2. Hạn khí tượng
Thiếu hụt nước trong cán cân lượng mưa, lượng bốc hơi, nhất là trong trường hợp liên tục mất mưa. Ở đây lượng mưa tiêu biểu cho phần thu và lượng bốc hơi tiêu biểu cho phần chi của cán cân nước. Do lượng bốc hơi đồng biến với cường độ bức xạ, nhiệt độ, tốc độ gió và nghịch biến với độ ẩm nên hạn hán gia tăng khi nắng nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh, thời tiết khô ráo.
3. Hạn nông nghiệp
Thiếu hụt mưa dẫn tới mất cân bằng giữa hàm lượng nước thực tế trong đất và nhu cầu nước của cây trồng.
4. Hạn thủy văn
Dòng chảy sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm rõ rệt và mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất hạ thấp. Ngoài lượng mưa ra, hạn thuỷ văn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác: dòng chảy mặt, nước ngầm tầng nông, nước ngầm tầng sâu…
5. Hạn kinh tế xã hội
Nước không đủ cung cấp cho nhu cầu của các hoạt động kinh tế xã hội.
6. Những nguyên nhân nào gây ra hạn hán?
Nguyên nhân khách quan
– Do khí hậu thời tiết bất thường gây nên lượng mưa thường xuyên ít ỏi hoặc nhất thời thiếu hụt.
– Mưa rất ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn.
– Lượng mưa trong khoảng thời gian dài đáng kể thấp hơn rõ rệt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra trên hầu khắp các vùng, kể cả vùng mưa nhiều.
Nguyên nhân chủ quan
Do con người gây ra:
– Tình trạng phá rừng bừa bãi làm mất nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước.
– Việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước cũng trồng cây cần nhiều nước (như lúa) làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước.
– Công tác quy hoạch sử dụng nước, bố trí công trình không phù hợp, làm cho nhiều công trình không phát huy được tác dụng. Vùng cần nhiều nước lại bố trí công trình nhỏ, còn vùng thiếu nước (nguồn nước tự nhiên) lại bố trí xây dựng công trình lớn…
7. Hạn được dự báo và phòng chống như thế nào?
Dự báo hạn được căn cứ trên cơ sở sau:
– Áp cao phó nhiệt đới Thái Bình Dương. Sự khống chế của hệ thống áp cao gắn liền với thời kỳ ít mưa. Đối với những khu vực nhất định, hạn hán hình thành và kéo dài khi áp cao Thái Bình Dương phát triển trên phần lớn đại dương nhiệt đới.
– Tương tác đại dương khí quyển và hiện tượng ENSO. Hiện tượng Elnino và Lanina xảy ra ở vùng xích đạo nhiệt đới Thái Bình Dương có quan hệ chặt chẽ với sự tăng hay giảm mạnh mẽ lượng mưa ở các khu vực xung quanh Thái Bình Dương, đặc biệt đối với những khu vực thuộc nhiệt đới. Ở nước ta, hiệu ứng Elnino có xu hướng tăng cường khả năng hạn hán trên một số khu vực miền Trung.
8. Phòng chống hạn:
– Mặc dù hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do hạn hán gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả. Cần theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước và các cảnh báo, dự báo hạn của cơ quan dự báo để chỉ đạo phòng tránh và có chiến lược sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt.
– Trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện về cả 3 phương diện: quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn. Xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thống sông. Xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, bảo đảm chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả là trồng rừng và bảo vệ rừng nhằm tăng cường lượng nước trong khu vực đất rừng.