người thông minh, tài năng, tốt bụng, tò mò, có một gia đình đầy yêu thương, tài chính ổn định, nhìn chung sẽ không thành công nếu họ không biết cách làm việc chăm chỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu và chịu đựng được cũng như vươn lên sau mọi gian nan, thất bại.
Làm thế nào để nuôi dưỡng phẩm chất kiên gan, bền chí ở trẻ?
Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là khai phá sự tự tin và tinh thần lạc quan trong con cái chúng ta, nhờ đó, cho phép trẻ có đủ sức mạnh để vượt qua những thăng trầm. Bà mẹ 2 con, Angela Duckworth, chia sẻ: “Trẻ không có khả năng tự lớn lên trở thành những người kiên gan, bền chí mà không được hỗ trợ”.
Không ai khác, người cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và đáng giá đó, chính là các bậc cha mẹ.
1. Tìm ra một niềm đam mê (hay ít nhất một hoạt động mà trẻ thích thú và gắn bó lâu dài).
Có thể là quá đòi hỏi khi kỳ vọng bé con 5 tuổi của bạn đã tìm thấy “niềm đam mê” của mình. Nhưng khi trẻ lớn dần lên, theo đuổi một sở thích cụ thể nào đó mà trẻ tự lựa chọn có thể giúp chúng xác định đam mê của mình là gì và hiểu rằng, việc luyện tập chăm chỉ, sự kiên trì, nhẫn nại là cách chắc chắn nhất để đạt được thành tựu.
Một trong những đặc điểm của người sở hữu phẩm chất kiên gan, bền chí là họ “đặc biệt có động lực kiếm tìm hạnh phúc thông qua sự gắn kết cực kỳ tập trung và cảm nhận rõ ràng về ý nghĩa hoặc mục tiêu” – theo thông cáo của nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Duckworth. Do đó, để trẻ tìm kiếm niềm đam mê của chính mình là việc làm cần thiết về lâu về dài. Nhưng nếu trẻ vẫn chưa tìm thấy công việc cuộc đời, chúng ta vẫn có thể giúp trẻ học được những thói quen và phẩm chất tốt, trong đó bao gồm cả sự kiên gan, bền chí.
Như tại nhà chuyên gia Duckworth, có một quy tắc được áp dụng, theo đó, mọi thành viên trong gia đình đều phải thực hiện một việc gì đó khó khăn tại một thời điểm nào đó. Mỗi người sẽ chọn “việc khó khăn” ấy nhưng nên là việc thú vị và đòi hỏi “sự rèn luyện nghiêm túc gần như hàng ngày”, sau đó, bền bỉ theo đuổi công việc này trong một khoảng thời gian nhất định. Không ai được phép bỏ cuộc giữa chừng chỉ bởi vì mọi thứ dường như quá khó khăn.
(Ảnh: Pinterest)
Ý tưởng này đã dạy trẻ cách làm việc chăm chỉ và không đầu hàng khi chưa cố gắng hết sức mình. Quá trình học hỏi không phải lúc nào cũng vui vẻ, thú vị và sự tiến bộ không đến nếu không có nỗ lực. Nhưng nếu một đứa trẻ được tạo động lực để tiến bộ trong việc gì đó mà trẻ yêu thích thì những gian khó sẽ trở nên đáng giá và thành công tự nó đã là phần thưởng với trẻ rồi.
Là múa ballet, chơi đá bóng, đánh đàn hay tập võ karate, hãy cho phép trẻ chọn một hoạt động trong suốt một mùa (hoặc dài hơn với trẻ lớn hơn). Làm như vậy, bạn không chỉ giúp trẻ tìm kiếm và khai phá một đam mê mà còn dạy trẻ tinh thần tự giác, kỷ luật và củng cố ý tưởng rằng, rèn luyện sẽ mài giũa kỹ năng.
2. Nhận ra sự thất bại, hoang mang và việc rèn luyện là một phần để vươn tới mục tiêu cuối cùng.
Theo nhóm nghiên cứu của Duckworth, những người tin rằng, sự chuyên cần và nhẫn nại sẽ mang lại cho họ giá trị xứng đáng, gần như luôn vượt trội so với những người kém lạc quan dù là tài năng hơn.
Trong một lần diễn thuyết tại TED Talk 2013, Duckworth cho biết, “ý tưởng tuyệt nhất” cô từng biết về cách làm thế nào để tăng cường sự kiên gan, bền chí ở trẻ là dạy trẻ có được “tư duy mở” (growth mindset) – theo cách gọi của giáo sư Stanford kiêm tác giả cuốn sách được đánh giá rất cao “Mindset: The New Psychology of Success”, Carol Dweck.
Dweck phát hiện thấy, những người có “tư duy mở” sở hữu sự thích ứng linh hoạt và khả năng vượt lên nghịch cảnh bởi họ tin rằng làm việc chăm chỉ là một phần của quá trình dài hơi và họ hiểu rằng, thất bại chỉ là tạm thời. Những người có “tư duy đóng” (fixed mindset), ngược lại, tin rằng, thành công bắt nguồn từ tài năng thiên bẩm và có xu hướng bỏ cuộc dễ dàng – cần chăm chỉ làm gì nữa nếu bạn không tin rằng mình có thể thay đổi bất cứ điều gì?
(Ảnh: Positive Psychology Program)
Nghiên cứu mới đây do nhóm của Duckworth tiến hành, hợp tác với các giáo viên, chỉ ra rằng, học sinh bớt nản chí với quá trình học tập hơn và bỏ ra nhiều nỗ lực hơn khi trẻ hiểu rằng, thậm chí các chuyên gia cũng phải kinh qua đủ mọi loại gian khó mới làm chủ được tài năng của mình.
Việc giải thích ban đầu về những trở ngại, khó khăn mà các chuyên gia phải vượt qua để đạt được thành tựu như ngày hôm nay thực sự tác động mạnh tới việc giúp trẻ kiểm soát cảm giác nản lòng, nản chí.
Hãy lấy ví dụ về những người nổi tiếng – một ca sĩ giỏi, một vận động viên tài ba, một đầu bếp cừ khôi… và kể cho trẻ nghe hành trình gian nan chinh phục đỉnh cao của họ. Hãy nhấn mạnh về những rèn luyện miệt mài, về những nỗi khổ thể chất – tinh thần, thậm chí về những thiệt thòi mà họ phải chịu đựng để cuối cùng bước tới đỉnh vinh quang.
3. Chấp nhận rủi ro (và nói với trẻ về điều đó)
Sự kiên gan, bền chí không thể có được nếu thiếu tinh thần chấp nhận rủi ro. Những người thành công luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đối mặt với thất bại tiềm ẩn, để học được điều gì đó mới mẻ hay để theo đuổi mục tiêu lâu dài. Và dù, theo định nghĩa, rủi ro có thể kết thúc bằng thất bại, những người trưởng thành thành đạt không bao giờ từ bỏ.
Paul Tough, tác giả cuốn “How Children Succeed”, từng nói: “Rất nhiều phụ huynh không muốn nói chuyện về thất bại của họ trước mặt con cái. Nhưng việc đó đã làm mất đi cơ hội cho trẻ thấy trải nghiệm thực tế của việc chứng kiến ba mẹ mình đã thất bại và đã vươn lên như thế nào”.
Thật dễ dàng để phát ngôn những câu như “Không mạo hiểm, khó thành công”. Nhưng để trẻ chứng kiến chúng ta cũng trải qua thử thách cuộc đời và làm theo đúng tinh thần câu danh ngôn trên có thể giúp bồi đắp sự lạc quan và lòng dũng cảm trong trẻ – đó là thứ chúng cần để tự mình chấp nhận rủi ro, mạo hiểm.
(Ảnh: Seattle Times)
4. Dạy trẻ rằng thất bại không phải là kết thúc.
5.127 – số mẫu máy hút bụi đã thất bại do James Dyson sáng chế trước khi ông thành công với mẫu máy hút bụi không hút Dual Cyclone, giúp ông kiếm được gia sản tỷ đô.
30 – số lần Stephen King bị từ chối trước khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Carrie, cuối cùng cũng được một nhà xuất bản chấp nhận.
4 triệu USD – số tiền mà nhà sáng chế ra GoPro, Nick Woodman đã mất trắng sau công ty đầu tiên kinh doanh thất bại.
Theo Duckworth và nhóm nghiên cứu, những người có phẩm chất kiên gan, bền chí duy trì hi vọng và tầm nhìn để thay đổi, ngay cả trong những tình huống thử thách nhất. Chỉ trích dẫn suông những câu danh ngôn về việc vươn lên từ thất bại không đủ để giúp trẻ tự nhận thấy sự cần thiết phải chấp nhận những từ chối, trì hoãn và thất bại, đặc biệt là những thất bại đau đớn trên con đường đạt được mục tiêu.
Muốn dạy trẻ kiên trì, nhẫn nại, chúng ta cần cho trẻ thấy những tấm gương thực tế, nhấn mạnh việc thất bại và trì hoãn là điều không thể tránh khỏi, nhưng bài học từ chúng sẽ giúp trẻ vươn tới thành công. Cha mẹ hãy nói chuyện về các chủ đề đó một cách thường xuyên. Bạn cũng có thể chia sẻ trải nghiệm của chính mình. Và quan trọng nhất, hãy để trẻ được phép thất bại!
(Ảnh: Lemon Grad)
Trong bài báo tựa đề “The secret to success is failure” (Bí mật của thành công chính là thất bại) trên New York Times, Paul Tough có viết: “Nghịch lý chủ yếu của việc làm cha mẹ thời nay là: chúng ta có một sự thôi thúc rõ ràng, gần như là về mặt sinh học, được chu cấp cho con cái, trao cho con mọi thứ chúng muốn và cần, bảo vệ chúng khỏi hiểm nguy và những thứ bất tiện, thiếu thoải mái, cả lớn lẫn nhỏ. Và dù chúng ta đều biết rằng – ít nhất, ở một chừng mực nào đó – thứ mà trẻ cần hơn bất cứ điều gì là một chút khó khăn: một chút thử thách, một chút thiếu thốn để trẻ có thể vượt qua, thậm chí, chỉ để chứng minh với chính bản thân chúng rằng, chúng có thể vượt qua.
Là cha mẹ, điều quan trọng là chúng ta không để bản năng bao bọc con cái cướp đi những cơ hội để trẻ trải nghiệm “đường vinh quang không trải bước trên hoa hồng”.
Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn con cái thành công, nhưng khi chúng tìm kiếm con đường đi để dẫn đến thành công, quan trọng là cho trẻ thấy, thất bại là một phần của hành trình, không phải là điểm kết thúc. Thất bại là chướng ngại vật cần thiết trên đường đi.
Và nếu chúng ta không để trẻ thấy chúng ta từng thất bại ra sao hay để trẻ tự trải nghiệm thất bại (trong sự hiện diện để đảm bảo an toàn của chúng ta), trẻ có thể không bao giờ có được tinh thần, ý chí vững vàng mà vượt qua thất bại của chính mình.
Kế hoạch hành động 2 phút dành cho cha mẹ
- Xem lại cách bạn và chồng/vợ bạn nhìn nhận rủi ro và thất bại như thế nào. Bạn thấy mình bị thử thách nhiều nhất trong đời là ở đâu, khi nào và bạn đã làm gì trong tình huống đó?
- Bạn có nhìn nhận các vấn đề, rắc rối với tinh thần lạc quan hay nhụt chí?
- Làm bài kiểm tra về độ kiên gan, bền chí, sau đó nhớ rằng, điểm số của bạn không cố định mà sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào nỗ lực của bạn. Và điểm số của trẻ cũng thế.
Màn hình chào mừng khi bạn tham gia bài kiểm tra về độ kiên gan, bền chí của mình.
Sau khi điền một số thông tin cơ bản như tuổi, giới tính, số anh/chị/em mà bạn có…, bạn sẽ được chuyển tiếp tới trang, trong đó có một số câu hỏi mà bạn sẽ chọn ra đáp ứng tương ứng như: chuyện đó đã xảy ra với bạn/bạn đã tận mắt chứng kiến nó xảy ra với người thân hay bạn bè/bạn đã từng biết về chuyện đó/bạn không dám chắc/chuyện đó không xảy ra với bạn…
Điểm số Grit – độ kiên gan, bền chí của bạn được hiển thị và trong tương quan với phần trăm dân số Mỹ có điểm số kém hơn bạn.
Kế hoạch hành động lâu dài dành cho cha mẹ
- Áp dụng quy tắc giống như trong gia đình nhà tâm lý học Angela Duckworth. Giúp trẻ tìm ra một mục tiêu dài hạn đủ thử thách để theo đuổi và khích lệ trẻ thường xuyên luyện tập.
- Trò chuyện với trẻ về những trở ngại, khó khăn khi chúng xuất hiện. Giúp trẻ xây dựng kế hoạch B, kế hoạch C khi cần thiết.
- Chia sẻ cảm nhận về những thử thách bạn từng đối mặt và chia vui cùng với cả gia đình khi một thành viên nỗ lực để vượt qua những nhiệm vụ khó khăn.
- Trò chuyện thường xuyên với trẻ về thất bại của chính bạn và cách bạn vượt qua như thế nào.
- Khi trẻ gặp phải một kỹ năng, một hoạt động hay một môn thể thao khó nhằn, kiềm chế cảm giác thôi thúc phải bảo vệ con, che chở cho con. Không cho phép trẻ bỏ cuộc khi mới va vấp với rắc rối đầu tiên. Động viên để trẻ không bỏ cuộc sớm. Thay vào đó, sử dụng kinh nghiệm như một cách để dạy trẻ sự kiên trì, nhẫn nại. Giúp trẻ tìm ra các chiến thuật, phương pháp, vạch ra kế hoạch hành động nhưng cho phép trẻ tự chủ về giải pháp mà trẻ định áp dụng.
Theo A Fine Parent