Khi cần dung thuốc để giảm dị ứng, chúng ta thường nghĩ đến thuốc kháng histamin đầu tiên. Vậy nhóm thuốc này có cơ chế ra sao, sử dụng thuốc như thế nào là hợp lý?
1. Histamin là gì?
Histamin là chất trung gian có vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng. Đích tác động của histamin trong cơ thể bao gồm thụ thể histamin H1 (có ở nhiều loại tế bào khác nhau như ở cơ trơn hô hấp, mạch máu, các bạch cầu …) và thụ thể H2 (có ở tế bào thành dạ dày). Khi các tác nhân dị ứng xâm nhập cơ thể, histamine được phóng thích tác động lên thụ thể H1 gây ra phản ứng dị ứng (phù nề, viêm, ngứa, phát ban, co thắt khí quản …). Còn khi tác động lên thụ thể H2, histamin gây tăng tiết acid dịch vị, nếu quá mức có thể gây viêm loét dạ dày.
2. Các loại thuốc kháng histamin
Các thuốc kháng histamin là chất đối kháng cạnh tranh với histamin tại thụ thể tương ứng. Tùy vào sự đối kháng diễn ra trên thụ thể H1 hoặc H2 mà ta chia thuốc kháng histamin làm 2 loại: một là thuốc kháng histamin H1 có tác dụng chống dị ứng và hai là thuốc kháng histamin H2 giúp giảm tiết acid dạ dày. Trong điều trị dị ứng, thuốc kháng histamin H1 thường là lựa chọn đầu tay và an toàn, trong khi thuốc kháng histamin H2 dùng để giảm tiết acid, điều trị viêm loét dạ dày.
2.1 Thuốc kháng histamin H1
Hiện có nhiều loại thuốc kháng histamin H1 có nhiều loại trên thị trường bao gồm 2 nhóm chủ yếu là thuốc thế hệ 1 và thuốc thế hệ 2.
Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1: gồm các thuốc như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzin… Đây là các kháng histamin cổ điển, ra đời từ những năm 1930. Các thuốc thế hệ 1 qua được hàng rào máu não nên có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Thời gian thuốc tác dụng ngắn nên người dùng phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.
Thuốc kháng histamin thế hệ 2: gồm những thuốc như loratadin, cetirizin, fexofenadin … Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 ít tác dụng phụ gây buồn ngủ hơn thuốc thế hệ 1 nên được sử dụng rộng rãi hơn trong điều trị.
2.2 Thuốc kháng histamin H2
Thuốc kháng histamin H2 điển hình như cimetidin, famotidin, ranitidin … được dùng trong điều trị loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc bao gồm tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt … Tuy nhiên, các phản ứng này là hiếm xảy ra và thuốc được xem là an toàn cho phần lớn người dùng thuốc.
3. Sử dụng thuốc kháng histamin H1 như thế nào?
Các thuốc kháng histamin H1 được chỉ định trong điều trị phản ứng dị ứng cấp và mạn tính với các triệu chứng như: sổ mũi, nổi ban đỏ, mẩn ngứa, mề đay. viêm da dị ứng…
Tuy nhiên, thuốc kháng histamin chỉ giúp làm giảm triệu chứng, không làm thay đổi căn nguyên của bệnh nên việc xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng (như phấn hoa, khói bụi, thức ăn, các loại thuốc, mỹ phẩm khác…) mới giúp bệnh được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc tìm căn nguyên gây bệnh cần phải có sự am hiểu và thăm khám của bác sĩ điều trị để có hiệu quả tốt nhất.
Trong trường hợp bệnh nhân dị ứng nặng (như sốc phản vệ), histamin được giải phóng ồ ạt, chỉ dùng thuốc kháng histamin H1 không thể giải quyết được mà phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cấp cứu để được cứu chữa thích hợp.
Bên cạnh đó, một số thuốc thuộc thế hệ 1 cũng được dùng làm thuốc chống say tàu xe do có tác dụng gây ngủ, an thần nhẹ, giúp giảm nhẹ tình trạng rối loạn tiền đình, chóng mặt và buồn nôn.
4. Điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin H1
Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 có tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như gây buồn ngủ, mất tập trung, chóng mặt, do vậy không nên sử dụng khi đang lái tàu xe, làm việc trên cao, vận hành máy móc hoặc những công việc cần sự tỉnh táo. Các thuốc thế hệ 1 còn có phụ gây khô môi, táo bón, nhịp tim nhanh, bí tiểu khi dùng lâu dài. Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 ít gặp các tác dụng phụ kể trên hơn thuốc thế hệ 1.
Tóm lại, thuốc kháng histamin H1 có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng do dị ứng như ngứa ngáy, chảy mũi …. Các thuốc này có vai trò lớn trong điều trị các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng và mày đay. Có lịch sử lâu đời và tính an toàn được chứng minh qua nhiều năm, các thuốc kháng histamin là những thuốc không kê đơn được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp