Điều kiện tự nhiên – xã hội tỉnh Hậu Giang

Hậu giang ở đâu

I. Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Hậu Giang

1. Vị trí địa lý

Hậu Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, được thành lập vào năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Tỉnh lỵ hiện nay là thành phố Vị Thanh cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía tây nam, cách thành phố Cần Thơ 60 km theo Quốc lộ 61 và chỉ cách 40 km theo đường nối Vị Thanh – thành phố Cần Thơ. Vị trí địa lý và địa giới hành chính tiếp giáp với 5 tỉnh cụ thể như sau:

– Từ 1050 18’ đến 1050 55’ kinh độ Đông;

– Từ 90 35’ đến 100 00’ vĩ độ Bắc.

– Phía Bắc và Tây bắc giáp thành phố Cần Thơ;

– Phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng;

– Phía Đông giáp sông Hậu và tỉnh Sóc Trăng;

– Phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang.

Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2014, Hậu Giang có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó: 01 thành phố, 02 thị xã và 05 huyện (với 54 xã, 12 phường, 10 thị trấn).

2. Đặc điểm tự nhiên

2.1. Đặc điểm địa hình

Hậu Giang là tỉnh ở Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, địa hình thấp trũng, độ cao trung bình dưới 2 mét so với mực nước biển. Địa hình tỉnh Hậu Giang khá bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây với độ dốc <3o, cao trình phổ biến từ 0,2 – 1,0 m so với mực nước biển (chiếm hơn 90% diện tích tự nhiên), địa hình có độ cao 1,2-1,5 m (chiếm dưới 10% diện tích tự nhiên), có thể phân chia thành các vùng sau:

– Vùng cao nằm ven sông Hậu có cao trình từ 1,0-1,5 m, thấp dần về phía nội đồng.

– Vùng trung bình nằm ven QL1A có độ cao trên dưới 0,8 m, thấp dần đến giữa huyện Phụng Hiệp với cao trình trung bình 0,5 m.

– Vùng thấp giới hạn bởi nam kênh Xà No – QL1A tới kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, giáp ranh với Sóc Trăng, cao trình phổ biến từ 0,2 – 0,5 m.

Giữa các vùng trên, địa hình xen kẽ cao thấp, không hoàn toàn giảm dần theo hướng Bắc – Nam hoặc từ Đông sang Tây.

Nhìn chung, địa hình Hậu Giang có dạng lòng chảo, vùng ven sông rạch và các tuyến lộ giao thông thường cao và thấp dần về xa. Khu vực ven sông khá thuận lợi cho việc tưới tiêu tự chảy nhờ triều trong các tháng mùa khô, khu vực xa sông việc tưới tiêu có khó khăn hơn.

2.2. Khí hậu

Tỉnh Hậu Giang nằm trong vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu, gần xích đạo, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa mưa có gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô có gió Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Nhiệt độ trung bình là 270C không có sự chênh lệch quá lớn qua các năm. Tháng có nhiệt độ cao nhất (350C) là tháng 4 và thấp nhất vào tháng 12 (20,30C). Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, chiếm từ 92% – 97% lượng mưa cả năm. Lượng mưa ở Hậu Giang thuộc loại trung bình, khoảng 1800 mm/năm, lượng mưa cao nhất vào khoảng tháng 9 (250,1 mm). Ẩm độ tương đối trung bình trong năm phân hoá theo mùa một cách rõ rệt, chênh lệch độ ẩm trung bình giữa tháng ẩm nhất và tháng ít ẩm nhất khoảng 11%. Độ ẩm trung bình thấp nhất vào khoảng tháng 3 và 4 (77%) và độ ẩm trung bình trong năm là 82%.

Hậu Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Điều kiện khí hậu thời tiết của Hậu Giang có những thuận lợi cơ bản mà các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL không có được như: ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng.

2.3. Thuỷ văn

Tỉnh Hậu Giang có một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km. Mật độ sông rạch khá lớn 1,5 km/km2, vùng ven sông Hậu thuộc huyện Châu Thành lên đến 2 km/km2. Hậu Giang nằm trong vùng trũng của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cấu tạo của vùng có thể chia thành hai vùng cấu trúc rõ rệt là Tầng cấu trúc dưới và Tầng cấu trúc bên trên, trong đó Tầng cấu trúc dưới gồm Nền đá cổ cấu tạo bằng đá Granit và các đá kết tinh khác, bên trên là đá cứng cấu tạo bằng đá trầm tích biển hoặc lục địa và các loại đá mắcma xâm nhập hoặc phun trào.

Hậu Giang là một Tỉnh ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Thái Lan. Chế độ thủy văn của Hậu Giang bị chi phối bởi 3 yếu tố: thủy triều vịnh Thái Lan, chế độ thủy văn của sông Hậu và mưa tại chỗ. Các yếu tố này tác động từng thời kỳ, từng vùng khác nhau làm cho chế độ thủy văn Hậu Giang diễn biến phong phú và đa dạng.

3. Tài nguyên thiên nhiên

3.1. Tài nguyên nước

a. Nguồn nước mặt

Tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, được cung cấp từ nước mưa tại chỗ, nước sông Hậu, sông Cái Lớn. Các nguồn nước này đóng vai trò quyết định cho phát triển nông – lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở tỉnh.

Nguồn nước sông Hậu: sông Hậu chảy qua tỉnh Hậu Giang đổ ra biển Đông bằng cửa Định An và Trần Đề, lưu lượng dòng chảy mùa lũ chiếm tới 70 – 85% lượng dòng chảy trong năm, trong đó các tháng 9, 10 và 11 có lưu lượng dòng chảy lớn nhất, chiếm khoảng 50% lưu lượng dòng chảy cả năm. Do có lưu lượng dòng chảy lớn, qua vùng địa hình thấp, nên khả năng thoát nước chậm, vào các tháng mùa mưa biên độ triều ở mức 0,5 m, nhưng vào các tháng mùa khô biên độ lên đến 2,16 m. Chất lượng nước sông Hậu nhìn chung còn khá sạch và khá giàu chất dinh dưỡng, phù hợp với nhu cầu về nước tưới cho trồng trọt và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đây là nguồn nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

b. Nguồn nước ngầm

Theo tài liệu của Liên đoàn 8 địa chất thủy văn và Xí nghiệp khai thác nước ngầm số 5, hồ sơ bản đồ địa chất thủy văn 1/500.000 (năm 1977-1983), 1/200.000 (1984-1997) và 1/100.000 (2000) cho thấy nước ngầm ở tỉnh Hậu Giang có 4 tầng: Holoxen, Pleistoxen, Plioxen và Mioxen; trữ lượng khoảng 1.375.190 m3, trong đó nước ngầm tầng Pleistoxen có trữ lượng cao nhất.

Chất lượng nước ngầm nhìn chung đáp ứng được tiêu chuẩn nước vệ sinh, nằm chủ yếu ở độ sâu vừa phải (80 – 150 m), phù hợp với khả năng khai thác hiện nay; tầng Plioxen có chất lượng không tốt nằm ở độ sâu trên 300 m và tầng Mioxen chứa nước khoáng nằm ở độ sâu 400 – 500 m. Các tầng nước này có tiềm năng lớn, có thể khai thác sử dụng trong tương lai.

3.2. Tài nguyên rừng

Hiện tại đất lâm nghiệp của tỉnh phân bố chủ yếu ở 2 huyện Phụng Hiệp và Vị Thủy, đa phần nằm ở xa khu dân cư, khu vực trũng phèn và ngập nước tại phía Tây của huyện Phụng Hiệp, thuộc địa giới của các lâm trường Phương Ninh và Mùa Xuân trước đây, hiện nay là khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Theo kết quả thực hiện rà soát 3 loại rừng, tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 5.003,88 ha, theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2010 là 5.104,34 ha. Trong đó: đất có rừng 2.510,44 ha (chủ yếu là rừng tràm, bạch đàn), đất chưa có rừng và đất khác 2.593,9 ha. Phân theo đối tượng sử dụng, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng 4.240,26 ha (khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng: 2.805,37 ha, trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân: 1.434,89 ha), huyện Vị Thủy quản lý 144,91 ha, tổ chức – cá nhân trồng rừng trên đất nông nghiệp 719,17 ha. Ngoài ra, hàng năm tỉnh phát động trồng từ 2,5 – 3 triệu cây phân tán trên các tuyến giao thông, kênh thủy lợi, đê bao, cơ quan, trường học … với các chủng loại cây khá phong phú như: tràm, bạch đàn, keo…, vừa mang lại giá trị kinh tế cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tăng độ che phủ.

Phần lớn rừng ở Hậu Giang là kiểu rừng tràm vùng trũng nội địa, rất phổ biến của vùng ĐBSCL, cây tràm chiếm ưu thế, tầng dưới hợp bởi cây mua, đế, sậy, lau lách và cỏ dại, tầng trên thuộc các loài dây leo như choại, bồng bông, vác, tơ hồng… Do địa hình thấp trũng, kênh rạch nhiều, mùa mưa bị ngập thường xuyên, mùa khô nước rút nhanh, đất bị phèn hóa và trở nên chua, nhiều nơi tầng phèn xuất hiện gần mặt đất khoảng 20 – 30 cm. Ở những vùng ngập trũng như phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Lung Ngọc Hoàng, phèn chủ yếu dưới dạng tiềm tàng, đến mùa mưa thì ngập úng, cây tràm bị thoái hóa tạo thành những mảnh tràm bụi, các loài sậy, lau, lách…, theo diễn thế tự nhiên dần dần đã biến những vùng này trở nên loang lổ, da beo, cấu trúc rừng thay đổi thành cụm với mật độ thưa thớt.

Theo những tài liệu nghiên cứu trước đây, tài nguyên sinh vật chủ yếu của Hậu Giang gồm: thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước như tràm, dây chọi, sậy, lác, lau lách…; thực vật thuộc hệ sinh thái trên cạn như trâm sắn, gáo trắng, đủng đỉnh, cây mua, các loại rau rừng, thân thảo…; thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước như lục bình, bông súng, sen, rong nhớt… Tổng số loài thực vật đã được kiểm kê trong nông nghiệp vào khoảng 330 loài thuộc 224 chi. Động vật rất phong phú và đa dạng, hiện đã điều tra được khoảng 71 loài động vật cạn, 135 loài chim các loại (trong đó có 3 loài thuộc sách đỏ của Việt Nam, 1 loài thuộc sách đỏ của thế giới).

3.3. Tài nguyên khoáng sản

Tỉnh Hậu Giang hiện chưa có điều tra đánh giá một cách hệ thống về tài nguyên khoáng sản. Theo một số đề tài nghiên cứu của vùng ĐBSCL và tỉnh Cần Thơ (cũ), khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm có:

– Tài nguyên cát: chủ yếu là cát sử dụng cho việc san lấp, phân bố trên sông Hậu dài khoảng 8 km với tổng trữ lượng 2,5-3 triệu m3, sản lượng khai thác hiện nay 100.000 m3/năm.

– Tài nguyên nước khoáng phân bố ở khu vực thị trấn Long Mỹ, tuy nhiên trữ lượng không lớn.

– Tài nguyên sét: hiện nay một số nơi sử dụng đất sét để làm gạch như ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp và ở thị trấn Long Mỹ, huyện long Mỹ.

– Than bùn: có tại một số vùng thuộc huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp nhưng chưa được điều tra đánh giá trữ lượng và chất lượng cụ thể.

3.4 Tài nguyên nhân văn

Từ xa xưa Hậu Giang nổi tiếng là một vùng đất trù phú, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và thương mại – dịch vụ. Dân cư phân bố không đều, thường tập trung ở các trục đường giao thông thủy bộ quan trọng. Con người Hậu Giang thật thà chất phác, cần cù – chịu khó trong sinh hoạt và lao động, kiên cường trước mọi khó khăn. Những đặc điểm đó đã làm cho Hậu Giang xưa không những nổi tiếng trong thương mại – dịch vụ, sản xuất (nông – lâm – ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), mà còn về sự quật khởi trong đấu tranh chống cường quyền, ngoại xâm, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các chiến tích còn lại cho đến nay ở nơi đây (di tích Cái Sình, Tầm Vu, chiến thắng tiểu đoàn 75 Mỹ – Ngụy…) đã minh chứng cho sự anh dũng bất khuất của con người Hậu Giang.

Dân số tỉnh Hậu Giang tăng chậm từ 747.496 người năm 2000 lên 789.602 người năm 2005 (tăng bình quân 1,08%/năm) nhưng giảm xuống còn 762.125 người năm 2010 (giảm bình quân 0,71%/năm). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh không ổn định (năm 2000 là 1,15%, năm 2005 là 1,33% và năm 2010 là 1,15%). Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng dân số cơ học cũng biến động không ổn định: năm 2000 giảm -0,17%, năm 2005 giảm -0,23%, năm 2008 giảm – 7,28%, năm 2010 giảm -0,60% (chủ yếu là đi làm ăn tại Tp. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ). Hiện tỉnh đang mở rộng các khu đô thị, tập trung phát triển kinh tế đã thu hút một phần dân cư đến làm ăn sinh sống và tỉnh đang có chính sách thu hút nhân tài đến công tác tại địa phương nên một số trí thức trẻ từ các tỉnh khác đã đến công tác, lập nghiệp tại tỉnh.

Cơ cấu dân số phi nông nghiệp và nông nghiệp năm 1995 là 12,6% – 87,4% và năm 2000 là 20,7% – 79,3%, đến năm 2005 là 21,7% – 78,3% và năm 2010 là 32,8% – 67,2%, cho thấy giai đoạn 2001-2010 có sự chuyển dịch cơ cấu lao động nhanh từ hoạt động trong khu vực nông nghiệp sang khu vực công thương nghiệp nhờ sự phát triển của công nghiệp – dịch vụ, nhưng nhìn chung đến nay nông nghiệp và nông thôn vẫn còn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế – xã hội của tỉnh.

Cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số cơ học từ mọi miền đất nước về tỉnh Hậu Giang đã làm cho dân số Hậu Giang ngày càng đa dạng về dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang ngày phong phú về truyền thống và bản sắc văn hóa từ các vùng miền của đất nước.

3.5. Tài nguyên đất

a. Diện tích và phân bố các loại đất

Kết quả điều tra bổ sung, chỉnh lý bản đồ đất tỉnh Cần Thơ (cũ) tỉ lệ 1/50.000 (gồm Tp. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang hiện nay) do Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam (Bộ Nông Nghiệp và PTNT) thực hiện năm 2003, sử dụng hệ thống phân loại đất thống nhất toàn quốc để phục vụ công tác rà soát quy hoạch sản xuất nông – lâm nghiệp, chia tài nguyên đất tỉnh Hậu Giang ra 4 nhóm đất là đất phù sa, đất phèn, đất mặn ít và đất líp với 11 loại đất.

Các loại đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang:

Nhóm đất phù sa: Diện tích 49.538 ha (chiếm 30,91% diện tích đất tự nhiên), phân bố dọc theo sông Hậu, cách sông từ 8 – 20 km; tập trung ở Châu Thành (chiếm 17,74% diện tích đất phù sa toàn tỉnh), Châu Thành A (chiếm 19,85% toàn tỉnh) và Phụng Hiệp (chiếm 28,07% toàn tỉnh). Đất phù sa do đã được khai thác trên 200 năm, lại có quá trình khô hạn và ngập nước hàng năm vào mùa mưa lũ nên chỉ còn một số ở dạng chưa phát triển, các loại đất phù sa khác hầu hết đã phát triển như đất phù sa gley, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng… Trong đó, do địa bàn thấp trũng nên loại đất phù sa gley chiếm diện tích lớn (94,6% diện tích nhóm đất phù sa). Đất phù sa của Hậu Giang có tiềm năng lớn cho sản xuất nông nghiệp thâm canh và cho mục tiêu đa dạng hoá các loại hình sản xuất; hiện trạng sử dụng đất chủ yếu là canh tác lúa 2 vụ (hè thu – đông xuân) hoặc 3 vụ (HT – TĐ – ĐX), luân canh 2 – 3 vụ lúa – màu, canh tác mô hình lúa 2 vụ + cá hoặc lúa 1 vụ + tôm (càng xanh), chuyên canh các loại rau màu và cây ăn trái.

Nhóm đất phèn: Đây là nhóm đất có quy mô lớn thứ nhất, diện tích 51.240 ha (31,98% DTTN), phân bố trên địa hình thấp trũng, tập trung phía Tây Nam của tỉnh thuộc các huyện Long Mỹ (16.585 ha), Phụng Hiệp (22.517 ha), huyện Vị Thủy (8.739 ha), TP. Vị Thanh (3.400 ha) và rải rác một phần diện tích ở huyện Châu Thành, Châu Thành A và TX. Ngã Bảy phía giáp tỉnh Kiên Giang.

Nhóm đất mặn: Do đã được ngăn mặn và rửa ngọt bằng hệ thống thủy lợi khép kín, đất mặn ở Hậu Giang chỉ còn diện tích 4.889 ha (3,05% diện tích tự nhiên), chủ yếu là loại đất mặn ít nên đã được khai thác sử dụng có kết quả. Phân bố ở vùng đất có địa hình thấp ven các sông rạch đang bị nhiễm mặn ở phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, tập trung chủ yếu ở huyện Long Mỹ.

Nhóm đất nhân tác (đất líp, thổ cư): Diện tích đất nhân tác ở tỉnh Hậu Giang hiện khoảng 48.560 ha (30,3% diện tích tự nhiên), gồm đất lên líp trồng cây lâu năm, đất líp dành cho mục tiêu như: nhà ở, giao thông, xây dựng,… Nhóm đất nhân tác phân bố ở tất cả các huyện – thị, nhưng tập trung lớn nhất ở Tp. Vị Thanh, huyện Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp. Trong nhóm đất xáo trộn ở tỉnh Hậu Giang, đất lên líp dọc theo sông Hậu (chủ yếu trên đất phù sa) và sông Cái Lớn (trên đất phèn) là quỹ đất phù hợp cho cây ăn quả đặc sản của tỉnh.

Bảng 1

Tên đất

Ký hiệu tên đất

Diện tích (ha)

Tỉ lệ (%)

I. ĐẤT MẶN

4.889

3,05

II. ĐẤT PHÈN

51.24

31,98

II.1 Đất phèn tiềm tang

5.547

3,46

2. Đất phèn tiềm tàng nông, mặn

Sp1Mi

3.673

2,29

3. Đất phèn tiềm tàng sâu, mặn

Sp2Mi

791

0,49

4. Đất phèn tiềm tàng nông

Sp1

1.084

0,68

II.2 Đất phèn hoạt động

45.693

28,51

5. Đất phèn hoạt động nông, mặn

Sj1Mi

3.202

2,00

6. Đất phèn hoạt động sâu, mặn

Sj2Mi

6.243

3,90

7. Đất phèn hoạt động nông

Sj1

4.923

3,07

8. Đất phèn hoạt động sâu

Sj2

31.324

19,55

III. ĐẤT PHÙ SA

49.538

30,91

9. Đất phù sa gley

Pg

46.851

29,24

10. Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng

Pf

2.687

1,68

IV. ĐẤT NHÂN TÁC (ĐẤT LÍP)

48.56

30,30

11. Đất nhân tác (lập líp)

Vp

48.56

30,30

Sông rạch

6.016

3,75

Tổng cộng

160.245

100,000

Nguồn: Phân viện Quy hoạch và TKNN, 2003

Lý tính: Hầu hết các loại đất ở tỉnh Hậu Giang (ở độ sâu 0 – 1,5m) có sa cấu là sét và thịt nặng, có độ dẻo dính cao và đặc tính cơ lý khá mềm yếu, kém ổn định. Do đất có thành phần cơ giới nặng, nên tỷ lệ sét và thịt chiếm đến 68 – 82%, cát chỉ chiếm 18 – 32%, đất có kết cấu viên cục, tảng, khả năng hấp thu cao, giữ nước và phân tốt. Với tính chất vật lý như trên nên hầu hết các loại đất trên địa bàn tỉnh khá thích hợp cho việc thâm canh lúa nước, song lại hạn chế đối với cây trồng cạn (như màu, cây công nghiệp ngắn ngày) do làm đất khó, thoát nước kém, không tơi xốp nên bộ rễ cây trồng cạn (đặc biệt là cây họ đậu) khó phát triển tốt.

b. Đặc điểm lý và hóa tính đất

Hóa tính: Tỷ lệ mùn ở mức khá đến giàu (1,45-6,20%), trong đó đất phèn và đất phù sa gley cao gấp 1,5-2,5 lần đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng. Tương ứng đạm tổng số giàu (hàm lượng trên 0,15%), cao nhất là đất phèn hoạt động trung bình và đất phù sa gley (Pg). Hàm lượng lân và kali tổng số ở mức trung bình. Hàm lượng lân dễ tiêu ở đất phèn thấp, dao động ở 1,5-2,5 mg/100g đất, do cố định bởi Al3+, Fe2+. Độc tố trong đất chủ yếu ở các loại đất phèn và mặn, trong đó đáng lưu ý là SO42- và Cl-. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng SO42- hòa tan đều trên ngưỡng chịu đựng của cây lúa (trên 0,02%), tuy vậy đất mặn có nồng độ Cl- thấp hơn 0,4%.

c. Đánh giá chung

Tài nguyên đất tỉnh Hậu Giang có một số đặc điểm sau đây:

– Đất phù sa chiếm diện tích khá lớn, phân bố tập trung dọc theo sông Hậu và có hàm lượng dinh dưỡng khá, nhóm đất này thích nghi với nhiều loại cây trồng;

– Đất phèn phân bố khá rộng ở các vùng xa sông và khu vực phía Nam của tỉnh. Trong loại đất này, hạn chế chính cho canh tác là độ sâu xuất hiện tầng phèn và tầng có chứa vật liệu sinh phèn;

– Khu vực tiếp giáp tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu bị nhiễm mặn trong mùa khô và do trong mùa khô thiếu nước ngọt canh tác, nước mặn sẽ được mao dẫn lên tầng mặt, hoặc đào đắp, lên líp, đất sẽ bị mặn trong thời gian đầu;

– Cần chú trọng việc cải tạo đất phèn để giảm các độc tố (Al3+, SO42-) trong đất, tăng cường bón lân cho tất cả các loại đất (nhất là trên đất phèn mặn), đồng thời chú trọng luân canh các loại cây trồng thích hợp.

4. Đặc điểm dân cư

– Tính đến năm 2013, dân số toàn tỉnh Hậu Giang đạt gần 1.726.206 người, mật độ dân số đạt 272 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 471.200 người, dân số sống tại nông thôn đạt 1.255.000 người. Dân số nam đạt 861.600 người, trong khi đó nữ đạt 852.500 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 10,8 %.

– Về dân tộc và tôn giáo, Hậu Giang là địa bàn cư trú của hơn 15 dân tộc khác nhau. Trong đó, người Kinh chiếm khoảng 85,5%, Người Khmer chiếm khoảng 12,2% dân số tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Gò Quao. Người Hoa chiếm khoảng 2,2% dân số sinh sống ở thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành. Còn lại là một số dân tộc khác như: Chăm, Tày, Mường, Nùng…. Về tôn giáo, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 489.609 người theo tôn giáo, chiếm khoảng 32,7% tổng số dân, trong đó Phật giáo chiếm 25%, Công giáo chiếm 5,7%, còn lại là các tôn giáo khác như Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo ….

5. Đặc điểm kinh tế xã hội, các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh

5.1. Đặc điểm kinh tế xã hội

5.1.1. Giao thông

Hậu Giang nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km đường bộ về phía tây nam, hệ thống giao thông ở tỉnh tương đối thuận tiện, bao gồm đường bộ, đường thuỷ. Trong đó, hệ thống giao thông đường bộ không ngừng phát triển. Giao thông nội bộ các thành phố, thị xã được nâng cấp và tráng nhựa.

a. Giao thông đường bộ

Trên địa bàn tỉnh, có năm trục giao thông huyết mạch là quốc lộ 1A, quốc lộ 61, quốc lộ 61B, quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp. Ngoài ra, tuyến đường bộ nối Vị Thanh – Cần Thơ, tuyến đường Bốn Tổng – Một Ngàn là cầu nối quan trọng giữa Hậu Giang, thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang. Đường nội bộ tỉnh, gồm các tuyến 924 đến 933 với tổng chiều dài khoảng 400 km. Mạng lưới đường thủy, gồm có hai trục giao thông quốc gia kênh Xà No, kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp. Hệ thống kênh, rạch hình thành mạng lưới đường thủy chằng chịt, trải đều địa bàn tỉnh đảm bảo cho việc vận tải thuỷ thuận lợi.

b. Giao thông đường thủy

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Hậu Giang có một mạng lưới sông – kênh – rạch rất phong phú và đa dạng. Mạng lưới đường thủy trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 724 km, trong đó:

– Trung ương quản lý : 96 km.

– Tỉnh quản lý : 223 km.

– Huyện quản lý : 405 km.

– Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến vận tải thủy quốc gia đi qua đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp 3:

+ Tuyến từ sông Hậu – sông Cần Thơ – kênh xáng Xà No – rạch Cái Nhất – sông Cái Tư.

+ Tuyến từ sông Hậu – rạch Cái Côn – kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp.

– Các tuyến vận tải thủy do địa phương quản lý:

+ Mạng lưới đường thủy do tỉnh quản lý bao gồm 7 tuyến (Kênh Nàng Mau, sông Cái Lớn, rạch Nước Trong, kênh KH9, kênh Saintenoy, kênh 8000), hầu hết đạt tiêu chuẩn sông – kênh cấp 4 – 5.

+ Mạng lưới đường thủy do huyện quản lý hầu hết đạt tiêu chuẩn sông – kênh cấp 5 – 6.

+ Trên mạng lưới đường thủy do địa phương quản lý còn nhiều chướng ngại vật, chủ yếu là các cầu với tĩnh không thông thuyền thấp, trên mặt sông kênh có nhiều đăng đáy cá, lục bình lấn chiếm làm cản trở thuyền bè qua lại.

5.1.2. Công, nông nghiệp, dịch vụ

Về nông nghiệp:

+ Đến năm 2015 toàn tỉnh có trên 74.560 hộ nông dân sản xuất giỏi có mô hình đạt giá trị thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với năm 2010 và có 35.807 hộ sản xuất hiệu quả có mô hình đạt giá trị trên 105 triệu đồng/ha/năm (năm 2010 là 45 triệu đồng/ha/năm), gấp 2,3 lần năm 2010, đưa thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác đến hết năm 2015 trên địa bàn cả tỉnh là 52 triệu đồng/ha/năm, bằng 1,67 lần so với năm 2010 (năm 2010 là 31 triệu đồng/ha/năm), lợi nhuận gần 30%.

+ Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 13%/năm, dịch vụ tăng 10%/năm, trồng trọt tăng 3%/năm. Tỷ trọng trồng trọt đã giảm từ 82,3% năm 2010 còn 80,7% năm 2015; chăn nuôi tăng 12,3% năm 2010 lên 13,3% năm 2015; dịch vụ tăng 5,4% năm 2010 lên 6% năm 2015. Nông sản hàng hóa khá đa dạng, một số mặt hàng nông sản bước đầu hình thành mối liên kết 4 nhà; công tác ứng dụng khoa học công nghệ đã phát huy hiệu quả; khống chế nhanh dịch bệnh; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng.

+ Lúa là cây trồng chủ lực, diện tích trồng lúa ổn định khoảng 78.000 ha, diện tích gieo trồng năm 2015: 207.029 ha, năng suất bình quân 6,31 tấn/ha, sản lượng 1,306 triệu tấn; so với năm 2010 năng suất tăng 1,16 tấn/ha, sản lượng tăng 16,5%; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đạt trên 70%, lượng gạo xuất khẩu trung bình khoảng 350.000 – 400.000 tấn/năm. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, trong sản xuất lúa tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất, tưới tiêu trên 95%; khâu thu hoạch khoảng 74% diện tích canh tác lúa.

+ Cây ăn trái tăng mạnh, nhất là cây có múi sạch bệnh và cây ăn trái đặc sản, trong đó các cây trồng chủ lực như: Bưởi Năm roi, cam mật, cam sành, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc,…, diện tích cây ăn trái tăng từ 22.962 ha năm 2010 lên 33.893 ha năm 2015 tăng 47,6% (trong đó cây khóm 1.600 ha). Sản lượng 265.000 tấn, tăng 55% so với năm 2010. Cơ cấu cây có múi chiếm 46,5% diện tích cây ăn trái.

+ Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lúa và có tiềm năng khá lớn (50.000 ha), nhưng quy mô nhỏ, giá trị sản xuất theo giá thực tế năm 2015 đạt 1.800 tỷ đồng, chiếm 12,7% giá trị sản xuất khu vực I. Năm 2015 diện tích nuôi 7.309 ha, sản lượng 68.596 tấn, tăng 42,9% so năm 2010 (tăng 20.893 tấn), trong đó sản lượng nuôi tăng 17,2%/năm, điều này thể hiện việc nuôi trồng thủy sản có bước chuyển biến mới do nuôi thâm canh thay nuôi quảng canh trước đây. Đã có nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hình thành các vùng nuôi tập trung.

+ Lâm nghiệp, có quy mô nhỏ, chủ yếu trồng rừng phòng hộ và trồng cây phân tán. Tỷ lệ che phủ rừng đạt thấp, chỉ khoảng 1,8% diện tích tự nhiên của tỉnh. Công tác phòng chống cháy rừng được quan tâm; toàn tỉnh có 09 trại nuôi động vật hoang dã với 224.408 cá thể.

– Về công nghiệp:

+ Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2015 tăng 7,1%. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,01%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,27% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 12,53%.

+ Sản lượng điện tiêu thụ từ 285 triệu KWh năm 2010 tăng lên 672 KWh năm 2015; sản lượng điện tiêu thụ bình quân đầu người từ 374 KWh/người năm 2010 lên 831 KWh người năm 2015; số xã sử dụng điện đạt 100%, tỷ lệ hộ sử dụng điện khu vực thành thị là 100% và khu vực nông thôn là 95,5%; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn là 96,5%.

+ Toàn tỉnh có 4.200 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động; có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích là 1.529,7 ha, trong 05 năm đã thu hút được 50 nhà đầu tư, gồm 78 dự án; tổng vốn đầu tư đăng ký gần 70.000 tỷ đồng và 668,7 triệu USD; tỷ lệ đất lấp đầy theo đăng ký 71%, đã có 45 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện 15.779,17 tỷ đồng và 40 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 18.585 lao động; hiện có 12 dự án đang triển khai với số vốn đầu tư đăng ký 46.536,33 tỷ đồng và 628,7 triệu USD; còn 09 dự án chưa triển khai với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.684,5 tỷ đồng.

– Về dịch vụ:

+ Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đến năm 2015 đạt 420,025 triệu USD, vượt 5,01% kế hoạch, tăng bình quân 18,06%/năm (năm 2010: 183 triệu USD), trong đó xuất khẩu trực tiếp tăng 19%/năm; ủy thác xuất khẩu giảm 24,2%/năm; dịch vụ thu ngoại tệ tăng 13,6%/năm. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông,thủy sản, trái cây, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày da, tiếp tục tăng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Nhập khẩu đến năm 2015 là 86,425 triệu USD, đạt 86,4% kế hoạch, tăng bình quân 11,79%/năm (năm 2010: 49,5 triệu USD); tập trung chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu.

+ Dịch vụ vận tải đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, chất lượng phục vụ của các đơn vị tham gia vận tải hành khách được nâng cao, trật tự vận tải hành khách được cải thiện. Giá trị sản xuất ngành giao thông vận tải tăng bình quân 10 – 11%/năm. Năm 2015 tổng sản lượng vận tải hàng hóa đạt trên 8,7 triệu tấn, tăng 7,8%/năm và trên 99 triệu lượt hành khách, tăng 9,2%/năm. Trong cơ cấu ngành vận tải của tỉnh, vận tải thủy chiếm vị trí chủ yếu, khoảng 80% khối lượng hàng hoá vận chuyển và 91,5% khối lượng hàng hoá luân chuyển. Khối lượng vận tải đường bộ chiếm khoảng 20% khối lượng vận chuyển hàng hoá và 8,5% hàng hoá luân chuyển.

+ Lĩnh vực du lịch từng bước phát triển, một số di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, gắn kết với khai thác du lịch, lượng khách tham quan tăng bình quân 8%/năm. Hàng năm, tỉnh đều tham gia các hoạt động du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch Hậu Giang. Tổng lượng khách du lịch năm 2015 khoảng 200.000 lượt, tăng bình quân 8,5%/năm. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa khai thác đúng mức tiềm năng cả về nội dung và phương thức hoạt động, chất lượng phục vụ còn kém.

+ Lĩnh vực Bưu chính viễn thông phát triển có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu đời sống nhân dân. 100% số xã có bưu điện văn hóa xã. Số thuê bao điện thoại/100 dân đạt mật độ 92 máy (năm 2010 là 65 máy), tăng bình quân 14,7%/năm; số thuê bao internet băng thông rộng đạt 1,5 thiết bị. Toàn tỉnh có 62 điểm hoạt động bưu chính, viễn thông ở 76 xã, phường, thị trấn. Các loại hình dịch vụ khác như: y tế, bảo hiểm, giáo dục, văn hóa, nhà hàng, khách sạn, tư vấn pháp luật đều có sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng dịch vụ.

5.1.3. Vệ sinh phòng bệnh

– Hệ thống mạng lưới y tế được tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ khám chữa bệnh, từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và xã hội hóa. Toàn tỉnh có 02 bệnh viện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang và Bệnh viện Lao & Bệnh phổi). Đối với hệ thống bệnh viện tuyến huyện, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 05 bệnh viện: là Bệnh viện đa khoa khu vực Ngã Bảy, Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành, Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành A, Bệnh viện đa khoa huyện Vị Thủy và Bệnh viện đa khoa huyện Phụng Hiệp và mở rộng bệnh viện đa khoa huyện Long Mỹ đang trong quá trình triển khai thực hiện và hoàn thành trong năm 2015; bệnh viện đa khoa thành phố Vị Thanh hoàn thành trong năm 2016; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã hoàn thành, trung tâm Y tế dự phòng đang triển khai. Đối với y tế xã, đã khởi công xây mới, mở rộng, sửa chữa nâng cấp các trạm y tế xã bao gồm 47 công trình, từ nguồn kinh phí 169 tỷ đồng của ngân sách tỉnh và xã hội hóa. Đến nay toàn tỉnh có 09 bệnh viện đa khoa và 01 Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, 08 Phòng khám đa khoa khu vực và 67 trạm y tế xã.

– Mạng lưới hành nghề y dược tư nhân cũng khá phát triển, đáp ứng cho người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế phổ cập và làm giảm tải cho các bệnh viện. Toàn tỉnh có: 01 bệnh viện tư nhân (Bệnh viện đa khoa số 10, quy mô 50 giường); 01 bệnh viện Đại học Võ Trường Toản quy mô 300 giường bệnh, cùng với hơn 430 cơ sở hành nghề y các loại và y học cổ truyền. Thời gian qua mạng lưới y dược học cổ truyền của tỉnh đã có những thay đổi đáng kể, hệ thống y tế tư nhân có 31 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 41 nhà thuốc.

– Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã 82,89%. Số xã có bác sỹ năm 2010 là 67,12% tăng lên 90% vào năm 2015. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12,8% (năm 2010 là 16%), số giường bệnh trên 1 vạn dân 27,15 giường (cả nước là 29 giường), có 6,3 bác sĩ/vạn dân, trẻ em tử vong dưới 1 tuổi còn 10,2‰ (năm 2010 là 11‰ và tử vong dưới 5 tuổi còn 15,4 ‰ (năm 2010 là 18 ‰). Chất lượng dân số được nâng dần, mức giảm sinh 0,057‰. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 10,25‰ (năm 2010 là 11‰). Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế 65% (năm 2010 là 50%). Tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên đáng kể, từ 74 tuổi năm 2010 lên 75 tuổi, cao hơn mặt bằng chung của toàn quốc là 73 tuổi. Một số chính sách về nâng cao chất lượng dịch vụ được ban hành, thực hiện, mang lại hiệu quả cao nhờ đó, số người khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập và trạm y tế xã đã tăng cao, đạt mức bình quân gần 3 lần khám/người/năm (cao hơn 30% so với mức bình quân chung của cả nước). Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai tại tỉnh đã làm giảm được tỷ lệ chuyển tuyến và quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

5.1.4. Quốc phòng – an ninh

Nhìn chung tình hình an ninh của tỉnh Hậu Giang đảm bảo, ổn định.

+ Công tác quân sự – quốc phòng địa phương được triển khai thực hiện đồng bộ, lực lượng vũ trang được xây dựng vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của lực lượng vũ trang luôn được cải thiện. Khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh được thực hiện tốt hơn. Công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt chỉ tiêu pháp lệnh, đảm bảo số lượng, chất lượng. Công tác huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ hàng năm đạt kết quả cao. Từng bước kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác thường xuyên và đột xuất của lực lượng vũ trang, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công tác giáo dục quốc phòng trong nhân dân và nhà trường, thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội ngày càng tốt hơn.

+ Chủ động nắm chặt mọi diễn biến tình hình liên quan đến an ninh quốc gia, kịp thời phát hiện và vô hiệu hóa, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn phản động trên các lĩnh vực: an ninh, chính trị, nội bộ, kinh tế, văn hóa tư tưởng, thông tin, xã hội; đấu tranh xử lý kịp thời các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội và kéo giảm tai nạn giao thông. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường xây dựng, củng cố, phát huy được hiệu quả công tác giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.

5.2. Định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020

– Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân 5 năm (2016 – 2020) tăng trên 7%/năm, trong đó khu vực I: 3%, khu vực II: 13,28%, khu vực III: 8,26%.

+ Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt 42.771 tỷ đồng, tăng bình quân 14,78%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người, tương đương 2.500 USD.

+ Cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là dịch vụ – công nghiệp, xây dựng – nông nghiệp; chuyển dịch theo hướng giảm tương đối tỷ trọng khu vực I từ 33,95% còn 24,34%, tăng tỷ trọng khu vực II từ 21,18% lên 27,38% và khu vực III từ 44,87% lên 48,28 %.

+ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn trong 5 năm 2016 – 2020 theo giá thực tế từ 90.000 – 95.000 tỷ đồng, tăng bình quân 7,95%/năm, bình quân mỗi năm khoảng 18.000 – 19.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP năm 2015 là 66,75% xuống còn 49,1% vào năm 2020.

+ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm 28.000 – 30.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 5,2%/năm. Trong đó tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 là 6.500 tỷ đồng (thu nội địa là 1.350 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ chính quyền địa phương trên tổng chi đến năm 2020 dưới 0,31%.

+ Kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2020 đạt 920 triệu USD, tăng bình quân 12,68%/năm. Giá trị xuất khẩu đến năm 2020 đạt 700 triệu USD, tăng bình quân 10,76%/năm; nhập khẩu 220 triệu USD, tăng bình quân 20,5%/năm.

+ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 năm (2016 – 2020) dưới 7% (không vượt quá bình quân cả nước).

– Về văn hóa, xã hội:

+ Dân số trung bình đến năm 2020 khoảng 777.620 người; tỷ lệ tăng dân số trung bình 2‰, trong đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 10,7‰.

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm trên 2%.

+ Số lao động được tạo việc làm trong 5 năm là 75.000 lao động, mỗi năm bình quân 15.000 lao động. Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 4,2%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn còn 6%.

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 80% tổng số trường, số sinh viên trên 10.000 người dân là 200 sinh viên; hoàn thành phổ cập trung học phổ thông.

+ Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 11%; số bác sĩ trên 10.000 người dân là 8 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 người dân là 34,1 giường; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế 84,3%; tuổi thọ trung bình 76 tuổi.

+ Số thuê bao điện thoại/100 dân là 97 điện thoại; số thuê bao Internet băng thông rộng/100 dân đạt 2 thuê bao; diện tích nhà ở bình quân/người 23 – 25 m².

+ Xây dựng công nhận mới 16 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 28/54 xã, đạt 51,85% tổng số xã.

– Về tài nguyên, môi trường:

+ Tỷ lệ che phủ rừng đạt 3%.

+ Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh 95%; tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch 91%.

+ Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị 85%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn 100%; tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn 70%.