Giới thiệu khái quát huyện Hiệp Hòa – Tỉnh Bắc Giang – Vansudia.net

Hiệp hòa ở đâu

Hiệp Hòa là huyện trung du nằm ở phía Tây – Nam của tỉnh Bắc Giang, diện tích tự nhiên 201.120Km2, dân số 221.843 người, phía Đông giáp huyện Tân Yên, Việt Yên, phía Tây giáp huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, phía Nam giáp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, phía Bắc giáp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Hành chính: Huyện chia thành 26 đơn vị hành chính: thị trấn Thắng, xã Bắc Lý, xã Châu Minh, Đại Thành, Danh Thắng, Đoan Bái, Đông Lỗ, Đồng Tân, Đức Thắng, Hòa Sơn, Hoàng An, Hoàng Lương, Hoàng Thanh, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Hùng Sơn, Hương Lâm, Lương Phong, Mai Đình, Mai Trung, Ngọc Sơn, Quang Minh, Thái Sơn, Thanh Vân, Thường Thắng, xã Xuân Cẩm. Các cơ quan hành chính của huyện nằm ở trung tâm thị trấn Thắng. Các đơn vị trực thuộc UBND huyện: Văn phòng HĐND-UBND huyện, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Công thương, Phòng Văn hóa – Thông tin – Thể thao, Phòng Nội vụ, Phòng Lao động – Thương binh xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Phòng Tư pháp, Thanh tra huyện, Ban quản lý dự án, Đài truyền thanh huyện, Trung tâm khoa học công nghệ, Trạm khuyến nông, Trung tâm Dậy nghề.

Giao thông, thủy lợi: Hiệp Hòa nằm cách Hà Nội khoảng 60km theo đường quốc lộ 1A và 40km theo hướng cầu Vát, có 1 tuyến quốc lộ 37 chạy qua dài 14km, nối huyện Hiệp Hòa với tỉnh Thái Nguyên, 3 tuyến tỉnh lộ, tổng chiều dài 40 km. Các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 6 xã có đường nhựa, 11 xã đường đá, 9 xã đường cấp phối. Ngoài ra, huyện còn có tuyến giao thông đường thủy sông Cầu bao quanh phía Tây và phía Nam với chiều dài trên 40km, tạo ra sự thông thương với các trung tâm kinh tế lớn như tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài các tuyến kênh mương 248,149 km, bao gồm: Kênh trôi, Kênh 3, Kênh 1B, Kênh 1C, Kênh 2/3, Kênh Hương Lâm – Mai Đình, Kênh 3/3, Kênh 1A, Kênh Hoàng Lương, Kênh T47, Kênh T45, Kênh Hương Lâm – Châu Minh, Kênh Hoàng Vân, Kênh 1D.

Hệ thống lưới điện: Hệ thống lưới điện do Chi nhánh điện Hiệp Hoà quản lý 160 trạm biến áp với 167 máy biến áp, tổng công suất là 28.875 kVA. Có 2 trạm biến áp trung gian công suất 22.300 kVA. Đường dây 35 KV dài 14,673 km, đi từ ranh giới Tràng (địa phận giữa huyện Việt Yên và huyện Hiệp Hoà) đến 2 trạm biến áp trung gian là trung gian Hiệp Hoà 1 và trung gian Hiệp Hoà 2. Đường dây 10 KV dài 144,182 km gồm 7 lộ đường dây sau 2 trạm trung gian. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân 56 triệu kWh/năm.

Địa hình, khí hậu: Địa hình đặc trưng là đồi thấp, xen kẽ các đồng bằng lượn sóng thấp dần từ Đông – Bắc xuống Tây – Nam. Khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão, nhiệt độ trung bình 23,40C. Lượng mưa trung bình cao nhất là tháng 8, thấp nhất là tháng 12. Độ ẩm không khí trung bình tương đối cao, khoảng 82%, độ ẩm trung bình thấp nhất 65%. Về mùa đông vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, mùa hạ hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Nam.

Tài nguyên: Về đất, có 7 thành phần: Đất phù sa được bồi ( Pb), đất phù sa không được bồi ( P), đất phù sa Gờ lây ( Pg), đất phù sa úng nước ( Pj), đất bạc màu trên phù sa cổ ( B), đất nâu vàng trên phù sa cổ ( Fp), đất đỏ vàng trên đá sét Fs. Với thành phần đất như trên, có thể vừa phát triển cây lương thực, vừa phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như lạc, đậu tương … và các loại cây ăn quả trên các vùng đồi thấp. Về nước, nguồn cung cấp chính là sông Cầu và các chi lưu chính của sông Công, sông Cà Lồ, ngoài ra còn có khoảng 350ha mặt nước ao cùng với nhiều đầm, hồ, tổng dung tích khoảng 10.500 nghìn m2 nước. Về khoáng sản, không có khoáng sản quý hiếm, chỉ có một số nguyên vật liệu phục vụ xây dựng như đất sét, sỏi, cuội, cát ở vùng ven sông Cầu. Về tài nguyên nhân văn, có 55 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, những di tích lịch sử này cùng với cảnh quan tự nhiên như khu vực núi Y Sơn, di tích lịch sử An toàn Khu II … và vị trí địa lý gần kề thủ đô Hà Nội, các trung tâm công nghiệp của các tỉnh phía Bắc sẽ là tiềm năng to lớn cho ngành du lịch của huyện phát triển.

Về kinh tế – xã hội: Kinh tế Hiệp Hòa phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với mục tiêu đó, toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu thực hiện, đến nay tỷ trọng về nông – lâm – thủy sản đã giảm xuống còn 63,69%, công nghiệp – XD tăng lên 12,94%, thương mại – dịch vụ chiếm 23,37%. Trong nông nghiệp, tích cực đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới có có năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao vào sản xuất đại trà đảm bảo năng suất, sản lượng, giá trị lợi nhuận tăng dần qua các năm góp phần an toàn lương thực, nâng cao mức thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Trong công nghiệp, TTCN, dịch vụ, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng diện tích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhanh gọn, đúng quy định của Nhà nước để nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Đến nay có 14 dự án đầu tư trong các lĩnh vực may mặc, sản xuất gạch, khai thác cát sỏi … đã đi vào hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 449,5 tỷ đồng và 3 triệu USD, đã quy hoạch được một số cụm công nghiệp tại Thị Trấn, Đức Thắng, Hợp Thịnh, Hương Lâm, Xuân Cẩm, Lương Phong, Đoan Bái, Đông Lỗ, Hùng Sơn… Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển, hiện có 21.074 thuê bao điện thoại cố định. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm luôn giữ ở mức cao, cung ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và dời sống của nhân dân. Dự án cải tạo hệ thống điện nông thôn (ReII) đang được triển khai thực hiện. Đã xây dựng và đi vào hoạt động 2 trạm cung ứng nước sạch. Tỷ lệ dân cư thị trấn và vùng lân cận được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, dân cư nông thôn 82%. Giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học; cơ sở, quy mô trường, lớp hàng năm được đầu tư kiên cố hóa, xây dựng mới đảm bảo cho việc dạy và học của các nhà trường. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kế hoạch hoá gia đình … hàng năm đều được quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, thường xuyên cải tạo, nâng cấp, xây dựng thêm các phòng khám từ bệnh viện huyện đến các trạm xá xã, thị trấn phục vụ kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Huyện xác định phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2020 là phải nằm trong chiến lược phát triển của tỉnh, xây dựng kết cấu hạ tầng phải đi trước phù hợp với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa; phát triển và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát triển toàn diện kinh tế – văn hóa – xã hội. Chuyển đổi cơ cấu và thực hiện CNH, HĐH phù hợp điều kiện của huyện nhằm đưa huyện đứng vào loại khá trong tỉnh, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa Hiệp Hoà so với các huyện, thành phố mạnh của tỉnh, cùng với cả nước chủ động tham gia hội nhập kinh tế thế giới. Trên cơ sở đó, huyện đã cụ thể hoá thành các mục tiêu cụ thể qua các năm, từ năm 2008 – 2010 duy trì tốc độ tăng GTSX bình quân đạt 10-12%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 đạt từ 13-15%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 đạt từ 15-17%/năm. Cơ cấu GTSX năm 2010: Công nghiệp – xây dựng 15%, Thương mại – dịch vụ 25% và Nông – lâm – thuỷ sản 60%; năm 2015 lần lượt là 28% – 30% – 42%; năm 2020 là 37% – 35% – 28%; GTSX bình quân/người năm 2010 khoảng 10,95 triệu đồng, năm 2015 khoảng 30,89 triệu đồng và năm 2020 đạt 67,02 triệu đồng. Đến năm 2020 dân số tại các thị trấn và thị tứ chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện. Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng trên các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phấn đấu vượt mức bình quân của tỉnh trên một số lĩnh vực chủ yếu về văn hoá – xã hội. Đến năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học toàn huyện, 75% trường học đạt chuẩn quốc gia và 100% vào năm 2020; đến 2010 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 1%, năm 2020 là 0,9%; giảm tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2008 – 2010 bình quân 3%/năm trở lên, giai đoạn 2011 – 2015 giảm bình quân 1,8-2,0%, giai đoạn 2016 – 2020 giảm bình quân mỗi năm 0,8-1,0%) theo tiêu chuẩn hiện nay. Tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 26% vào năm 2010 và khoảng 46% vào năm 2020; Phấn đấu đến năm 2020 có 90% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 80% làng, khu phố đạt chuẩn làng, khu phố văn hoá được cấp huyện công nhận, trên 90% cơ quan, đơn vị đạt cơ quan văn hoá. Tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, từng bước tạo thói quen, nếp sống vì môi trường xanh, sạch đẹp. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Các đô thị và điểm công nghiệp tập trung được xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường Việt Nam. Đến năm 2010, tỷ lệ dân số ở thành thị dùng n­ước hợp vệ sinh đạt 100% và ở nông thôn đạt 95%, đến năm 2020 là 100%; Tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt 75% năm 2010 và 100% vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2020, huyện tập trung phát huy tối đa lợi thế về đất đai, khai thác mọi tiềm năng về lao động và các nguồn lực khác trong nông nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển nông nghiệp, chuyển sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với xu thế đô thị hóa, tiềm năng sẵn có của huyện và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Đẩy mạnh việc hình thành các cụm, điểm công nghiệp, coi đây là khâu đột phá trong việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sạch phù hợp với địa phương, hạn chế ô nhiễm và đảm bảo vệ sinh môi trường. Các ngành ưu tiên cụ thể là: sản xuất đồ mộc dân dụng, dệt may, điện tử, cơ khí… Phát triển đồng bộ các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Cùng với việc phát triển mạnh thị trường hàng hoá, dịch vụ và thị trường sức lao động, cần từng bước phát triển vững chắc thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ, khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty bảo hiểm mở chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn, nhằm tạo ra thị trường dịch vụ tài chính “mở”; phát triển thị trường bất động sản, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản gắn liền với đất, làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn vốn cho phát triển. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá trong việc giải quyết việc làm, tạo môi trường khuyến khích người lao động học tập, nâng cao trình độ và tay nghề, đẩy mạnh các hoạt động hội chợ, dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các chương trình dự án, biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề và tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm cho nông dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục ở các cấp học, bậc học và trình độ đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, thực hiện khuyến học, khuyến tài. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đủ vế số lượng, giỏi về trình độ chuyên môn, đồng thời chú trọng giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh; đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã. Chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; bảo vệ tác quyền, tác giả, chống các hoạt động sao chép lậu, phát hành trái phép bản quyền.

Những lợi thế, tiềm năng của huyện

Lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và hệ thống giao thông

Hiệp Hòa là huyện trung du có diện tích tự nhiên 201.120km2, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có 25 xã, thị trấn, cách thành phố Bắc Giang 30 km và cách thủ đô Hà Nội 50 km theo đường bộ. Phía Đông Bắc giáp huyện Tân Yên, phía Đông giáp huyện Việt Yên, phía Nam giáp vùng đồng bằng châu thổ Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh, phía Tây Nam giáp huyện Sóc Sơn của Hà Nội, phía Tây Bắc giáp các thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên là những khu vực phát triển kinh tế năng động trong nước.

Đường bộ của Hiệp hòa khá thuận tiện, các tuyến chính đã được giải nhựa như: quốc lộ 37 từ Đình Trám qua Thắng (huyện Hiệp Hòa) dài 17 km), tỉnh lộ 295 Đông Xuyên – Thắng lên Cao Thượng (đoạn qua huyện dài 20 km), đường 296 nối Thắng qua cầu Vát tới phố Nỉ (đoạn qua huyện dài 9,5 km). 100% các tuyến đường huyện quản lý, trên 81% đường trục xã, trên 80% đường trục thôn, trên 61% đường ngõ xóm và trên 22% đường giao thông nội đồng đã cứng hóa thuận lợi cho lưu thông vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt Cầu Mai Đình – Đông Xuyên, cầu treo Hà Châu đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ khởi công dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn nối đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường vành đai IV. Hệ thống giao thông tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp từ nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và vốn mục tiêu xây dựng các xã ATKII, vốn huy động từ đấu giá quyền sử dụng đất, và vốn nhân dân đóng góp…

Dòng sông Cầu có chiều dài 50 km ôm lấy phía Tây và phía Nam của Hiệp Hòa có giá trị kinh tế rất lớn, tạo luồng chuyên chở khách và hàng hóa khá thuận tiện. Nước của dòng sông Cầu qua hệ thống mương máng được xây dựng từ thời Pháp và ngày càng hoàn thiện, cải tạo và nâng cấp phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu và phát triển kinh tế của huyện. Sông Cầu bồi đắp phù xa màu mỡ cho các soi bãi ven sông và có trữ lượng cát sỏi hàng triệu mét khối cung cấp cho các công trình xây dựng.

Lợi thế về văn hóa và con người

Tính đến 31/12/2016, dân số toàn huyện: 227.069 người; đông dân thứ 2 trong tỉnh, số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 44,8% dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 49,2%. Hiệp Hòa là vùng đất cổ, có con người đến định cư từ rất sớm, có truyền thống lịch sử văn hóa, khoa bảng và truyền thống cách mạng bất khuất kiên trung, cần cù, sáng tạo. Trên địa bàn huyện có 687 di tích lịch sử văn hóa bao gồm đình, chùa, lăng mộ và nghè, trong đó 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 110 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Những di tích tiêu biểu trong huyện như quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Y Sơn, hệ thống các lăng đá, đình Lỗ Hạnh, cụm di tích lịch sử văn hóa cách mạng ATKII. Ngoài ra Hiệp Hòa còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú phục vụ cho việc phát triển du lịch với trên 80 lễ hội từ cấp thôn đến cấp xã.

Lợi thế về kinh tế – xã hội, an ninh chính trị

Kinh tế – xã hội của huyện những năm qua luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; Các biện pháp thu hút đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của huyện được triển khai đồng bộ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư.

Khu công nghiệp Hòa Phú được triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng; cụm Công nghiệp Hợp Thịnh, Đoan Bái vẫn còn quỹ đất thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn; Cụm công nghiệp Thanh Vân – Hoàng An, Cụm công nghiệp Việt – Nhật đang hoàn thiện các thủ tục trình thẩm định, phê duyệt theo quy định các đồ án tiết xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Diện tích đất canh tác trên địa bàn huyện đang thực hiện có hiệu quả chủ trương dồn điền, đổi thửa, tính đến năm 2016 diện tích dồn điền đổi thửa toàn huyện là 2.318ha, chiếm 9,2% tổng diện tích gieo trồng. Thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa và biện pháp canh tác hiện đại, đặc biệt tạo thuận bước đầu cho tích tụ ruộng đất thực hiện các dự án quy mô lớn và hiện đại.

Chợ Trung tâm huyện đang được xây dựng theo tiêu chuẩn chợ hạng II, 17 chợ nông thôn đang có nhu cầu chuyển đổi, đầu tư phù hợp với phương thức kinh doanh dịch vụ hiện đại.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện có truyền thống đoàn kết, thống nhất, tích cực đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành; tình hình chính trị – xã hội trên địa bàn ổn định; những thành tựu, kinh nghiệm đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 cùng với nguồn lao động dồi dào, cần cù, sáng tạo, năng lực thực tiễn và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới.

*Hướng khai thác hiệu quả nhằm tạo động lực thu hút đầu tư gắn, với giải quyết việc làm

Với quyết tâm trong giai đoạn 2016-2020, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Hiệp Hoà trở thành trung tâm động lực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thành lập thị xã Hiệp Hòa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm phát triển kinh tế – xã hội vững chắc, tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Theo đó, trọng tâm là cải thiện môi trường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, ưu tiên công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của huyện về nhân lực, tài nguyên, vị trí địa lý… thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp, chấn chỉnh lề lối tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Huyện ủy, HĐND huyện đã ban hành các nghị quyết, UBND huyện đã cụ thể hóa thành các kế hoạch và chỉ đạo thực hiện như Kế hoạch số 23-KH-HU ngày 26/8/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 46/NQ-HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý của người đứng đầu; Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020; Nghị quyết số 39/NQ-HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB thực hiện các dự án; Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị 03-CT/HU ngày 10/6/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, thu gom, xử lý rác thải và sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020 …

Hiệp Hòa phát triển tiềm năng du lịch

iệp Hòa là vùng đất cổ, có con người đến định cư từ rất sớm, có truyền thống lịch sử văn hóa, khoa bảng và truyền thống cách mạng bất khuất kiên trung, có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, do đó trong những năm qua huyện Hiệp Hòa đã chú trọng đến tiềm năng phát triển du lịch.

Tính đến nay, toàn huyện có 687 di tích lịch sử văn hóa bao gồm đình, chùa, lăng mộ và nghè, trong đó 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 110 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Những di tích tiêu biểu trong huyện như quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Y Sơn, hệ thống các lăng đá, đình Lỗ Hạnh, cụm di tích lịch sử văn hóa cách mạng ATKII. Ngoài ra Hiệp Hòa còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú phục vụ cho việc phát triển du lịch với hơn 80 lễ hội từ cấp thôn đến cấp xã.

Lễ hội bơi chải xã Mai Đình

Trong những năm qua, Hiệp Hòa đã chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân, đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong thực hiện chủ trương phát triển du lịch của huyện. Đồng thời tăng cường việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên môi trường và hoạt động của các khách sạn, nhà nghỉ; Xây dựng cơ chế ưu đãi cho đầu tư phát triển du lịch; Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào khảo sát, đầu tư tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử văn hoá, các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, cơ sở hạ tầng… Huyện đã tập trung phát triển du lịch thông qua việc quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù vật thể và phi vật thể đó là các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các loại hình nghệ thuật đặc sắc như ca trù, các món ăn nổi tiếng như bánh trưng Hoàng An, Hoàng Vân, trám đen Hoàng Vân, gỏi cá ở một số xã ven sông Cầu, các phong tục tập quán đẹp như: Kết chạ xã Hương Lâm, Mai Đình; thờ Thành Hoàng làng, một số lễ hội truyền thống như lễ hội Y Sơn, tung hoa, bơi chải làng Mai – Tiếu xã Mai Đình. BCĐ phát triển du lịch huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trong quá trình lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với các khu dịch vụ để phát triển du lịch nhằm khai thác hiệu quả du lịch trong tương lai.

Trám đen Hoàng Vân- một trong những đặc sản của Hiệp Hòa

Để phát huy tiềm năng du lịch, thời gian qua huyện Hiệp Hòa đã lập dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông tới một số khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch của huyện. giới thiệu một số tour; cung cấp thông tin về lịch sử các di tích tiêu biểu được xếp hạng cấp Quốc gia; các lễ hội đặc sắc và các sản vật của huyện; Khuyến khích việc phát triển các làng nghề truyền thống, các vùng sản xuất rau, trái cây chất lượng cao và đặc trưng để phục vụ du lịch. UBND huyện đã đầu tư xây dựng 2 loại hình du lịch chính gồm du lịch văn hoá tâm linh và du lịch sinh thái, với các tour đặc trưng gắn với các di tích lịch sử văn hóa, như Nhà trưng bày truyền thống ATKII – Đình chợ Vân- Đình Vân Xuyên- Đền Soi – nhà cụ Ngô Văn Thấu- Ngô Văn Chế- Nguyễn Văn Đông(tại 02 xã Hoàng An và Hoàng Vân); Quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Y Sơn gắn với lễ hội truyền thống Y Sơn xã Hòa Sơn; Hệ thống các lăng đá: Lăng Bầu, lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ, lăng họ Trần, lăng Vân Cẩm tại các xã Xuân Cẩm, Đức Thắng, Thái Sơn, Lương Phong, Đông Lỗ; Đình Lỗ Hạnh- di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia được mệnh danh “đệ nhất Kinh Bắc”gắn với nghệ thuật hát ca trù của người Hiệp Hòa. Với việc xây dựng các tour du lịch đặc trưng đã thu hút khách đến thăm quan, dụ lịch tăng lên theo các năm.

Đình Lỗ Hạnh- Đệ nhất Kinh Bắc sau khi đã được trùng tu

Được biết, huyện tiến hành lập quy hoạch phát triển du lịch làm căn cứ phân định quỹ đất dành cho hoạt động này, từ đó xây dựng các đề án, công trình phục vụ du khách. Giai đoạn đầu, xác định trọng tâm là đầu tư cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông dẫn tới một số khu, điểm du lịch lăng đá. Đề xuất đăng cai một số hoạt động văn hóa, thể thao cấp tỉnh nhằm thu hút du khách và qua đây tạo điều kiện để tuyên truyền, quảng bá du lịch. Cùng đó, sớm đặt các cụm pano lớn về chỉ giới hành chính và du lịch ở những trục đường chính nhằm quảng bá tiềm năng của huyện. Về lâu dài, địa phương xây dựng quy hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch của huyện; Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu điểm du lịch; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý du lịch, tạo điều kiện cho cán bộ bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh, hướng dẫn viên. Khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, các vùng sản xuất đặc sản như trám đen, bánh chưng, lụa tơ tằm và trái cây chất lượng cao…